Saturday, May 18, 2019

Personal Development – WEGREEN: Bảo vệ di sản và sự yếu đuối của cá nhân

Personal Development – WEGREEN: Bảo vệ di sản và sự yếu đuối của cá nhân

Kính chào các độc giả Wegreen!

Bảo vệ di sản là một trong những mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong một xã hội tiến tới hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng. Điều đó khiến các giá trị cũ dần bị phai mờ và bị thay thế bởi các giá trị mới. Trước những sự thay đổi đó, một số cá nhân và tập thể bắt đầu đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho những đối tượng sau:

**********
ĐỐI TƯỢNG 1: NHÀ NƯỚC

Khi nhắc đến di sản, thì nó được xem như một tài sản của chung, của xã hội. Vì vậy mà trách nhiệm bảo vệ di sản thường được đẩy cho xã hội hay đại diện của nó là Nhà nước.

Thế nhưng, trong việc bảo vệ di sản, chính người dân, chứ không phải chính phủ mới là yếu tố tiên quyết để bảo vệ di sản. Không nên đợi một cơ chế, chính sách hay ngân sách từ Trung Ương đổ xuống, vì đó cũng là tiền của người dân mà thôi. Milton Friedman đã từng nói, "Đối với một con người tự do, ...nhà nước như là một công cụ, một phương tiện, chứ không phải một đấng bề trên để ban phát ân huệ...."

Trong một xã hội Tự Do, không ai cấm bạn bảo tồn và lưu giữ cái bạn thích, vì vậy tại sao không tự thân vận động để làm một cửa hàng lưu niệm cá nhân (hoặc lớn hơn là bảo tàng)? Một khi bạn không dám làm, giá trị bạn muốn bảo tồn càng mai một, thì đó không phải là lỗi của Nhà nước mà là do sự yếu đuối của chính bản thân bạn trong hành động!

*******
ĐỐI TƯỢNG 2: CA SĨ, NGƯỜI MẪU, DIỄN VIÊN...

Bên cạnh sự lệ thuộc vào nhà nước, coi nhà nước phải có nghĩa vụ bảo vệ cái di sản, các cá nhân muốn giữ gìn một bản sắc văn hóa nào đó thường đổ lỗi cho đám đông hoặc những người tiêu biểu của công chúng (như văn nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu,...)

Lấy một ví dụ:
Chúng ta thường thấy rằng cô ca sĩ A hay người mẫu B, mặc đồ hở hang mà không mặc áo dài truyền thống, đổ lỗi cho cô ta đã định hướng giới trẻ.

Câu hỏi đặt ra là nếu đa số không thích bộ đồ họ đang mặc, thì cô ca sĩ đó hay người mẫu ăn mặc cái gì thì có gì khác biệt?

Như vậy phải chăng, chính là từng người trong chúng ta, mỗi người đang tự mâu thuẫn với bản thân, giữa cái mới và cái cũ; và rằng do lề thói tư duy trọng cái cũ, sợ cái mới cộng với thói quen đổ lỗi, nên ta mới chê bai một cô ca sĩ hay diễn viên để giữ cái thanh cao cho bản thân? Cái đáng chê không phải những ca sĩ và người mẫu kia mà chính là sự yếu đuối của các cá nhân khi đối diện với mâu thuẫn của chính mình!

*********
ĐỐI TƯỢNG 3: ĐÁM ĐÔNG, VÀ ĐÁM ĐÔNG LỚN NHẤT - XÃ HỘI

Đám đông trong trường hợp này được ghép với những từ như "a dua", "bầy đàn" "theo đa số". Có gì là sai khi thích bài hát A và mặc bộ đồ B? Nếu mọi người đều bình đẳng thì ai đủ ưu việt để phán xét sự lựa chọn một người, chứ đừng nói là cả một nhóm người và to lớn hơn là xã hội?

Phải chăng đằng sau sự đổ lỗi cho đám đông là sự sợ hãi khi trở thành thiểu số?

Những nước tự do khác với chúng ta, người ta không thấy ngại ngùng, tự ti khi ăn mặc khác với đám đông. Bởi tâm lý yếu hèn, sợ thành thiểu số nên mới có những cá nhân không dám thể hiện sự khác biệt.

Lại lấy áo dài làm ví dụ:

Nếu áo dài đẹp, tại sao cá nhân thích áo dài không mặc nó ra đường hằng ngày, dù đi làm hay đi chơi? Phải chăng chính nỗi sợ trở thành thiểu số đã kềm giữ những có gái yêu truyền thống kia mặc nó hằng ngày?

*********
LỜI KẾT
Muốn bảo vệ từng di sản, vậy thì từng cá nhân phải thành thật với bản thân rằng mình có thực sự yêu thích và muốn bảo vệ nó hay không? Tiếp đó, hãy dũng cảm thể hiện mình, đừng ngại ngần khi trở nên khác biệt, vì Tạo hóa tạo ra mỗi người trên Trái Đất này đều là duy nhất.

Bài viết: [Admin F]
Hình ảnh: [Admin T]
Bản quyền: © Wegreen Vietnam

No comments:

Post a Comment