Saturday, May 18, 2019

BÍ MẬT CỦA SỰ SÁNG TẠO

BÍ MẬT CỦA SỰ SÁNG TẠO
[Personal Development - #Wegreen]


Sáng tạo là gì? Tại sao một số người – mà chúng ta gọi họ là thiên tài, lại có rất nhiều ý tưởng? Đâu là bí mật của họ?

Michael Michalko là chuyên gia về sáng tạo nổi tiếng của thế giới, ông đã nghiên cứu và phân tích cách thức tư duy của hàng trăm thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại như: Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Thomas Edison, Charles Darwin và Einstein….

Và đây là điều mà ông đã tìm ra: các thiên tài chỉ khác người thường ở chổ họ TẠO RA NHIỀU THỨ HƠN.

Ví dụ như Thomas Edison, chúng ta đều biết rằng ông đã tạo ra bóng đèn. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết là để có được nó, Edison đã xây dựng 3000 quan điểm khác nhau về chiếu sáng điện, thực hiện 9000 thí nghiệm để tạo ra bóng đèn… Và ngoài bóng đèn ra, ông còn sở hữu 1093 bằng sáng chế khác tại Hoa Kỳ – một con số khủng khiếp. Mozart sáng tác hơn 600 bản nhạc; Einstein được biết đến với Thuyết tương đối nhưng ông còn công bố 248 công trình khác. Shakespeares viết hơn 154 bài sonnet. Một số là kiệt tác, còn lại không khá hơn những bài thơ bình thường khác, số còn lại khá tệ. Thực tế, những nhà thơ lớn sáng tác nhiều bài thơ dở hơn những nhà thơ bình thường.

Nhưng làm sao họ có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng như vậy? Dưới đây là chính là những nguyên tắc cơ bản trong quá trình tư duy của các thiên tài:


1. ĐỪNG VỘI VÀNG PHÁN XÉT KHI PHÁT TRIỂN Ý TƯỞNG

Khi tìm kiếm ý tưởng dù một cá nhân hay là một nhóm, điều thiết yếu là không được nhận xét, đánh giá hay chỉ trích khi ý tưởng được tạo ra.

Không có điều gì tiêu diệt sự sáng tạo nhanh hơn và tuyệt đối hơn sự phê phán, nhận xét.

Hãy thử nghĩ xem “Đã bao nhiêu lần bạn mất hết tự tin khi vừa nói ra một điều gì đó thì lại nhận được câu : Quên nó đi! Nó thật vô ích ở đây”. Chính những lời chỉ trích đánh giá đã tác động đến tâm lý tự ti và làm ngưng trệ hoạt động của bộ máy sáng tạo.

Không chỉ trích !

Tư duy không phán xét rất nhạy bén và linh hoạt. Ý tưởng này bật lên từ ý tưởng kia, khơi dậy những ý tưởng phụ, sự kết hợp của chúng, nhân lên gấp bội những điều có thể xảy ra. Giống như phản ứng hạt nhân, tương tác liên tục xảy ra và rồi …. BÙM !!!

Vậy điều mà chúng ta nên làm khi kích não chính là không nên làm gì cả. Hãy để cho bộ não của bạn được tự do mơ mộng, tự do bay tới những vì sao.


2. TẠO RA CÀNG NHIỀU Ý TƯỞNG CÀNG TỐT

Điều cần làm trong quá trình tạo ý tưởng là chia việc tư duy của bạn thành 2 giai đoạn: Tư duy khả năng và tư duy thực tiễn.

Đầu tiên, chúng ta nên sử dụng cách thức Tư duy khả năng - là việc tạo ra những ý tưởng ban đầu mà không có bất kỳ hình thức phán xét nào hay đánh giá nào. Dẹp qua một bên bản năng ưa chỉ trích trong con người mình. Đó là một phần tâm trí, luôn nói cho bạn biết tại sao một vài điều không thể hay có thể thực hiện được.

Hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, bao gồm cả những ý tưởng hiển nhiên hay mới lạ, mà không phê phán bất kỳ khía cạnh nào.

