BỐN MƯƠI NĂM SAU, NHÌN LẠI CUỘC NỘI CHIẾN (Nguyễn Gia Kiểng)
“...Cuộc nội chiến của chúng ta đã kéo dài 30 năm. Tệ hơn nữa nội chiến đã không chấm dứt ngày 30/4/1975, nó đã chỉ nhường chỗ cho một cuộc nội chiến khác, một cuộc nội chiến một chiều trong đó phe chiến thắng mặc sức huênh hoang, bỏ tù, đầy đọa, hạ nhục và cướp bóc.” (30/04/2015)
_____________
Rất nhiều điều đã được viết và nói ra về biến cố 30/04/1975, đặc biệt là trong lúc này nhân dịp kỷ niệm 40 năm. Tuy vậy biến cố này quan trọng và phức tạp đến nỗi không thể nào có thể nói đủ về nó. Một trong những điểm còn phải được mổ sẻ là bản chất nội chiến của cuộc chiến, buộc chúng ta nhìn một cách khác những hậu quả của nó cũng như những gì mà nó tiết lộ về đất nước và con người Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định một cách thật dứt khoát rằng đây là một cuộc nội chiến. Trên điểm này không được có bất cứ một thắc mắc nào. Khi người trong một nước giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Đó đã là trường hợp của chúng ta. Nhưng tại sao vẫn có người ngại gọi nó là một cuộc nội chiến? Vậy thì chúng ta cần thảo luận một lần cho xong.
Nội chiến là gì?
Theo định nghĩa hẹp nhất của nó nội chiến là sự kiện trong một quốc gia hai lực lượng vũ trang giao tranh với nhau trong một thời gian đáng kể và trên một qui mô khá lớn vì cả hai đều tự coi là chính đáng. Hai thí dụ điển hình nội chiến Hoa Kỳ (1861 -1865) và nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939). Các sử gia và các nhà phân tích thường dùng một định nghĩa rộng hơn, họ cũng coi là nội chiến những cuộc chiến giữa một chính quyền và một hay nhiều lực lượng chống đối nếu chúng kéo dài và có qui mô khá lớn, như nội chiến Mexico (1910 -1920) hay các cuộc chiến tại Congo – Kinshaza, Ethiopia, Somalia và nhiều nước Châu Phi khác. Karl Marx còn gọi cả cuộc nổi dậy chỉ kéo dài hai tháng của Công Xã Paris năm 1871 là một cuộc nội chiến của nước Pháp.
Nói chung người ta coi là nội chiến những xung đột võ trang giữa hai lực lượng của cùng một quốc gia trong một thời gian khá dài và gây thiệt hại lớn. Dù có hay không có sự can thiệp của nước ngoài nội chiến vẫn là nội chiến một khi đa số những người tham chiến trong cả hai bên là người bản xứ. Vả lại phần lớn những cuộc nội chiến đều có can thiệp hoặc hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Như vậy trên tất cả mọi tiêu chuẩn cuộc chiến 1945 – 1975 là một cuộc nội chiến đúng nghĩa. Ngay cả nếu dùng định nghĩa hẹp nhất cũng thế: cả phe cộng sản lẫn phe quốc gia, hay Việt Nam Cộng Hòa, đều tự coi là chính quyền chính đáng của Việt Nam và đều được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn được nhiều nước nhìn nhận hơn chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cũng đừng quên rằng tuyệt đại đa số những người bắn giết nhau cũng như những nạn nhân vô tội đều là người Việt. Sự kiện chính quyền cộng sản gọi đối phương là "ngụy quyền" không đủ tư cách để đối thoại với họ là một thái độ nội chiến điển hình - không chấp nhận nhau - và chỉ nói lên một điều là họ muốn nội chiến đến cùng. Trách nhiệm trong nội chiến của họ càng lớn.
Hơn nữa chính họ đã chủ động gây ra nội chiến. Hội nghị trung ương 15, khóa II, tháng 01/1959, của Đảng Lao Động Việt Nam đã đưa ra nghị quyết 15 với chủ trương "lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến" (người viết tô đậm cụm từ "lực lượng vũ trang"). Không thể rõ ràng hơn. Lúc đó chưa có quân đội Mỹ tại miền Nam, số cố vấn Mỹ cũng rất ít so với số cố vấn Liên Xô và Trung Quốc tại miền Bắc và phần lớn là dân sự. Chống Mỹ là lý cớ chứ không phải là lý do. Lý do thực sự là Đảng Cộng Sản muốn chiếm miền Nam và đóng góp mở rộng không gian cộng sản trên thế giới, như sau này Lê Duẩn đã nói: "ta đánh là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc".
