[Personal Development - #WEGREEN]
Có nhiều khi sự xô bồ vốn có của cuộc sống khiến con người luôn phải bận rộn với những lo toan thường ngày: Đó là trách nhiệm về cơm áo gạo tiền cho cho bản thân gia đình. Đó là nỗi lo điểm chác, về việc làm, về tiền bạc của sinh viên. Đó là nỗi nhớ người thương hay sự ghen tuông của kẻ đang yêu. Hay đó là những lo lắng của phụ huynh cho tương lai của con em mình…
Luôn bận bịu với những toan tính của mình là thế, nhưng đến khi có thời gian nghỉ ngơi, ta cũng chẳng thực sự được hưởng thụ một cách trọn vẹn: sự thật bộ não vẫn phải tiếp tục gồng mình lên làm việc khi ta cố giết thời gian bằng mạng xã hội, đi chơi với bạn bè, đi du lịch… Đành rằng, những sự nghỉ ngơi ấy là cần thiết, bởi vì nó giúp ta tạm thời quên đi những gánh nặng đời thường. Nhưng đó chẳng phải là sự thư giãn thực sự, vì những nỗi lo toan của ta vẫn luôn ở đó, lúc ẩn, lúc hiện và sẵn sàng cướp đi niềm vui của ta bất kỳ lúc nào.
Cứ thế, chúng ta bị cuộc sống cuốn phăng đi lúc nào không hay, rồi tuổi trẻ chợt đi qua, để đến khi nhìn lại ta chợt giật mình suy nghĩ và nuối tiếc. Đã bao giờ ta tự hỏi mình rằng mục đích của những việc ta đang làm là gì chưa? Đó chẳng phải là một sự nỗ lực cho hạnh phúc sao. Vậy ta nên tiếp tục tự hỏi mình, vậy HẠNH PHÚC LÀ GÌ? Liệu cái thứ mờ ảo chỉ ở tương lai ấy có bền vững, và có thực sự xứng đáng để mình phải bỏ ra biết bao nhiêu công sức và toan tính, thậm chí đánh mất bản thân vì nó không? Đã có bao nhiêu lớp người gồng mình lên để cố gắng giành giật, rồi níu giữ nó, nhưng thực sự họ có hạnh phúc?
Hạnh phúc là trạng thái hoan hỉ, hay bình thản đón nhận cảm xúc, bao gồm cả cảm xúc tích cực như thoả mãn khi đạt được mục tiêu, niềm kiêu hãnh khi ta nhận ra điểm mạnh của mình, và cả cảm xúc xấu như cô đơn, cho đến khủng hoảng. Hạnh phúc trong cuộc sống đa dạng, muôn hình muôn vẻ, nhưng có thể chia thành hai loại chính: hạnh phúc bị điều kiện hóa, và hạnh phúc của sự bình yên sâu thẳm đến từ nội tâm.
HẠNH PHÚC BỊ ĐIỀU KIỆN HÓA vốn là thứ cảm xúc được thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Maslow, loài người có vô số nhu cầu khác nhau, nhưng có thể tạm chia thành các loại sau theo thứ tự tăng dần: Nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu công nhận, nhu cầu được tôn trọng, và nhu cầu tự khẳng định bản thân mình (http://bit.ly/1aU8zkl).Tính chất của các loại cảm giác này là càng lên cao, thì các nhu cầu càng khó được đáp ứng hơn, nhưng nếu được đáp ứng, thì cảm xúc nhận lại sẽ càng sâu sắc và càng bền lâu hơn. Ta có thể dễ dàng nhận thấy cảm giác khi được ngủ nướng, vốn để thỏa mãn nhu cầu sinh lý bậc thấp, không tồn tại lâu và để lại nhiều dư âm. Còn cảm xúc sung sướng của một nhà toán học giải được một bài tập hóc búa sau nhiều ngày sẽ sâu sắc và bền vững hơn nhiều. Dẫu cho anh ta đã phải vất vả suy nghĩ, thậm chí là hành hạ mình trong chừng ấy thời gian.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn để ý: hạnh phúc có được người mình yêu thường tan biến sau vài ba năm, hạnh phúc có được công việc như ý thường bị lãng quên vài tháng, phúc có được ngôi nhà mới chỉ kéo dài vài tuần, hạnh phúc được công nhận thường chỉ kéo dài vài tiếng… Có thứ hạnh phúc nào được mãi mãi đâu. Để rồi sau những cảm xúc thỏa mãn, con người ta lại nhanh chóng rơi vào tình cảnh lạc lõng, phải cố tìm cho ra một thứ gì đó ở tương lai đề làm động lực cho mình đi tiếp, mà quên đi việc đặt câu hỏi sao nó lại ngắn ngủi quá.
