Wednesday, September 7, 2022

Sài Gòn sau tháng tư năm 1975.


Sài Gòn sau tháng tư năm 1975.

Một thanh niên "đua đòi" theo lối sống "phương Tây tư sản mại bản" được anh bộ đội giúp cắt tóc, "giáo huấn" và tuyên truyền về phong cách "chuẩn" của thanh niên thời đại mới. Cùng với đó, quần áo mode phương Tây như quần ống loe cũng bị coi là sản phẩm của lối sống đồi truỵ.




 


1975 Sài Gòn - ai đã từng khiêu vũ (dù y phục kín đáo) cũng là tội phạm, bị hình phạt công khai sỉ nhục mang tấm bảng “Mê Nhảy Đầm” đi khắp phố…














KÝ ỨC VỤN SAU 30 THÁNG 4

Thế hệ chúng tôi không có, hoặc chỉ còn lưu giữ một vài ký ức nhạt nhoà về ngày 30.4 bởi lúc đó còn quá nhỏ hoặc vừa sinh ra đời. Trong tâm hồn non nớt của tụi tôi không bị ám ảnh về cuộc chiến với "từng đêm quê hương đạn bay súng nổ", "đại bác ru đêm", "xác người nằm trôi sông", "bên xác người già yếu có xác con ngây thơ"... Nhưng tất cả sự tàn khốc đó vẫn còn nguyên trong ký ức của từng con người từng gia đình ở miền Nam Việt Nam trong đó có ba tôi mẹ tôi, cô cậu dì chú bác tôi...

Sau 30.4, chúng tôi lớn lên hồn nhiên như cây như cỏ giữa cảnh non nước thanh bình không mùi khói súng...Nhưng phía sau cái bình yên đó là những ký ức hỗn độn về thời hậu chiến.

Tôi nhớ xóm tôi có một số người đi "học tập cải tạo" trên trại An Điềm, trại Tiên Lãnh. Ở nhà các bác gái dành dụm tiền mua đồ tiếp tế, 1 tháng đi thăm nuôi chồng một lần, thế mà kiên trì thăm nuôi suốt nhiều năm ròng rã cho đến ngày các bác ấy ra trại rồi đi Mỹ theo diện HO . Bạn bè cùng tuổi tui cũng theo gia đình qua Mỹ. Trong đó thằng Kim, con Lộc, thằng Dũng, con Nga đến giờ tui vẫn chưa gặp lại.

Ám ảnh hậu chiến cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người. Ba tui có một người bạn, sau khi "học tập cải tạo" về sống với gia đình bác trở nên khác lạ, ai nói lớn tiếng bác cũng giật mình hoảng sợ. Mỗi khi nói chuyện bác luôn buộc miệng "dạ thưa cán bộ...".

Tôi nhớ các dì tôi từ Đà Nẵng lên thăm mẹ tôi mang theo mấy ký gạo, đường mắm muối cho tụi tui ăn, nhưng đến Gò Cà thì bị bắt tịch thu hết vì cho là đi buôn lậu. Mất đồ dì tôi khóc bù lu bù loa...

Tôi nhớ chú tôi bị mấy anh dân quân kéo tóc vào cạnh thùng phi rồi lấy rựa chặt vì dám để tóc dài. Thời đó mấy ông cán bộ thông tin văn hoá xã hay đọc câu: "Tóc dài anh để làm chi/Hay là anh thích Híp bi (hippie) Cô bồi (cowboy)".

Tôi nhớ cô tui bị cắt ống quần vì dám mặc quần ống loe đi đám cưới...

Tôi nhớ ba mẹ tôi không biết làm nông nhưng phải đi làm hợp tác xã ăn công điểm cuối mùa quy ra vài chục ký lúa nên nhà tui đói dài dài phải ăn sắn khoai chuối nước thay cơm.

Tôi nhớ mẹ sai tôi ra cửa hàng nhà nước tay tôi cầm cuốn sổ tem phiếu đứng sắp hàng mấy tiếng đồng hồ mua dầu tây về đổ vào cái đèn dầu làm từ vỏ quả lựa đạn sau chiến tranh. Đám lửa nhỏ nhoi le lói đó đã soi trang vở bằng giấy vàng ố của tôi suốt thời gian dài.

Lớp học của tui thi thoảng vắng vài đứa, sau này tui mới biết chúng theo gia đình đi vượt biên. Thi thoảng trống vài chỗ sau này mới biết các bạn chết vì dịch tả mà không có thuốc chữa...

Tôi nhớ mấy con rồng con phượng làm bằng mảnh gốm sứ rất kỳ công gắn trên nóc đình làng chùa chiền ở quê tôi bị đập hết vì cho là mê tín dị đoan.

Đình chùa bị tận dụng làm kho hợp tác xã hoặc làm phòng học. Tôi và lũ bạn những phòng như vậy trong làng ngước nhìn lên mái đình trơ trọi, những viên ngói âm dương sấp ngửa đan tựa vào nhau rêu phong phủ kín như ẩn ức một nỗi buồn thăm thẳm...

