Saturday, July 30, 2022

CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM


CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM
Dân ta phải biết sử ta - Cái gì không biết thì tra Google

Từ thế kỷ 16, các giáo sĩ Ky-Tô Tây phương bắt đầu đến truyền giáo tại Việt Nam. Lúc đầu, các giáo sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, theo các dòng tu khác nhau, thuộc nhiều giáo phận khác nhau, trong đó đông nhất là các giáo sĩ Dòng Tên.

Khi đến Đại Việt bằng tàu thuyền, các giáo sĩ đặt chân đầu tiên lên miền duyên hải. Muốn giảng đạo, các ông không đến rồi đi liền, mà ở lại sống chung dài hạn lẫn lộn với dân chúng. Muốn thế đầu tiên các giáo sĩ phải học nói tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày. Tập nói để hiểu được người Việt và làm sao nói cho người Việt hiểu được mình, các giáo sĩ mới có thể bắt đầu truyền đạo.

Khi truyền đạo, các giáo sĩ không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Ngoài kinh sách bằng chữ la-tinh, các giáo sĩ có thể sẵn có Thánh kinh bằng chữ Nho. Tuy nhiên ít người trong dân chúng biết chữ Nho, nhất là ở các vùng nông thôn vốn nghèo khổ, ít học.

Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải viết kinh sách bằng tiếng Việt. Học nói thì không cần chữ nghĩa, nhưng kinh sách thì phải có chữ nghĩa. Không thể dùng chữ Nôm để viết tiếng Việt, các giáo sĩ ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh, rồi mới dùng thứ chữ mới ký âm nầy để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt.

Mẫu tự la-tinh chỉ gồm 24 chữ cái, có thể dùng để lắp ghép thành các từ ngữ trong tiếng Việt, nên thứ chữ mới nầy giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá. Nhờ giản dị, dễ sử dụng, sau ba trăm năm thử nghiệm, thứ chữ nầy càng ngày càng trở nên phổ thông và biến thành quốc ngữ, mà ngày nay người Việt đang sử dụng.

Việc chế tác chữ Quốc Ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre De Rhodes

Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Ðặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.

Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII.

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (1772), tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine ( Bá Ða Lộc) thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.

 

No comments:

Post a Comment