Monday, July 4, 2022

Ca Dao Xã Hội Chủ Nghĩa

 

T

rong văn chương truyền khẩu, ca dao chiếm một địa vị quan trọng, đi sâu vào văn học Việt Nam. Muốn tìm hiểu văn chương phải tìm hiểu về ca dao là một kho tàng văn học phong phú vô tận. Ca dao thường ca tụng tình yêu nam nữ, tình cảm, phong tục con người. Bộ Thi Ca Bình Dân Việt Nam là lâu đài văn hoá dân tộc của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh biên soạn. Rất ít tìm thấy những câu ca dao ta thán, châm biếm nhà cầm quyền.

 

Nhưng sau ngày 30/04/1975, Văn học dân gian phản ảnh về kinh tế, chính trị qua lời ca phổ biến âm thầm để nói về chế độ CSVN, được lưu truyền qua người này đến người khác. Những câu ca dao xuất hiện vào thời điểm đổi đời, đánh dấu một giai đoạn thi ca truyền khẩu, đã và đang tồn tại với đời sống văn học, dù những đoạn ca dao nầy không được in thành sách ở Việt Nam, đúng là :

 

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

 

Thành phố Sài Gòn hơn 300 năm đã bị đổi mất tên, nhưng không thể xoá mờ trong tâm hồn của dân tộc cái tên Sài Gòn muôn thuở. Dù đổi tên nhưng người ta nói xuống Sài Gòn chơi, chứ không ai nói xuống TPHCM. Những con đường xưa quen thuộc nhiều thế hệ chúng ta từng đi qua, cũng bị thay đổi tên như đường Công lý và Tự Do:  

 

Nam Kỳ khởi Nghĩa, tiêu Công Lý

Đồng Khởi vùng lên, mất Tự Do

 

Chiến tranh chấm dứt.  Niềm vui chưa trọn vẹn. Dân miền Nam bị chới với trước việc đổi đời.  Đời sống dân miền Nam sung túc trước kia sau 75 trở nên nghèo đói, phải đăng ký, xếp hàng trước hợp tác xã để mua thực phẩm. Gạo thiếu phải ăn hột bo bo, thức ăn cho ngựa. Nhiều gia đình phải bán dần đồ dùng trong nhà để sống qua ngày, người đi làm lương không đủ sống.

 

          Lương chồng, lương vợ, lương con

Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm

Lương tâm đem chặt ra hầm

Với rau muống luộc khen thầm là ngon

 

Lương giáo viên mỗi tháng khoảng 70 đến 80 đô la. Ngày dậy, tối về nhà phải chấm bài vất vả, lại hội họp, phê bình, kiểm điểm, liên tu. Nhưng đồng lương quá thấp, thời kinh tế thị trường “gạo châu củi quế“ nên họ phải làm thêm như dậy kèm, chở rau ra chợ vào buổi sáng sớm, trước khi đến trường, có người phải chạy xe ôm ...

 

Thầy giáo lãnh lương ba đồng

Làm sao sống nỗi mà không đi thồ

Nhiều thầy phải đạp xích lô

Làm sao xây dựng cơ đồ học sinh

 

Hàng ngày mặt trời chưa ló dạng, đã nghe tiếng phát thanh oang oang kêu gọi nào : Thi đua sản xuất, lao động là vinh quang, gọi đi họp tổ dân phố, biểu tình hoan hô, chào mừng theo lệnh của nhà cầm quyền, dù bụng đói cũng phải thi hành, gọi là 'hồ hởi'. 

 

Dân đói mà đảng thì no

Sức đâu ủng hộ hoan hô suốt ngày

Đảng béo mà dân thì gầy

Độn bắp độn sắn biết ngày nào thôi

 

Những lời hứa hẹn của cộng sản, đảng lo hết không đụng đến cây kim sợi chỉ, giải phóng đem lại no cơm ấm áo cho toàn dân, đã làm nhiều người tin theo ủng hộ ... Nhưng thực tế phũ phàng. Sau khi chiếm miền Nam những lời hứa đó bay theo mây khói. Nhiều gia đình có công với « cách mạng“ cũng bị đánh tư sản mại bản, đuổi đi kinh tế mới.  

