Saturday, May 18, 2019

SỨC MẠNH CỦA GIỚI HẠN

SỨC MẠNH CỦA GIỚI HẠN
[Personal Development - #Wegreen]

Nếu bạn là một người lãng mạn, bạn sẽ thích câu chuyện tình đầy bi kịch của chàng Romeo và nàng Juliet. Nếu bạn là một người thực tế, bạn sẽ cho rằng thời nay khó mà tồn tại một câu chuyện tình như vậy. Tôi cũng từng thắc mắc rằng, điều gì đã làm nên bi kịch của hai con người đó? Mười bảy tuổi chưa phải độ tuổi thích hợp để chết vì tình yêu. Hai người còn quá trẻ và quen nhau một thời gian chưa đủ dài để có những thề non hẹn biển.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, nguyên nhân dẫn đến bi kịch trong vở kịch của Shakespeare chỉ có một: Nếu hai gia đình không ngăn cản tình yêu của Romeo và Juliette, có lẽ kết cục của họ cũng sẽ giống hệt như các chuyện tình của những người trẻ tuổi – nồng nhiệt, chán chường và sau đó là chia tay. Mỗi người sẽ đi tìm một hạnh phúc khác và có lẽ không ai phải chết. Sai lầm chính là ở sự ngăn cấm.

Chúng ta đều thích được tự do. Rất nhiều ví dụ cho thấy khi chúng ta bị ép vào một khuôn khổ, chúng ta sẽ tìm mọi cách để vượt qua khuôn khổ đó. Tìm mọi cách. Hãy để ý đến những bộ phim dán mác 18+ và 21+. Những cái mác này được tạo ra với ý đồ không làm lệch lạc suy nghĩ của thanh thiếu niên, tuy nhiên kết quả mà người ta thu được hoàn toàn ngược lại: Đa phần thanh thiếu niên trong độ tuổi dưới 18 và 21 sẽ cho rằng những bộ phim dán mác 18+ và 21+ thú vị và đáng để tìm hiểu hơn các bộ phim tương tự nhưng lại không dán mác - và dần sẽ cho rằng các bộ phim dán mác 18+ và 21+ là một sở thích của chúng.

Sự cấm đoán và giới hạn có thể dẫn tới những kết quả hoàn toàn trái ngược, cũng giống như bi kịch của chàng Romeo và nàng Juliette. Hãy để ý đến những đám đông tập trung ở các cửa hàng vào mỗi dịp sale off. Họ giẫm đạp lên nhau, giành giật nhau những món đồ nhỏ nhất, mà có thể họ chẳng dùng để làm gì cả.

Giới hạn một cách có chừng mực có thể dẫn tới những kết quả không ngờ. Tôi sẽ đưa ra thêm một ví dụ nữa: sai lầm lớn nhất của những cặp đôi trẻ tuổi – là họ đối xử với nhau quá dễ dãi. Bạn đã bao giờ thấy càng những người bạn cố xa lánh họ, họ lại càng bị thu hút bởi bạn; và càng những người bạn theo đuổi họ lại càng xa lánh bạn chưa? Bạn có lấy làm lạ vì điều đó không? Đơn giản là vì khi bị từ chối, bạn cảm thấy phạm vi lựa chọn của mình bị thu hẹp lại, và một cách bản năng bạn tìm đủ mọi cách để chiếm hữu đối tượng; trong khi sự quan tâm quá nhiều sẽ dẫn tới cảm giác sẵn có rất gần với sự nhàm chán. Giới hạn một cách có chừng mực là cách tốt nhất duy trì mối đam mê trong các cuộc tình. Những cơn ghen đôi khi lại là biểu hiện rõ rệt nhất của một tình yêu sâu đậm.

Không chỉ các cặp tình nhân mắc sai lầm, rất nhiều bậc cha mẹ cũng có hiểu lầm tai hại trong cách dạy con cái, nhưng ngược lại: Đó là cấm đoán và cấm đoán. Họ tin rằng việc cấm đoán sẽ làm lũ trẻ tránh xa những tác nhân có hại. Người ta đã làm một thí nghiệm như thế này: hai nhóm trẻ được đưa vào một căn phòng có sẵn những đồ chơi rô bốt. Những người làm thí nghiệm nói với một nhóm trẻ (nhóm thứ nhất) rằng: Các cậu KHÔNG ĐƯỢC PHÉP chơi rô bốt. Nhóm còn lại (nhóm thứ hai) được bảo rằng: Đây là một thứ đồ chơi nguy hiểm và không tốt cho các cháu. Sau đó họ ra ngoài và ngầm đặt một camera thu lại những hình ảnh trong phòng. Kết quả thu được cho thấy, nhóm trẻ thứ nhất tỏ ra tò mò, thích thú và dành nhiều thời gian lại gần những con robot hơn nhóm trẻ thứ hai.