Cũng nên hiểu cụm từ "Chống Mỹ" mà Đảng Cộng sản vẫn còn dùng cho tới bây giờ để chỉ giai đoạn sau của cuộc nội chiến. Nó là một chiêu bài tuyên truyền nhưng đồng thời cũng là một phần nhiệm mà họ nhận lãnh trong vai trò một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế. Chống Mỹ lúc đó là khẩu hiệu toàn cầu của khối cộng sản. Thật là ngược ngạo khi ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản mạt sát chế độ VNCH là tay sai của đế quốc Mỹ mặc dù chính ông hết lời tâng bốc những đảng cộng sản đàn anh. Như trong ngày kỷ niêm 30 năm thành lập Đảng Cộng Sản (05/01/1960) ông nói: "Trong đại gia đình vô sản quốc tế rực rỡ dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta có những người anh vĩ đại như Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Pháp…". Không một người lãnh đạo VNCH nào ca tụng Mỹ như thế. Những lời ca tụng Liên Xô và Trung Quốc của các cấp lãnh đạo cộng sản khiến ngay cả một người chống cộng cũng phải thấy ngượng. Thí dụ như những câu thơ gớm ghiếc của Tố Hữu trong đợt Cải Cách Ruộng Đất:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cả nước chung lòng,
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin vĩ đại.
Một viên chức miền Nam mà làm những câu thơ nịnh Mỹ như thế chắc chắn đã mất việc, nhưng ông Tố Hữu, người đứng đầu bộ máy tuyên truyền cộng sản, chỉ được khen thưởng, sau này lên rất cao. Đảng Cộng Sản lệ thuộc nước ngoài hơn hẳn các đối thủ của họ. Họ cũng dựa vào yểm trợ của nước ngoài để chiến đấu và sau cùng đã thắng vì Mỹ bỏ miền Nam trong khi Liên Xô gia tăng viện trợ cho họ.
Cũng đừng quên rằng nội chiến là một thành tố cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Lenin đã từng khẳng định: "Ai chấp nhận đấu tranh giai cấp thì cũng phải chấp nhận nội chiến vì nội chiến là sự tiếp nối, phát triển và tăng cường tự nhiên của đấu tranh giai cấp". Ông Hồ Chí Minh coi Lenin là bậc thầy và ông cũng hoàn toàn ủng hộ đấu tranh giai cấp. Ông ca tụng cả cuộc bạo loạn Xô Viết Nghệ Tĩnh trong đó những người tự Việt xưng là Xô Viết tàn sát những người Việt khác và gào thét "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ"(1).
Một lý do khác khiến ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản say mê nội chiến là vì do kiến thức và nhận thức nông cạn họ tin chắc rằng phong trào cộng sản sắp toàn thắng. Phát biểu trong đại hội Mặt Trận Tổ Quốc ngày 25/4/1961 vào lúc sắp sửa phát động chiến tranh thôn tính miền Nam ông nói: "Đế quốc Mỹ đang hung hǎng xâm phạm miền Nam Việt Nam, Nam Triều Tiên, Đài Loan, nước Lào, Cônggô, Cuba… Cái hung hǎng ấy chỉ là cái hung hǎng giẫy chết trước ngày chủ nghĩa đế quốc tắt thở". Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là nội chiến, nó còn là nội chiến trong cuồng nhiệt.
Khái niệm nội chiến gắn liền với khái niệm quốc gia vì nó diễn ra trong phạm vi một quốc gia và giữa những con người của cùng một quốc gia. Chúng ta có thể lưu ý là từ "nội chiến" đã chỉ có trong ngôn ngữ chính trị thế giới từ hai thế kỷ gần đây thôi, cùng với những khái niệm quốc gia, dân tộc. Trong chiều sâu, khi phát động một cuộc nội chiến là người ta hoặc muốn phá vỡ quốc gia hoặc coi một cái gì đó còn quan trọng hơn tình dân tộc. Trong trường hợp của chủ nghĩa cộng sản, nội chiến là cốt lõi vì quốc gia bị coi như một giá trị của giai cấp tư sản cần phải xóa bỏ như Marx đã từng nói. Những người cộng sản chân chính không có quốc gia, họ chỉ có giai cấp. Có thể ông Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản Việt Nam không hiểu rõ chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng ít nhất họ cũng coi chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản là quan trọng hơn cả.
