Saturday, May 18, 2019

CÁC LỖI NGỤY BIỆN (Phần 1)

CÁC LỖI NGỤY BIỆN (Phần 1)
[Personal Development - #Wegreen]

Có một ý kiến cho rằng: Người Việt Nam có thói quen xấu là hay ngụy biện. Các lỗi ngụy biện thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận, làm chệch hướng và làm giảm chất lượng của chủ đề. Vậy thế nào là ngụy biện ?

Các lỗi ngụy biện được hiểu là các lập luận sai về mặt logic. Dưới đây là một số lỗi ngụy biện được người viết tổng hợp lại. (Để dễ tiếp cận, tên các lỗi này được chuyển sang Tiếng Việt theo cách hiểu của người viết. Rất mong được sự góp ý của bạn đọc).

1.TẤN CÔNG CÁ NHÂN (Ad Hominem)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này tấn công vào hoàn cảnh, thân phận, cử chỉ, ngôn từ không liên quan tới cách lập luận...của đối phương và dựa vào điều đó để cho rằng đối phương đã sai.
.Vấn đề là: Trong tranh luận, chúng ta chỉ quan tâm tới luận điểm và cách lập luận.

2.“BẠN CŨNG VẬY“ (Ad Hominem Tu Quoque)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi sẽ chứng minh đối phương .sai bằng cách chỉ ra rằng những gì họ nói không đúng với những gì mà họ đã nói ( làm).
.Ví dụ: "Bạn đã làm được những gì rồi mà chê bai bọn họ. Có giỏi thì làm như họ đi","Bộ cậu chưa vi phạm luật giao thông bao giờ hay sao mà nói vi phạm luận giao thông là sai".
Vấn đề là: Như lỗi thứ nhất.

3.TẤN CÔNG VÀO HOÀN CẢNH (Circumstantial ad Hominem)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chứng minh đối phương sai bằng cách chỉ ra rằng luận điểm của đối phương đơn thuần tới từ hoàn cảnh (thân thế, nghề nghiệp,…) của họ.
.Ví dụ: Cậu bảo vệ những người giàu là vì cậu giàu.
.Vấn đề: Tương tự như 1.

4. CÓ UY TÍN THÌ ĐÚNG (Appeal to Authority)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này dựa vào một ý kiến có uy tín để cho rằng đối phương đã sai.
.Ví dụ: Ý kiến này đã được một con người vô cùng vĩ đại viết lên, bởi thế nó không thể nào mà sai được.
.Vấn đề là: Tương tự như 1, chúng ta phân tích quan điểm chứ không phải thân phận của người đưa quan điểm.

5. ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI TIN THÌ ĐÚNG (Appeal to Belief)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi tìm sự ủng hộ của đám đông. Họ cho rằng những gì đám đông tin tưởng luôn đúng.
.Ví dụ:
A- Tôi nghĩ rằng ý kiến này sai.
B- Có thấy ai nói nó sai không mà bảo đấy là sai ?
.Vấn đề là: Trước thế kỷ XV, nhân loại bảo Mặt Trời quay quanh Trái Đất.

6.“NHIỀU NGƯỜI CŨNG LÀM VẬY „ (Appeal to Common Practice)
. Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chứng minh mình đúng bằng cách chỉ ra rằng nhiều người cũng hành động như họ.
.Ví dụ: „Tôi biết làm vậy là sai, nhưng rất nhiều người cũng đã làm vậy nên chẳng có vấn đề gì cả“.
.Vấn đề là: Hầu hết mọi người làm một điều gì không có nghĩa rằng điều đó là chân lý.

7. HỆ QUẢ TỐT THÌ ĐÚNG (Appeal to Concequences of a Belief)
. Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chỉ ra rằng niềm tin của mình sẽ dẫn tới những kết quả tốt và niềm tin ngược lại sẽ đưa đến kết quả xấu.
.Ví dụ: Nếu không có Chúa Trời thì chúng ta sẽ không biết tin vào điều gì, vì vậy tôi chắc rằng Chúa Trời có tồn tại.
.Vấn đề là: Cũng tương tự như nói „Nếu Trái Đất hình tròn thì tôi sẽ rất đau khổ, vì vậy nên Trái Đất hình vuông“.

8.TÁC ĐỘNG VÀO CẢM XÚC: (Appeal to Emotion)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi tác động vào cảm xúc của đối phương để chứng minh mình đúng.
.Ví dụ: (Kể một câu chuyện) Ai ghét hành động này thì like.
.Vấn đề là: Tương tự „New York là thủ đô của nước Mỹ, ai có lòng yêu nước thì like“

9.CÂU NƯỚC MẮT (Appeal to Pity)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này đưa ra một câu chuyện „câu nước mắt“ để chứng minh mình đúng.
.Ví dụ: „ Con chó đó thật là trung thành, thật là tội nghiệp, con người sống không bằng con chó“.
.Vấn đề là: Cảm động không có nghĩa là đúng. Tương tự „1+1 = 3, nếu không thì một bà cụ ăn xin ở Venezuela sẽ chết...“.

10. HÀI HƯỚC THÌ ĐÚNG (Appeal to Ridicule)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi này móc mỉa luận điểm của đối phương (theo cách hài hước) để chứng minh mình đúng.
. Ví dụ: “Nói thế mà cũng nói, thật buồn cười”.
. Vấn đề là: Tương tự “1+1=2, thật hài hước”.

11.SONG ĐỀ SAI (False Dilemma)
.Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi lập luận: A xảy ra hoặc B xảy ra, A sai thì B đúng.
.Ví dụ: Hắn làm việc xấu như vậy hắn không thể là người tốt được. Hắn là một người xấu (A: “Hắn là một người tốt” hoặc B: “Hắn là một người xấu”).
. Vấn đề là:
+A sai không có nghĩa là B đúng do A và B có thể cùng sai hoặc cùng đúng hoặc có nhiều hơn 2 lựa chọn A và B. Lỗi ngụy biện này hay bị nhầm với phép loại suy (loại trừ hết TẤT CẢ những trường hợp không thể xảy ra thì trường hợp còn lại phải đúng).

12. CHỌN “ĐIỀU ĐỨNG GIỮA” (Middle Ground):
. Với lỗi ngụy biện này, người mắc lỗi chọn ra một mệnh đề C “đứng giữa” hai mệnh đề đối lập A và B và cho rằng C đúng.
. Ví dụ: Một người vô tội bị kết án oan và phải nộp một số tiền phạt. Dư luận cho rằng chỉ cần nộp một phần số tiền đó hoặc xử phạt hành chính là được rồi.
. Vấn đề là: A,B,C thực chất là ba mệnh đề khác nhau. Lập luận này đánh lừa bởi người ta rất dễ nhầm tưởng rằng giữa “nhiều” và “ít” là vừa đủ.

(Còn tiếp)

Bài viết & Hình ảnh: [Admin K]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

No comments:

Post a Comment