 

Nhân dân thì chẳng cần lo

Nhà nước lo sẵn, bo bo mỗi ngày

Hãy chăm tay cấy, tay cày

Nhịn ăn nhịn mặ,c chờ ngày vinh quang

    hay 

Ngày xưa chống Mỹ chống Tây

Ngày nay chống gậy ăn mày áo cơm

 

Có những người còn ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã, nghe lời nhà nước ra sức lao động, như ở miền Trung mưa nắng khắc nghiệt, mồ hôi đổ xuống mảnh vườn khô cằn trồng mía làm đường; các tỉnh cao nguyên trồng tiêu, điều, café hy vọng bán nông phẩm cải thiện đời sống, nhưng nhà cầm quyền không biết quản lý về kinh tế, thương mãi để cho nông dân gặp trường hợp bế tắc không bán được, gây nên cảnh nợ nần khánh tận.

 

Trồng mía, trồng ớt, trồng hành

Vì nghe lời đảng mà thành bể niêu

Trồng tiêu, rồi lại trồng điều

Vì nghe lời đảng mà niêu tan tành

 

Thi đua làm việc bằng hai

Để cho cán bộ mua đài mua xe

Thi đua làm việc bằng ba

Để cho cán bộ xây nhà lát sân

 

Nước Việt Nam chúng ta ngày xưa, phần lớn sống về nông nghiệp, có nhiều giai cấp địa chủ ... bóc lột. Dân nghèo thiếu ruộng, thiếu vườn canh tác, phải làm tá điền. Địa vị giai cấp là đối tượng đấu tranh của con người trong xã hội. Phong trào giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân phong kiến, trở thành cao trào từ năm 1945 mọi người đã hưởng ứng, hy sinh xương máu. Nay hết chiến tranh, Việt Nam độc lập, chỉ còn người Việt cai trị người Việt, nhưng bản chất thật sự của giới lãnh đạo cộng sản đã hiện nguyên hình. 

 

Nhà nào giàu bằng nhà cán bộ

Hộ nào sang bằng hộ đảng viên

Dân tình thất đảo bát điên

Đảng viên mặc sức vung tiền vui chơi

 

Khẩu hiệu tuyên truyền của CSVN, đảng là đầy tớ, còn nhân dân làm chủ, chỉ còn là một cái bánh vẽ mà thôi. Trên thực tế ai có quyền thì người đó hưởng phúc lợi giàu sang. Ai nghèo thì vẫn nghèo rớt mồng tơi, còn là nạn nhân bị cưỡng ép đi vùng kinh tế mới.

 

Ai về tới tỉnh Nam hà

Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông

Tớ ơi ! mầy có biết không

Chúng ông làm chủ mà không bằng mầy

 

Xã hội nào cũng có nạn tham nhũng nhiều hay ít. Trước năm 1975, cũng có phong trào chống tham nhũng, vạch trần 4 tướng tham nhũng trong quân đội VNCH, nhưng ngày nay dưới chế độ cộng sản, tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nếu đọc những báo điện tử trong nước, ngày nào cũng có tin Tổng Giám đốc, Giám đốc quan chức nhà nước lớn nhỏ thường thâm thủng hàng triệu đô la. Báo chí Quốc tế cũng viết Việt Nam là nước tham nhũng, công việc gì đầu tiên phải có tiền hối lộ, đã làm ngưng trệ việc đầu tư và phát triển ...

Phong lan, phong chức, phong bì

Trong ba thứ ấy thứ gì quý hơn

Phong lan ngắm mãi cũng buồn

Phong chức thì phải cúi luồn vào ra

Chỉ còn cái phong thứ ba

Mở ra thơm nức cả nhà cùng vui

 

Cũng có những đoàn thanh tra, để tỏ ra tiến bộ, nhưng chỉ là một hình thức thu tiền bỏ túi. 

« Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì

Hễ có phong bì, thì nó thanh kiu (thank you)

 

Đi làm hợp tác hợp te

Không đủ miếng giẻ mà che cái L.

Tôn Đản là chợ vua quan

Vân Hồ là chợ những gian nịnh thần

Đồng Xuân là chợ thương nhân

Vỉa hè là chợ « nhân dân anh hùng »

 

Thời chúng ta còn trong nước từng thấy cán bộ, thủ trưởng còn ôm tập đi học bổ túc văn hoá, một năm hai lớp. Nhưng ngày nay nếu chúng ta về thăm quê hương, những người đó trước đây có nhiều bằng cấp đại học « giảm », để cầm quyền có cơ hội « ăn trên ngồi trốc », nhưng trình độ kiến thức thì chả ra gì. 

