Hiếm có xã hội nào như ở Việt Nam, cuộc đời của con người là sự tiếp nối những cú… “chạy”. Nào là chạy trường, chạy điểm, chạy bằng, chạy án, chạy việc, chạy chức và chạy cả… mồ mả cho chính mình.
Một xã hội càng có nhiểu “kiểu chạy” là một xã hội tổ chức tồi, điều hành kém.
Pháp luật thì cứ gọi là “cà lăm” (từ dùng của ông Hà Văn Thịnh). Các điều-khoản thiếu tính logic, chặc chẽ; điều-khoản này mâu thuẫn, chồng chéo với điều-khoản kia. Pháp luật thì cứ tùy ý quan tòa mà từ thẳng sang cong cong rồi cong. Ví dụ có thật: hai đối tượng ở tỉnh Lâm Đồng say rượu bắt trộm 2 con vịt tổng “giá trị” chưa tới 175 nghìn VNĐ bị phạt tổng cộng 15 năm tù giam (tính ra là 17.5 nghìn VNĐ thì phạt tù 1 năm), trong khi 2 vị quan ăn bẩn 820 nghìn USD tiền dân của nước trong dự án đại lộ Đông –Tây lại bị phạt tổng cộng có 5 năm tù mà các bà vợ hai ông này rên quá trời và dọa còn đi kiện. Có lẽ hai bà muốn các ông ấy cùng với gia đình phải được thừa hưởng “thành quả lao động” ấy. Quả thật, “nghề” có thu nhập cao nhất nước ta là tham nhũng rồi đi tù vài năm sẽ có tiền xài. Làm thế chẳng khác nào bật đèn xanh cho nạn tham nhũng.
Các cơ quan chính quyền từ Trung ương cho đến cơ sở thi đua nhau phát động phong trào này, phong trào nọ; chỉ tiêu nọ, chỉ tiêu kia. Muốn trở thành đơn vị đạt tiêu này chuẩn nọ thì các cơ quan, ban ngành cố mà đẻ ra những con số chỉ có trong mơ để ru ngủ chính mình và các sếp ở trên. Chuyện nhiều trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90% nhưng khi làm căng công tác thi cử thì ôi thôi. Thành quả thực tế đâu chả thấy, chỉ thấy sự gian lận, dối lừa, ganh đua thành tích để làm vui lòng mấy sếp với nhau. Một công dân đem tất cả lòng dũng cảm của mình phô bày thực trạng giáo dục cuối cùng thất bại, đầu hàng vì quá cô độc trong mặt trận đó. Đó là sự thất bại của xã hội ta đối với cái ác, cái xấu.
Tài năng và việc làm tốt là hai thái cực như nước với lửa. Mốt của thời đại là kiếm ghế ngồi trước rồi kiếm tiền từ ghế và bằng cấp để “nâng cấp” cho ghế, bởi thế mới đẻ ra hệ Đại học Tại chức. Chưa bao giờ, bằng cấp lại dễ có và được tôn thờ như bây giờ. Từ chứng chỉ Anh văn, Tin học cho đến bằng tốt nghiệp cấp III, bằng đại học, luận văn Cao học rồi luận án Tiến sĩ cũng đều được xào đi nấu lại, rao bán vô tư. Có vị quan chức nào của ngành giáo dục dám nói rằng mình không thấy những tiêu cực đó. Một cán bộ tư pháp bình thường ở huyện cũng có một hoặc vài ba bằng Đai học Tại chức, hoặc cả chính quy dù rằng không hiểu ‘Bồi thẩm đoàn’ nghĩa là gì, là cớ làm sao? Quan chức to phần lớn là những người có mác “có công với cách mạng”, bị đi tù (chính trị) nhiều… Đây là những tiếng nói rất có “trọng lượng” trong việc quyết định các vấn đề then chốt của các cơ quan, đoàn thể. Quyền lực ăn theo, “con quan thì lại làm quan” được đẻ ra từ đó.
Tham nhũng được Nhà nước coi là nội xâm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chế độ. Điều này cũng đúng thôi, vì phần nhiều các siêu phi vụ dưới dạng này đều có liên đới những Đảng viên cỡ bự cơ mà. Cứ nhìn vào các vụ chạy quota dệt may, vụ PMU 18, vụ dự án đại lộ Đông-Tây, vụ Securency thì sẽ dễ nhận thấy… Đó mới chỉ là phần nổi nho nhỏ của tảng băng chìm.
Luật phòng chống tham nhũng luôn có điều chỉnh, bổ sung nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, các nhà làm luật luôn chừa ra những kẽ hở chết người. Không hiểu những ai sẽ tìm thấy những kẻ hở đó mà lợi dụng đây, chả nhẽ là những công dân bình thường. Xin thưa, chỉ có hai loại người, đó là những nhà tư bản nước ngoài và tư bản đỏ.
Thực tế, những người có quyền cao chức trọng, lắm của nhiều tiền mới “chạy ” nhiều và chạy nhanh chứ như phó thường dân thì sức mấy. Mỗi năm đều có “kế hoạch” khui vài vụ tiêu cực, chủ yếu là nhờ báo chí, nhằm quán triệt tinh thần phòng chống tham nhũng của Đảng, nhưng nếu thấy đụng chạm trên cấp Thứ trưởng thì bật đèn đỏ ngay lập tức!
Khổ thay, đời là sự tiếp nối những cú… “chạy”. Mong cho mọi người càng ít “chạy” càng tốt vì lúc đó các “quan phụ mẫu” sẽ ít “phì nhiêu” ra và lúc đó mới hy vọng xã hội này sẽ ít tốn calo hơn cho những điều xuẩn ngốc!
Phan Ngọc Uy
No comments:
Post a Comment