Saturday, May 18, 2019

Personal Development - Wegreen: Bàn về HẠNH PHÚC

Personal Development - Wegreen: Bàn về HẠNH PHÚC

Sẽ rất khó để có một định nghĩa hay một giới hạn cụ thể cho hạnh phúc. "Thế nào là hạnh phúc ? Tôi đã có hạnh phúc hay chưa ? Tôi đang làm gì, tôi cần phải làm gì ? Những gì tôi đang làm liệu có đem tới cho tôi hạnh phúc ? Tôi đã có đủ hay chưa ?" Những câu hỏi đó ám ảnh nhiều thế hệ con người. 

Hạnh phúc là cái đích mà mọi người đều muốn hướng đến. Bất kể bạn là ai, một công chức bình thường, một cán bộ, một doanh nhân thành đạt, một nhà khoa học, một chính trị gia...tất cả những gì bạn làm có mục đích nào khác hơn là hy vọng kết quả của chúng sẽ đem lại hạnh phúc cho mình ? Và đã có ai trong chúng ta nhận ra rằng kiếm tìm hạnh phúc cũng như một trò đuổi hình bắt bóng: Ta tìm ngươi ở bên này, ngươi chạy sang bên khác; ta tìm ngươi ở bên khác, ngươi lại chạy về bên này. Chúng ta chẳng bao giờ có được cho mình một niềm hạnh phúc vẹn tròn bởi vì luôn mơ về những điều mình không có.

La Bruyere than thở: Hãy mỉm cười trước khi có được hạnh phúc, bởi nếu không bạn sẽ chết mà chưa từng cười. Hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của đông đảo loài người là một cuộc hành trình luẩn quẩn, lòng vòng không lối thoát. Chúng ta đã từng muốn được lớn lên, muốn được người khác lắng nghe mình trước khi chúng ta ước mình được trở lại tuổi thơ để có được cảm giác an toàn vô tư lự. Chúng ta từng da diết ước một công việc ổn định trước khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta muốn có nhiều thời gian rảnh rỗi với gia đình. Chúng ta từng ước có người quan tâm, một mái ấm gia đình để đi về trước khi khó chịu càu nhàu về việc mình bị ràng buộc. Chúng ta cứ mãi đuổi theo tương lai với niềm ảo tưởng rằng ở cuối con đường kia sẽ có hạnh phúc. Và thế là, như lời Jules Renard "Đời người chẳng dài chẳng ngắn mà là những khoảng lòng vòng".

HẠNH PHÚC LÀ GÌ? VÀ MỘT CUỘC SỐNG NHƯ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Trên mạng xã hội, chúng ta khóc lóc cho những con người nghèo khổ, chúng ta bày tỏ lòng đồng cảm với những số phận bi thương. Chúng ta tạo ra những định mức về hạnh phúc cho mình và thương cảm cho những ai không vượt nổi lằn ranh đó. Và khi làm tất cả những điều đó và nghĩ rằng mình đang bày tỏ lòng thương những thân phận cơ cực, chúng ta biết đâu rằng ở đâu đó cũng có những con người như thế đang khóc than cho chúng ta. De Bainville nói một cách trào lộng khi đang trong cảnh lao tù: "Đâu phải ta đang ngồi tù bên trong, mà chính bọn chúng đang ngồi tù bên ngoài đấy".

Chúng ta bị cầm tù ngay trong chính suy nghĩ của mình. Đầu tiên là sự so sánh. Tự nhiên không có tốt đẹp thiện ác đúng sai hay dở. Chúng ta chỉ đơn thuần thực hiện những phép so sánh trong đầu: cái này đẹp hơn cái khác và cái khác tồi tệ hơn cái kia. Chúng ta so sánh người với mình và mình với người. Chúng ta thầm nhủ rằng: "Tại sao ta có cái mà người ta không có ?" và "Tại sao người ta có cái mà ta không có ?". Ta còn tự so sánh ta với ta của ngày hôm qua: Tại sao ta của ngày hôm qua đẹp đẽ, hào nhoáng như vậy mà ta của ngày hôm nay lại đến nông nỗi thế này ? Ta so sánh điều mình không thích với điều mình thích, cái mình yêu với cái mà mình không yêu ... Tất cả những nhận xét, những phán đoán, những tư duy của ta đều được rút đúc ra từ so sánh. Thay vì đi tìm kiếm ý nghĩa thực sự trong những sự vật hiện hữu trước mắt, chúng ta mải mê so sánh chúng với những thứ này và những thứ khác. Làm sao ta biết một cô gái là xấu nếu như chúng ta chưa từng tiếp xúc với những cô gái (mà theo ý chúng ta là) đẹp ? Làm sao ta biết rằng ta khổ nếu như ta không từng nếm trải sung sướng rồi.

