Saturday, May 18, 2019

Tự do đích thực (phần 1)

Tự do đích thực (phần 1)
[Personal Development - #WEGREEN]


Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số chúng ta, những người không ngừng nghỉ đòi hỏi quyền tự do được làm theo ý nguyện của mình, có được sự tự do đích thực? Chúng ta, không ít thì nhiều, đều bị ràng buộc, bởi chúng ta sợ mất mát. Không phải quyền thế hay việc bị chèn ép, chính nỗi sợ mất mát là kẻ thù số Một của tự do. Trong cả cuộc đời, chúng ta sợ làm sai, sợ bị lên án, bị chỉ trích, bị miệt thị, bị số đông xa lánh. Kết quả, chúng ta cho đi quyền tự do của mình quá dễ dàng, không tính toán.

Suốt đời phần đông chúng ta là một cuộc sống mòn. Chúng ta học hỏi, chúng ta bắt chước, chúng ta nghĩ theo người khác, làm theo người khác và nói theo người khác. Chúng ta hoan hô, chỉ trích và tụng xưng. Chúng ta ĐÒI HỎI NGƯỜI KHÁC CHO MÌNH QUYỀN TỰ DO, MÀ KHÔNG HAY BIẾT CHÚNG TA ĐANG TỰ CẦM CỐ CHÍNH MÌNH.

Chẳng phải nhà tù hay xiềng xích nô lệ, chẳng phải những kẻ độc tài và những tên bạo chúa, bi kịch của đa số mọi người là bị cầm cố trong cái nhà ngục tư duy của chính mình. T.Bainville nói một cách trào lộng về những kẻ coi tù ngục đồng nghĩa với sự mất tự do: „Ở trong tù ta mới thật có đủ thời giờ. Nơi đây, một ngày với ta là có đủ hai mươi bốn tiếng đồng hồ (...) Ta lại được hưởng cái đặc ân này, là những kẻ tọc mạch, những thằng phá rối, những kẻ mà ta không muốn tiếp không thể gặp mặt ta được. Đâu phải ta ở tù bên trong, mà chính bọn chúng đang ở tù bên ngoài“. Thật là một lời cái tát dành cho những kẻ chỉ hiểu tự do một cách hẹp hòi là tự do thể xác.

Tôi không biết đã có bao nhiêu người từng một lần nhận ra cái nhà ngục tư duy này. Ở trong các nhà trường, chúng là kiến thức sách vở. Ở trong các tu viện và các tôn giáo, chúng là các thứ kinh sách giáo điều. Ở trong xã hội, chúng là các quy tắc luân lý. Chúng ta đã ở xa cái thời người ta ôm củi thiêu sống Bruno vì nói ngược lại Kinh Thánh, nhưng con người hiện đại vẫn không thay đổi là bao. Chúng ta phê phán những kẻ có lối sống khác mình, tư tưởng và cách sống khác mình. Chúng ta chụp lên đầu họ cái mũ „không đạo đức“, „vô văn hóa“, những từ ngữ giáo điều và cô lập họ với xã hội, và tự lừa dối mình bằng những mỹ từ cao đẹp,

Nếu bạn để ý trong cuộc sống thì bạn ắt phải nhận ra một quy luật thế này: Càng cưỡng ép cái gì quá đà thì càng mang đến những hậu quả ngược lại (gọi là luật nỗ lực đảo nghịch – the law of reserve effort). Có bao nhiêu kẻ chỉ bởi vì quá mong mỏi hướng người đời đến những thứ họ nghĩ rằng tốt đẹp mà rồi trở thành vô cảm, nhẫn tâm, bất chấp nghĩa lý mà không hay. Ở tầm rộng hơn, nó trở thành bi kịch của một cộng đồng. F.Hölderlin nói rất chí lý: Sở dĩ người ta đã biến một quốc gia thành địa ngục là bởi người ta đã cố quá sức biến quốc gia đó thành một cõi thiên đàng. Cái lợi, dù là có lý, hay ho đến đâu, cũng không thể dùng để cưỡng ép người khác.

Như tôi từng trích dẫn câu nói của Tam Tổ Tăng Xán của Thiền Tông, cái tâm bệnh lớn nhất của loài người là đem cái mình thích để chống lại những gì mình không ưa thích. Loài cá lạc lên cạn thì chết mà các loài trên cạn xuống nước cũng không sống nổi. Cái thích của người này người kia có thể ghét. Cái lợi của người này với người kia có thể có hại. Chính vì cái ước muốn của con người, bắt mọi người phải thích cùng một điều, yêu cùng một thứ, cùng có một cái nhìn mà nhân loại đã trải qua bao nhiêu cuộc tương tàn binh lửa, có bao nhiêu cõi địa ngục trần gian.

Tôi đang nói rằng, tự do không thể có được bằng ban phát, càng không thể có được qua cưỡng cầu hoặc là bắt ép. Một bài viết trước đây nói rằng: Tự do nghĩa là bạn được quyền làm bất cứ điều gì, miễn là điều đó không làm tổn thương đến người khác. (Tiện đây tôi cũng xin trích dẫn lại câu nói của J.Mill: „Tự do của một người bị giới hạn trong tự do của người khác“). Tôi định nghĩa đơn giản rằng tự do phải bắt đầu bằng sự thức tỉnh: Anh nhận thức được thế giới đang diễn ra xung quanh, anh hiểu được cách thế giới vận hành, anh hiểu được căn nguyên cội rễ của những gì diễn ra trước mắt. Và do vậy anh không còn lòng tham, cũng không còn muốn thay đổi cuộc đời như ý muốn, anh cũng không tạo ra một bảng giá trị nào khác thay cho những bảng giá trị mà anh vừa mới đập bỏ, để sống dựa vào.

Những người tự do nhất mà tôi biết, là những người hoàn toàn tự do với ý thức của họ. Họ không bận tâm đến những vấn đề đúng hay sai, họ không thắc mắc tại sao một việc phải diễn ra như thế này mà không phải thế khác. Họ không do dự, không phân vân, không hối hận, và do vậy cũng không tuyệt vọng, đau đớn hay qụy lụy, họ hoàn toàn tự do về mặt tư tưởng – tinh thần và xuôi theo dòng chảy liên tục của cuộc sống. Đó là lối sống mà Heraclitus đã nhắc tới trong câu cách ngôn nổi tiếng: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.

Không phải xiềng xích hay ngục tù, mà chính sự mất tự do về tư tưởng hoặc về tinh thần, sự yếu đuối bất lực làm con người gục ngã. Do vậy mà các nhà độc tài, những tên bạo chúa, những kẻ cai trị hà khắc rất sợ những người có được sự tự do tinh thần. Xiềng xích không trói nổi họ, ngục tù không giam cầm nổi tâm trí họ, tất cả những biện pháp tàn nhẫn nhất không làm họ quỵ lụy đớn hèn. Còn sức mạnh nào lớn hơn thế?

(còn nữa)
---------------------------
Bài viết: [Admin K]
Hình ảnh: [Admin TKN]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

#WegreenVietnam#PesonalDevelopment#PhatTrienCaNhan#tudo

No comments:

Post a Comment