Saturday, May 18, 2019

SỰ KIÊN ĐỊNH NGU NGỐC (phần 1)

SỰ KIÊN ĐỊNH NGU NGỐC (phần 1)
[Personal Development - #WEGREEN]

Nếu bạn là một người bắt đầu xem bóng chày, hẳn bạn sẽ có chung với tôi một cảm giác thế này: Ban đầu, bạn nhìn cục diện trận đấu với vẻ hờ hững. Ngay lúc đó, một người bạn của bạn nói bạn hãy chọn lấy cho mình một đội ưa thích, và bạn nghe lời vì vị nể khi thậm chí còn chưa hiểu luật. Sau đó, bạn ngạc nhiên khi thấy mình dần chăm chú vào trận đấu: bạn vui mừng trước những pha ghi điểm của „đội nhà“ và thất vọng trước những pha đánh mất điểm không kém gì nhưng cổ động viên chân chính. Chỉ sau một lựa chọn, bạn từ một người hoàn toàn thờ ơ trở nên thực sự say mê với bóng chày !

Có sự liên hệ giữa bóng chày và những cuộc hôn nhân chung sống. Đây là câu chuyện mà tôi đã được chứng kiến, và nhiều bạn nữ ắt đã gặp phải: Bạn của tôi lấy chồng sau một cuộc tình bốn năm. Chồng mới cưới của cô ta là một người cực kỳ tệ: thường xuyên uống rượu, cờ bạc và có tiền án trộm cắp. Tuy nhiên, một cuộc hôn nhân vẫn diễn ra bất chấp sự ngăn cản cuả gia đình, và bạn tôi vẫn quyết định chung thủy với anh chàng nọ. Nguyên nhân của việc này là - hai người trước đó đã từng chia tay trong một thời gian dài, bạn tôi đã quen một anh chàng mới và hai người đã ở bên nhau được chừng nửa năm. Tuy nhiên, sau đó người cũ kia đòi trở lại và bạn tôi đã chọn anh ta vì tình cảm mà cô dành cho anh vẫn còn nhiều.

Có một điểm chung giữa bóng chày và việc chọn lựa người bạn trăm năm, đó là các quyết định gắn bó thường diễn ra sau LỰA CHỌN. Chúng ta luôn muốn được đúng. Chúng ta muốn mỗi lựa chọn của mình đều không sai lầm. Và sau mỗi lựa chọn, vô thức chúng ta dựng lên hàng loạt những lý lẽ để bảo vệ cho lựa chọn đó. Chúng ta sợ mâu thuẫn với chính mình. Bạn trở nên say sưa với bóng chày và vô thức ủng hộ cho một đội bóng, đơn giản là vì bạn đã CHỌN đội bóng đó (dù vì một lý do hoàn toàn không liên quan gì đến bóng chày), còn cô bạn tôi chung thủy với anh chàng nọ bất chấp những tính xấu là vì tình thế đã buộc cô ta phải lựa chọn giữa hai người, và bạn tôi đã CHỌN anh ta.

Đây là điều quan trọng: Sự kiên định mù quáng. Chúng ta muốn được nhất quán với các lựa chọn, hành vi hay lời nói của mình trong quá khứ, bất kể chúng có thực sự có quan hệ với sự việc đang diễn ra ở hiện tại hay không. Chúng tạo nên những áp lực khủng khiếp.

Không nhiều người nhận ra tác động của những yếu tố này – họ chỉ việc làm theo. Rất nhiều tổ chức đã lợi dụng quy luật chết người trên. Đầu tiên, họ yêu cầu đối tượng đồng ý với những mệnh đề như: „Tôi là một công dân gương mẫu“ hay là „Tôi cam kết chấp hành nội quy của khu phố“. Đây là những cam kết rất bình thường nên rất ít người có thể phản đối. Nhưng liền sau đó sẽ là: „Tôi cam kết không vứt rác ra đường„ ,“Tôi sẽ giúp đỡ những người làm công tác vệ sinh môi trường“, „Tôi sẽ đóng tiền cho công ty vệ sinh và ủng hộ các tổ chức tình nguyện“... Do họ đã „trót cam kết“ rằng mình là một công dân gương mẫu, các yêu cầu về sau như đóng tiền hoặc hỗ trợ cho tổ chức trở nên rất khó để từ chối.

Sức mạnh của quy luật này có thể lớn hơn nữa. Vào những năm 50 khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên đã làm được điều mà tình báo châu Âu phải kinh ngạc: Hàng loạt tù nhân chinh trị đã bị „tẩy não“ và quay sang bảo vệ chính quyền cộng sản. Mánh khóe mà họ sử dụng thực ra là thế này: Mỗi ngày các tù nhân sẽ phải viết ra, hay lặp lại một số mệnh đề thông thường không động chạm gì đến niềm tin của họ, nói về các mặt tốt của „chính quyền mới“. Một thời gian sau, nhà tù tổ chức các cuộc thi viết với phần thưởng cho người chiến thắng. Để đoạt được giải thưởng, một số tù nhân bắt đầu lồng ghép thêm một vài yếu tố bảo vệ „chính quyền mới“ vào bài của mình. Các bài viết này sau đó được phát cho tất cả các tù nhân khác nghe thông qua hệ thống truyền thanh. Bị chi phối bởi quy luật nói trên, những tù nhân chính trị thực sự tin rằng mình là người bảo vệ cho „chính quyền mới“.

Bằng việc làm cho người bị thuyết phục đồng ý với những mệnh đề tưởng như không liên quan gì đến nhau, người thuyết phục có thể khiến cho họ đồng ý với những yêu cầu lớn hơn.

(còn tiếp…)
___________________________
Bài viết & Hình ảnh: Admin [TA]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

#WegreenVietnam#personaldevelopment#psychology#tamlythuchanh#phattriencanhan#sukiendinh

No comments:

Post a Comment