Khi nói về dự án tàu cao tốc, nhiều người kêu về khoản nợ quốc gia khó trả, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Từ trong ý tứ mà suy có thể yên tâm những món nợ khổng lồ sẽ được các thế hệ mai sau thanh toán ngon lành.Ok. Nếu được vậy thì quá mừng. Nhưng thử xem thế hệ mai sau đang sống như thế nào, để từ đó suy ra liệu chúng có khả năng trả nợ cho chúng ta.
Vâng, xin mời…
Trong khi một số các em sống trong nhung lụa thì đa phần các em đang sống dưới chân những khu rừng trụi…
Đang sống bên những dòng sông ô nhiễm
Đang sống nơi hạn hán triền miền, nguồn nước đang dần khô kiệt
Và chúng phải lao động vô cùng cực nhọc
Thậm chí phải bới rác kiếm ăn
Thậm chí phải ăn thứ chó mèo chê
Bị đánh đập dã man
Muốn đến trường phải đánh đu trên cáp treo như thế này
Không tạo được môi trường sống tốt đẹp cho các em thì đừng mơ có một thế hệ tương lai trả nợ giùm. 6 tỉ đô đầu tư môi trường sống cho thế hệ tương lai hay 56 tỉ đô làm tàu cao tốc chỉ để chở người và hành lý xách tay, cái nào lợi hơn, không nói mọi người cũng đã rõ.
Chớ huỷ hoại cái tôi của các em
Giờ đây bạo hành trẻ em không còn là một tệ nạn như tệ nạn nghiện hút hay cờ bạc mà nó là một thảm hoạ. Tôi thử gõ google bốn chữ “ bạo hành trẻ em”, trong 0,12 giây có 9.970.000 kết quả, thật kinh khủng. Bao nhiêu phần trăm trẻ em lâm vào nạn bạo hành? Không có một thống kê thật chính xác, và cũng không cách gì chính xác được khi mà nạn bạo hành được che đậy bởi rất nhiều lý do, chỉ biết nó đang diễn ra hàng ngày và ở khắp nơi.
Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ – Chăm sóc trẻ em thì bạo hành trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần; tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần so với chục năm về trước… Kì lạ thay trong số những địa phương có nạn bạo hành trẻ em lớn nhất lại có hai thành phố được coi là văn minh nhất nước đó là Sài Gòn và Hà Nội.
Chỉ tính trẻ em bị người ruột thịt hành hạ cũng đã là một con số khổng lồ. Nếu hiểu bạo hành trẻ em là người lớn xâm hại thô bạo, gây chấn thương thân thể và tinh thần của các em thì tỉ lệ đó phải là không dưới 50%. Ỏ nước ta bao nhiêu phần trăm người ruột thịt ít nhất một lần hành hạ trẻ em? Xin thưa 90% nếu không muốn nói là 100%.
Đấy là con số ức đoán của tôi và tôi dám chắc nó là con số đúng. Khi mà trẻ em luôn bị coi là đối tượng để dạy dỗ để ra lệnh, khi mà quan niệm dạy dỗ trẻ em là buộc trẻ em làm theo ý mình chứ không phải hướng dẫn các em đi từ cái không biết đến cái biết thì rất khó tránh khỏi nạn bạo hành dành cho chúng.
Ở ta sự phân biệt tuổi tác quá nặng nề, quyền lực của người lớn tuổi được xã hội thừa nhận thậm chí khuyến khích, người nhỏ tuổi chỉ được xưng con, xưng em, xưng cháu chứ không được xưng tôi. Xưng tôi bị coi là ngôn ngữ hỗn láo của người nhỏ tuổi. Quan hệ giữa người lớn tuổi và người nhỏ tuổi trong gia đình đựơc xác định như những tiên đề không cần phải chứng minh, ấy là bảo ban và vâng lời, ra lệnh và chấp hành. Khế ước xã hội ngàn năm đó đã ngấm ngầm tạo điều kiện cho người lớn có cớ xâm hại trẻ em mà vẫn vô can.
Tình trạng này nếu còn được xã hội “ bão lãnh” bằng những giáo lý đạo Khổng lỗi thời, triết lý giáo dưỡng trẻ em bằng chữ phải chứ không là chữnên thì dù có trăm phương nghìn kế để ngăn chặn, nạn bạo hành trẻ em cũng cứ phát triển như thường. Điều đó chẳng những nguy hại đến thân thể và tinh thần các em, mà nguy hiểm hơn nó sẽ giết chết cái tôi, thủ tiêu cái tôi của các em.
Không một cái tôi nào được phát triển tốt trong môi trường không tôn trọng cái tôi. Môi trường xã hội đầy rẫy những giáo lý gia trưởng là điều kiện tốt cho các gia đình bóp nghẹt cái tôi của các em. Một khi cái tôi không được tự do phát triển thì hoặc nó sẽ chết, khi đó ta có những em bé- sau này là những công dân- không cá tính, sống cam chịu, không khát vọng, thiếu sáng tạo; hoặc nó đổi chiều thành những cái tôi tàn bạo, những cái tôi đệ tử của cái ác, khi đó xã hội sẽ phải gánh chịu.
Điều đó giải thích vì sao 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do đã sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ, người thân. Căn bệnh trầm cảm hiện đang là chứng bệnh trầm kha của tuổi trẻ đa phần đều xuất phát từ môi trường huỷ diệt cái tôi, nơi mà bạo hành gia đình được nhân danh cái gọi là giáo dục con cái.
Các nhà tâm lý đã cảnh báo rằng, sự bạo hành của cha mẹ, người ruột thịt đối với con cháu trong nhà có ảnh hưởng xấu không chỉ trong thời gian ngắn mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Trẻ em bị cha mẹ, người thân ngược đãi đánh đập sau này khi làm cha làm mẹ họ lại lặp lại cách đối xử đó với con cái mình. TS. Lê Thị Ngọc Dung – Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM không dưới một lần đã lên tiếng: “Trước mắt bạo hành là nỗi khiếp sợ và căm ghét của trẻ, nhưng tới khi trưởng thành, những đứa con, lại có xu hướng “lặp lại” cách cư xử độc ác đó với người thân. Khi thực hiện hành vi bạo lực, họ dường như không còn kiểm soát được hành vi của mình. Như vậy, di chứng tinh thần của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của đứa trẻ.” ( Theo báo Tuổi trẻ).
Dùng đòn roi chửi mắng xâm hại thân thể và tinh thần các em nhỏ là một tội ác, điều đó ai cũng đã rõ. Nguy hiểm hơn nữa, chính bạo hành và những giáo lý lỗi thời sẽ bóp nghẹt cái tôi, giết chết cái tôi của các em. Như người ta vẫn nói: trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, theo đó thì giết chết cái tôi của các em cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang đóng sập cánh cửa tương lai của chính chúng ta.
Bài viết của Bọ Lập
No comments:
Post a Comment