 

Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức

Mất mùa là bởi thiên tai

Được mùa, là bởi thiên tài đảng ta

 

Trong sinh hoạt đời sống, áo cơm thường chi phối mọi tình cảm, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, bị ảnh hưởng và biến đổi tâm tình đó qua nhiều trạng thái.  

 

Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần, nó cũng mang qua

Có con mà gả chồng xa

Một là mất giỗ, hai là mất con

 

Trong giới bình dân cũng nhận định được khả năng lý trí, không thể đặt tâm tư con người ra ngoài ảnh hưởng đời sống vào thời gian và không gian ... một số ít gia đình có con lấy chồng ra ngoại quốc hay vượt biên, may mắn có đời sống khá hơn, đã dành dụm gởi tiền về giúp gia đình. 

 

Có con mà gả chồng gần

Nửa đêm xe đạp mang phần cho cha

Có con mà gả chồng xa

Tháng tháng nó gởi đô la kìn kìn

 

Huyền Trân công chúa kết duyên cùng Chế Mân, vua Chiêm Thành, theo lệnh của Phụ Hoàng để có sự bang giao tốt đẹp, thêm đất là 2 Châu Ô và châu Lý, nhưng ca dao thời đó cũng đã thương tiếc cho Huyền Trân công chúa. 

 

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

 

Nhưng ngày nay trong vấn đề hôn nhân, lấy chồng ngoại quốc trở thành một phong trào của những người dân quê bình dân mộc mạc, sống trên thửa ruộng nương dâu. Họ không thể tách rời cuộc sống, được mùa thì ấm no sung túc, ngược lại thiên tai mất mùa, đói khổ ! Không có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ nghe những lời đồn đãi của bọn buôn ngườiBọn nầy làm trung gian, rao tìm con gái gả cho bọn đàn ông Đài Loan, Đại Hàn. Hạng đàn ông này bên quê hương của họ không thể tìm vợ để xây tổ ấm uyên ương, vì họ ít học, bị tật nguyền, hay là loại sở khanh lường gạt.  Họ bỏ tiền mua gái quê trong trắng từ Việt Nam về làm nô lệ, phục vụ tình dục.

 

Tiếc thay cây quế còn soan

Để cho đám mọi Đài Loan nó rờ

Tìm em như thể tìm chim

Chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông

Tìm chi cho phải mất công

Đài Loan, Hàn Quốc em dông mất rồi

 

Tệ nạn xã hội lường gạt, đĩ điếm từ thôn quê cho đến thành thị, đều có quán ăn nhậu, bia ôm, đủ thứ ôm để khai thác làm phương tiện sống, thành phố Cần Thơ với sông nước thiên nhiên, ghe thuyền tấp nập nhưng về đêm chúng ta không khỏi chạnh lòng, những cô gái buôn hoa bán phấn, tuổi đời còn non trẻ đã mời chào du khách.

 

Chiều chiều ra bến Ninh Kiều

Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân

 

Trăm năm bia đá cũng mòn

Bia chai cũng vỡ, chỉ còn bia ôm

 

Bây giờ em hiểu anh rồi

Những lời ngon ngọt, hạng người phú ông

Nói như trao núi cho sông

Mà mảnh mo quạt thì ông cố giành

 

Bây giờ em hiểu anh rồi

Trái tim trót đã trọn đời theo anh

Chỉ thương những mái đầu xanh

Ngây thơ, vẫn cứ bị anh dối lừa

Muốn phản ảnh tốt về trạng thái xã hội, người làm ca dao cần phải luôn luôn theo sát với cuộc sống, xã hội lệ thuộc nặng về vật chất, thì giá trị tinh thần bị lu mờ. Ngày xưa sống ở trong rừng núi, bưng biền, người ta chia nhau củ sắn miếng dưa, nhưng về thành, mạnh ai nấy sống. Tiền là cứu cánh, là phương tiện tiến thân. Cái huy chương anh hùng dân tộc bán không ai mua.

  

Tiền là Tiên là Phật

Là sức bật con người

Là nụ cười tuổi trẻ

Là sức khoẻ người già

Là cái đà danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cán cân công lý

Đồng tiền là hết ý

 

Thời toàn dân kháng chiến chống Pháp, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã phản đối bọn thực dân và tay sai, đã lợi dụng mộ phu đi làm đồn điền cao su. Nhiều người nghèo tin đi làm, mong đời sống tốt hơn. Họ bỏ nhà cửa ruộng nương, đi lao động ở các vùng thiếu tiện nghi, bị bóc lột đánh đập.

