Tuesday, June 29, 2010

Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải là nhà nước pháp quyền

Hà Đình Sơn

image

Điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nếu theo Hiến pháp thì ai cũng có thể hiểu rằng: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền và có thêm thuộc tính xã hội chủ nghĩa. Còn thuộc tính xã hội chủ nghĩa là gì chưa cần bàn, đến đây không có gì phải thắc mắc.

Cũng theo Điều 4 của Hiến pháp “Đảng Ccộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Nhưng theo Vietnamnet ngày 26/6/2010 thì, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: "Bộ máy Nhà nước ở Việt Nam không hoạt động theo nguyên tắc tam quyền phân lập mà có sự phân định nhiệm vụ, hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng". Như vậy đồng nghĩa với Nhà nước Việt Nam không phải nhà nước pháp quyền, và càng không phải là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tức là trật tự xã hội không dựa trên cơ sở Pháp trị mà là Đảng trị.

Như vậy, từ nay các nhà lý luận, tuyên truyền đừng tốn giấy, mực, thì giờ của nhân dân để diễn giải về tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nữa. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ cho nhân dân biết rồi.

Là một Đảng viên thì không nói làm gì, nhưng là một người dân thì phải tuân theo “luật” nào, Pháp trị hay Đảng trị?

Nếu không có Nhà nước pháp quyền thì một người dân có được gọi là công dân không ? Câu hỏi này tôi xin hỏi các vị Luật gia.

Hơn nữa, lục tìm trong Hiến pháp 1992 và sửa đổi 2001, tôi không thấy ở đâu chỉ ra ba quyền của nhà nước “hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói. Phải chăng ở đây TBT làm cái việc mà người ta gọi là “giải thích pháp luật”. Nếu theo pháp luật thì chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội mới có quyền “giải thích pháp luật” còn các cơ quan hành chính chỉ có quyền chỉ dẫn pháp luật mà thôi.

Như vậy, có 02 giả thiết:

1. Nếu tuân theo Đảng trị thì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh Đúng.

2. Nếu tuân theo Pháp trị thì Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh Sai.

Hà Nội, 27/6/20010

HĐS

No comments:

Post a Comment