Saturday, May 18, 2019

Personal Development - WEGREEN: LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH

Personal Development - WEGREEN: LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH

Các bạn đọc thân mến,
Cuộc đời ví như biển nước. Con người vừa là hoa tiêu vừa là người lái chiếc tàu đi trên biển. Cuộc đời như biển khơi có nhiều sóng gió. Người hoa tiêu non kinh nghiệm để tàu chòng chành không vững và bị sóng đánh tan tành.

Đó là một cách nói hình tượng về việc kiểm soát chính mình. Người kiểm soát được mình là người lèo lái được con tàu đi giữa biển khơi ,vượt qua muôn trùng sóng dữ.

Con người là một khối bị chi phối bởi đủ thứ tác động bên ngoài: Ai khen thì ta vui, ai chê thì ta buồn, ai chửi mắng thì ta giận dữ gào thét, ai hạ nhục thì ta tức tối, ai làm sai ý thì ta gầm gào. Đó là hành xử kiểu phản xạ. Kiểm soát chính mình tức là tập cho mình phản xạ ít đi, và chủ động nhiều hơn: chủ động vui, chủ động buồn, chủ động đối đãi với bạn bè, chủ động hòa nhã, chủ động hạnh phúc.

Để làm được điều này không dễ. Vì cái tôi của con người mong manh, yếu đuối và dễ tổn thương. Vì con người sợ hãi nhìn vào sự yếu ớt của mình. Vì tự sâu thẳm trong lòng, con người cần được vinh danh, cần được tôn trọng, cần được người khác tô điểm mình bằng các mỹ từ. Vì thế khi bị tổn thương con người thường tìm cách đổ cho một ngoại cảnh khác hơn là nhận về mình.

Cái tôi của con người rất sợ bị thương tổn, dù bạn cố làm ra vẻ cứng cỏi hay dữ dằn đi nữa.

Gần đây trên mạng có rất nhiều hành động không đẹp: đốt cờ Trung Quốc, chửi mắng cộng đồng người Trung Quốc, fan, antifan. Rồi vài tháng trước đây, cả một dân tộc, từ dư luận đến truyền hình bâu vào ném đá một cô ca sĩ mười lăm tuổi. Những hành động đó rất ngu dốt, hèn hạ và nhục nhã. Đó là cách hành xử của những đứa trẻ. Đó là biểu hiện ra ngoài của những cái tôi bành trướng, ích kỷ, hiếu chiến được lấp liếm bởi những mỹ từ cao đẹp như bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cái đẹp, bảo vệ đạo đức, bảo vệ công bằng.

Những trí thức thực sự chỉ lên tiếng khi cần lên tiếng.

Mấy hôm trước, tôi có gửi đến các bạn câu nói: „Người tự do biết nghi ngờ“. Nhưng chỉ người kiểm soát được mình mới có thể nghi ngờ. Vì nghi ngờ là một lựa chọn. Chẳng hạn, tại sao tôi lại phải lồng lên như một đứa trẻ khi có người xúc phạm đến tôi ? Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn cách bỏ ngoài tai những lời xúc phạm đó và đi làm việc của mình. Người tự do có quyền lựa chọn. Tại sao tôi lại không ?

Đừng biến mình thành nô lệ của tâm trí.

Các truyền thống văn hóa đều đề cao chữ Nhẫn. Nhẫn ở đây không chỉ có nghĩa là kiên nhẫn, kiên trì. Nhẫn là nhẫn nhục, nhẫn nhịn. Phật giáo gọi thế giới con người là thế giới kham nhẫn. Người biết nhẫn nhịn là người kiểm soát được chính mình. Những nhà chính trị lớn, những nhà doanh nghiệp cần đến sự quyết đoán và tài khôn khéo để lèo lái tổ chức, cộng đồng đều phải học qua bài học về chữ nhẫn: Nhẫn nhịn không được là làm hỏng hết mọi việc ngay.

Các bạn đã đọc bài: „Trách nhiệm với xã hội“ của WEGREEN. Điều này rất quan trọng. Để thực sự kiểm soát được chính mình, chúng ta phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Nhìn thẳng vào tâm thức và làm chủ nó.

Tôi có người bạn chung vốn với một vài người để mở một cửa hàng fastfood nhỏ. Người bạn này biết mình thường bị những người kia ăn bớt một phần tiền lãi hàng tháng, nhưng anh ta vẫn thành thật cộng tác. Nửa năm sau, anh ta tách ra làm riêng, thì chính những người này lại ủng hộ anh ta hết mình („anh này thành thật, không dối lừa, không đỏi hỏi, lại hơi ngơ ngáo, giúp được nó bao nhiêu thì giúp“). Các bạn tưởng tượng xem, nếu anh bạn tôi (cũng như rất nhiều người sẽ) lồng lộn lên và đòi cho bằng được phần tiền mình bị ăn bớt thì kết quả sẽ là gì ? Anh ta sẽ được thêm vài phần trăm tiền lãi, nhưng chuốc lấy thành kiến („thằng này đáo để, mặc kệ nó“) và đánh mất luôn sự cộng tác của cửa hàng fastfood nọ về sau.

Người bạn đó sau này nói: Ăn chặn là việc của họ, mình còn trách nhiệm với gia đình, phải nghĩ về sau nữa. Làm lớn lên để hỏng việc thì là lỗi ở mình rồi.

Khác với chúng ta không ? Phần đông chúng ta sẽ nói là: Tôi làm hỏng việc, nhưng tôi không sai. Người ta ăn chặn nên tôi mới phải hành xử như vậy đấy chứ !

Hay ngay cả trong các cuộc tranh luận internet, có bao nhiêu bạn vừa mới nghe „hơi gió“ chạm đến mình một tí đã đùng đùng thanh minh thanh nga, rồi ném vào mặt đối phương đủ các từ ngữ không đẹp ? Làm như vậy là tự hạ thấp hình ảnh của mình, và làm lệch luôn cuộc thảo luận sang một hướng khác, làm bế tắc thêm vấn đề.

Các bạn, chủ động, chủ động, chủ động, đừng biến mình thành con rối cho người đời giật dây. Hãy cho mình quyền được chọn lựa những điều tốt nhất, lợi ích nhất, cho mình, cho bạn bè, cho người thân, cho đất nước.

Hãy luôn tâm niệm một chữ Nhẫn trong lòng. Vì chỉ khi làm được điều này, bạn mới thực sự trở thành con người tự tại.

[Admin K]

No comments:

Post a Comment