Tuesday, June 22, 2010

Chế Độ Toàn Trị Sẽ Sụp Đổ Như Thế Nào?

Chế Độ Toàn Trị

Chế độ toàn trị được hiểu là một hình thái xã hội, kinh tế chính trị được thiết lập theo nguyên tắc một chính đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; từ thượng tầng ý thức tư tưởng đến hạ tầng cơ sở vật chất của một quốc gia.

Là cha đẻ của chế độ toàn trị, tuy nhiên chính Lê-nin đã sớm nhận ra những sai lầm của thể chế, những khuyết tật của toàn hệ thống được xây dựng theo lý thuyết “chuyên chính vô sản”, “kinh tế tập trung kế hoạch hóa”, “quốc hữu hóa”… Ngay tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Liên Xô, Lê-nin đã đưa ra cảnh báo về việc “tự diễn biến”, “tự sụp đổ” của Liên Xô nếu như Đảng Cộng sản không quyết tâm sửa chữa những khuyết tật, chữa trị căn bệnh ung thư của hệ thống toàn trị, ông đã nói:

“Từ nay, hoặc là chúng ta chứng minh được rằng chúng ta có khả năng làm việc, hoặc là chính quyền Xô Viết không thể tồn tại được nữa. Nguy cơ lớn nhất là ở chỗ tất cả mọi người đã không nhận thấy được như thế” (Tác phẩm “Bàn về tác dụng của vàng”, trang 96).

“Chúng ta chỉ như giọt nước trong đại dương, cho nên chỉ khi nào biểu hiện đúng ý niệm của nhân dân thì chúng ta mới quản lý được Nhà nước. Nếu không Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi cuốn được quần chúng theo mình, và tất cả bộ máy của chính quyền Xô Viết sẽ tan rã” (Lê-nin toàn tập, “Báo cáo tại Đại hội XI Đảng Cộng sản Nga”, tập 45, trang 134).

Những nhận xét này đã được Lê-nin tỉnh ngộ và đưa ra từ cuối năm 1922, đầu năm 1923, trong hàng loạt bài phát biểu khác nhau tại các hội nghị trung ương, đại hội Xô Viết, thư từ và các bài viết… Sau khi Lê-nin mất, những thế hệ lãnh đạo sau ông đã không tiếp thu lời cảnh báo đó, thậm chí họ đã phản bội lại những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, bóp méo chủ nghĩa Mác thành một thứ lý thuyết giáo điều, khô cứng, không có sức sống.

Cơ sở kinh tế để hình thái xã hội này phủ định và thay thế hình thái xã hội kia chính là ở sức sản xuất, ở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chế độ này chiến thắng chế độ kia cũng là do tạo ra năng suất lao động cao hơn. Chế độ toàn trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ không ngoài lý do đó; Liên Xô đã đuối sức trong cuộc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh, nó làm lung lay toàn bộ hệ thống toàn trị ở Đông Âu, dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi.

Còn lại các nước “cộng sản” lạc hậu ở Châu Á, gọi là cộng sản trên lời nói chứ thực ra nó là cái vỏ bọc trá hình mà những kẻ phản bội học thuyết Mác-xít đã dựng nên, nhờ vào thủ đoạn được thừa kế từ các Vương Triều Phong Kiến nó đã biết cách đàn áp dẹp loạn để giữ được chế độ. Những tội ác này sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhớ: sự kiện tắm máu Thiên An Môn, tấn thảm kịch diệt chủng của Khơ Me Đỏ, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm bức hại các Trí thức ở Việt Nam v.v…

Chế độ toàn trị không những tỏ ra kém xa chế độ dân chủ phương Tây về sức sản xuất, mà nó còn đưa lịch sử đi thụt lùi hàng thế kỷ.

Triết học lịch sử

Triết học Mác ra đời là sự kế thừa có phê phán, thậm chí phủ định những trào lưu Triết học trước đó, khi tiến hành phê phán Triết học ở mỗi thời đại, Mác luôn xác định vị trí của nó trong từng nấc thang phát triển của lịch sử, chỉ rõ những mặt hạn chế không thể tránh khỏi của Triết học lịch sử; những Triết học – Triết thuyết mà ông cho là mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu và lý giải về thế giới, ông viết: “Những Triết gia bằng cách này hay cách khác để giải thích về thế giới, nhưng vấn đề là làm gì để cải tạo thế giới”.

