Saturday, May 18, 2019

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT
[Personal Development - #WEGREEN]

Cuộc sống đối với mỗi người có lẽ là “tài sản” quí nhất mà không ai muốn rời bỏ. Trong Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại một câu nói trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ : “ Người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đối diện với sự sống là cái chết. Ai cũng biết rằng rồi sẽ đến ngày mình chết. Đối với một con người, được chết có phải là quyền hay không ?

Nghe 3 chữ “quyền được chết”, có vẻ như khá nực cười với một số người, vì theo lẽ thường tình con người chúng ta mong muốn được sống và sợ hãi đối với cái chết và họ cho rằng “chỉ có đứa ngu thì mới muốn chết”, “quyền được sống thì không nói giờ lại có quyền được chết hay sao ?” …Đây là một trong số những câu trả lời mà tôi trực tiếp được nghe.

Thế nhưng, bạn có thể đặt mình vào vị trí của một người bệnh bị ung thư giai đoạn cuối. Khi mà mỗi ngày sống cơ thể họ đều bị đau đớn do khối u hành hạ, tiền chữa bệnh tốn kém và ảnh hưởng đến gia đình họ biết bao.

Khi chúng ta chỉ bị cảm cúm, ho sốt… thông thường nhưng cũng có không ít người hoặc suy nghĩ hoặc là nói trong mệt mỏi “ thà chết đi cho xong”. Vậy, đối với những người bị tai biến, bị liệt toàn thân, có những người phải sống đời sống thực vật… Cuộc sống của họ không chỉ không được như những người khác: được vui chơi, được làm việc, được phát triển tốt nhất. Thay vào đó, họ phải nằm 1 chỗ, bị hành hạ bởi thể xác, có thể nói là sống mà không bằng chết. Thế nhưng, ngay đến việc tự kết thúc cuộc đời mình họ cũng không thể tự làm được.

Tôi từng nghecâu chuyện về một cô gái 28 tuổi viết thư xin chết gửi tới Quốc Hội Trung Quốc. Bởi lẽ, từ khi cô 2 tuổi cô đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp. Tuy đầu óc minh mẫn nhưng mọi việc sinh hoạt cá nhân cô cũng không thể tự mình làm, phải sống một cuộc sống nhơ nhớp, đau đớn gắn với giường bệnh và thuốc men, dường như cô chưa có được 1 ngày như những người bình thường khác. Hơn thế nữa mẹ cô đã gần 70 tuổi, trong suốt gần 30 năm đã phải chăm sóc cho cô. Vì vậy, cô đã nhờ người viết bức thư gửi tới Quốc Hội xin được chết. Bởi bản thân cô không thể tự kết thúc cuộc đời mình.
Hay trường hợp của Chị Trần Thu Tiến (53 tuổi, ở Phú Thọ) bị tai nạn giao thông cách đây đã 7 năm, liệt từ cổ trở xuống. Hiện giờ, chị nằm bất động ở nhà, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào chồng và 3 con, ăn uống đều qua ống xông. Anh con trai đã hơn 30 tuổi nhưng chưa cưới được vợ vì khi dẫn bạn gái về nhà họ nhìn thấy chị đều không quay lại nữa. Nhiều lần chị xin chết bằng cách tuyệt thực nhưng không thành vì các con chị gọi người truyền nước, truyền đạm. Chị nói: “Tôi chỉ muốn có cách gì đó giải thoát cho mình và cho gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Mai - vợ anh Bùi Đức Hòa (Thanh Hóa) đang phải đứng trước những quyết định khó khăn. 3 năm trước, anh Bùi Đức Hòa bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, sống đời sống thực vật. Tiền lương không thể trang trải viện phí, chị Mai đã bán hết nhà cửa, tài sản để lo cho chồng. Ba mẹ con chị hiện đang thuê một buồng 15m2 để sống, ban ngày chị là nhân viên văn phòng, tối đi làm phục vụ ở quán bia.

