Sự Thật Về HCM

 






TĂNG TUYẾT MINH, NGƯỜI VỢ TRUNG QUỐC CỦA HỒ CHÍ MINH



Tăng Tuyết Minh (chữ Hán: 曾雪明, 1905–1991) là một phụ nữ Trung Quốc. Theo nghiên cứu của một số học giả có tên tuổi thì bà đã kết hôn với Hồ Chí Minh, khi đó có bí danh là Lý Thụy vào năm 1926 và đã sống chung với ông được nửa năm cho đến khi ông phải rời Trung Quốc sau vụ chính biến năm 1927.[1][2] Sau này khi Hồ Chí Minh trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai người đã tìm cách liên lạc nhau nhưng không được.[3]

Xuất thân

Bà Tăng Tuyết Minh sinh vào tháng 10 năm 1905 tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, quê ở huyện Mai tỉnh Quảng Đông. Thân phụ của bà là Tăng Khai Hoa làm nghề buôn bán; thân mẫu của bà là Lương thị, vợ kế của Tăng Khai Hoa. Ông Tăng Khai Hoa qua đời khi Tăng Tuyết Minh mới lên mười.

Đầu năm 1923, bà học Cao đẳng tiểu học sau đó tốt nghiệp trường Hộ sinh Quảng Châu, ra làm nữ hộ sinh. Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Lý Thụy từ Moskva đến Quảng Châu làm phiên dịch cho cố vấn Liên Xô Mikhail Markovich Borodin, thuộc Hội Lao Liên của Tôn Trung Sơn.

Mùa hè năm 1926, qua sự mai mối của một trợ thủ đắc lực là Lâm Đức Thụ [1], Nguyễn Ái Quốc gặp Tăng Tuyết Minh. Theo các tài liệu của Pierre Brocheux, Nguyễn Ái Quốc rất có cảm tình với cô gái Quảng Châu có gương mặt trái xoan, da trắng, điềm đạm, đoan trang, thông minh này[1].

Hôn nhân

Tháng 10 năm 1926, hôn lễ giữa Lý Thụy, (bí danh hoạt động của Nguyễn Ái Quốc khi đó) và Tăng Tuyết Minh được tổ chức tại nhà hàng Thái Bình, với sự chứng kiến[3] của Thái Sướng, Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai) và một số học viên khoá huấn luyện phụ vận.[4] Đây cũng là địa điểm mà Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu tổ chức kết hôn trước đó một năm. Cuộc hôn nhân này ban đầu bị mẹ Tăng Tuyết Minh phản đối vì bà lo ngại Nguyễn Ái Quốc hoạt động nay đây mai đó không ổn định, nhưng lại được Tăng Cẩm Tương, anh của Tăng Tuyết Minh, tán thành vì nhận xét Nguyễn Ái Quốc là người có học vấn, cẩn trọng và tâm huyết với sự nghiệp.[3] Theo sử gia người Pháp Pierre Brocheux trong cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh: Một tiểu sử, một số người cùng hoạt động hoặc quen biết Lý Thụy như Nguyễn Hải Thần và Lê Hồng Sơn phản đối cuộc hôn nhân này. Trong một lá thư cho các đồng sự, Lý Thụy đã giải thích lí do cưới Tăng Tuyết Minh là vì ông cần một phụ nữ để dạy ngôn ngữ và chăm lo nhà cửa.[1]

Sử gia William J. Duiker trong cuốn tiểu sử Ho Chi Minh: A Life cũng nhắc đến tin đồn rằng hai người đã có một người con gái; ông dẫn thông tin này từ cuốn Vision Accomplished? của tác giả Nguyễn Khắc Huyên.[2]

Chia cách

Ngày 12 tháng 4 năm 1927, sau khi Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh kết hôn đuợc nửa năm, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc chính biến tại Thượng Hải. Lý Thụy phải chuyển đến Vũ Hán vì trụ sở của đoàn cố vấn Lao Liên chuyển đến đây. Tuy nhiên do tình thế lúc bấy giờ, sau khi đến Vũ Hán, Lý Thụy lại chuyển đến Thượng Hải, rồi đi sang Nga, vòng qua châu Âu rồi về Thái Lan…