Cũng với phương pháp luận như vậy, Lê-nin đã viết: “Khi tiến hành đánh giá các nhân vật lịch sử, thì điều quan trọng là xác định những đóng góp của họ đối với thời đại mà họ sống”. Đó cũng là phương pháp luận giúp chúng ta đánh giá đúng đắn những đóng góp của Triết học Mác cho sự phát triển của loài người vào thời đại mà ông sống (nửa sau thế kỷ 19), qua đó ta nhận thấy rõ bộ mặt giả dối, bản chất lừa đảo của những kẻ phản bội đội lốt cộng sản, chúng đã bóp méo xuyên tạc Triết học Mác thành một thứ giáo điều, kinh viện, chân lý bất biến, mà thực chất là liều thuốc ru ngủ quần chúng nhân dân, bắt ép họ phục tùng quyền uy tối thượng của Đảng Cộng sản và thần phục chế độ toàn trị mãi mãi.

Những kẻ phản bội đã lý luận về sự sụp đổ của chế độ toàn trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hãy chú ý cách họ bênh vực chủ nghĩa Mác và coi nó như một cứu cánh cho vận mệnh của chế độ: “Trong khoảng gần 20 năm qua, trên nhiều diễn đàn và nhiều trang báo chí, với những mức độ khác nhau, đã nổi lên một chiến dịch đả kích chủ nghĩa Mác. Việc bôi nhọ chủ nghĩa xã hội và phê phán chủ nghĩa Mác đang như là cái mốt thời thượng. Số lượng những người tham gia vào công việc này có phần tăng thêm. Tại sao có tình trạng như thế? Phải chăng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời?

Đúng là hiện nay chủ nghĩa Mác đang đứng trước thử thách nghiêm trọng. Thực tiễn đã có những biểu hiện khác với những quan niệm truyền thống và không giống như dự đoán của Mác. Có những loại vấn đề và những nguyên nhân tác động trực tiếp có những nhân tố sâu xa hơn, thuộc về bản thân chủ nghĩa Mác.

Nguyên nhân trực tiếp trở thành cơ hội để người ta phủ nhận chủ nghĩa Mác là những hiện tượng mới nảy sinh của chủ nghĩa tư bản hiện đại và chủ nghĩa xã hội. Một mặt, chủ nghĩa tư bản mà Mác tuyên bố tất yếu sẽ diệt vong thì đã chưa chết và chưa chuẩn bị chết. Còn ở mặt khác, chủ nghĩa xã hội đã được sinh ra theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác thì lại kém hiệu quả, đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và đã sụp đổ ở các nước Đông Âu và ở nơi đầu nguồn là Liên Xô (cũ).

Nguyên nhân của những khó khăn và bi kịch của chủ nghĩa xã hội là do rất nhiều yếu tố. Sự xuất hiện và xây dựng chủ nghĩa xã hội đã diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác với dự kiến của Mác. Trên thực tế chủ nghĩa xã hội không phải là kết quả của sự phủ định chủ nghĩa tư bản. Nó được thực hiện ở những nước tư bản chủ nghĩa kém phát triển, ở những nước mới thoát thai từ chế độ phong kiến lạc hậu, có tình thế cho giai cấp vô sản giành chính quyền nhưng lại thiếu thốn cơ sở vật chất kỹ thuật. Chủ nghĩa Mác chưa dự tính đến việc chủ nghĩa xã hội tồn tại song song với chủ nghĩa tư bản và hơn thế nữa, lại ở điểm xuất phát rất thấp.

Thế nhưng chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng theo ý muốn chủ quan, cứng nhắc, khuôn mẫu và trái quy luật. Khi đã nhận ra những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc cải tổ, đổi mới nó, thì ở nhiều nước lại thiếu sự chuẩn bị những giải pháp tháo gỡ, củng cố hoặc xây lại, mà mới kịp làm được một công việc đầu tiên là phá bỏ những gì đã có! Vậy nên việc chủ nghĩa xã hội thua kém chủ nghĩa tư bản là do sự giáo điều hóa, thô thiển hóa chủ nghĩa Mác, chứ đâu phải do bản thân chủ nghĩa Mác. Cũng như sự sụp đổ nhanh chóng của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và ở Liên Xô một phần chính là do sai lầm trực tiếp của công việc cải tổ, chứ đâu phải là sai lầm của học thuyết Mác-xít”.

