Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM đánh giá, đường sắt cao tốc chỉ để vận chuyển hành khách là những người “dư tiền” không thể là ưu tiên đầu tư số 1. So về mức độ quan trọng, Hội cho rằng hiện cả nước có không dưới 30 công trình cần ưu tiên như thế.
Một phép tính nhỏ, mỗi công trình ưu tiên số 1 đều dự kiến đầu tư 50-60 tỷ USD thì riêng vốn cho những dự án này, cả nước cần huy động 1.500 tỷ USD. Trong khi đó, theo dự báo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đến 2030, GDP của Việt Nam mới đạt 700 tỷ USD.
Nếu coi đường sắt cao tốc Bắc Nam là ưu tiên số 1 thì vấn đề đặt ra là lựa chọn phương án đầu tư và chứng minh tính tối ưu của phương án là yêu cầu bắt buộc.
“Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tuy có đưa ra 4 phương án so sánh, nhưng chỉ trong phạm vi đường sắt, có nghĩa là “bắt” đại biểu chỉ được chọn lựa trong phạm vi báo cáo đầu tư?” – TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN&QL TPHCM đặt câu hỏi.
Ông Phúc cho rằng, dự án tầm quốc gia mà không so sánh với các hướng đầu tư khác để lựa chọn phương án tối ưu mà chỉ đưa duy nhất hình thức đường sắt cao tốc là chưa đảm bảo tính khoa học. Dẫn chứng, ông Phúc so với phương án đầu tư vào hàng không, chỉ cần 24 tỷ USD cho 2 sân bay và mua sắm toàn bộ máy bay, thiết bị điều hành là đủ năng lực vận chuyển 57 triệu hành khách/năm (tương đương mục tiêu của đường sắt cao tốc 56 tỷ USD).
Về hiệu quả kinh tế, Hội Tư vấn KHCN&QL TPHCM phân tích, báo cáo đầu tư ước lượng thời gian thu hồi vốn toàn dự án nhanh nhất là 45 năm.Tuy nhiên, với những thông tin từ báo cáo, các nhà khoa học tính ra: lợi nhuận hàng năm của toàn dự án sẽ tương ứng là 0,958 – 0,797 tỷ USD/năm, Tỷ suất lợi nhuận hàng năm trên tổng vốn đầu tư sẽ tương ứng là: 0,87% – 0,72%, và thời gian thu hồi vốn tương ứng là: 114,8 – 138 năm, trong khi tuổi thọ công trình dự kiến chỉ 100 năm.
Theo VIT
No comments:
Post a Comment