Về phần Tăng Tuyết Minh, bà gia nhập Đoàn Thanh niên Xã hội chủ nghĩa. Từ tháng 7 năm 1927 đến tháng 6 năm 1929, Tăng Tuyết Minh vào học tại trường Anh văn Kiêm Bá và trường Trung học nữ sinh Tân Á. Từ tháng 7 năm 1929 đến đầu năm 1930, bà rời Quảng Châu, làm nữ hộ sinh huyện Thuận Đức quê ngoại.[4]

Cũng vẫn qua bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc đã vài lần nhờ người chuyển thư cho Tăng Tuyết Minh nhưng không có kết quả. Khi ở Thái Lan, ông đã viết một lá thư bằng chữ Hán với nội dung như sau:

Dữ muội tương biệt,
Chuyển thuấn niên dư,
Hoài niệm tình thâm,
Bất ngôn tự hiểu.
Tư nhân hồng tiện,
Dao ký thốn tiên,
Tỷ muội an tâm,
Thị ngã ngưỡng (hoặc sở) vọng.
Tinh thỉnh
Nhạc mẫu vạn phúc.

Chuyết huynh Thụy.

Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Tăng Tuyết Minh

Bản dịch của N.H.Thành:

Cùng em xa cách,
Đã hơn một năm,
Thương nhớ tình thâm,
Không nói cũng rõ.
Cánh hồng thuận gió,
Vắn tắt vài dòng,
Để em an lòng,
Ấy anh ngưỡng vọng.
Và xin kính chúc,
Nhạc mẫu vạn phúc.

Anh ngu vụng: Thụy

Bức thư này đã bị mật thám Pháp tại Đông Dương chặn được và giữ lại ngày 14 tháng 8 năm 1928, hiện được lưu trữ tại CAOM (viết tắt của Centre des Archives d’Outre-Mer _Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại) đặt tại Aix-en-Provence.[5] [4]

Theo Pierre Brocheux, nội dung của bức thư này mâu thuẫn với lý do “cần một phụ nữ để dạy ngôn ngữ và chăm lo nhà cửa” mà Lý Thụy đã dùng để giải thích cho Nguyễn Hải Thần, Lê Hồng Sơn và một số người khác về việc hôn nhân của ông với Tăng Tuyết Minh.[1]

Đầu tháng 5 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc lại viết một lá thư nữa từ Thượng Hải hẹn Tăng Tuyết Minh lên Thượng Hải để gặp nhau. Lá thư này cũng không đến được tay Tăng Tuyết Minh do bà đã rời khỏi địa chỉ ghi trong thư là trạm y tế của bác sĩ Dư Bác Văn ở thị trấn Lặc Lưu, nhưng bị Dư Bác Văn đã xem trộm bức thư rồi đốt đi. Đến nửa năm sau Tăng Tuyết Minh mới biết chuyện nhờ nữ y sĩ Hoàng Nhã Hồng (người đã chứng kiến vụ đốt thư) cho biết.[3]

Nhìn thấy chồng tại tòa án rồi qua ảnh

Ngày 5 tháng 6 năm 1931 Nguyễn Ái Quốc bị các nhà cầm quyền Anh bắt sau khi trở lại Hương Cảng. Đến cuối năm 1931, nhà cầm quyền Anh ở Hương Cảng đem Nguyễn Ái Quốc ra xét xử, tuy nhiên Tăng Tuyết Minh chỉ có thể nhìn thấy ông từ rất xa, còn ông thì hoàn toàn không biết bà có mặt tại toà. Đây là lần cuối cùng Tăng Tuyết Minh nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc.[3][4]