Đọc những dòng viết trên, chúng ta dễ dàng nhầm tưởng đây là cách nghĩ thực sự cầu thị, thực sự xây dựng. Nhưng khi đọc kỹ cách mà người viết bênh vực chủ nghĩa Mác, thì ta thấy rõ là họ đang muốn bênh vực và bảo vệ chế độ toàn trị. Vấn với giọng văn mềm dẻo, họ đã biết khôn khéo xoa dịu những bất mãn của dư luận, bằng cách thừa nhận chủ nghĩa Mác là có sai lầm.

Nhưng ngay sau đó, họ lại hết lời ca ngợi ngọn cờ tư tưởng và lý luận mà Đảng CSVN và Hồ Chí Minh luôn giương cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác là vỉa tầng quý giá nhất của trí tuệ loài người, là cốt lõi tinh thần của chủ nghĩa xã hội v.v… chế độ mà Đảng CSVN và Hồ Chí Minh đã gây dựng là một lựa chọn tốt nhất, tiên tiến nhất, và dù ai nói ngả nói nghiêng thì cũng không được đòi hỏi thay đổi chế độ !!!

Nếu như chủ nghĩa Mác đã có những sai lầm thuộc về bản chất, thì chế độ toàn trị là hiện thân của những sai lầm ấy cũng cần phải thay đổi bản chất của mình, nghĩa là phải thẳng thắn thừa nhận rằng: “chế độ toàn trị là sai lầm tai hại nhất trong lịch sử nhân loại, là tội ác lớn nhất mà những kẻ ấu trĩ ngạo mạn cộng sản đã gây ra cho loài người, cần phải từ bỏ nó mãi mãi, vĩnh viễn…”

Chuyển giao trong hòa bình

Chế độ toàn trị lợi dụng chủ nghĩa Mác để tạo ra cái vỏ bọc chính danh và dựa vào bộ máy bạo lực chuyên chế để bảo vệ chế độ. Nó nuôi dưỡng một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, cùng với một mạng lưới dày đặc cơ quan mật vụ, công an cảnh sát, làm ra bầu không khí ngột ngạt lo sợ, không ai dám phản đối dù chỉ là lời nói. Mọi hành vi chống đối đều bị dập tắt ngay từ trong trứng nước.

Thực tế đã chứng minh, chế độ toàn trị không thể bị đánh đổ, nhưng nó cũng không thể tồn tại mãi mãi. Vậy thì chế độ toàn trị sẽ sụp đổ như thế nào? Như đã phân tích ở trên, đối với mỗi nấc thang phát triển xã hội sẽ tạo ra cơ sở kinh tế chính trị cho việc hình thành một chế độ xã hội tương ứng, hay còn gọi là trào lưu tiến hóa hoặc trào lưu văn minh. Khi một chế độ xã hội đi ngược lại trào lưu văn minh ấy, thì nó tất yếu phải bị đào thải.

Nếu như chế độ toàn trị tự đóng kín cửa cô lập mình với thế giới, thì làn gió văn minh sẽ không thổi đến mọi người dân, đất nước chìm đắm trong tăm tối, nghèo khổ, đây chính là trường hợp của Bắc Triều Tiên, cũng như Trung Quốc và Việt Nam vào đêm trước của đổi mới.

Nước ta đã mở cửa với thế giới, người dân có điều kiện để tiếp nhận tri thức tiến bộ, đặc biệt là giới Trí thức những người rất nhanh nhạy với thời cuộc, họ đã mang đến một làn gió đổi mới trong đời sống tinh thần, tư tưởng của người dân. Không một lực lượng nào có thể ngăn cản giới Trí thức khát khao vươn tới ánh sáng của tri thức văn minh nhân loại. Cơ sở thực tiễn và lý luận đã hội đủ giúp người Trí thức thấy được đâu là con đường đưa đất nước ra khỏi nghèo, hèn, tụt hậu, con đường đó chỉ có thể là dân chủ hóa đất nước; dân chủ hóa trong Đảng và toàn xã hội.