Tác hại của các cuộc nội chiến là, khác với những cuộc chiến với nước ngoài, chúng hủy diệt tinh thần dân tộc và đồng thuận sống chung, nghĩa là chính lý do hiện hữu của một quốc gia. Ngoài những thiệt hại về nhân mạng và những tàn phá vật chất chúng còn gây những đổ vỡ tình cảm rất khó hàn gắn ngay giữa những con người phải xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Một quốc gia có thể phục hồi khá nhanh chóng sau một cuộc chiến tàn khốc với nước ngoài, như trường hợp của Đức và Nhật sau Thế Chiến II, nhưng sẽ suy nhược rất lâu và không bao giờ có thể hoàn toàn hồi phục sau một cuộc nội chiến, như Pháp sau Cách mạng 1789, hay Mexico sau nội chiến 1910 – 1920, hay Tây Ban Nha sau nội chiến 1936 – 1939, mặc dù sau đó cũng đã có cố gắng hòa giải dân tộc.
Kẻ viết bài này đã có dịp thăm viếng và quan sát nhiều quốc gia để tìm hiếu những lý do đã khiến một quốc gia tiến mạnh hay trì trệ. Câu trả lời bao giờ cũng thế: sức sống của một dân tôc chủ yếu tùy thuộc ở chỗ nó có hòa hợp hay không. Và hòa hợp chính là điều mà một cuộc nội chiến phá vỡ một cách lâu dài. Làm sao người ta có thể tin nhau và yêu nhau sau khi đã cố giết nhau?
Trường hợp nước ta còn bi đát hơn nhiều. Chúng ta không phải chỉ có nội chiến trong vài năm như phần lớn các dân tộc không may có nội chiến khác. Cuộc nội chiến của chúng ta đã kéo dài 30 năm. Tệ hơn nữa nội chiến đã không chấm dứt ngày 30/4/1975, nó đã chỉ nhường chỗ cho một cuộc nội chiến khác, một cuộc nội chiến một chiều trong đó phe chiến thắng mặc sức huênh hoang, bỏ tù, đầy đoạ, hạ nhục và cướp bóc. Và không hề nói tới hòa giải dân tộc nữa.
Sau khi đi tù cải tạo về tôi đã gặp cụ Mai, một người mà tôi coi như một mẫu mực của sự xuất chúng. Cụ một mình từ Bắc vào Nam năm 16 tuổi làm lao động tay chân để sống, đêm ngủ trên một chiếc ghế bố thuê một xu mỗi đêm. Khi đã khá giả hơn cụ trả thêm một xu nữa để chủ nhà phơi ghế bố trừ rệp. Cụ đã tự học để hiểu biết và cố gắng vượt bực để thành công. Năm 1975 cụ là chủ một hãng làm đồ điện với hơn 200 công nhân. Chính quyền cách mạng đã "tiếp thu" công ty mà cụ đã cố gắng cả một đời người để tạo dựng và cho cụ nghỉ việc. Ít lâu sau công ty tan rã. Cụ Mai may mắn không bị đi tù như nhiều chủ nhân khác. Sau này cụ vượt biên sang Canada. Trong thư viết cho tôi năm 1989 cụ vẫn chưa hiểu nổi sự cướp đoạt trắng trợn này. Cụ Mai chỉ là một trong hàng ngàn thí dụ về cách đối xử của Đảng Cộng Sản sau ngày 30/4/1975. Chế độ cộng sản đã tiêu diệt một lớp doanh nhân quí hiếm đã dần dần hình thành sau quá trình tiếp xúc với phương Tây.
Tuy tiếng súng đã im nhưng những đổ vỡ tình cảm còn lớn hơn nhiều sau ngày mà Đảng Cộng Sản gọi là Ngày Giải Phóng. Như lời cụ Mai nói: "Họ có súng và nhà tù, họ nói gì chẳng được".
Chúng ta sẽ không bao giờ đánh giá được hết những đổ vỡ mà cuộc nội chiến 1945 – 1975 và cuộc nội chiến không có tiếng súng sau đó gây ra cho đất nước. Việc Đảng Cộng Sản còn tưng bừng kỷ niệm ngày 30/4/1975 như một ngày vui chứng tỏ rằng trong thâm tâm họ không tự coi là người Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng.
Điều mà chúng ta có thể và cần làm là suy ngẫm một cách khiêm tốn về những gì mà cuộc chiến này tiết lộ về chính chúng ta, về đất nước và con người Việt Nam.
Tai sao vào năm 1945 tổ chức chính trị được nhân dân Việt Nam ủng hộ nhất lại là tổ chức theo một chủ nghĩa chủ trương xóa bỏ quốc gia? Câu trả lời thực thà có thể là một phần vì chúng ta không có tư tưởng chính trị và cũng không hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản, nhưng phần lớn hơn là quần chúng bần nông Việt Nam đã bị dày đạp trong hàng ngàn năm và đã bị cuốn hút một cách vừa tự nhiên vừa dễ dàng bởi tiếng gọi hận thù giai cấp. Điều đáng nói là đã không có một đảng phái quốc gia nào nhìn thấy vấn đề này, trong số ít những người nhìn thấy thì phần lớn lại tưởng chủ nghĩa cộng sản là một giải đáp. Quần chúng Việt Nam không yêu nước vì không có lý do gì để yêu nước trong khi trí thức Việt Nam quá hời hợt.