 

Ngày nay đất nước Việt Nam thống nhất tài nguyên phong phú, « rừng vàng bể bạc » nhưng nhà nước xuất cảng người đi lao động để thu tiền.  Các địa phương những ngài chủ tịch còn hơn bọn cường hào ác bá, cướp đoạt đất đai, quốc hữu hoá. Sau đó bán giá đắt hơn để thủ lợi.  

 

Ngày xưa giặc Pháp mộ phu

Ngày nay đảng bán dân ngu lấy tiên

Đảng ta là đảng cầm quyền

Đảng bán ruộng đất lấy tiền đảng tiêu

 

Vẻ vang thay lãnh tụ ta

Đem dân xuất khẩu bán ra nước ngoài

Đảng ta là đảng thần tiên (thân tiền)

Đa lô (đô la) thì được, đa nguyên thì đừng

 

Các nước theo chủ nghĩa xã hội, trước đây thường dựng tượng Lénin ở những công trường, vườn hoa để tôn vinh chủ nghĩa cộng sản. Hơn 15 năm qua, các nước Đông Âu từ bỏ chế độ cộng sản độc tài, thì tượng Lénin bị đập bỏ. Ngày nay, tượng Lénin chỉ còn ở Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba và Trung Cộng mà thôi.   

 

Ông Lê Nin ở nước Nga

Sao ông lại đứng vườn hoa nước này

Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay

Ông xem như thể nước này của ông

Ông Lê Nin quê ở nước Nga

Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này

Ông vênh mặt, ông chỉ tay

Tự do hạnh phúc lũ mày còn xa

Kià xem gương của nước Nga

Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì !

 

Trong văn học dân gian, giữa nội dung và hình thức có sự tương quan mật thiết, trong quá trình phát triển của xã hội, từ tư tưởng, tình cảm xã hội được phản ảnh qua thi ca. Xưa kia ca dao thường nói về ngoại cảnh ngoại vật, cây đa đầu làng dặm liễu bờ tre, những đêm trăng non trên đồng lúa xanh tươi. Hiện nay ca dao mới bước xa hơn, nói về thực trạng xã hội của 30 năm qua nhiều chuyển biến, ca dao tất nhiên thay đổi nội dung và hình thức nghệ thuật.

 

Ngoài Bắc có lắm thằng điên

Trong túi nhiều tiền nó bảo rằng không

Suốt ngày nó chạy long nhong

Nói thánh nói tướng, nhưng không làm gì

Nhưng mà hắn được cái lì

Chỉ thị Nghị quyết cái gì cũng thông

 

Miền Trung có lắm thằng khôn

Nó chun ngõ trước, nó luồn ngỏ sau

Một khi nó quyết làm giàu

Nó đi đúng chỗ, nó cân đúng người

Sinh ra vốn ở xứ nghèo

Nghiên cứu nghị quyết nên theo điều gì

 

Miền Nam có lắm thằng tham

Nó ăn như phá, nó làm như điên

Trong túi nó muốn nhiều tiền

Nó cưới vợ một, nghĩ liền vợ hai

Suốt ngày nó khoái lai rai

Một chữ Nghị quyết học hoài không thông

 

Chúng ta không lạ gì chủ nghĩa cộng sản, lúc nào cũng tuyên truyền những từ ngọt như đường cát, mát như phèn, nhưng đụng vào thực tế đối đầu với chế độ chua hơn dấm. Dưới chế độ CS người dân bị đàn áp, thiếu tự do nên những thập niên về trước, nhiểu người liều chết vượt đại dương ra đi tìm tự do. Nếu chẳng may bị công an bắt, kết án là Việt gian, phản bội tổ quốc ra đi vì kinh tế, bị tống giam đày ải.Tuy nhiên cộng sản không thể chận bắt hết làn sóng người vượt biên hay các địa phương bán bãi lấy tiền, nên nhiều người vượt thoát được. Các quốc gia trên thế giới với lòng nhân đạo đón nhận, người Việt với bản tính cần mẫn, chịu khó học hành đi làm, ổn định đời sống gởi tiền về giúp thân nhân hàng năm lên tới 3, 4 tỷ đô la. Một phúc lợi lớn với chế độ CSVN, nên họ thay đổi chính sách như Nghị quyết 36, kêu gọi Việt kiều về đầu tư. Nhưng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, cho rằng chính phủ Việt Nam “chưa nỗ lực đủ và cần làm nhiều hơn nữa để hòa giải với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. 