Từ tuệ giác của mình, Phật tổ đã chỉ ra bản chất của thế giới là không có thứ gì là vĩnh cửu cả. Có sinh thì có diệt, vì thế nên có những thứ hôm nay có thể làm cho ta thích thú, nhưng tương lai ta lại có thể nhàm chán với nó vào bất kỳ lúc nào. Và bởi vì loại hạnh phúc này thực chất là CẢM XÚC, mà cảm xúc cũng có số phận tương tự, nó đến, rồi đến một lúc nó sẽ lại bỏ ta mà đi một cách nhanh chóng, để lại một sự hụt hẫng đến xót xa.
Ngoài ra, bản chất của con người là luôn mưu cầu hạnh phúc, nên ta sẽ cố gắng bảo vệ hạnh phúc của mình bằng nhiều cách khác nhau. Mà đỉnh điểm của nó chính là sự nô lệ cho cái hạnh phúc đã bắt đầu nhạt nhòa của mình. Khi đó, ta đánh mất hạnh phúc bởi vì lòng tham lam muốn giữ nó mãi bên mình. Người ta gọi nó là triết lý mâu thuẫn của hạnh phúc: Đó là khi mà không chỉ người nghèo cũng khổ, cả người giàu cũng khổ nốt. Người nghèo khổ vì thiếu thốn, vì sự ghen tỵ với cái giàu của người khác thì đã đành. Vậy mà người giàu cũng phải khổ, khổ vì nỗi sợ hãi bị mất cái giàu ấy bất kỳ lúc nào, vì bị ghen tỵ, và sợ vì bị mất mất cái nhãn người giàu thì lại mất sĩ diện với người ngoài. Đó là khi rồi sau đó khi tình yêu đi qua, người trong cuộc toàn phải tự động viên mình vì con cái, vì cái nghĩa, vì sĩ diện nên phải cố gắng bằng mọi giá giữ gìn bằng được hôn nhân, nên đã phải sống trong đau khổ. Hạnh phúc lại trở thành bi kịch, oái ăm thay!
Vũ trụ vốn vận hành tuân theo luật đối lập: có âm thì sẽ có dương, có sự sống thì sẽ có cái chết, và có hạnh phúc thì sẽ có khổ đau. Hạnh phúc và khổ đau luôn đi chung với nhau như hình với bóng. Những cảm xúc ở giữa, thì thường được con người ta đánh đồng với từ ‘chán’. Bởi thế hạnh phúc trên thế gian vừa ngắn ngủi lại vừa ít ỏi cho loài người. Vì lẽ đó, nên đã có nhiều người mất niềm tin vào hạnh phúc cuộc sống sau bao nhiêu năm rong ruổi kiếm tìm.
Loại hạnh phúc thứ hai đó là HẠNH PHÚC CỦA SỰ BÌNH YÊN SÂU THẲM của nội tâm. Trái ngược với loại trên, hạnh phúc này vô điều kiện, hoặc gần như vô điều kiện. Loại hạnh phúc này có được khi con người ta bắt đầu khám phá ra tự do nội tại, đồng thời nuôi dưỡng nó. Ban đầu, ta có một hệ thống tư duy duy lý đủ mạnh để loại bỏ hết định kiến, hay những thứ vốn là lý trí của kẻ khác. Tiếp đến, khi chất lượng nhận thức (consciousness) tăng dần, ta có thể hóa giải được những cảm xúc tiêu cực, hay loại bỏ đi được những nhu cầu không cần thiết. Loại hạnh phúc này không hẳn tách biệt với loại một, thực tế, những những xúc cảm sẽ được nhìn nhận ở mức sâu hơn.
