[Personal Development - #WEGREEN]
Phần 1: Phải chăng có những chủng tộc, nhóm người sinh ra là để thành công?
Một sự thật về nước Mỹ ngày nay là một vài nhóm người thành công hơn những nhóm khác rất nhiều. Đây là một điều khá tế nhị khi nói ra, nhưng rõ ràng là một vài nhóm chủng tộc, tôn giáo và di dân thì đạt được những thành tích đáng nể hơn mặt bằng chung người dân Mỹ.
Nhóm người Mỹ gốc Ấn có thu nhập gần gấp đôi so với trung bình của quốc gia (khoảng 90,000 đô/năm so với 50,000 đô/năm). Người gốc Iran, Lebanon và gốc Trung Quốc cũng là nhóm có thu nhập rất cao. Trong vòng 30 năm trở lại đây, những người theo đạo Mormon (Giáo hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh ngày Sau hết) đã trở thành những lãnh đạo của các tập đoàn lớn, nắm giữ những vị trí cao nhất trong hầu hết những công ty có tiếng ở Mỹ. Những con số thống kê này không nói lên được rằng một vài nhóm “giỏi” hơn những nhóm còn lại và thước đo của sự thành công cũng không thể chỉ dựa vào tiền bạc. Tuy nhiên, làm lơ trước những con số thống kê không bao giờ là cách hay cả.
Sự thành công của người Do Thái có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% số người trưởng thành ở Mỹ, người Do Thái năm giữ một phần ba vị trí trong Tòa án tối cao, hơn hai phần ba giải thưởng Tony danh giá (dành cho nhà soạn nhạc và viết lời) và một phần ba giải thưởng Nobel cao quý của nước Mỹ.
Một cách giải thích mang tính an ủi đó là thành công phụ thuộc vào tầng lớp. Ba mẹ giàu có sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con cái, hoặc những người di dân đến Mỹ đã có trình độ và học vấn rất cao. Tuy nhiên, những lập luận này chỉ đúng đối với một nhóm rất nhỏ trong bức tranh tổng quát lớn hơn.
Những doanh nhân Mormon giáo thành đạt ngày nay thường khởi nghiệp từ những nền tảng rất khiêm tốn. Mặc dù một số lượng lớn người Ấn Độ và Trung Quốc di dân đến Mỹ thông qua con đường việc làm, gần một nữa người Ấn và hơn một nửa người Hoa đến Mỹ không bằng cách này. Rất nhiều người trong số họ nghèo khổ và ít học. Sô liệu từ Russell Sage Foundation năm 2013 cho thấy trẻ em gốc Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam có một sự thành công vượt bậc dù cho ba mẹ chúng có thế nào đi chăng nữa, giàu hay nghèo, ít học hay có học.
Chọn những trường trung học chất lượng cao ở New York City như Stuyvesant và Bronx Science, là những trường có số lượng lớn học sinh đậu vào Ivy League danh giá. Trong năm 2013, Stuyvesant Hight School đã nhận 9 học sinh da đen, 24 học sinh Hispanics (người gốc Tây Ban Nha), 177 học sinh da trắng và 620 học sinh gốc châu Á. Trong số những học sinh châu Á gốc Hoa, rất nhiều người là con của những nhân viên nhà hàng hoặc làm những công việc tay chân.
Chỉ dựa vào những số liệu cho thấy một vài nhóm thành công hơn những nhóm khác, mà thước đo là thu nhập, điểm số và những thứ tương tự, đã đủ gây nên những tranh cãi gay gắt trong lòng nước Mỹ ngày nay, thậm chí dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, sự thật thì thường lột trần những định kiến về màu da đó.
Một vài nhóm người da đen và Hispanic ở Mỹ thì kém hơn hẳn nhóm người da trắng và châu Á. Di dân từ Tây Ấn Độ và châu Phi như Jamica, Ghana và Haiti đang leo dần lên những nấc thang học vấn cao hơn, nhưng có lẽ có tiềm năng hơn cả là nhóm Nigeria. Người Nigeria chỉ chiếm một phần trăm số người da đen ở Mỹ, nhưng đến năm 2013, gần một phần tư số sinh viên da đen tại Harvard Business School là người gốc Nigeria. Một phần tư người Mỹ gốc Nigeria cũng đã tốt nghiệp đại học hoặc có professional degree, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 11% của người da trắng.
Người Mỹ gốc Cuba tại Miami đã dần thoát khỏi cảnh nghèo khó và có cuộc sống tương đối sung túc. Trước năm 1990, trẻ em Mỹ gốc Cuba, với bố mẹ là người tha hương, gần như không có gì trong tay, thì có tỷ lệ kiếm trên 50,000 đô 1 năm cao gấp đôi người da trắng. Cả ba Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Tây Ban Nha đều là người Mỹ gốc Cuba.
Trong khi đó, một vài nhóm châu Á như Campuchia và Hmong lại thuộc số nghèo nhất đât nước.
Và điều cơ bản nhất, là các nhóm nổi lên và chìm xuống thay đổi theo thời gian. Tài sản của nhóm thượng lưu WASP (White Anglo- Saxon Protestant) giảm dần theo thời gian. Vào năm 1960, thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Hy Lạp được ghi nhận là có thu nhập cao thứ hai tại Mỹ. Và sự thành công của một nhóm người thì có xu hướng tiêu tan sau hai thế hệ. Ở nhóm người Mỹ gốc châu Á, trẻ em có điểm SAT trung bình cao hơn mức trung bình của nước Mỹ 143 điểm, cao hơn nhóm người da trắng 63 điểm. Tuy nhiên, một khảo sát năm 2005 với hơn 20000 thanh niên cho thấy, thế hệ thứ 3 của người Mỹ gốc châu Á có thành tích học tập không khá hơn sinh viên da trắng là mấy.
Sự thật là việc các nhóm người thành công và thất bại, nổi lên và chìm xuống đã phản lại lý thuyết về “thiểu số thượng đẳng” (Model minority), cho rằng thành công của một nhóm người (chủng tộc hay tôn giáo) là phụ thuộc vào bộ gene di truyền. Đúng hơn vì sự ảnh hưởng của nền tảng văn hóa.
Và kết quả là, những nhóm thành công một cách đáng ngạc nhiên ở nước Mỹ ngày nay có chung 3 yêu tố tạo nên thành công. Vậy 3 yếu tố đó là gì? Phần 2 của bài viết sẽ trả lời câu hỏi này.
__________________________
Tác giả: Amy Chua & Jed Rubenfeld
Nguồn: The New York Times
Link: http://www.nytimes.com/
Biên dịch: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [Cohu##]
Nguồn ảnh: http://
No comments:
Post a Comment