Theo bài “Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, đã đăng trên tạp chí Đông Nam Á tung hoành (Dọc ngang Đông Nam Á), số tháng 12-2001 xuất bản tại Nam Ninh của Hoàng Tranh thì tháng 5 năm 1950 Tăng Tuyết Minh nhìn thấy ảnh Hồ Chí Minh trên Nhân dân Nhật báo cùng với tiểu sử, bà tin chắc đó chính là chồng mình. Bà đã cố gắng liên lạc với ông qua đại sứ Hoàng Văn Hoan và tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tất cả cố gắng của bà đều không thành. Cũng theo Hoàng Tranh, một cán bộ lãnh đạo Quảng Châu đã tới gặp Tăng Tuyết Minh và trao cho bà lá thư của bà Thái Sướng “chứng thực Hồ Chí Minh chính là Lý Thụy cũng tức là chồng Tăng Tuyết Minh” và cán bộ này cũng “giải thích (…) lý do tại sao không tiện liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hi vọng Tăng Tuyết Minh hiểu và lượng thứ việc này, yên tâm công tác” [3]. Hồ Chí Minh cũng từng thông qua Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu và Đào Chú, Bí thư Trung Nam cục dò tìm tung tích của Tăng Tuyết Minh nhưng theo Hoàng Tranh “đương nhiên không thể có bất kỳ kết quả gì” vì “điều này vào thời ấy hoàn toàn không kí lạ.”[3]

Từ đó, bà ở vậy và năm 1977, bà về hưu sau 52 năm tận tụy với nghề nữ hộ sinh. Ngày 14 tháng 11 năm 1991, Tăng Tuyết Minh qua đời tại Quảng Châu, thọ 86 tuổi.[3]

Phản ứng của một số cơ quan ngôn luận Việt Nam

Tháng 5 năm 1991, sau khi Báo Tuổi Trẻ đăng một bài viết về việc Hồ Chí Minh có thể đã có vợ, tổng biên tập là bà Vũ Kim Hạnh đã bị đình chỉ chức vụ.[6][7] Theo phóng viên Mark Baker của tờ Sydney Morning Herald, vào năm 2002, sau khi quyển Ho Chi Minh: A Life của William J. Duiker đã được xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã gửi thư đến Hyperion Books, nhà xuất bản gốc của quyển này, để xin phép loại bỏ trong bản dịch tiếng Việt một số thông tin “không nhất quán với thông tin trong hồ sơ tài liệu” về Hồ Chí Minh mà Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện đang lưu trữ.[8] Tuy NXB Chính trị Quốc gia không nói rõ muốn dời thông tin nào nhưng ông Duiker cho rằng một số quan chức cấp cao đã không hài lòng khi có nhắc đến đời sống tình cảm riêng tư của Hồ Chí Minh.[8] Ông cũng cho rằng chính quyền Việt Nam muốn tạo ấn tượng rằng Hồ Chí Minh suốt đời sống độc thân và phủ nhận bất cứ mối quan hệ chính thức và nghiêm túc nào của ông với phụ nữ sau khi ông đã trở thành nhà cách mạng [8]. Một ấn bản của tạp chí Far Eastern Economic Review nói về tranh cãi này cũng bị cấm phát hành tại Việt Nam.[8] Nhiều tài liệu của phía Việt Nam cũng phủ nhận việc Hồ Chí Minh đã kết hôn.
Chú thích

1. ^ a b c d e Pierre Brocheux (2007). Hồ Chí Minh: Mộ tiểu sử. Đại học CambridgePress. 39-40. http://books.google.com/books?id=fJtqjYiVbUAC&pg=RA2-PA216&dq=tang+tuyet+minh&sig=jMcFUeRmaJDPFaNiXctvL9gUWs8#PRA1-PA40,M1.
2. ^ a b William J. Duiker (2000). Ho Chi Minh: A Life. Hyperion. 143-145. http://books.google.com/books?id=RDOxl49jyQQC&pg=PA143&dq=Tang+Tuyet+Minh&sig=uJaPyPhLzNay0WCs4vefxMsYeMs#PPA143,M1.
3. ^ a b c d e f g h Bài Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh đăng trên tạp chí Đông Nam Á Tung hoành (Dọc ngang Đông Nam Á), số tháng 12 năm 2001, xuất bản tại Nam Ninh, Trung Quốc, tác giả: Hoàng Tranh (Phó Giáo sư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, Trung Quốc). Bản dịch. Trước đó, thông tin về Tăng Tuyết Minh đã được Hoàng Tranh xuất bản lần đầu trong một quyển sách từ năm 1987[1].
4. ^ a b c d Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh – bài viết của Khổng Khả Lập (孔可立) trên tạp chí Văn hoá và dữ liệu lịch sử Vũ Hán số 99, tháng 1 năm 2001, trang 7-10) ISSN 1004-1737
5. ^ Daniel Hémery, HO CHI MINH De L’Indochine au Vietnam, Gallimard, Paris 1990, tr.145.
6. ^ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (1 tháng 1 năm 1992). “Human Rights Watch World Report 1992 – Vietnam”. Truy cập 3 tháng 8 năm 2009.
7. ^ Claire Boobbyer (2008). Footprint Vietnam. Footprint Travel Guides. 397. ISBN 1906098131. http://books.google.com/books?id=0FKCuR0i0SMC&q=Tang+Tuyet+Minh#v=snippet&q=Tang%20Tuyet%20Minh&f=false.
8. ^ a b c d Mark Baker, “Uncle Ho: a legend on the battlefield and in the boudoir”, Sydney Morning Herald, 15 tháng 8 năm 2002.

