Bây giờ, cũng sắp tháng Tư. Theo lẽ trên cánh đồng phía Nam tỉnh Hậu Giang, phía tây tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc tỉnh Bạc Liêu những cây lúa kịp lớn lên tươi non, mơn mởn chờ đón cơn mưa đầu mùa mát rượi. Nông dân hồ hởi đợi một vụ lúa bể bồ, nôn nả chờ trả bớt khoảng nợ mình vay mượn; rôm rả tiếng cười khi được bữa ăn ngon, khi mua tấm áo tấm quần coi được. Nhưng trong tầm mắt tôi, trên cánh đồng kia, cây lúa èo ọt khi ruộng đồng khô cạn, đám lúa cỗi cằn trong nắng gắt chang chang. Những chiếc máy bơm rị mọ phun phì phèo chút nước được chắt mót từ dòng kênh. Vài ba bác nông dân nhễ nhại mồ hôi ngó cánh đồng mình xót ruột, mỏi mòn đợi con nước chảy về, thèm con nước lé đé tràn bờ như vào tháng Bảy, tháng Tám.
Cũng từng lớn lên bênh cạnh dòng sông ngọt nước, với tôi khái niệm về sông là con nước đầy lênh láng, là vị nước mát lành trong trẻo, là tiếng con bìm bịp kêu chờ con nước lớn dâng bờ, là đôi mái chèo khua kẽo kọt trên sông chiều lấp loá. Vậy mà trí nhớ kia cũng phải chèn thêm những dòng sông trơ bãi chỉ còn chút nước phèn vàng kịt, những tiếng lội lõm bõm bắt cá giữa lòng sông, những chiếc xuống chiếc ghe nằm chỏng chơ trên bãi vắng, những tiếng í ới bên này gọi bên kia sông khi chiếc xuồng cũng trở thành vô dụng. Người ta ngác ngơ, đây đâu phải miền Tây mà mình biết: khi sông không còn là sông, cây lúa không thành cây lúa.
Lại là bác Ba Tàu hảo hữu. Liệu có phải rằng thiên la địa võng đã giăng thì dân ta có chạy trời cũng không thoát? Những cái đánh chặn, những cái cướp giật ngoài đại dương mênh mông cũng chưa đủ làm anh Ba hả dạ; nay anh còn quyết tâm vắt kiệt dòng Mekong đến khi nào dân Việt rã rời, tan tác mới chịu buông tay chăng? Cứ ước gì dân mình là dân Thái hay quan mình như quan Thái để bà con khỏi tủi thân, để bà con khỏi nghẹn ngào, để còn biết mình sống ở đâu, để mường tượng được cái gì gọi là Nhà nước. Để bà con hiểu vì sao mấy ổng sốt sắng cho dự án chống nước biển dâng vài mươi năm nữa, nhưng hôm nay lại lặng im khi nhìn những dòng sông dần khô kiệt do tác hại từ những đập Mekong nằm ở thượng nguồn. Nhưng hình như đấy là hai chuyện tách rời, hai mối quan tâm riêng lẻ, hai dự án khác nhau?
Vào đầu mùa, lời khuyến cáo của chính quyền “nông dân không nên trồng lúa khi không đủ nước”, không làm dân e ngại. Nói thì dễ. Nông dân không trồng lúa thì còn biết làm gì hơn: nợ nần, chi tiêu hằng ngày, chi phí con cái học hành, đau bệnh… trăm chuyện đều đổ lên đầu cây lúa. Thành thử họ phải liều. Gieo sạ mà trong lòng thấp thỏm, cầu trời khấn Phật mong cho nước về hoặc là mưa xuống. Hạt lúa ì ạch nảy mầm nhưng khát khô đợi nước vật vờ, rồi ngả màu, rồi héo queo; rồi cả cánh đồng xanh rì trở thành phơ phơ bạc phếch. Mọi biện pháp cứu lúa đều vô vọng. Kể cả sáng kiến khoan giếng nước ngầm, đưa nước ngọt lên ruộng của những anh Hai Lúa – do mạch nước ngầm bị tụt không bơm lên được.
Lúa chết. Chỉ hai từ thôi mà làm người dân đau điếng. Vụ lúa bị phá sản, nợ chồng lên nợ. Lòng tin đổ rạp, cái nghèo đói, khắc khổ được dịp leo lên.
Rồi người ta lại buộc phải chứng kiến nhiều kỷ lục từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ chưa thấy: sông cạn kiệt nước; những vụ “thu hoạch” bất ngờ vài chục tấn cá trê, cá lóc, cá rô trên dòng kênh chỉ còn chút nước. Không thấy ai mừng. Vì nó không khoả lấp được nỗi buồn xác xao, lại cồn lên cái lo nếu ngày mai nông dân chỉ có thể trồng lúa vào mỗi mùa mưa; rồi nông dân sẽ sống bằng gì, rồi nông dân còn có tương lai gì không?
Những cái lắc đầu ngác ngơ nhìn lúa đầy bồ không tìm được người mua do sông cạn không ghe tàu nào vào được. Những khuôn mặt chán chường, đau đáu khi phải thuê xe Honda vận chuyển từng bao lúa từ ruộng về nhà với giá bằng năm sáu ký lúa. Những bước chân hì hục đẩy bộ chiếc máy tuốt lúa từ cánh đồng này sang cánh đồng kia, giá công tuốt cũng từ đó mà tăng theo. Những dáng người khi trời sáng mờ mờ ra mé sông ngóng nước chảy về, nhưng không thấy nước cao lên mà mỗi ngày mỗi cạn.
Giờ trưa hoang vắng trong trời nắng cháy, tôi nghe con bìm bịp kêu lạc loài rưng rức. Tội nghiệp con bìm bịp hình như khản cổ, đợi lâu rồi mà không thấy con nước dâng cao. Nó bước ra bờ sông, thẫn thờ nhìn dòng sông cạn đáy; rồi buồn hiu ngả nghiêng bước chân trở về mà lo, chắc mai mốt tiếng kêu của mình rồi cũng trở thành chuyện xưa tích cũ:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.
Bỗng nhiên thấy thảng thốt. Nhưng cũng chưa thể hình dung nổi viễn cảnh toàn miền Tây chằng chịt sông ngòi kia sẽ ra sao khi con nước ngọt phù sa từng đi vào thơ, đi vào nhạc; chảy vào những cánh đồng, ôm ấp nuôi nấng cây lúa; giải toả những cơn khát, mang lại niềm tin sống cho bao con người đột nhiên dứt hẳn. Thay vào đó là dòng nước mặn đìu hiu chảy xiết, đám lục bình khờ khạo rồi cũng không còn chỗ chen chân, tụi cá lóc hụt hơi nổi đầu chối chết… Mới nghĩ tới đó thôi đã thấy phía xa mù mù một màn thâm u, không chút gì hi vọng.
Rồi lại thấy ba hình nhân đại diện: tình người, dã tâm, trách nhiệm cứ vòng vo nhảy múa. Cái nào sẽ lên ngôi? Lòng dân đành thấp thỏm chờ trông.
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt, khóc người một con.
Chợt nhớ đến hai câu thơ Bùi Giáng mà buồn gục mặt; và ước gì các vị quyền cao chức trọng của ta “còn hai con mắt” như thiên hạ. Ước gì.
© 2010 Nguyễn Huỳnh Thái
No comments:
Post a Comment