Tuesday, June 29, 2010

Cổng chào Hà Nội ‘tham nhũng không gian công cộng’

"Trống đồng bị xẻ ra làm đôi, không khác gì con dấu" (bản vẽ phối cảnh cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc)

“Xây dựng kiểu này rất nguy hiểm, bởi bằng cách đó người ta có thể chiếm dụng, tham nhũng các không gian công cộng để quảng cáo cho họ” – họa sĩ Nguyễn Quân.

Quanh chuyện UBND TP.Hà Nội xây 5 cổng chào tạm trên các cửa ngõ vào thủ đô bằng tiền của doanh nghiệp, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng cách làm này vừa gây ô nhiễm môi trường thẩm mỹ, vừa giúp doanh nghiệp chiếm dụng không gian công cộng.

50 tỷ đồng cho 5 cổng chào xây dựng trong khoảng 100 ngày cho kịp đại lễ. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Tôi cho đây là biểu hiện của hai hiện tượng buồn cười ở xứ ta. Thứ nhất là tư duy “ăn nhanh” của con nhà nghèo. Đặc điểm “ăn nhanh” ở Việt Nam được gọi là ăn xổi ở thì. Chúng ta có 10 năm để chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cớ gì lại chỉ có 100 ngày để xây dựng cổng chào?

Tư duy này đang phổ biến trong quy hoạch, kiến trúc của chúng ta. Bởi sự ăn nhanh, nên các cổng chào này rất thô sơ về kỹ thuật và ý tưởng. Sự thô sơ đã được duyệt bởi cấp duyệt không có chuyên môn.

Thứ hai là tâm lý thích sự to lớn, phô phang, kỷ lục của một người mới giàu lên. Ai cũng muốn đánh dấu giai đoạn lãnh đạo của mình bằng công trình gì đấy. Dù chỉ là dựng tạm nhưng nó gây ô nhiễm môi trường thẩm mỹ lâu dài mà không làm cách nào xóa đi được.

Ông dựa trên những phân tích nào để đánh giá đây là những công trình thô sơ về kỹ thuật và ý tưởng?

- Về mặt nghệ thuật, sự thô sơ, đơn giản thể hiện ở chỗ: trống đồng là trống đồng, tại sao lại xẻ nó ra để làm cổng chào? Chẳng hạn như cổng chào đặt trên đường Láng – Hòa Lạc, bản vẽ phối cảnh cho thấy trống đồng bị xẻ ra làm đôi, đặt ở hai bên và nghiêng đi không khác gì con dấu.

Hay cũng không thể lấy hình vẽ chim lạc, vốn được dùng để trang trí bề mặt trống đồng ra để dựng thành hình khối như cổng chào trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ. Nhưng đây là những ý tưởng rất dễ được duyệt. Trong số các biểu tượng được dùng để xây 5 cổng chào, chỉ có 8 con rồng xuất hiện trong cổng chào đặt trên trục quốc lộ 1A là thuộc về thời Lý, tức có gắn liền với Hà Nội.

Về mặt lịch sử, nếu các cổng chào này làm tạm thời cho dịp đại lễ thì nó phải thể hiện nét đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội. Thứ đến, phải đặt ở những vị trí lịch sử. Theo tôi tưởng tượng, các cổng chào này sẽ được dựng đâu đó ở những cánh đồng trống trải trên các trục đường. Chủ đầu tư có khi nhờ cổng mà được đất. Tức về mặt quy hoạch cũng sai, chẳng có lý do gì để làm cổng chào tại những nơi này vì đó không phải chỗ dừng chân.

5 cổng chào dự kiến được đặt trên 5 tuyến đường: Pháp Vân – Cầu Giẽ (thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), Bắc Thăng Long – Nội Bài (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn), quốc lộ 1 (xã Ninh Hiệp, Gia Lâm), quốc lộ 5 (xã Dương Xá, Gia Lâm) và Láng – Hòa Lạc.

Nếu để chào đón khách đến Hà Nội thì nó phải nằm ở địa giới giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Năm cổng chào này là chào một Hà Nội cũ trước khi mở rộng. Dự án này không nghiêm túc về mặt lịch sử khi chưa giải quyết được những câu hỏi như 5 cửa ô Hà Nội nằm ở đâu? Hay có đúng là Hà Nội chỉ có 5 cửa ô?

Dư luận đang nêu nhiều ý cho rằng dùng 50 tỷ để xây các cổng chào là quá tốn kém và lãng phí, dù đây là tiền của doanh nghiệp bỏ ra….

- Ngày xưa, những việc chung của làng có thể do anh nào đó bỏ tiền ra ủng hộ nhưng không có nghĩa người góp tiền muốn làm gì thì làm. Trong chuyện cổng chào, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm nên gọi là xã hội hóa. Nhưng phải thấy, đó cũng là tiền của nhân dân, của xã hội. Công trình này rõ ràng không phục vụ dân sinh, doanh nghiệp nên bỏ tiền ra làm chuyện khác như trồng cây xanh, xây công viên sẽ có ích hơn.

"Chúng ta không thể vĩnh cữu hóa cổng chào".

Hơn nữa, điều này rất nguy hiểm, bởi bằng cách đó người ta có thể chiếm dụng, tham nhũng các không gian công cộng để quảng cáo cho họ. Cơ chế này giúp họ không cần sự giám định, giám sát chặt chẽ của một hội đồng nghệ thuật, và cũng không huy động được những tác giả giỏi tham gia cùng làm.

Không chỉ Hà Nội, nhiều đô thị trong cả nước cũng đang đua nhau làm cổng chào. Ông có ủng hộ việc xây cổng chào?

- Xưa, cổng chào chỉ xuất hiện trong hội làng hay sau này là các dịp bầu cử, rồi sau đó người ta bỏ đi. Tôi hoàn toàn không ủng hộ chuyện này vì bản thân nó chỉ dùng để chào đón một sự kiện nào đấy, chúng ta không thể vĩnh cửu hóa cổng chào. Trong khi chỉ cần một biển hiệu tên thành phố là đủ.

Trước khi nhận trả lời cuộc phỏng vấn này, ông nói ông đã chán góp ý lắm rồi. Có phải vì những ý kiến phản biện chuyên môn của ông không được lắng nghe?

- Ba mươi năm nay, tôi đã nói rất nhiều vấn đề về những chuyện như cần giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, chuyện xây dựng tượng đài… Đã làm nghệ thuật, tôi cảm thấy cần phải nói để người dân biết đến những phản biện của tôi. Tôi không buồn chán vì người ta không nghe tôi, tôi chỉ buồn chán với thực trạng đang xảy ra.

Ông đang sống và làm nghề ở TP.HCM, vì sao những câu chuyện văn hóa ở Hà Nội lại làm ông quan tâm đến thế?

- Tôi sống ở TP.HCM được 20 năm rồi, nhưng còn rất quan tâm đến Hà Nội. Trước đây, nhà tôi ở trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Theo VNN

No comments:

Post a Comment