Personal Development - WEGREEN: Tính cách hèn nhát
TÍNH CÁCH HÈN NHÁT
Chúng ta đều sợ mất hơn là muốn được. Nói cách khác thì, chúng ta đều hèn nhát.
Tâm lý này thường được các nhà tiếp thị sản phẩm sử dụng để cho ra đời các khẩu hiệu makerting. Các bạn hãy đọc hai mẫu quảng cáo: „1. Hãy đến với chúng tôi và bạn sẽ sống vui vẻ khỏe mạnh“ và 2. „Hãy đến với chúng tôi nếu bạn không muốn mất đi năm năm tuổi thọ của mình“. Cho rằng hai nhà quảng cáo này đều uy tín và nội dung quảng cáo có sơ sở khoa học. Quảng cáo nào gây cho bạn nhiều sức hút hơn ?
Trong vô số các giải pháp, con người thường hướng đến giải pháp an toàn nhất. Vì bản tính của con người là chọn lựa sự an toàn. Cũng vì lý do này mà con người có áp lực phải hòa nhập đám đông và giữ lấy những gì đang sở hữu.
Khi thuyết phục một người, thay vì phân tích „Nếu làm theo tôi anh sẽ có A, B, C“, hãy phân tích „Nếu không làm theo tôi anh sẽ mất A, B, C“. Bạn sẽ thấy cách thứ hai tỏ ra hiệu quả hơn trong đa số hoàn cảnh.
Một con người trong cuộc sống thường bị ràng buộc bởi muôn vàn mối trách nhiệm. Anh ta có quá nhiều thứ để mất. Dễ hiểu vì sao, xét trong những người cùng năng lực thì những người thành đạt nhất thường là những ai khởi nghiệp với số tài sản không lớn (thậm chí với hai bàn tay trắng), trong khi những người có một cuộc sống yên ấm đầy đủ từ bé, có một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc...thường có thành công „khiêm tốn“ hơn.
Trong văn học – lịch sử, không phải ngẫu nhiên mà nhân vật anh hùng trong các cuốn tiểu thuyết và nhiều nhân vật lịch sử lỗi lạc thường có xuất thân cơ hàn. Đây không phải định kiến „người nghèo giỏi hơn người giàu“ như nhiều người nghĩ và tự hào. Chúng ta không đề cập đến chuyện giỏi kém. Đây là quy luật tâm lý: Khi một người có nhiều thứ, anh ta cũng sợ mất nhiều thứ. Khi một người có ít hoặc không có gì, anh ta dám dấn thân hơn, dám đeo đuổi đam mê của mình hơn, kiên trì hơn và do đó dễ đạt đến đỉnh vinh quang hơn.
BẠN CÓ HÈN NHÁT KHÔNG ?
Bạn có hèn nhát không ? Chắc chắn nhiều bạn sẽ trả lời không. Không ai tự nhận là mình hèn nhát, nhất là khi ném đá những người hèn nhát. Nạn vô cảm, hay chuyện anh hùng bàn phím chẳng hạn.
Tôi có thể nói hàng giờ, như một nhà đạo đức, rằng con người phải biết dấn thân và sống can đảm, nếu không xã hội này sẽ trở nên thật đáng sợ. Hình như, bất cứ ai, dù là nhà báo hay không phải nhà báo, đều có thể nói như vậy. Thế nhưng thực tế tôi lại không thể sống như vậy, vì nhiều lý do. Chắc hẳn có nhiều bạn sẽ đồng cảm với tôi.
Một câu chuyện lịch sử: Hàn Tín, khai quốc công thần thời Tây Hán, từng có kế sách rút quân đến sát bờ sông, đến không còn đường lùi mới cho quân phản công đánh bại kẻ thù mạnh hơn nhiều. Vì sao quân Hán lại có thể chiến đấu với tinh thần hăng hái đến như vậy ? Ở thế đường cùng, họ hiểu rằng chỉ có hai con đường: tiến lên hoặc là chết.
Khi rơi vào tình thế hiểm nghèo, không còn gì để mất, cũng là lúc bản năng sinh tồn của bạn trỗi dậy mạnh mẽ nhất - bạn nhận ra mình can đảm hơn hẳn ngày thường.
Điều này cũng giải thích tại sao khi một dân tộc bị dồn đến bước đường cùng thì dân tộc đó có thể đứng lên với sức mạnh quật khởi. Hay rất nhiều người đã tìm thấy thành công trong công việc, cuộc sống sau khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, trải qua cảm giác mất mát.
Nhưng có thực là con người chỉ có thể can đảm khi đã bị dồn tới bước đường cùng ? Vấn đề là ở đây: Không phải bạn có gì, mà chính là tư duy của bạn về những thứ bạn có. Một ví dụ: Phần nhiều chúng ta thích tiền bạc và coi tiền bạc là biểu hiện của sự thành công, vì vậy chúng ta thường ngần ngại khi đầu tư số tiền lớn vào một lĩnh vực. Nhưng những người giàu có coi tiền là một công cụ và thành công là một thụ phẩm, thì họ sẵn sàng dấn thân và sống chết với các dự án.
Chính lòng tham, ước muốn sở hữu làm con người trở nên hèn nhát. Gần như tất cả chúng ta đều hèn nhát. Nếu bạn thấy một người có vẻ can đảm thì lý do là bạn chưa xâm phạm vào những giá trị mà người đó quan tâm tới.
Những người dám dấn thân thường đặt vào niềm tin của họ một giá trị cao hơn giá trị của những gì họ đang có. Những nhà khoa học lớn, những nhà khai sáng, những nhà cách mạng...tất cả bọn họ đều có chung một tính cách: Sẵn sàng sống chết cho niềm tin của mình. Đại khái, nếu các bạn cho rằng việc họ đã chết để nói rằng Trái đất quay quanh Mặt trời hay việc họ rời bỏ trần thế để đi tu là một việc làm ngu ngốc; thì rất nhiều người cũng cho rằng, việc các bạn khóc lóc vì thất tình, vì thi trượt, các bạn nổi khùng vì bị móc máy, thật là lố bịch. Với họ, những điều đó hoàn toàn không quan trọng, hoặc có một giá trị thấp hơn.
Vấn đề ở đây không phải là „Làm sao để chúng ta không còn hèn nhát“, mà là „Làm thế nào để có được những niềm tin đúng“. Điều này tùy thuộc rất nhiều (tất nhiên không phải tất cả) vào môi trường mà chúng ta sinh sống. Nếu để ý môi trường mà những người khác nhau trong những thời đại khác nhau, bạn sẽ thấy chúng có tác động rõ ràng đến tính cách: Con người sẽ sẵn sàng dấn thân, khi may mắn được hưởng sự giáo dục tạo điều kiện và gợi mở cho họ xác định lý tưởng chân chính của mình, hoặc là khi họ bị áp bức đến không còn chịu đựng nổi.
Bài viết & Hình ảnh: [Admin K]
Bản quyền: © Wegreen Vietnam.
No comments:
Post a Comment