http://vi.wikipedia.org/wiki/TangTuyetMinh






*******************************************************************************



Tăng Tuyết Minh khi đã cao tuổi. Trên tường nhà có treo ảnh Hồ Chí Minh



Tăng Tuyết Minh- Người vợ Trung Hoa của Hồ Chí Minh

Nguyên tác của Từ Song Minh

Nguyễn Duy Chính dịch và giới thiệu

Lời nói đầuTheo điện thư của một bằng hữu, chúng tôi đọc được một bài báo trong Võ Hán Văn Sử Tư Liệu (武漢文史資料) [số 99 ra tháng 1 năm 2001], nguyên tác của Từ Song Minh (徐雙明) do Khổng Khả Lập (孔可立trích lại trên http://viet.com.cn/zeng_xueming.htm  viết về cuộc đời bà Tăng Tuyết Minh (曾雪明), người vợ Trung Hoa của Hồ Chí Minh.

Tác giả của bài báo này có liên hệ gia tộc, vợ ông ta gọi bà Tăng Tuyết Minh là bà cô. Tăng Tuyết Minh là em út (cùng cha khác mẹ) của Tăng Cẩm Tương, ông nội của vợ Từ Song Minh. Để có thêm một số chi tiết về cuộc đời bí mật của người lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, chúng tôi lược dịch những điểm chính. Bài viết nguyên thủy có chỗ không được minh bạch lắm, chúng tôi cố gắng sắp xếp lại cho rõ ràng hơn. Nguyên tác vốn từ Võ Hán nên quan điểm chính trị rập theo đường lối Hoa lục. Phần viết về tiểu sử và văn thơ của Hồ Chí Minh chúng tôi cắt bỏ vì thấy không cần thiết. Những chữ trong ngoặc vuông là của người dịch phụ thêm.

… Nhạc phụ tôi [Từ Song Minh] là Tăng Trụ Vân (曾柱雲) sinh năm 1906 tại Quảng Châu, mất năm 1994 tại Vũ Hán, lúc sinh tiền làm kỹ sư trưởng tại phòng thanh tra số 4, cục đường sắt. Thân phụ của ông tên là Tăng Cẩm Tương (曾錦湘), sinh năm Canh Dần đời Thanh Quang Tự thứ 6 (1880). Cụ Tăng Cẩm Tương có 10 anh chị em, người em gái út lấy Lý Thụy (李瑞) là thông dịch viên người Việt Nam của Bào La Đình (鮑羅廷) [tức Mikhail Markovich Borodin], cố vấn chính trị của Tôn Trung Sơn [tức Tôn Dật Tiên]. Lý Thụy chính là chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sáng ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau này.

Cha của Tăng Tuyết Minh (曾雪明) là Tăng Khai Hoa (曾開華) từng nhiều phen sang buôn bán tại Đàn Hương Sơn [tức Honolulu, Hawaii], Mỹ Quốc và đã cải đạo trở thành một gia đình Cơ Đốc giáo thuần thành, đời sống chân chỉ, lương thiện. Tăng Khai Hoa bình sinh có hai đời vợ, người vợ trước họ Phan sinh được hai trai, một gái, sau bị bệnh qua đời. Tăng Cẩm Tương là con trai thứ [của bà vợ cả]. Người vợ thứ hai họ Lương, sinh được 7 người con gái, người con út là Tăng Tuyết Minh.