Khi còn đang nông cạn, thì trạng thái tâm lý cực kỳ dễ bị tác động mạnh từ các điều kiện bên ngoài. Khi đó, ta dễ dàng bị cơn giận, vốn là sản phẩm của vô thức, chiếm lấy quyền điều khiển bản thân. Trong trạng thái thiếu kiểm soát đó, ta thường đổ lỗi hết cho đối tượng, và tìm mọi cách để dạy cho họ một bài học cho bõ tức. Hậu quả là : “Chưa đánh được người, mặt đỏ như gang. Đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ” như các cha ông ta vẫn thường mỉa mai và dạy dỗ con cháu mình. Khi đã vững, sóng gió từ cuộc sống chỉ như là gia vị, làm cho nó thêm màu sắc. Hãy thử tưởng tượng xem sự khác biệt khi bạn đang ở độ sâu một mét từ mực nước biển, và khi bạn đã ở đáy đại dương. Những ngọn sóng chính là thử thách. Nếu lúc còn ở vùng cạn, chúng thật đáng sợ biết bao khi ta dễ dàng bị chao đảo. Nhưng khi xuống sâu rồi, thì chúng vô hại hoặc giảm tác hại tùy theo độ sâu. Trong trường hợp cơn giận, người sở hữu tự do nội tại ít nhiều đã có kỹ năng để chế ngự nó. Họ có đủ tầm nhận thức (consciousness) để biết được lỗi phần nhiều là từ mình. Đó có thể là từ những thành kiến đối với đối tượng từ quá khứ bám rễ ở trong vô thức: “Thương nhau tương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Hay có khi do không nhận ra được chính mình đang bám víu một cách cảm tính vào một cái nhãn nào đó. Sau khi đã quan sát cơn giận nhiều lần, họ đưa nó từ bóng tối của vô thức ra ánh sáng của sự tỉnh thức và chuyển hóa dần.
Tự do nội tại sẽ càng mạnh mẽ khi chất lượng của nhận thức tăng lên. Dần dần, ta sẽ chiến thắng những mảng tối của chính mình, vốn ẩn náu ở tâm vô thức, sẽ có một khoảng không gian mênh mông của sự tự do và sở hữu đời sống tinh thần phong phú. Con người sẽ sống với nhau bằng cái ‘lòng thiện’ của mình, sẽ nhận ra biết bao tài sản vô giá mà mình đang sở hữu, đồng thời biết chân quý và nâng niu chúng: “hạnh phúc lớn nhất là cảm giác mình đang sống. Cảm giác đó bao gồm cả vị ngọt và vị đắng. Nó xuất phát quan hệ với những người thân thiết, bạn bè, công việc và xã hội, từ miếng cơm ta ăn, từ miếng nước ta uống, từ không khí ta đang thở.” – như giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng chia sẻ. Mà đỉnh cao của nó, trong tâm ta không còn những xáo động, không còn phải phân biệt khái niệm hạnh phúc khổ đau nữa. Đó là hạnh phúc tuyệt đối - hạnh phúc mà Phật tổ, Lão tử hay các bậc thánh hiền ngày xưa đã đạt đến, và truyền lại cho hậu thế ngày nay.
Loại hạnh phúc này không hẳn là chỉ có khi một người đạt được tự do nội tại. Trong trường hợp này, cái cảm giác ấy không bền vững. Có nhiều người sau khi trải qua một sóng gió quá lớn, chợt giật mình nhìn lại, và cảm nhận được một sự bình yên từ sâu thẳm tâm hồn. Họ thầm nghĩ mình đã trường thành hơn, và đã bước qua một ngã tươi sáng hơn của cuộc đời. Nhưng rồi một thời gian sau họ lại nhanh chóng nhàm chán và lại bị chính cái tham vọng thỏa mãn nhu cầu của mình đưa đẩy đi lang bạt tiếp.
Vậy nên nếu bạn có đang khủng hoàng, nếu bạn có đang mất mát, nếu bạn có đang mất niềm tin vào hạnh phúc và tương lai thì chớ vội nản. Bởi vì trong cuộc sống này có luôn một thự hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ bạn khám phá: Đó là hạnh phúc của sự bình yên và vững chãi đến từ sự tự do nội tại.
Các bạn có thể tham khảo thêm về tự do ở đây:
http://www.giapvan.net/
http://tiasang.com.vn/
***
Tài liệu tham khảo
1. Wikipedia, Tháp nhu cầu của Maslow, [https://vi.wikipedia.org/
2. Minh Niệm, Hiểu về trái tim, [http://hieuvetraitim.org/
--------------------------
Bài viết và hình ảnh: [Admin TAR]
Bản quyền © Wegreen Vietnam
#WegreenVietnam, #PersonalDevelopment, #PhatTrienCaNhan, #hanhphuc, #happiness, #tudo
No comments:
Post a Comment