Tại sao ngay sau Cách Mạng Tháng 8 Đảng Cộng Sản đã thẳng tay tàn sát hàng trăm ngàn người thuộc các đảng phái quốc gia, nghĩa là những người yêu nước chân chính nhất mà không gây phẫn nộ lớn và một số đông đảo trí thức vẫn tận tụy phục tùng và phục vụ họ? Sau này trí thức miền Bắc cũng có cùng một thái độ trong vụ Cải Cách Ruộng Đất. Vì khiếp sợ hay vì thiếu tinh thần dân tộc? Có lẽ cả hai.
Nghịch lý lớn nhất là tại sao ngay sau khi đã gây ra một cuộc nội chiến gần 10 năm (1945 -1954), dài hơn phần lớn các cuộc nội chiến tại các quốc gia khác, Đảng Cộng Sản lại phát động một cuộc nội chiến khác, lần này kéo dài hơn 15 năm, mà không bị lên án một cách nghiêm khắc và dữ dội như đáng lẽ họ phải bị lên án? Trái lại họ vẫn được một phần đáng kể của lớp người tinh hoa của đất nước ủng hộ, thậm chí ngưỡng mộ. Đó là vì đa số trí thức Việt Nam đã không nhìn thấy tác hại của nội chiến. Chúng ta đã không hiểu rằng nội chiến là tai họa lớn nhất của một dân tộc, gây ra nội chiến là tội lớn nhất trong mọi tội phản quốc. Phải công bình mà nói ít ai nhìn thấy điều này. Chính quyền Ngô Đình Diệm cũng như các chính quyền quốc gia trước và sau ông không hề lên án Đảng Cộng Sản là đã gây nội chiến mà chỉ lên án chủ nghĩa cộng sản và kêu gọi chống cộng. Tuy vậy tác hại của nội chiến là điều mà lịch sử của các quốc gia đã phơi bày, các sử gia và các nhà tư tưởng chính trị cũng đã nhấn mạnh từ lâu. Phải thú nhận chúng ta có thể có rất nhiều khả năng, bằng cấp và kiến thức chuyên môn nhưng về chính trị thì chúng ta rất kém, gần như vô học.
Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc đã dần dần được chấp nhận và đang trở thành một đồng thuận dân tộc. Đó là một điều đáng mừng nhưng tại sao trong một thời gian dài, quá dài, lại có quá nhiều người chống lại? Tại sao nhiều người vẫn chưa chịu hiểu rằng một dân tộc sau một cuộc nội chiến chỉ có hai chọn lựa: hoặc hòa giải để đất nước tiếp tục hoặc không hòa giải và chấp nhận tan vỡ?
Không nên đổ hết lỗi cho các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và những người lãnh đạo cộng sản khác. Họ tham quyền và thiển cận nhưng phần lớn những người khác nếu được cầm quyền cũng không khác gì họ. Tội ác chủ yếu đến từ sự tăm tối. Nguyên nhân chính là vì chúng ta đã thiếu một lớp trí thức chính trị, và một dân tộc không có một lớp trí thức chính trị cũng không khác một người mù hay một con tàu không phương hướng. Không tới được một bờ bến nào và tai nạn là chắc chắn. Chúng ta cần khẩn cấp những trí thức có kiến thức chính trị, có ưu tư với đất nước, biết suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình và dám tranh đấu cho lập trường của mình.
Quan trọng hơn nữa, chúng ta cần hiểu rằng những vết thương của nội chiến vẫn còn nguyên vẹn và nếu không hòa giải được người Việt Nam với nhau thì Việt Nam sẽ không có tương lai. Chúng ta bắt buộc phải hòa giải cho bằng được dân tộc Việt Nam để có thể có hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Hòa giải là điều cực kỳ khó vì nội chiến đã quá dài và quá khốc liệt. Nhưng chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là thành công nếu muốn đất nước tiếp tục tồn tại.
Nguyễn Gia Kiểng (30/04/2015)
Ghi chú:
(1) Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ – Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.(Hồ Chí Minh, Ba mươi năm hoạt động của Đảng, diễn văn ngày 06-01-1960)
(2) Thắng lợi của cách mạng Việt Nam còn là do nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, đã hết lòng giúp đỡ. Nhân dịp này, chúng ta nhiệt liệt tỏ lòng biết ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. (Hồ Chí Minh, diễn văn khai mạc đại hội 3, ngày 05-9-1960)
Posted by: Admin =A= NKYN
No comments:
Post a Comment