IQ (intelligence quotient) – chỉ số thông minh, có liên quan đến sự thành công trong khoa học, trong công việc, trong Xã hội. Vậy mà trong phiên thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam một đại biểu Quốc Hội đã tuyên bố: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”. Không biết vị dại diện cho dân có ý coi dân Việt Nam là “thấp về trí tuệ” nếu như Việt Nam không thực hiện dự án 56 tỉ USD, hay không?
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM khi đưa ra thảo luận rộng rãi tại nghị trường sáng nay (8.6) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) về việc QH có nên thông qua chủ trương đầu tư dự án hay không.
ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) là người đầu tiên “châm ngòi” cho chủ đề xây dựng đường sắt cao tốc liên quan tới IQ (chỉ số thông minh) bằng nhận xét: “Một số nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức… đã có đường sắt cao tốc, Brazil, Nga, Indonesia đang triển khai. Tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”.
ĐB này đề nghị QH thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM vì Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại hai miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước.
“Dự án được quan tâm đặc biệt cũng bình thường vì có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Người ủng hộ hay không ủng hộ thì cũng chỉ vì tương lai của đất nước, vì vậy, cần bình tĩnh, đừng cho là nếu tán thành thì IQ cao còn không tán thành thì IQ thấp mà mất lòng nhau”, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) phát biểu sau khi nghe nhiều “phản biện”.
Nói như vậy không có nghĩa là ông Thanh không tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM vì cho rằng, đường sắt này có thời gian thu hồi vốn chậm nhưng sẽ có sức lan tỏa về hiệu quả kinh tế, nhất là về du lịch và “nếu không làm bây giờ sẽ có lỗi với tương lai. Cứ để hệ thống đường sắt xập xệ như hiện nay cũng là có hại cho thế hệ con cháu”.
Tuy nhiên, ông Thanh vẫn tỏ ra băn khoăn khi “dự án không thấy đề cập đến cầu vượt và hầm chui mà có khi cần tới cả nghìn cái, đường hành lang bao cũng chưa nói trong khi riêng khoản này có khi cũng tốn tới hàng tỉ USD?”.
Không tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bày tỏ chính kiến: “Có một số đại biểu ví von là dự án đường sắt này sẽ “đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng”. Tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? Như thế rất nguy hiểm. Tôi xin nói thật với QH là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này”.
Theo nhận xét của ĐB Thuyết, đọc Báo cáo của Chính phủ, các Tờ trình và những văn bản kèm theo, thấy âm hưởng chủ đạo của tất cả văn bản ấy là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông, mọi giải pháp phát triển đường sắt để áp đặt vị trí độc tôn của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nhưng những lập luận trong các Tờ trình và các báo cáo đó rất nhiều lập luận thiếu sự thuyết phục.
Sự thiếu thuyết phục đó, theo ông Thuyết, là báo cáo của Chính phủ đưa ra luận cứ việc cần thiết phát triển đường sắt cao tốc xuất phát từ một nguyên do là lâu nay chúng ta quá tập trung phát triển giao thông đường bộ, trong khi thực tế thì sao? Đồng bào ở nhiều nơi còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông đường bộ, trong đó có đồng bào Kon Tum còn phải đánh đu qua sông để đi qua con sông Pôcô chảy siết rất nguy hiểm. “Tôi không biết những người viết những báo cáo và tờ trình này ngồi ở đâu, sống ở đâu, có sống ở đất nước Việt Nam không mà nhận định là chúng ta đã quá tập trung về phát triển đường bộ”, ông Thuyết cật vấn.
Đồng tình, ĐB Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) cho rằng, nếu tiếp tục đi vay nước ngoài làm đường sắt cao tốc chỉ để chuyên chở người thì nền kinh tế sẽ thêm gánh nặng, trong khi còn có nhiều mục tiêu dự án cần ưu tiên. Nhiều chuyên gia nước ngoài khuyên nên lùi thời hạn đầu tư dự án sau năm 2020 để ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc trước mắt đã.
