Có rất nhiều điều chúng ta phải thay đổi khi mong muốn trở thành công dân thế giới. Ở đây tôi chỉ đề cập đến một thay đổi rất nhỏ trong tư duy về quan hệ giữa người dân và chính phủ. Suốt một thời hễ cứ mở miệng ra là dân ta lại nói “ơn chính phủ”. Thậm chí “ơn chính phủ” đã được đưa cả vào một bài hát khá cảm động. Nó xác định rõ người ban ơn và kẻ nhận ơn.
Những người làm tuyên truyền coi đó là một sự kỳ diệu trong công tác tư tưởng mà không biết rằng chính kiểu quan hệ như vậy là nguyên nhân của tất cả sự trì trệ trong bộ máy hành pháp suốt một thời gian dài mà ngày nay chúng ta đang hô hào cải cách. Bởi vì khi người dân luôn phải mang ơn chính phủ của họ, thì đương nhiên là họ chỉ có duy nhất một thứ quyền, ấy là tìm cách mà báo đáp lại chính phủ, người gia ơn cho mình. Ngược lại, ở vị trí người ban ơn thì chính phủ mặc nhiên có quyền không cho phép ai đòi hỏi ở mình. Bởi vì mối quan hệ cho-nhận là mối quan hệ không dựa trên nghĩa vụ và quyền lợi mà dựa trên sự hảo tâm đầy cảm tính và tuỳ tiện cho dù nó được khoác vẻ mặt đạo đức. Đây là mối quan hệ còn mang mầu sắc lễ giáo phong kiến, trong đó nhà nước là của vua. Vua có ban thì thần dân mới được. Giờ đây nghĩ lại không khỏi cảm thấy rất buồn cười và trên thực tế nó vô cùng tai hại. Tôi sẽ từ từ chỉ ra sự tai hại đó.
Về bản chất, chính phủ là những người được dân trả tiền thuê để điều hành công việc làm ăn, gọi thẳng ra là những người làm thuê cho dân. Tiền lương trả cho các nhân viên trong bộ máy hành chính chỉ lấy từ nguồn duy nhất là tiền thuế của dân. Chính phủ, khi tạo ra của cải vật chất thông qua điều hành sản xuất, làm dịch vụ…thì của cải đó thuộc về ông chủ là nhân dân. Người được thuê chỉ có nghĩa vụ làm tết những công việc mà nhờ thế anh ta nhận được thù lao từ người trả tiền. Hiến pháp của nhà nước Việt Nam không thể không xác nhận điều này cho dù ngôn từ dùng có thể không nói cụ thể ra như vậy. Nhưng không hiểu sao trong quan niệm của dân ta, chính phủ nói riêng và các tổ chức khác nói chung giống như những lực lượng vô hình được phái đến từ đâu đó trước hết để ban ơn cho họ. Chính phủ có trong tay nguồn của cải to lớn để cho ai thì cho, cho bao nhiêu là quyền của chính phủ. quan niệm này tai hại ở chỗ nó xác định sai lạc bản chất mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan hành chính. Với người dân thì họ luôn phụ thuộc, lệ thuộc vào chính những người-như đã nói-làm thuê cho mình. Cho nên mới xảy ra chuyện ngược đời là có nhiều người dân sợ chính quyền như sợ cọp! Với những người này thì chính quyền làm gì làm thế nào là quyển của họ. Họ làm tết thì mình được hưởng (chẳng hạn như may mắn không bị sách nhiễu, gây khó dễ khi có việc cần phải gặp người của chính phủ; hoặc may mắn gặp được người tốt, công việc thuận lợi…), còn nếu họ làm không tốt họ gây cản trở thì cũng đành cắn răng biết vậy. Hiện trạng đó đã và đang ngầm xác nhận một thực tế ngược đời là người làm thuê lại đứng ở vị trí của ông chủ và ngược lại. Những người làm thuê này tự thấy mình ở phía trên người dân để nhìn xuống. Người dân phải mang ơn họ cơ mà. Mà đã chịu ơn thì được ơn ngần nào tốt ngần ấy, không ai đi đòi hỏi người khác phải gia ơn.
Vậy là vấn đề không chỉ còn là chuyện ngữ nghĩa câu chữ, truyền thống văn hoá hay quan niệm đạo đức được gắn tuỳ tiện cho một mối quan hệ mập mờ giữa người dân và chính phủ nữa, mà là vấn đề của khoa học dân chủ, phát triển và văn minh. Đã đến lúc mối quan hệ này phải trở về đúng bản chất của nó. Đã đến lúc các nhân viên trong bộ máy hành chính phải luôn ý thức nếu họ phục vụ không tết, thiếu minh bạch… ông chủ nhân dân sẽ chuyển sang thuê người khác, tức là họ mất việc. Đã đến lúc trả lại cho người dân cái quyền tối thiểu của họ là không thuê những người không có phẩm chất và năng lực làm việc cho họ. Có như vậy chúng ta mới xây dựng được một chính phủ hiện đại như mong muốn của người dân và đòi hỏi của thời cuộc. Khi đó, nếu người dân thật sự biết ơn chính phủ của mình thì họ sẽ có đủ cách để bày tỏ mà không cần phải lên gân hô cái khẩu hiệu rỗng tuếch.
Tạ Duy Anh
Nguồn: Chúng Ta
No comments:
Post a Comment