Tăng Tuyết Minh (曾雪明) sinh tháng 10 năm 1905 tại Quảng Châu, nguyên quán người trấn Tông Khẩu (鬆口), Mai Huyện (梅縣), tỉnh Quảng Đông.

Từ năm 1912 đến năm 1917 [tức 7 đến 12 tuổi] bà theo học một trường tư tại Quảng Châu bao gồm trường tiểu học Chân Quang và trường Quốc Dân 14. Năm 1915, khi Tăng Tuyết Minh 10 tuổi thì phụ thân Tăng Khai Hoa qua đời tại Hương Cảng [Hongkong], thọ 76 tuổi [như vậy ông Tăng Khai Hoa sinh năm 1829].

Từ năm 1918 đến năm 1921 [13 đến 16 tuổi], Tăng Tuyết Minh theo học làm cô mụ [đỡ đẻ, nguyên văn trợ sản sĩ 助產士] tại một y viện của người chị là Tăng Tuyết Thanh (曾雪清) mở ra ở đường Mễ Thị, Quảng Châu.

Từ năm 1921 đến năm 1923 [16 đến 18 tuổi], cô làm y tá cho viện dục anh Đông Sơn của bà Tăng Tuyết Thanh. Năm 1923, bà Tuyết Thanh giúp đỡ cho Tuyết Minh đến học trung học tại Phiên Ngung nhưng tháng 6 năm sau, bà chị chẳng may qua đời nên Tuyết Minh phải chuyển qua học nghề tại bảo sanh viện Quảng Châu.

Năm 1925, cô tốt nghiệp được viên hiệu trưởng bảo sanh học hiệu là Hoàng Ngọc Anh (黃玉英) cho làm cô mụ tại y viện La Tú Vân (羅秀雲) tại Quảng Châu, khi đó Tăng Tuyết Minh vừa đúng 20 tuổi.

Vào thời kỳ đó, Quảng Châu đang là trung tâm của làn sóng cách mạng. Hà Hương Ngưng (何香凝), Đặng Dĩnh Siêu (鄧穎超), Sái Sướng (蔡暢) đều ở Quảng Châu tiến hành vận động phụ nữ. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng, Tăng Tuyết Minh thường đến nghe diễn thuyết về vận động phụ nữ và tham gia hoạt động, làm quen và kết thân với Đặng Dĩnh Siêu [vợ Chu Ân Lai], Sái Sướng.

Về phần Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp Đông Phương đại học Mạc Tư Khoa, ông được Cộng Sản quốc tế gửi theo làm phiên dịch cho phái bộ Liên Xô [do Borodin cầm đầu] được Mạc Tư Khoa gửi sang Trung Quốc làm cố vấn. Ông Hồ đến Quảng Châu tháng 11 năm 1924, dưới bí danh là Lý Thụy.

Một ngày năm 1925, Tăng Tuyết Minh đến thăm Sái Sướng để thực tập huấn luyện về vận động phụ nữ, khi từ trên lầu đi xuống thì gặp Lý Thụy từ dưới nhà đi lên. Hai người chào và nhìn nhau, ngay lần đầu Lý Thụy đã bị dáng dấp cao nhã và nhan sắc thanh xuân của Tăng Tuyết Minh cuốn hút. Khi lên gặp Sái Sướng, ông liền hỏi ngay cô gái vừa đi khỏi tên là gì, có liên hệ ra sao. Sái Sướng thấy Lý Thụy cũng còn độc thân nên hiểu ý cùng với Đặng Dĩnh Siêu giới thiệu cho Tăng Tuyết Minh.

