Friday, June 18, 2010

Học Quản trị Kinh doanh: Bằng giả, trường ma, kiểm định dỏm!

Theo một nguồn tin không chính thức, thì riêng một cơ sở liên kết đào tạo phía Việt Nam mà trụ sở ở ngay tại TP.HCM đã đưa ra thị trường đến 500 tấm bằng kiểu như vậy, gồm 300 thạc sĩ và 200 tiến sĩ (!). Câu hỏi: những thạc sĩ, và nhất là tiến sĩ này, hiện đang làm gì, ở đâu?

Tôi ngờ rằng một số không nhỏ những người này đang làm giảng viên tại các trường đại học của Việt Nam, đặc biệt là khối ngành kinh tế, quản trị, kế toán. Vì nó vốn là khối ngành nóng hiện nay, với rất nhiều người theo học. Và những kiến thức và kỹ năng mà nó cung cấp là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học để làm việc trong thời kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nói rằng chúng cần thiết, là dựa trên giả định rằng các chương trình học có thực sự trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, thực sự bắt người học làm việc, và chỉ cấp bằng cho những người thực sự có năng lực, còn những ai chưa có đủ năng lực thì sẽ được chương trình đào tạo tìm mọi cách để giúp rèn luyện, trau dồi năng lực cần có.

Nhưng điều đó, tiếc thay, đang không xảy ra tại các chương trình liên kết như vậy! Vậy mà những chương trình liên kết như vậy lại đang giúp Việt Nam đào tạo các “máy cái” cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian sắp tới: đào tạo giảng viên cho các trường đại học kinh tế, quản trị của Việt Nam!!! Nhằm góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục đại học của đất nước, hiện thực hóa ước mơ đẳng cấp quốc tế trong tương lai đó chăng??? Thật đáng lo ngại.

Xin mô tả chân dung của một trường mà tôi đã tìm hiểu hơi sâu một chút. Trường này không chỉ đang hoạt động ở Việt Nam, mà còn (có vẻ thế) đang tung hoành dọc ngang khắp châu Á này, đặc biệt là Malaysia, với cái tên thật “ấn tượng” đối với những người sính đồ ngoại và tôn sùng nước Mỹ, nhưng thực sự chỉ làm cho những người có hiểu biết chút ít trở nên hết sức cảnh giác, đó là trường International American University (IAU – Trường Đại học Quốc tế Mỹ??? !!!)

Xin mở ngoặc nói thêm: nếu các bạn thiếu thông tin và đang muốn tìm trường tốt để học, thì lời khuyên sau đây của tôi tuy thô thiển nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn lọc đi được ít nhất là 30% các chương trình bậy bạ: HẾT SỨC CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG TRƯỜNG CỦA MỸ MÀ LẠI CÓ CHỨA TỪ AMERICAN HOẶC INTERNATIONAL. Vì đa số chúng là trường dỏm, ảo, ma, bậy bạ!!! Tên của các trường đại học Mỹ, ý tôi nói là trường thật ấy, thì chỉ có tên tiểu bang mà thôi, nếu không phải là những tên mà ai cũng biết như Yale, Havard, Stanford, MIT, vv.

Còn cái trường mà tôi đang nhắc đến trong entry này, thật ấn tượng, có cả hai từ đáng cảnh giác ấy: International và American!!!.

Dưới đây là một số thông tin lấy từ trang web của trường này:

1. Lịch sử: Tồn tại bắt đầu từ năm 2005 với tên gọi là MIA (Management Institute of America), một công ty tư nhân của Mỹ. Đổi tên thành International American Unversity năm 2006.

Nhận xét quan trọng: Cần cảnh giác với những trường của Mỹ mới thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây, vì chúng chủ yếu nhắm vào đối tượng sinh viên nước ngoài ở những nền giáo dục đang phát triển ồ ạt về số lượng giống như Việt Nam.

2. Các chương trình giảng day: Tên trường thì to tát (Đại học Quốc tế Mỹ!!!), nhưng chỉ có mỗi một ngành, 2 khoa chuyên môn mà thực chất thì cũng chỉ có 1, đó là Khoa Doanh thương và Công nghệ (!), tiếng Anh là School of Business and Technology. Khoa còn lại là khoa Anh, chủ yếu là dạy tiếng Anh cho sinh viên nước ngoài vì thường là những sinh viên này yếu tiếng Anh, nhưng trời ơi, IAU cũng offer cả bằng Master ngành Giảng dạy tiếng Anh nữa, hoảng quá!!!.

Nhận xét: Cần cảnh giác với những trường thành lập dưới danh nghĩa University mà thực chất chỉ có một, hai ngành, lại toàn là ngành không cần đầu tư như ngành Doanh thương hoặc tiếng Anh (chỉ cần người đứng lớp, tài liệu và tri thức thì đã có sẵn từ những trường khác, chương trình thì chép của người khác, dễ ợt!).

3. Cán bộ, giảng viên chủ chốt: Rất đáng ngờ! Danh sách các nhân vật chủ chốt (thuộc hàng lãnh đạo cấp khoa, trường) của IAU có rất nhiều người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường tư vì lợi nhuận, online, ví dụ như University of Phoenix (trường đại học Phượng Hoàng!!!!), Capella University, hoặc Walden University; những trường này chủ yếu đào tạo cho giới doanh nhân để làm chứ không đào tạo ra giới học thuật hàn lâm, nghiên cứu, tạo ra tri thức mới cho xã hội.

Không những thế, trong danh sách các cán bộ chủ chốt của IAU còn xuất hiện những tên trường khác nghe rất lạ, coi chừng là trường có vấn đề, như trường United States International University!!! (trường ĐH Quốc tế Hiệp chủng Quốc??). Hoặc National University thành lập năm 2001.

Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều cuộc điều tra tìm hiểu vấn đề này, nhằm góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà.

Phương Anh

Nguồn: Tia Sáng



http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/06/18/h%E1%BB%8Dc-qu%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%8B-kinh-doanh-b%E1%BA%B1ng-gi%E1%BA%A3-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ma-ki%E1%BB%83m-d%E1%BB%8Bnh-d%E1%BB%8Fm/

No comments:

Post a Comment