Sunday, June 20, 2010

Tiến sĩ: Tiếu lâm thời mới!

Dân gian vẫn gọi những người có bằng cấp nhưng không có thực tài là “tiến sĩ giấy”

Số lượng tiến sĩ tăng lên nhưng nền khoa học và hàm lượng chất xám trong xã hội có tăng tương ứng hay không?

Sau khi bị đưa lên báo, chuyện một cán bộ ở tỉnh Phú Thọ “làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng lại không biết tiếng Anh” khiến dư luận cả nước xôn xao.

Theo những thông tin trên báo chí thì vị cán bộ này “làm tiến sĩ” tại trường đại học Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thành phố New York- Hoa Kỳ. Từ tháng 2/2007 đến 9/2009, ông ta có sang trường này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt. Phí tổn cho học vị tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh (không phải là tiến sĩ khoa học) trong hai tuần này là khoảng 17.000 USD.

Còn theo thông tin trên một tờ báo khác thì trên trang web của hai cơ quan công nhận các tổ chức kiểm định giáo dục của Mỹ thì đều không thấy có tên trường Southern Pacific University.

Việc bằng thật, bằng giả, chất lượng luận án hay quy trình làm luận án tiến sĩ của vị cán bộ kia như thế nào sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, chỉ với câu chuyện này đã cho thấy tâm lý bằng cấp ăn sâu vào trong tiềm thức xã hội và những biểu hiện lệch lạc của nó đáng lo ngại như thế nào.

Thực tế là ở nhiều cơ quan, ban ngành, khi chạy đua vào một chức vụ, người ta hay lấy bằng cấp ra để “cân đong đo đếm” mà ít quan tâm đến tài năng của đối tượng lựa chọn hoặc giá trị đích thực của tấm bằng đó. Không hiếm chuyện cán bộ được bổ nhiệm chức vụ trước rồi hợp thức hóa sau thay vì phải có đủ tiêu chuẩn, bằng cấp rồi mới bổ nhiệm vào chức vụ. Một người nào đó được “cơ cấu” nắm giữ một chức vụ nào đó thì không lâu sau cấp trên, cơ quan sẽ tạo điều kiện để anh ta đi “lấy bằng cấp” hợp thức hóa cho vị trí của mình. Cũng có người đi “làm tiến sĩ” chỉ cốt lấy cái “oai” để lòe thiên hạ. Vậy là nảy sinh ra tệ mua bán hay “chạy” bằng cấp, bất chấp các quy trình, quy định.

Những năm gần đây, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ tăng lên nhanh chóng. Trong các bộ, các cơ quan Nhà nước… những cán bộ từ trung cấp trở lên phần lớn đều có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng nền khoa học đất nước và số lượng những sáng kiến, phát minh; hàm lượng chất xám trong xã hội có tăng lên tương ứng hay không, chắc nhiều người đã rõ. Ở góc độ khác, người ta cũng không ngạc nhiên khi thấy dân gian đem cái bằng tiến sĩ ra làm đề tài cho mấy câu chuyện tiếu lâm thời mới.

Thế Vũ

Theo Công Luận


http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/06/20/ti%E1%BA%BFn-si-ti%E1%BA%BFu-lam-th%E1%BB%9Di-m%E1%BB%9Bi/

No comments:

Post a Comment