 

Ngày đi đảng gọi Việt gian

Ngày về thì đảng chuyển sang Việt kiều

Chưa đi phản động trăm chiều

Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng

 

Việt Minh, Việt Cộng, Việt kiều

Trong ba việt ấy, đảng yêu Việt nào

Việt Minh tuổi đã khá cao

Việt cộng ốm yếu, xanh xao, gầy mòn

Việt Kiều tuổi hãy còn non

Đảng yêu, đảng quý như con đầu lòng

 

Chưa đi, chưa biết Nha Trang

Đi rồi mới biết nó sang hơn mình

Sáng tắm biển chiều tắm sình

Chưa đi, chưa biết Sài Gòn

Đi rồi trong túi chẳng còn đồng xu

Đêm nằm ngẩm lại thấy ngu ...

 

Lịch sử cận đại, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1975. Cộng sản Việt Nam hay viện dẫn lịch sử lý luận và tự hào đã có công lao giải phóng dân tộc, chiến thắng thực dân Pháp và Mỹ, giành độc quyền lãnh đạo. Để có nhận xét công minh để các thế hệ sinh sau thấy rõ công và tội của đảng cộng sản Việt Nam, đảng đã tuyên truyền sai lệch về lịch sử, không thể lấy thúng úp voi. 30 năm đã qua nhưng đất nước còn chậm tiến và lạc hậu.

 

Tiên sư cộng sản Việt Nam

Cuối đời bán cả giang san nước nhà

Cúi đầu dâng đảo Trường Sa cho Tàu

 

Lịch sử điạ lý từ ngàn xưa thường nói từ Ải Nam Quan đến mũi Cà mau. Biên giới lãnh thổ lãnh hải Việt Nam, đã bị mất một phần đất biển về phía Trung cộng. Ngày nay mốc biên giới phải sửa lại từ Lạng Sơn, chứ Ải Nam Quan đâu còn nữa! Đời sống người dân đã khổ vì thiên tai, những nạn dịch gia cầm, nhưng người ta chờ đợi và mơ ước cái dịch đảng chết tiệt, may ra đời sống khá hơn.

 

Dịch heo, nối tiếp dịch gà

Bao giờ dịch đảng, cho bà con vui

 

Đã 32 năm hòa bình, đất nước có phát triển nhưng còn giới hạn. Xã hội băng hoại. Đạo đức suy đồi. Tham nhũng lan tràn. Mức chênh lệch giàu nghèo càng ngày cách biệt. Đời sống nông dân chân lấm tay bùn, còn bần cùng khốn khổ. Nhiều người bán tài sản, góp tiền xin đi lao động nước ngoài. Gái quê mong lấy chồng ngoại quốc, dù làm tôi tớ nô lệ! Trường học, bệnh viện không xây dựng thêm, nhưng nhà hàng, hộp đêm thì mọc lên như nấm. Chúng ta không ngạc nhiên trước những suy đồi hư đốn trên, tôi chứng kiến được những sự kiện, đời sống hiện nay ở Sài Gòn chỉ làm cho chúng ta bi quan về tương lai đất nước. Đi đâu tôi cũng nghe người ta than thở, chê trách đảng viên, cán bộ cấp cao chiếm một tỷ số không nhỏ, đã tham nhũng hối lộ. Trong bản báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu tên ba nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn và chính quyền quân nhân Miến Điện vi phạm nặng nề tự do tôn giáo.

 

Về văn chương, thi phú nhà nước Việt Nam cho xuất bản nhiều tác phẩm như : Khảo luận văn chương, Tục ngữ Ca dao, Dân Ca Việt Nam, Tuyển tập Tục ngữ Ca dao, Bình giải ca dao ... thêm phần ca dao chống Mỹ và viết nhiều về “tư tưởng bác đảng”. Không ngoài mục đích ca tụng và đánh bóng chế độ.  Nhưng không có phần ca dao mới, như phần trên tôi đã sưu tầm. Tuy nhiên dân Sài Gòn họ đều biết.

 

Thành thật tri ân ký giả lão thành Lê L., ngoài 80 tuổi nhưng ông còn minh mẫn, tiếu lâm đọc cho tôi ghi chép những câu ca dao mới, chắc chắn còn thiếu sót. Mong quý vị độc giả đóng góp cho thêm phần phong phú.



 

Thi Ca Dao XHCN

Nguyễn Quý Đại , 12/2007


http://ahvinhnghiem.org/vcht/cadaoxhcn.html

No comments:

Post a Comment