Lúc đó Tăng Tuyết Minh mới biết Lý Thụy, người thông dịch của phái bộ Bào La Đình kia là đảng viên cách mạng Việt Nam. Trong xã hội phong kiến cổ thời, việc luyến ái tự do là điều khó chấp nhận, huống chi Lý Thụy lại là người ngoại quốc, đã 35 tuổi [hơn cô ta 15 tuổi] mà chưa có vợ, liệu gia đình có đồng ý chăng? Cũng may họ Tăng tương đối tiến bộ. Sau khi hay biết, Tăng Cẩm Tương[1] liền cho mời Lý Thụy đến nói chuyện một hồi lâu. Sau khi gặp gỡ, Tăng Cẩm Tương nhận thấy Lý Thụy có tài, thông hiểu tình hình quốc tế, biết nhiều ngoại ngữ nên đã thay mặt gia đình chấp nhận lời cầu hôn.

Năm 1926, Lý Thụy làm đám cưới với Tăng Tuyết Minh tại Quảng Châu. Đặng Dĩnh Siêu, Sái Sướng hai người làm chứng và mai dong chủ trì hôn sự. Trong ngày cưới, cố vấn Liên Xô Bào La Đình và phụ tá là Trương Thái Điện có đến chúc mừng, nghi lễ cực kỳ long trọng.

Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc và thời gian này là khoảng trống trong tiểu sử của Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1926, Tăng Tuyết Minh được tiếp tục huấn luyện tại văn phòng Vận Động Phụ Nữ do Hà Hương Ngưng sáng lập và được giảng viên Trịnh Phúc Như (鄭福如) giới thiệu gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc. Cuối năm đó, Tăng Tuyết Minh cấn thai, Lý Thụy mừng rỡ khôn xiết, mong ngóng ngày được làm cha.

Thế nhưng mẹ của Tăng Tuyết Minh [Lương thị] khi hay tin lại sợ con mình sinh nở rồi sẽ cùng chồng đi mất nên hết sức ép con gái phải phá thai. Vào lúc đó, các anh chị của Tăng Tuyết Minh – ngoại trừ anh hai Tăng Cẩm Tương – cũng hùa theo [phần lớn trong số 7 người con ruột của Lương thị đã chết yểu, chỉ còn một mình Tăng Tuyết Minh]. Cha chết sớm, mẹ sống cô độc trong tuổi già, Tăng Tuyết Minh đành phải nghe lời cho tròn chữ hiếu. Mặc dầu Lý Thụy hết sức khuyên lơn, Tăng Tuyết Minh nuốt lệ trục thai mang theo nỗi hận suốt đời. Hai người sống với nhau chưa tròn một năm.

Tình hình biến chuyển, ngày 12 tháng 4 năm 1927 xảy ra biến động Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch tiến hành chiến dịch bài trừ và tiêu diệt đảng viên Cộng Sản. Theo chỉ thị của Cộng Sản Quốc Tế, Lý Thụy phải cùng đoàn cố vấn Liên Xô đi qua Vũ Hán, lên Thượng Hải rồi từ Hải Sâm Uy [Vladivostok] trở về Mạc Tư Khoa nhưng không được phép mang gia đình. Từ lúc này, vợ chồng mỗi người một nơi và theo đúng nguyên tắc [của đảng Cộng Sản] thì sẽ họ không bao giờ được quyền liên lạc với nhau nữa.

Trong hoàn cảnh bi thương, tuyệt vọng, Tăng Tuyết Minh chỉ còn cách quay về sống với mẹ và làm cô đỡ tại huyện Thuận Đức. Không bao lâu, mẹ cô bị bệnh nặng nên Tăng Tuyết Minh phải nghĩ việc về lo cho mẫu thân, đến khi khỏi bệnh rồi thì trở về làm cô đỡ tại xã Quần An.