Chúng ta so sánh „niềm vui“ hôm qua với „nỗi khổ“ hôm nay. Sau những khoái lạc ngắn ngủi luôn là sự nuối tiếc những gì đã mất. Chúng ta đau khổ, chúng ta than khóc, chúng ta kêu gào: Sao lại cướp mất hạnh phúc của tôi, tôi có làm gì đâu kia chứ, sao ông Trời lại tàn ác, bất công với tôi như vậy ? Thưa rằng: Là vì cuộc sống luôn là một cuộc thiên diễn rất lạnh lùng của Tạo hóa: có đến thì có đi, có được thì có mất. Phần đông chúng ta chỉ muốn được mà không muốn mất, muốn mãi mãi giữ những gì mình yêu thích lại cho mình. Ta như người lữ hành oằn mình dưới gánh nặng rồi mà vẫn còn muốn chất thêm nữa lên lưng. Ta không hạnh phúc chính bởi ta mang nặng, bởi ta khăng khăng muốn giữ lấy cho mình tất cả những gì mình yêu thích. Chưa có thì muốn cho bằng được, được rồi thì nơm nớp lo sợ đánh mất, mất rồi thì buồn khổ, nuối tiếc, giận dữ. Trọn đời ta có đúng là cái vòng luẩn quẩn như vậy không ?

"Biết đủ thì đủ, biết nhàn thì nhàn". Nhiều người cho rằng câu nói của cổ nhân là không hợp thời, là khiến cho người ta nhụt chú tiến thủ. Nào phải vậy ? Những bậc vĩ nhân của thế giới có ai là không phải chịu hy sinh ? Chấp nhận dấn thân vào giông bão là chấp nhận bỏ đi một cuộc sống yên bình mà mình có thể sống một cách ổn định, là đánh đổi bằng sự an toàn của bản thân và của những người xung quanh. Chấp nhận hy sinh cho sự nghiệp là từ bỏ những phút giây rảnh rỗi bù khú với bạn bè. Phần đông chúng ta đâu có hiểu ? Chúng ta muốn được mà sợ mất, chúng ta vừa tham lam những cái chưa có vừa nơm nớp sợ những cái có rồi sẽ rời bỏ ta đi. Chúng ta không biết đủ, không biết nhàn, muốn nhiều thêm nữa, nhiều đến khi lấp đầy lòng tham không đáy. Vì thế, ta mãi luẩn quẩn.

Chúng ta tự nói mình đang đi tìm hạnh phúc, thậm chí tạo ra hạnh phúc, nhưng chúng ta gán hạnh phúc của mình cho những thứ tạo vật bên ngoài. Một căn nhà đẹp, một người vợ xinh xắn hiền lành, một chiếc nhẫn kim cương bạc tỉ. Chúng ta mải miết chạy theo những thứ đó. Còn gì tội nghiệp hơn ? Có khác chi người xà ích buộc củ cà rốt vào đầu một sợi dây, đong đưa trước mũi con lừa kéo để nó tiến về phía trước. Chúng ta xem những điều tạm bợ là hạnh phúc, vì vậy dễ hiểu sao mà cái hạnh phúc đó của ta chỉ như một cơn mê ngắn ngủi nhanh đến nhanh đi. Bởi cuộc đời mãi mãi là một cuộc thiên diễn lạnh lùng bất tuân ý chí con người; càng cố gắng, chúng ta càng buồn khổ, càng bất lực.

HẠNH PHÚC, CHỈ CÓ ĐƯỢC TỪ TÂM THỨC

Muốn kiếm tìm hạnh phúc, hãy nhìn vào những khoảnh khắc và để mình quên đi tất thảy mọi sự trên đời. Đừng nhìn vào quá khứ mà cũng quên luôn cả tương lai. Ở đó, ta sẽ tìm ra được ý nghĩa thực sự của cuộc đời, cảm nhận được sự tồn tại tĩnh lặng của cuộc sống biến động không ngừng nghỉ.

Muốn kiếm tìm hạnh phúc, hãy biết đủ. Biết đủ không phải là ngừng sống, không phải là ngừng biến đổi, mà là có đủ an nhiên để buông đi những gì nắm giữ trong tay, buông đi một cách tự nhiên mà không tiếc nuối cũng chẳng hề ân hận.

Muốn kiếm tìm hạnh phúc, hãy ngừng so sánh, ngừng nhận xét, ngừng phê bình, hãy ngừng xem hạnh phúc như một dấu mốc mình phải vượt qua. Bởi hạnh phúc chẳng phải một dấu mốc nào, cũng chẳng phải việc người này giàu hơn hay tốt hơn kẻ khác.

Muốn biết đâu là hạnh phúc, hãy thành thật với mình. Hãy thành thật với mình mà không phải nhắm mắt lao bừa theo những chuẩn mực của một người. Hạnh phúc của bạn khác với hạnh phúc của tôi. Đừng làm với người khác những điều ta muốn người khác làm cho mình, bởi vì mọi người rất khác.

Sống là động nhưng lòng luôn bất động.
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến !
===================
Bài viết & Hình ảnh: [Admin K]
Bản quyền © Wegreen Vietnam
#wegreen#wegreenvietnam#personaldevelopment

No comments:

Post a Comment