Wednesday, July 27, 2022

Bà Nhu, Trần Lệ Xuân, qua lời kể và bình luận


Bà Nhu, Trần Lệ Xuân, qua lời kể và bình luận
Sinh năm 1924 tại Hà Nội, bà Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân, qua đời ngày 24/04/2011 tại Rome, Ý, ở tuổi 87.

Nhân sự kiện buồn này, đài BBC có dịp phỏng vấn ông Trương Phú Thứ, người tiếp xúc với bà nhiều lần trong giai đoạn bà Trần Lệ Xuân sống ở châu Âu, về cuộc đời bà:
Gia đình túng thiếu
“Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, Quận 16 gần trung tâm.
Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống.“
Khi đang công du Hoa Kỳ cùng con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy, bà Nhu nghe tin chồng, và anh chồng, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh giết tại Sài Gòn. Bà không về được Nam Việt Nam và sang Pháp định cư.
Ông Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà Ngô Đình Nhu trong những năm trước khi bà qua đời bình luận:
“Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết thảm, thì bà mới có chưa đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là một người phụ nữ trên mức bình thường. Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.
Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.

Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà. Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ.“
Về tin nói bà Trần Lệ Xuân có những khoản tiền “khổng lồ”, ông Thứ nói:
“Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!
Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.“
Những ngày trước khi về với Chúa
Ông Trương Phú Thứ kể tiếp qua phỏng vấn điện thoại từ Seattle với BBC vào cuối tháng 4/2011:
“Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu, gần như không nói được nữa.
Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.
Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt. Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.“
Con gái lớn của ông bà Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy đã qua đời trong một tai nạn xe hơi ở Pháp năm 1968.

Một năm sau khi bà Nhu mất, con gái Ngô Đình Lệ Quyên chết vì tai nạn xe máy gần Roma, Ý vào tháng 4/2012.
Mâu thuẫn lên đỉnh điểm
Cuộc đảo chính năm 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm xảy ra trong giai đoạn các mâu thuẫn lớn ở Nam Việt Nam bị đẩy lên cao.

Trong thời kỳ này, bà Trần Lệ Xuân cũng bị nhiều ý kiến chỉ trích cho là đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền ông Ngô Đình Diệm thêm gay gắt.

Tại Việt Nam nhiều năm sau cuộc chiến vẫn có quan điểm phê phán bà và dòng họ Ngô Đình, một gia tộc theo Công giáo.

Một bài trên trang nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2013 cho rằng bà Trần Lệ Xuân từng công kích rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa …“.
Còn một phần báo chí tại Hoa Kỳ, và sau này cả truyền thông châu Âu khi đưa tin bà qua đời năm 2011 cũng nhắc lại sự kiện cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức, và bình luận được cho là của bà Trần Lệ Xuân nói: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác” (I would clap hands at seeing another monk barbecue show).

Những bình luận của bà đã khiến báo chí Mỹ có cái nhìn không tốt về bà, xem bà như ví dụ “tiêu biểu” cho những sai trái của chính quyền ông Diệm.

Trong lúc khủng hoảng Phật giáo lên cao, bà đi Mỹ để thuyết trình bảo vệ cho chế độ.
Sau cái chết đẫm máu của ông Diệm và em trai Ngô Đình Nhu, các con của bà được phép rời Sài Gòn đến Paris, nơi mẹ con bà bắt đầu cuộc sống lưu vong.

Không lâu sau đó, bà chuyển sang sống ở Rome, nơi người anh chồng, Tổng giám mục Tổng Giáo phận Huế Ngô Đình Thục, đã xin tị nạn.

Năm 2011, khi bà qua đời, bài viết trên New York Times khi đó nhắc lại về lần trao đổi thư từ với tờ báo này năm 1986.

Trong những lá thư đó, bà tiếp tục lên án Hoa Kỳ vì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Bài tưởng niệm của Washington Post thì nhận xét khi ở Sài Gòn, bà Nhu xem mình là “người yêu nước và cách mạng, vây quanh toàn kẻ thù“, và rằng bà từng là một nhân vật chính trị “ảnh hưởng và khiến người khác khiếp sợ“.
Gần đây một tác giả Monique Brinson Demery công bố cuốn sách “Finding the Dragon Lady“, dựa theo một số lần liên lạc với bà Nhu.

Khi tác giả Demery hỏi bà Nhu có ân hận nào không, bà chỉ nói bà lẽ ra nên khiêm nhường hơn.
Theo BBC


 

No comments:

Post a Comment