Năm đó cả làng cả xóm đói rả rời. Tôi và lũ bạn đứa nào cũng ốm nheo ốm nhách, áo quần thì nhếch nhác. Mỗi đứa chỉ có một bộ, có đứa mặc quần lủng đít, có đứa mặc đồ bính của người khác cho lại nên thụng thệnh, quần phải xăn lên mấy lớp ống thấp ống cao nhìn rất ngộ.

Năm đó tui còn rất bé nhưng ký ức vẫn văng vẳng âm thanh câu hát: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới..." Ba tui nói bọn giặc Tàu đánh biên giới và bọn Pôn Pốt đánh Tây Ninh.

Tôi nhớ năm đó bà nội tôi tiễn chú tôi đi nghĩa vụ quân sự ra chiến trường K...Bà ngoại cũng đưa cậu ruột tôi cũng lên đường nhập ngũ...

Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà nội tôi đứng thẩn thờ nhìn theo chiếc xe chở chú tôi và nhiều thanh niên khác khuất dần trên con đường đầy bụi. Sau đó thì chú tôi trở về tiếp tục học sư phạm làm thầy giáo còn cậu tôi thì mãi mãi nằm lại ở nơi nào đó trên tuyến biên giới Tây Nam.

Tôi nhớ có một ông cán bộ đội mũ cối mặt rất dữ dằn dẫn du kích ập vô nhà tôi lấy hết sách vở băng đĩa của ba tôi mang ra đốt vì nói đó là "văn hoá phẩm đồi trụy" gì đó. Nhìn đám lửa thiêu cháy những cuốn sách ba tôi không dám nói một lời nhưng mắt ông thì đỏ hoe...

May mắn thay vài năm sau tôi vẫn có thể lén đọc những cuốn sách cũ vì trước đó ba tôi bọc ni lông đào hố chôn ngoài vườn...Trong số cuốn sách được giữ đến ngày nay còn các cuốn Điêu tàn của Chế Lan Viên, Thằng Vũ, Hạ ơi của Duyên Anh, Gái quê của Hàn Mặc Tử, tập thơ Hoang Vu của Nguyễn Vỹ, bộ Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, Tạp luận của Võ Phiến, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng...

Ký ức vụn quá nên chỉ nhớ chừng đó. Nhớ tới đâu viết tới đó. Nhắc lại để mà thương, nhắc để mà nhớ. Ký ức của mỗi người có thể khác nhau, nếu ai có gì khác xin chia sẻ dưới cmt. Tks
----
T.V
Nguồn Tiểu Vũ


==============

Trên đường Cao Thắng quần ba
On Cao Thắng Road in District Three
Bà con lối xóm tuần qua xì xào
The neighborhood folks last week were whispering
Bên trong biệt thự đèn màu
Inside a villa with colored lights
Đờn ca nhậu nhệt ồn ào, nỉ non
There was singing and dancing, carousing, flirting
Để mừng sinh nhựt cho con
To celebrate their child's birthday
Chủ mời trai gái, xồn xồn non trăm
The master invited boys and girls, noisy, about a hundred
Khi vừa chếng choáng hơi men
Once they were also tipsy from alcohol
Cất lên loạn xạ nhạc đen nhạc nhạc vàng
Out came a riot of music black and yellow
Từng đôi một kép một nàng
Each pair, a lad, a lass
Như ếch bắt cặp ôm choàng "đăng-xê"
Like frogs coupled up, embraced in dancing
Ăn no rửng mỡ ngứa nghề
Eating their fill, clowning around, in heat
Nhảy đầm để có tiện bề lai rai
Dancing for unending availability
Ngoẹo đầu cọ vế kề vai
Curved heads, rubbing thighs, shoulder to shoulder
Lả lơi bướm lượn ong bay tưng bừng
Lascivious bees and butterflies fly about excitedly
Nhạc cuồng loạn, nhảy cà tưng
Insane music, dancing wildly
Gọi là văn nghệ "văn gừng" được chăng?
Call it performing arts, would "performing farts" work?
Ngoạm vào trái cấm lai căng
Chomping into a mongrel forbidden fruit
Bị vồ cả bọn mặt nhăn ngồi rầu
They were seized, frowning faces sit and mope
Nghe qua ai cũng lắc đầu...
Hear of this, everyone shaking their heads...

trong báo Công Nhân Giải Phóng #275 (5-6-1981)

1) Năm 1981 ai có điều kiện làm "chủ" một biệt thự Đường Cao Thắng? 2) Có nhạc vàng và có nhạc đen (?) nữa. 3) Nhạc kiểu này là nhạc cuồng loạn. 4) Có trai và gái và nhạc vàng nữa - làm sao mà được lành mạnh? 5) Nhất là khi "đờn ca nhậu nhệt ồn ào, nỉ non" sẽ có kết quả "cọ vế," "ong bướm" chứ.

Nói là đờn ca có ý nghĩa là có một ban nhạc, nhạc sống?

"Ai cũng lắc đầu" - nghĩa là dư luận không chấp nhận. Nhưng có đến 100 người đến dự - là sức hấp dẫn của văn gừng lai căng. Hiện nay vẫn thế. "Cả bọn mặt nhăn ngồi rầu" vì ân hận? Chắc không - là do bị phát hiện và bắt, không phải vì tiếc.




No comments:

Post a Comment