“Tôi không còn tiền, còn sức nữa rồi. Tôi cũng không muốn các con tôi “chết chìm” cùng bố mẹ. Có bác sĩ đã khuyên tôi nên rút máy thở cho anh ấy. Tôi có về nói lại và hỏi ý kiến nhà chồng. Nhưng khi vừa nghe điều đó, mẹ chồng tôi đã chửi mắng tôi lăng loàn, thất đức... Cứ thế này ít lâu nữa, đời tôi kể như cũng đã chết rồi”

Đối với những người ủng hộ luật về “cái chết êm ái ” họ có những suy nghĩ :

- Giúp bệnh nhân thoát khỏi những cơn đau hành hạ
- Quyền được chết được cho là quyền cơ bản của con người
- Đối với một số trường hợp còn là cách giảm bớt sự khó khăn về tài chính cho người thân
- Bác sĩ và y tá có thời gian hơn cho những bệnh nhân có thể cứu sống khác
- Tránh tình trạng dày vò đau khổ khi người nhà nhìn thấy bệnh nhân đau đớn.
- Ngành lập pháp có thể nghiên cứu kỹ để tránh các trường hợp lạm dụng và bảo vệ cuộc sống con người.
- Bệnh nhân có thể hiến tặng nội tạng của mình cho những người khác có cơ hội được sống
- Nếu không được an tử, bệnh nhân có thể tìm đến cái chết bằng những con đường khác ghê tởm và đau đớn hơn

Nhóm người phản đối luật an tử lập luận rằng :

- Sẽ vi phạm lời thề Hippocratic của bác sĩ
- Nó hạ thấp giá trị của một sinh mạng
- Có thể dẫn đến việc lạm dụng, tự tử quá sớm khi còn có khả năng cứu chữa
- Nhiều tôn giáo ngăn cấm việc tự sát
- Bác sĩ và gia đình từ bỏ việc chạy chữa khi còn quá sớm
- Chính phủ và các công ty bảo hiểm có thể gây áp lực hoặc hối lộ bác sĩ để gợi ý bệnh nhân và người nhà chọn phương pháp an tử, nhằm giảm chi phí chữa chạy
- Phép màu có thể diễn ra. Những phương pháp chữa bệnh mới có thể giúp bệnh nhận hồi phục.
- Bác sĩ được trao quá nhiều quyền lực. Có thể dẫn đến sai sót hoặc làm những việc trái với y đức.

Cho đến nay, chỉ mới cómột số nước như Hà Lan, Bỉ, Úc , Thụy Sỹ cho phép an tử. Còn lại hầu hết các nước trên thế giới, không hoặc chưa cho phép điều này.

Những nguyên tắc cơ bản để được thực hiện an tử theo luật Hà Lan :

- Bệnh nhân phải chịu những cơn đau cùng cực mà không có khả năng tiến triển
- Bệnh nhân yêu cầu cái chết êm ái một cách tình nguyện và kiên định trong thời gian dài.
- Bệnh nhân phải trong tình trạng minh mẫn, đủ khả năng ra quyết định
- Bệnh nhân phải được tham khảo ý kiến của một bác sĩ độc lập khác về tình trạng của mình
- Cái chết phải được thực hiện bằng phương pháp y học nhẹ nhàng, và phải có sự hiện diện của bác sĩ
- Bệnh nhân phải trên 12 tuổi

Trong pháp luật VN tuy chưa công nhận an tử nhưng thực tế nó đã tồn tại ở nước ta. Đó là việc thân nhân của người bệnh thường tạo ra “cái chết êm ái” cho họ khi họ quá đau đớn, quá già nua hoặc đã được … thầy cúng xem “ngày chết tốt”. Khi đó, cái chết sẽ đến với người bệnh – do thân nhân của họ không cho uống thêm sâm – vốn chỉ có tác dụng duy trì sự sống thêm trong vòng một vài giờ hoặc chủ động không cho uống thêm thuốc nữa. Với cách tạo ra sự “an tử” như vậy, liệu có gì không hợp đạo đức chăng?

Vì vậy, xoay quanh “quyền được chết” hay cách gọi khác là an tử, cái chết êm ái… đang được tranh cãi rất gay gắt.Người viết chỉ đề cập tới việc có nên chăng chúng ta hãy làm theo mong muốn của những người đang phải sống nhưng như không hề được sống. Nhưng giữa nhân đạo và tước đoạt quyền được sống, giữa quyền và vô quyền là rất mỏng manh. Để được “luật hóa” đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với những nhà làm luật cần áp dụng nguyên tắc sao cho vừa thể hiện được sự nhân đạo, vừa tránh bỏ lọt tội phạm.

______________________________

Bài viết: CTV [D.T.D]
Biên tập: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [3D]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.

Chân thành cảm ơn bạn Thúy Đạt đã gửi bài viết về cho Wegreen Vietnam

No comments:

Post a Comment