Hơn nữa, theo ĐB Hải, giá vé tàu cao tốc như dự kiến là cao so với thu nhập của dân, không mang tính đại chúng, chỉ phù hợp với số thu nhập khá, không phù hợp với nhu cầu số đông. Việc thực hiện dự án sẽ phải giải tỏa số lớn các hộ gia đình, nhưng trong tờ trình của Chính phủ chưa đưa ra phương án giải quyết vấn đề trên thỏa đáng. “Tôi đề nghị chưa đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc hiện nay, lùi lại sau 2020, đầu tư vốn cho giao thông nông thôn, vùng sâu vùng xa để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn - đô thị”, ĐB này nhấn mạnh.
ĐB Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM đang được nghiên cứu là một cơ hội để rà soát lại tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của nước ta cho giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng trong thời gian tới trong bối cảnh ngành GTVT đang thực hiện rất nhiều công trình dự án trọng điểm khác với tổng mức đầu tư các dự án lên tới hàng chục tỉ USD. |
Theo Thanh Niên
_______________________________________________
Người dân Việt Nam có đáng bị sỉ nhục?
IQ (intelligence quotient) – chỉ số thông minh, có liên quan đến sự thành công trong khoa học, trong công việc, trong Xã hội. Vậy mà trong phiên thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam một đại biểu Quốc Hội đã tuyên bố: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”. Không biết vị dại diện cho dân có ý coi dân Việt Nam là “thấp về trí tuệ” nếu như Việt Nam không thực hiện dự án 56 tỉ USD, hay không?
“Qua tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Hà Nam, cử tri đều bày tỏ sự phấn khởi và đồng tình cao với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc”, đại biểu Trần Tiến Cảnh nói. Theo ông Cảnh thì “những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”.
Ở vào thời đại IQ, việc đưa ra một kết luận phải dựa vào các nghiên cứu đánh giá dựa trên nền tảng tư duy phê phán khoa học. Vậy mà ông Trần Tiến Cảnh, người tự cho là có chỉ số IQ hơi cao, thì cho rằng việc đi vay 56 tỷ USD để làm đường cao tốc thì chỉ cần dựa vào lý sự IQ. Nếu những lý luận cảm tính như thế này mà còn tiếp tục tồn tại thì không biết vận mệnh của hơn 80 triệu dân Việt Nam được định đoạt dựa trên cái gì nữa. Những phát ngôn kiểu thế này không những cho thấy cái tầm, cái tâm của vị đại biểu đại diện cho người nhân Việt Nam, mà còn cho thấy có dấu hiệu coi thường Quốc Hội.
Thiết nghĩ mỗi lời nói ra nên uốn bẩy tấc lưỡi, nhất là các vị đang là người đại diện cho dân chúng.
Chẳng biết có phải là phản ứng tự nhiên với những lời lẽ mang tính xúc phạm, mà đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói “Tôi xin nói thật với Quốc hội là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này”.
Có vị đại biểu ủng hộ nhiệt thành cho việc “đi vay 56 tỷ để các vị xây đường cao tốc”, nhận thấy việc hớ hênh trong các lập luận dựa trên IQ, liền xoay sang đòn EQ (Emotional Quotient) – “chỉ số cảm xúc”. Và cũng chính ông Thuyết, chẳng biết có phải ông không có đủ “óc hài ước” nên đã buông một câu cụt ngủn “Có một số đại biểu ví von là dự án đường sắt này sẽ “đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng”. Tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc là sẽ hỏi: “anh ơi, tiền đâu?”