Đó là quy luật của số ít, quy luật của sự giới hạn. Tất cả các giới hạn đều tạo ra sự ham muốn khó cưỡng. Giới hạn, nghĩa là mất đi lựa chọn. Con người sợ mất đi lựa chọn. Một lý do cũng quan trọng không kém, là một quy luật bất thành văn: Hiếm, ít, đồng nghĩa với tốt.

Hãy đọc hai mẫu quảng cáo sau đăng trên báo:

Mẫu thứ nhất: Công ty X cần tuyển nhân viên, lương cao, đãi ngộ hấp dẫn, tạo điều kiện gắn bó với công việc lâu dài.

Mẫu thứ hai: Công ty X cần tuyển 5 NHÂN VIÊN, THỜI HẠN GỬI HỒ SƠ LÀ NGÀY 20/8/2013. Lương cao, đãi ngộ hấp dẫn, tạo điều kiện gắn bó với công việc.



Mẫu thứ nhất: Cửa hàng giảm giá 15% cho các loại sản phẩm.

Mẫu thứ hai: Cửa hàng giảm giá 15% cho các loại sản phẩm TRONG 3 NGÀY.

Mẫu quảng cáo thứ hai, dù có vẻ ngặt nghèo hơn, lại thu hút nhiều CV đăng ký hơn hết. Những lựa chọn cho công việc đã bị giới hạn, gây ấn tượng rằng đây là một công việc tốt hơn, và những người tham gia tuyển dụng cần phải gấp gáp nếu không muốn mất đi sự lựa chọn. Đây cũng là tác dụng của các deadline.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Quy luật số ít càng mạnh mẽ hơn với các giới hạn đột ngột. Có thể thấy rằng, một đứa trẻ bị cấm ăn kẹo tuyệt đối sẽ chỉ bị thu hút bởi kẹo - nhưng chỉ cần được cho ăn kẹo một lần, những lần sau đó đứa trẻ đó sẽ đòi được ăn kẹo bằng mọi cách (việc cấm đoán không còn dễ dàng như trước). Sự giới hạn một số quyền lợi sẵn có một cách đột ngột gây nên những phản ứng dữ dội: Những ai học kinh tế sẽ thấy rằng việc tung ra một mặt hàng với số lượng lớn, sau đó bất ngờ hạ thấp nguồn cung cấp xuống sẽ làm nhu cầu có món hàng đó tăng đột biến.

Ở những hoàn cảnh rộng hơn, quy luật giới hạn có thể tạo ra những biến động khủng khiếp. Tôi sẽ lấy ví dụ trong một thời kỳ lịch sử của Việt Nam:

NĂM 1858: Pháp tấn công Đà Nẵng.
1859: Khởi nghĩa Trương Định.
1861: Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực.

NĂM 1884: Hòa ước Giáp Thân
Năm 1885: Khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Hương Khê
Năm 1886: Khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Hùng Lĩnh.
Năm 1887: Khởi nghĩa Yên Thế.

NĂM 1939: Thế chiến thứ hai bùng nổ.
Năm 1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn.
Năm 1941: Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Năm 1945: Khởi nghĩa Ba Tơ.

Hãy để ý các sự kiện này (đặc biệt là các sự kiện đánh CHỮ IN HOA). Năm 1958 là năm Đà Nẵng và sau đó vài năm là toàn bộ Nam Kỳ thất thủ. Năm 1885 là năm Đại Nam chính thức mất độc lập. Năm 1939 là năm chiến tranh thế giới bùng nổ (điều đáng lưu ý là trong khoảng thời gian trước đó, một loạt cải cách đã được chính phủ Pháp ban hành, đem lại nhiều quyền lợi hơn cho các thuộc địa). Điều đáng lưu ý thứ hai là các cuộc khởi nghĩa lớn xoay quanh 3 mốc thời gian trên - ngoài những lý do chính trị thì chính sự cắt đứt những quyền lợi sẵn có một cách đột ngột, có thể tạo nên những phản ứng đồng loạt.

Hạn chế đột ngột hàng hóa để tạo sự khan hiếm bằng cách ghìm giữ hàng hay các chính sách khuyến mại trong giới hạn có thể dẫn tới hiệu ứng mua không tiếc tay của khách hàng. Và hạn chế đột ngột những quyền lợi của người dân bằng những chính sách thiển cận có thể dẫn tới những hệ quả lớn hơn rất nhiều với chế độ, hơn cả việc hoàn toàn không trao cho người dân một quyền lợi nào.
------------------------
Bài viết & Hình ảnh: [Admin K]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

#WegreenVietnam, # PersonalDevelopment, #PhatTrienCaNhan

No comments:

Post a Comment