Friday, September 16, 2022

HẬU QUẢ CỦA NGU DỐT CỘNG QUYỀN LỰC


HẬU QUẢ CỦA NGU DỐT CỘNG QUYỀN LỰC

Trần Đĩnh, một nhà báo của tờ Sự Thật từ những ngày đầu tiên, khi tờ báo của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác này được thành lập với vai trò Tổng biên tập của Trường Chinh. Chính ông là người viết hồi ký cho Hồ Chí Minh, ngoài ra còn viết hồi ký cho Nguyễn Đức Thuận, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm vv.. Tức một con người biết rất rõ những chuyện nội bộ lãnh đạo Công Sản mà không ai biết. Trong tác phẩm Đèn Cù, ông có trích câu nói của lê Duẩn như sau: “Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại là lạm phát mà sợ?”.

Ngày nay ai cũng thấy câu nói đó thể hiện “trí tuệ” của Lê Duẩn ở đâu. Còn khi đó, câu nói của ông, người ta cho là sáng suốt là người Cộng Sản trung kiên. Bản chất của lãnh đạo cộng sản là vậy, họ bác bỏ những giá trị tri thức mà họ không hiểu tới. Họ trung thành tuyệt đối với thứ giả tri thức mà họ đang có, nguy hiểm hơn, họ tỏ ra thù hằn với những gì mà họ không hiểu, cửa học hỏi đã bị đóng sập vĩnh viễn. Với câu nói đó, Lê Duẩn đã khước từ quy luật kinh tế thị trường và chỉ chấp nhận loại hình kinh tế tập trung mà XHCN của ông đã mang từ Liên Xô về mà thôi. Và đến hôm nay, Nguyễn Phú Trọng cũng lặp lại sự bảo thủ ấy trong quan điểm chính trị khi ông ta quy kết tư tưởng dân chủ là “suy thoái đạo đức”, thậm chí còn căm thù những ai mang tư tưởng tiến bộ này.

Lê Duẩn là con người trung kiên với những sự sai lầm mà không ai có thể lay chuyển. Khi sai lầm mà cộng thêm sự cố chấp thì nếu là người chủ gia đình thì gia đình sẽ tan nát, nếu lãnh đạo đất nước thì đất nước tan hoang. Vì sao? Xin lấy ví dụ.

Kinh tế thời bao cấp, họ lùa hết người dân vào hợp tác xã, sản phẩm lao động bị nhà nước thu hết, sau đó nhà nước tái phân phối sản phẩm đó qua tem phiếu. Ngày đó, kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng đến 90%, còn lại 10% là giao dịch trao đổi lẻ tẻ giữa người dân với nhau. Ý đồ của Lê Duẩn là ngăn sông cấm chợ để toàn bộ giao dịch thương mại rơi vào tay nhà nước. Mục đích là kiểm soát dạ dày toàn dân “cho chúng đói thì buộc đầu gối chúng phải bò”. Nhà nước giao dịch với nhau bằng cách bao cấp, tức là thiếu thì cấp không phải trao đổi mua bán nên sự giao dịch tiền tệ hạn chế. Giữa nhà nước với dân thì giao dịch bằng tem phiếu không phải bằng tiền, nên sự lưu thông đồng tiền cũng bị hạn chế. Ngày đó, tem phiếu quy định bao nhiêu, dân phải dùng cho đủ, mọi sự thiếu thốn dân phải chịu đựng. Nếu ai dám mua bán trao đổi ngoài quốc doanh thì sẽ bị tịch thu, bị bắt và kết tội.

Khi nào hàng hóa tăng giá? Để hàng tăng giá, phải hội đủ 2 điều: Thứ nhất, nhu cầu phải vượt cung; thứ nhì, nhu cầu đó phải không bị cấm cản để người dân dám bỏ tiền ra mua giá cao hơn bình thường để mua thì hàng hóa mới tăng giá. Ở đây, ở thời ngăn sông cấm chợ, nhu cầu của nhân dân là rất lớn, nhưng khổ nỗi bị cấm mua bán. Chính vì thế nhu cầu của xã hội gần như bị tê liệt, không thể chuyển thành giao dịch mua bán. Đó là nguyên nhân tại sao, lúc đó người dân thiếu thốn, nhu cầu người dân rất lớn nhưng lạm phát rất thấp, chỉ khoảng 2,5%. Lạm phát thấp là do giao dịch kinh tế tự do bị giết chết chứ người Cộng Sản thời kỳ đó họ chẳng biết gì về chính sách tiền tệ cả.
Cho nên ông Lê Duẩn nói như vậy cũng có cái lý của ổng. Hiểu biết của ông ta chỉ quanh quẩn kinh tế tập trung bao cấp và chỉ lo cấm cản những giao dịch kinh tế ngoài quốc doanh thôi, nên ông ta mới có câu nói “để đời” như thế. Trong cái ao hẹp tri thức của ông, ông nói “không sợ lạm phát” là đúng với những gì ông có trong đầu chứ hoàn toàn không phải ông nói bừa. Tức lời nói của ông là có cơ sở, nhưng cái cơ sở đó nó sai mà ông ta không hề hay biết.

Hậu quả, khi mở cửa đổi mô hình kinh tế, cả bộ chính trị với trình độ chỉ đến đấy nên từ năm 1986 đến 1990, họ đã đưa chính sách tổng điều chỉnh giá - lương - tiền đã khiến Việt Nam rơi vào tình trạng lạm phát phi mã không thể nào kiểm soát với tỉ lệ lạm phát từ 300% đến 800% mỗi năm. Năm 1986, tỷ lệ lạm phát lên đến 774,7% khiến kinh tế rối loạn. Siêu lạm phát vẫn tiếp diễn trong 2 năm sau đó (năm 1987: 323,1%; năm 1988: 393%). Đến năm 1989, lạm phát mới xuống dưới 100% và Việt Nam mới thoát khỏi siêu lạm phát. Đời sống kinh tế người dân thời kì đó quả là khủng khiếp.
Hậu thời kì kinh tế tập trung bao cấp được điều hành bởi những con người thiếu tri thức nhưng trung thành một cách tuyệt đối vào những mớ giả tri thức mình có đã đưa Việt Nam đến một thời kì kinh tế rối loạn khủng khiếp hậu Lê Duẩn. Một lò xo khi bị nén quá chặt, khi bung ra nó có sức tàn phá khủng khiếp. Việt Nam đã qua giai đoàn hậu quả của sai lầm kinh tế, còn một hậu quả nữa đang đón chờ Việt Nam trong tương lai, đó là hậu sai lầm chính trị.

Vâng! Chính trị Việt Nam cũng thế, với sự ngoan cố của ĐCS, ngày một siết chặt xã hội, khi xã hội chịu hết nổi rồi bung, thì chắc chắn nó sẽ đưa đến thời kì vô cùng tăm tối cho Việt Nam. Việt Nam thế nào, là bởi thái độ hôm nay của ĐCS. Với cách làm như vậy, hậu quả của hậu CS ở Việt Nam quả là khôn lường.
--Đỗ Ngà--


 

No comments:

Post a Comment