Xem ra cái ý tưởng 56 tỷ gãi đúng chỗ ngứa. Quốc Hội chia thành phe ủng hộ và không ủng hộ dự án. Phe ủng hộ rất mạnh mẽ, và không ủng hộ cũng rất quyết liệt. Cái việc đúng hay sai, lợi hay hại, của một dự án kinh tế đáng ra là phải do các cơ quan ban ngành chức năng phải thực thi báo cáo trình Quốc Hội thì nay được đem ra bàn bạc, khiến cho các vị đại diện cho dân phải làm những việc cần đến chỉ số IQ, EQ cao quá. Tuy nhiên, phiên thảo luận về “Chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam” là thành công vượt bậc, bởi nó chứa đựng nhiều mức độ lý lẽ và cảm xúc, khác hẳn với các phiên trước đó.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lương Phan Cừ đã nhấn mạnh, đường sắt cao tốc là dự án đặc biệt lớn, không chỉ được dư luận trong nước mà kể cả Việt kiều hết sức quan tâm. Sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án này có trách nhiệm, phân tích nhiều vấn đề, nhiều lý giải khá thuyết phục. “Tôi cho rằng việc đầu tư dự án là cần thiết, chưa nói là chậm”. Theo thông lệ, phàm cái gì đã nhấn mạnh ở phần mở đầu là phải có nguyên nhân của nó. Không biết cái nguyên nhân này có nằm trong phạm trù IQ hay EQ không, hay lại là phạm trù AQ (Authority Quotient) chính truyện!
Theo VIT
__________________________________________________________
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú viết về mấy lời phát biểu của ông ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) như sau,
Cách chứng minh tôi là con mèo
Tôi thì luôn lắng nghe nghiêm túc mọi phát biểu của các đại biểu Quốc hội bởi nó có thể cho ta hiểu được nhiều điều. Riêng trong trường hợp này, cười hay ngao ngán, chúng ta cũng cần chỉ ra cho được cái sai trong lập luận, kẻo sẽ không công bằng khi chỉ cổ súy cho những ý kiến phản đối dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Lập luận như trích ở trên là một tam đoạn luận rút gọn. Viết đầy đủ sẽ gồm ba phần như thế này:
- Những nước có chỉ số IQ cao thì xây đường sắt cao tốc.
- Việt Nam có chỉ số IQ cao.
- Việt Nam cũng xây đường sắt cao tốc.
Vấn đề ở chỗ tam đoạn luận này sai. Khoan xét đến chuyện IQ bởi nó phức tạp hơn (và cũng mang tính xúc phạm dân tộc mình và dân tộc khác). Chỉ cần đọc lại tiên đề chính, chúng ta sẽ thấy đường sắt cao tốc không phải là thuộc tính duy nhất của các nước có chỉ số IQ cao. Lấy một ví dụ sau cho dễ hình dung:
- Tất cả các con mèo đều có lông.
- Tôi có lông.
- Vậy tôi là mèo.
Cái sai của lập luận này là ở chỗ lông không phải là thuộc tính duy nhất của mèo.
Những người phản đối dự án đường sắt cao tốc có thể dùng chính lập luận trên để tranh cãi. Đại loại những nước có chỉ số IQ cao thì có mạng lưới đường bộ phát triển, đường cao tốc mấy làn xe nối khắp cả nước; Việt Nam ta có chỉ số IQ cao nên Việt Nam phải có mạng lưới đường bộ phát triển… Đáng tiếc là hầu hết mọi ý kiến ủng hộ dự án đường sắt cao tốc đều rơi vào những sai lầm về mặt lập luận như thế.
Về tam đoạn luận nói riêng và những suy diễn sai thường ngày nói chung diễn ra khá phổ biến. Vì thế có nhiều lời khuyên các sinh viên đều nên học qua một khóa về lô-gích học để làm nền tảng cho mọi tranh luận và lập luận của mình. Rất tiếc ở Việt Nam không thấy dạy môn này.
http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/06/09/nh%E1%BB%AFng-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-co-iq-cao-thi-co-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-s%E1%BA%AFt-cao-t%E1%BB%91c-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-dan-vi%E1%BB%87t-nam-co-dang-b%E1%BB%8B-s%E1%BB%89-nh%E1%BB%A5c/
No comments:
Post a Comment