Khi đã tạo ra một số lượng ý tưởng tối đa. Bạn chuyển sang tư duy thực tiễn, đánh giá và chọn ra ý tưởng có giá trị nhất đối với bạn.

Để tạo ra nhiều ý tưởng thì bạn phải đưa ra mục tiêu cho chính bản thân. Ví dụ như tự đưa ra chỉ tiêu bao nhiêu ý tưởng trong vòng bao nhiêu phút. Cách làm này nếu tập luyện thường xuyên sẽ làm tăng khả năng sáng tạo của bạn.


3. LẬP DANH SÁCH NHỮNG Ý TƯỞNG:

Leonardo da Vinci có một thói quen lập danh sách và danh mục suy nghĩ của ông trong những cuốn sổ tay nhỏ mà ông luôn mang theo bên mình. Hàng ngàn trang ông viết trong các cuốn sổ này là một kho khổng lồ chứa đầy những ý tưởng sáng tạo. Chúng ta cũng nên có một cuốn sổ hay một thứ gì đó đại loại như vậy.

Luôn luôn viết hoặc liệt kê ý tưởng của mình khi tư duy. Nó giúp bạn nắm bắt các suy nghĩ và ý tưởng một cách vững vàng, tăng tốc độ tư duy, giúp bạn tập trung hơn vào vấn đề.

Ghi ra những ý tưởng bất chợt giúp chúng ta nhanh chóng nắm bắt và ghi nhớ chúng. Hãy thử nhớ lại xem đã bao nhiêu lần bạn chợt nảy ra một ý gì đó cho công việc khi đang dạo chơi ở đâu đó. Và bạn thốt lên “Wow, Yeah”. Bạn tin tưởng rằng mình sẽ nhớ nhưng thật không may cho chúng ta. Não bộ con người chỉ có thể giữ lại khoảng 5 – 9 đoạn thông tin ngắn một lúc. Nếu không được nhắc lại hoặc tập trung ghi nhớ thì sau khoảng 20 giây nó sẽ biến mất hoàn toàn.
Vậy nên cách tốt nhất là hãy viết nó ra giấy.


4. XÂY DỰNG DỰA TRÊN NHỮNG Ý TƯỞNG.

Và cuối cùng khi đã có những ý tưởng ban đầu. Bạn cần phải có kế hoạch xây dựng chúng. Hãy phát triển dựa trên những ý tưởng bằng một danh sách kiểm tra SCAMPER gồm chín quy tắc do Alex Osborn và Bob Eberle thiết lập:

S = Substitute : Có thể thay thế điều gì không?
C = Combine: Có thể kết hợp nó với cái gì khác không?
A = Adapt: Có thể thích ứng hoặc tích hợp được với những ý tưởng khác không?
M = Magnify / Modify: Có thể mở rộng, tăng cường , thêm vào hay điều chỉnh một điều gì đó không? Những thay đổi nào có thể tiến hành trong kế hoạch?
P = Put to others uses: Có thể đặt nó vào những mục đích khác, những bối cảnh hay đối tượng khác không?
E = Eliminate: Liệu có thể loại bỏ điều gì từ nó không?Nghĩ xem điều gì xảy ra nếu thu nhỏ, loại bớt một số thứ của vấn đề và ý tưởng?
R = Rearrange / Reverse: Nếu tái sắp xếp lại theo một hướng khác hoặc lật ngược lại vấn đề thì sao? Thử xem xét theo hướng ngược lại, đảo ngược vai trò và thực hiện những điều không ai ngờ tới xem thế nào?

Hãy nhớ tới những câu hỏi này trong khi giải quyết một vấn đề nào đó. Biết đâu bạn lại nghĩ ra những ý tưởng dạng như “Không – thời gian là tương đối” của Einstein.
Thử thực hành xem nào. Và chúc bạn may mắn nhé !!
_______________________________

Nguồn: ADSangtao.com
Link: http://www.adsangtao.com/bi-mat-cua-su-sang-tao.html
Biên tập: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [3D]. Hiệu chỉnh: Admin [Mizzou]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.
Copyright claimed in photo only

No comments:

Post a Comment