Xu thế tất yếu đó được các nhà lý luận cộng sản gọi bằng cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Gọi như vậy là không hoàn toàn chính xác, không nói rõ được tính chất thời đại, tính tất yếu của xu thế đó. Quá trình diễn biến chuyển hóa trong nội bộ Đảng Cộng sản và toàn xã hội là một tất yếu lịch sử, nó phản ánh đúng nhận thức về thời đại ngày nay, về xu thế phát triển của xã hội. Người cộng sản không thể tự thay đổi nhận thức nếu họ không mở rộng tầm nhìn ra thế giới.

Sự chuyển hóa trong nhận thức tất yếu sẽ dẫn đến chuyển hóa trong hành động, kết quả là Đảng Cộng sản buộc phải chấp nhận cách nghĩ mới, cách làm mới, chấp nhận tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, đa nguyên chính trị. Lịch sử đang chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, triệu triệu trái tim đều hướng về và dõi theo cuộc đổi thay của đất nước.

Vận nước sau 1000 năm

Cách đây hơn 500 năm, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu Sấm:

“Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo Dương đầu Mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”

Câu Sấm trên đã được nhiều người hiểu là năm 1954 bộ đội cụ Hồ tiến về giải phóng thủ đô. Nhưng sự thật, chữ “Hồ binh” trong Sấm Trạng Trình không phải nói về quân giải phóng mà là ám chỉ quân xâm lược: quân đội do họ Hồ lãnh đạo, “Hồ binh” có thể hiểu là quân đội dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Vào khoảng đầu năm Mùi 2015 (Dương đầu), cuối năm Ngọ 2014 (Mã vĩ) lịch sử sẽ đổi chiều, sao đổi ngôi. Sấm còn cho biết: “Canh niên tân phá; Tuất Hợi phục sinh”; năm Canh Dần (2010) có biến động lớn, đến năm Tuất (2018), năm Hợi (2019) đất nước sẽ hồi sinh.

“Tràng An” từ xa xưa là tên gọi của cố đô Hoa Lư, sau này Nhà Lý dời đô về Thăng Long vẫn lấy tên gọi Tràng An với ý nghĩa mong muốn nơi đây sẽ là chốn phồn hoa đô hội của đất nước. Tràng An (cố đô Hoa Lư) đã từng là một trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của nước Đại Cồ Việt từ thời Đinh Tiên Hoàng cho đến hết thời Tiền Lê (cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11), đây là giai đoạn lịch sử quan trọng đặt nền móng cho việc xây dựng nhà nước Phong kiến độc lập tự chủ.

Nhà Tiền Lê cai trị đất nước trong bối cảnh bên phương Bắc đang hình thành một đế chế hùng mạnh , Hoàng Đế Đại Tống mang tham vọng xưng bá Thiên Hạ, liên tục viễn chinh mở rộng bờ cõi, nước ta lại một lần nữa đứng trước hiểm họa ngoại xâm. Trong nước Triều Đình rất bạc nhược, Vua Lê Long Đĩnh tàn bạo hoang dâm vô độ, trên lừa dối Trời, dưới làm lòng dân oán thán, khắp nơi nổi dậy đòi lật đổ. Trước tình cảnh đó, quần thần trong Triều Đình nhất loạt đồng thuận suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, không có đổ máu. Nhà Lý đặt niên hiệu là Thuận Thiên (thuận theo ý Trời) bước lên vũ đài chính trị như một định mệnh lịch sử; đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên độc lập tự chủ, mở mang nền Văn hiến, làm cho dân giàu nước mạnh.

Nhờ có thời gian xây dựng, kiến thiết nước nhà, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh giặc, cho nên khi hàng chục vạn quân Tống xâm phạm bờ cõi nước ta thì chúng đã bị chặn đứng; quân thù không thể vượt qua được phòng tuyến sông Cầu (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) để vào đến kinh đô, đất Thăng Long phi chiến địa.

Vận nước sau 1000 năm lặp lại một chu kỳ: giới lãnh đạo Bắc Kinh đang phát động cuộc xâm lăng tổng lực nhằm vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… với cao điểm là chiến dịch “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”.