Có một lần khi cô nghỉ phép về thăm mẹ, gặp một cô giáo ở đê Lặc Lưu tên là Hoàng Nhã Hùng (黃雅雄) cho hay Lý Thụy từ Thượng Hải gửi về Dư Gia Viên cho Tăng Tuyết Minh một lá thư, có người tên là Dư Bác Văn (余博文) nhận giùm. Y đã không chuyển giùm lá thư lại còn tự ý mở ra đưa cho cô giáo Hoàng Nhã Hùng coi chung rồi xé bỏ. Vào thời loạn ly, việc giao thông cực kỳ khó khăn, thư từ lại càng khó khăn hơn nữa. Cô giáo Hoàng cũng nói thêm, theo như cô ta nhớ được thì trong thư Lý Thuỵ cho hay ông ta đang ở Thượng Hải bình an. Lý Thụy cũng hẹn với vợ một hạn kỳ để Tăng Tuyết Minh cố gắng lên Thượng Hải rồi cùng xuất ngoại. Nếu như đến ngày ấy Tăng Tuyết Minh không lên được thì ông đành phải đi một mình … Khi biết được tin này, nhật kỳ ước định đã xa, Tăng Tuyết Minh chỉ đành thở dài nuốt nước mắt.

Năm 1931, khi Lý Thụy (bấy giờ có tên là Tống Văn Sơ) bị nhà đương cục Anh bắt giam ở Hongkong, Tăng Tuyết Minh nghe tin có đến thăm chồng nhưng không được gặp, đành trở về.

Tăng Tuyết Minh làm cô đỡ ở Quần An đến năm 1932 thì mẹ cô qua đời. Đến năm 1934, cô về Quảng Châu, bất ngờ gặp lại người thầy cũ là nữ bác sĩ Trương Tố Hoa (張素華) và được bà này nhận vào làm cô đỡ tại nơi bà ta đang làm việc. Từ đó bà Tăng Tuyết Minh– cho tới khi qua đời năm 1991 [thọ 86 tuổi] – làm việc và sinh sống tại Quảng Châu trong ngành hộ sản và nhi khoa.

Đoạn kết

Cứ theo lời tường thuật của tác giả bài viết này [Từ Song Minh] thì những người đồng hàng với vợ ông gọi bà là bà cô mười [thập cô bà 十姑婆]. Bà là một tín đồ Cơ Đốc rất ngoan đạo vẫn thường ngày đêm cầu nguyện cho trượng phu được bình an. Năm 1988, khi hai vợ chồng Từ Song Minh đến thăm bà ở Quảng Châu, Tăng Tuyết Minh vẫn thường thường nhắc đến người chồng nay đã quá cố. Bà kể lại rất rành rọt từ lúc hai người quen biết nhau, yêu thương nhau và từng chi tiết của ngày cưới như thế nào. Bà cũng cho họ coi những bức ảnh quí hiếm và đưa những lá thư bà viết cho ông Hồ Chí Minh để nhờ họ cất giữ. Hiện nay trong tay vợ chồng Từ Song Minh còn giữ được chiếc nhẫn đính hôn bằng hồng bảo thạch mà năm xưa Lý Thụy tặng cho Tăng Tuyết Minh và tấm rèm cửa do cố vấn Liên Xô Bào La Đình mừng hai người ngày cưới. Hai món kỷ niệm này sẽ mãi mãi là gia bảo để lại cho con cháu họ.

Mãi tới năm 1950, khi tiểu sử và hình ảnh của lãnh tụ Cộng Sản nước Việt Nam – nhân ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Hồ Chí Minh – đăng trên Văn Hối Báo (文匯), Tăng Tuyết Minh mới biết rằng chồng mình nay đã có tên khác. Bà đã nhiều lần tìm cách liên lạc với ông nhưng không được toại nguyện. Đến khi chiến dịch chỉnh đốn tác phong được phát động, bà Tăng Tuyết Minh cũng bị đem ra “đấu tố” vì có hôn nhân bất minh, “nhận vơ” chồng mình là lãnh tụ của một nước bạn. Sự việc sau nổ lớn và đưa lên đến tận bà Sái Sướng, khi đó đang là chủ tịch Liên Hiệp Phụ Nữ toàn quốc và được xác nhận chính thức rằng Hồ Chí Minh chính là Lý Thụy năm xưa. Việc này vì thế không còn ai dị nghị nữa.



**************************************************




Cuốn "Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch" ra đời là do lúc đó (1945-1946) kể cả trong và ngoài nước, địch - ta... ít ai biết về Hồ Chí Minh, mà chỉ biết có Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc "duyệt" cho ý kiến để hoàn thiện đem xuất bản. Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế thì Bác làm sao mà ngồi chấp bút viết về mình được ? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào nói về mình. 