Hồ Binh Nhập Việt

Theo thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào giữ chức Tổng Bí thư đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân uỷ trung ương. Nhiệm kỳ của Hồ Cẩm Đào sẽ đến hết năm 2012, sau đó dần dần chuyển giao cho người kế nhiệm (Tập Cận Bình đang là nhân vật được chú ý nhiều nhất), Hồ Cẩm Đào sẽ rút lui dần khỏi các chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Quân uỷ trung ương nắm quyền lãnh đạo quân đội.

Qua đó người viết đưa ra dự báo về cuộc đổi thay của đất nước trong thập kỷ tới như sau:

- Năm 2010, sự kiện 1000 năm Thăng Long là cột mốc đánh dấu cuộc đổi thay, những mâu thuẫn dồn nén được bung ra, lòng yêu nước như dây cung bật căng ra, phá vỡ mọi trật tự khuôn phép. Đổi thay thực sự đã diễn ra từ bên trong mỗi trái tim, khối óc người Việt Nam.

- Năm 2012, đúng 3 năm sau cuộc khủng hoẳng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ, đây là lúc những bất ổn của nền kinh tế thế giới bùng lên thành những mâu thuẫn cao độ, được tiếp lửa bởi những vấn đề nóng của toàn cầu (môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng…) nó sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột lan rộng ra toàn cầu.

- Cuối năm 2014, đầu năm 2015, cuộc xung đột leo thang khốc liệt, cũng trong năm này, Hồ Cẩm Đào với vai trò là Chủ tịch Quân uỷ trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh “dạy cho Việt Nam bài học”: Từ căn cứ Tam Á, một đạo tám vạn quân theo đường biển đổ bộ vào bờ biển kéo dài từ Thái Bình đến Thanh Hóa, tiến sâu vào Hoa Lư, Ninh Bình (Hồ binh bát vạn nhập Tràng An), một đạo khác tiến đánh Trường Sa rồi đổ bộ vào bờ biển Nha Trang chiếm đóng quân cảng Cam Ranh, phối hợp với cánh quân tiến đánh từ Lào, Campuchia qua ngã ba Đông Dương chiếm lĩnh vùng Tây Nguyên, hai đạo quân này như hai lưỡi đao cắt nước ta thành 3 mảnh, đầu đuôi không ứng cứu được cho nhau.

Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam, điều này không còn là bí mật, nó được nhắc đến rất nhiều trên các trang báo mạng chính thống của Trung Quốc. Cuộc tấn công của Trung Quốc công khai tuyên bố với thế giới rằng, khối cộng sản quốc tế đã thực sự phá sản, Trung Quốc là một cực của thế giới. Đế quốc Trung Hoa quyết một phen sinh tử để tranh giành vị trí bá chủ với Mỹ và Nga. Việt Nam là bàn đạp, cửa ngõ để Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Tại vùng Đông Bắc Á tập trung những cường quốc kinh tế hàng đầu, Trung Quốc đã nắm trong tay quân bài chiến lược Bắc Triều Tiên, nếu kiểm soát được vùng Đông Nam Á thì Trung Quốc có thể nắm trong tay một nửa thế giới.

Âm mưu thâm độc của Cộng sản Trung Quốc đã bị phơi bầy, chúng lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược quy mô lớn “Hồ Binh Nhập Việt” đưa nước ta trở lại thời kỳ 1000 năm Bắc Thuộc lần nữa. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì lòng yêu nước của người Việt Nam lại kết thành làn sóng to lớn, mạnh mẽ, cuốn phăng đi mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.

Đảng Cộng sản phải biết dựa vào sức mạnh của nhân dân, thuận theo ý Trời mà làm nên cuộc đổi thay cho đất nước, hoặc là họ sẽ tiếp tục đi vào con đường phản bội và hủy hoại tất cả những thành quả cách mạng đã phải đổi bằng xương máu của hàng triệu đồng bào.

Lịch sử đang bước sang trang mới, vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam đang dần được chuyển giao cho những lực lượng Dân chủ tiến bộ, chế độ độc đảng toàn trị không còn cơ hội để tồn tại lâu hơn nữa. Chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa sẽ diễn ra Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta chờ mong những đổi thay to lớn của đất nước và tin tưởng rằng đây là kỳ Đại hội Đảng cuối cùng dưới chế độ toàn trị.

Việt Nam, ngày 15 tháng 6 năm 2010

Vũ Hải Đăng – Đảng DCND
www.ddcndvn.com

No comments:

Post a Comment