Tên bút danh "Trần Dân Tiên" có ý nghĩa: người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần - Trần Hưng Đạo (Nam Định) đều nêu cao tinh thần "Sát Thát"- chống ngoại xâm, chả thế mà khu rừng ở Cao Bằng nơi ra đời Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp cũng gọi là "Khu rừng Trần Hưng Đạo" ? 

Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch xuyên tạc nói xấu mà thôi. 

Trên đây là những cái mà Nguyễn Khôi nghe được ở các vị Thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, vì không phải là "giấy trắng mực đen", ghi âm, chứng cứ rõ ràng, mà chỉ là "chuyện kể" của nhiều người (không phát ngôn chính thức) Nguyễn Khôi nghe lỏm được, thấy không có hại, nên trước khi từ biệt thế giới này (vì đã ở tuổi 75) thử đưa ra để mọi người tham khảo, tìm tòi thêm để đi đến kết luận chính xác " Trần Dân Tiên (*) thực là ai?". (Hà Nội 31-7-2013 Nguyễn Khôi cẩn bút...) 

_________________________________ 

(*) Trần Dân Tiên là ai ? Lịch sử vấn đề. 

Tên gọi và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên, danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của ông và được nhiều người chấp nhận nhất. Theo một số tài liệu thì ông bắt đầu sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh từ năm 1940 nhưng không ai biết cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc bắt do nghi ngờ là gián điệp vào năm 1942. Từ đó ông bắt đầu công khai và dùng tên gọi Hồ Chí Minh với mọi người. Và từ đó trở đi danh xưng Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi chính thức của ông. 

Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành, trong cuộc đời mình, ông còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1912); Nguyễn Ái Quốc, từ 1919); Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển, 1911); Lý Thụy (khi ở Quảng Châu, 1924-), Hồ Quang (1938-40), Vương (Wang) (1925-27, 1940), Tống Văn Sơ (1931-33), Trần (1940) (khi ở Trung Quốc); Chín (khi ở Xiêm La, 1928-30) và được gọi là Thầu (ông cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô, 1934-38); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô năm 1923); ông cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ. Khi ở Việt Bắc ông thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là Ông Ké, Già Thu,. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi ông là "Bung Hồ" (Anh Cả Hồ). 

Ông dùng 173 bút danh khi viết sách, báo:[209] Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng A.Q, Ng. Ái Quốc, N.A.Q, N., Wang, N.K., A.N; P.C. Lin, P.C. Line (1938, Trung Quốc), Line (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-50), A.G, X.Y.Z (1947-50), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T.L. (1955-69), Trần Dân Tiên, (1946), T.Lan (1955-69), Tuyết Lan, Thanh Lan, Đin (1950-53), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục "Thường thức chính trị" trên báo Cứu quốc năm 1953), C.B (trên báo Nhân Dân 1951-57), V.K. , K.C., C.K., Trần Lực (1948-61), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V., Trầm Lam, Luật sư TH. Lam, Nguyễn Kim, K.O, Việt Hồng..v.v. 

Trong các bút danh của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên là bút danh gây nhiều tranh cãi tồn nghi nhất.

Thông tin rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh được khẳng định và được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước. 

Nguồn khẳng định 

Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An); 

...Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: "Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện"... 

Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

..Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch..."

Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do

...Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn "Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM" là do chính ông Hồ viết ra... 

Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life: 

...The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages... 

Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác. 

Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography: 

... 

Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:. 

...Although the author's name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography... 

Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện... 

Nguồn được tạm hiểu 

Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh

Tạp chí Cộng sản Điện tử , 

...Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: "Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao....);



==============

[1] https://ongvove.wordpress.com/2010/06/01/tang-tuy%E1%BA%BFt-minh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-v%E1%BB%A3-trung-qu%E1%BB%91c-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93-chi-minh/

[2] https://nghiencuulichsu.com/2017/09/06/tang-tuyet-minh-nguoi-vo-trung-hoa-cua-ho-chi-minh/





No comments:

Post a Comment