Trong không khí trò chuyện rất thân mật, cởi mở, chúng không gọi nhau là “đồng chí” song ai cũng phấn khởi vì thấy “Lớp cha trước, lớp con sau – Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Dưới đây là một số nội dung trò chuyện, trong đó chúng tôi hỏi, đồng chí Vũ Minh Trí trả lời.
______________________
Chúng tôi nghe tin cháu đã bị kỉ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, tước quân hàm sĩ quan. Tin đó có đúng hay không?
Thưa các bác, tin đó là đúng. Ngày 10-2-2010 Bộ Quốc phòng có quyết định số 426/QĐ-BQP do thứ trưởng Nguyễn Văn Được kí, theo đó cháu bị thi hành kỉ luật bằng hình thức tước quân hàm sĩ quan. Cùng ngày, Đảng ủy Tổng cục II có quyết định số 27-QĐ-ĐUTCII do bí thư Dương Xuân Vinh kí, theo đó cháu bị thi hành kỉ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Hai quyết định này có hiệu lực kể từ ngày kí. Chiều 5-3-2010, đại diện lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II đã gặp, trao cháu hai quyết định này.
Khi nhận hai quyết định này, cháu có tâm trạng ra sao?
Thưa các bác, cháu thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, thanh thản bới hai lí do chính: Một là cháu đã dự kiến và chuẩn bị kĩ về mọi mặt, kể cả về mặt pháp lí và công luận cho nhiều tình huống, trong đó có những tình huống gay go, nguy hiểm hơn thế này; Hai là các quyết định trên giúp cháu khẳng định rõ hơn về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đối tượng đấu tranh, từ đó mà bổ sung, điều chỉnh phương hướng, biện pháp đấu tranh cho phù hợp.
Trong tâm trạng nhẹ nhõm và thanh thản ấy, cháu thấy có một điểm nực cười, đó là ngày 13-11-2007 cháu có gởi các cấp lãnh đạo, chỉ huy một lá đơn đề nghị cháu xuất ngũ theo quy định, chế độ hiện hành với lí do đã suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào nhiều cấp lãnh đạo, chỉ huy. Sau đó, trong gần 2 năm rưỡi qua, cháu nhiều lần nhắc lại đề nghị này trong các bản kiểm điểm đảng viên, nhận xét cán bộ, các lần làm việc với lãnh đạo, chỉ huy… Lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội thì đã thống nhất quy kết cháu “sai trái, chệch hướng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, chống Đảng, chống quân đội, chống Tổng cục II”, cần bị “xử lí theo quy định của pháp luật”. Ấy vậy mà tới nay, bằng quyết định tước quân hàm sĩ quan chứ không phải là tước quân tịch, loại ngũ, người ta vẫn cố giữ cháu ở lại quân đội, ở lại Tổng cục II.
Hiện giờ, cháu có tâm trạng ra sao?
Thưa các bác, cháu càng lúc càng thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn vì nghĩ mấy năm qua, mình đã cố gắng làm những việc đáng làm, phải làm trên tinh thần “dĩ công vi thượng”. Đặc biệt, sau nhiều năm tồn tại ở một nơi mà phần lớn tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền đã bị tê liệt, lũng đoạn, các điều lệnh, chế độ của quân đội, điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đã bị phớt lờ, bẻ cong một cách nghiêm trọng để phục vụ những lợi ích riêng bất chính, cháu lại có cảm giác mình là một con người ít nhiềư tự do. Người ta có thể giữ cháu ở lại quân đội, ở lại Tổng cục II thêm một thời gian nữa song cháu tin mình có đủ sức mạnh để không bị người ta o ép, khống chế.
Ngày 18-3-2009, tại hội nghị biểu dương những cá nhân có thành tích và tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức tại Hà Nội, chị Phạm Thị Hồng Hoa, nguyên kế toán trưởng Tổng Công ty Mía Đường II, một trong 3 cá nhân được mời đọc tham luận có kể rằng đã có lúc chị định xin ra khỏi Đảng để tiếp tục đấu tranh, rằng khi làm việc với chị, một vị trong đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói: “Chị là đảng viên, không được phép đi tố cáo”. Đầu tháng 1-2010, trang mạng VietNamNet có đăng bài “Mũ ni che tai trước tham nhũng?” của tác giả Bùi Đức Lại, trong đó chỉ ra 4 “cửa ải” đối với người chống tham nhũng, tiêu cực. Với những gì đã thấy, đã trải, cháu muốn được chia sẻ với chị Hoa về suy nghĩ của chị và rất tâm đắc với các ý kiến của tác giả Bùi Đức Lại.
Cháu có thể nói rõ hơn về những gì cháu đã thấy, đã trải?
Dạ được. Cháu sẽ nêu một số việc làm cụ thể của những đối tượng cụ thể. Ở đây, cháu bỏ qua những việc làm trắng trợn, bỉ ổi của Tổng cục II, chỉ nhắc tới những tổ chức và cá nhân là cấp trên của Tổng cục II.
Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy Quân sự Trung ương đã có nhiều biểu hiện khuất tất, nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình kiểm tra, xác minh những nội dung cháu kiến nghị, tố cáo. Ví dụ:
- Tại buổi làm việc sáng 1-10-2008 để phản hồi bản kiến nghị ngày 16-1-2008 của cháu, tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy Quân sự Trung ương (gồm tổ trưởng là ủy viên thường trực Trần Văn Đạt, tổ viên là trưởng phòng cơ quan – nhà trường Trần Đức Nam, có sự tham gia của phó vụ trưởng Vụ 1A – Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quang Đặng) đã làm một việc trái với chức năng, nhiệm vụ của mình là gợi ý lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II và cháu cùng kết thúc vụ việc tại đây, bất chấp một thực tế là vấn đề mà cả hai phía nêu ra đều có tính cách nguyên tắc, có sự đối kháng rất cao.
- Trong thời gian kiểm tra, xác minh các nội dung kiến nghị, tố cáo của cháu, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy Quân sự Trung ương (gồm tổ trưởng là ủy viên thường trực Bùi Vinh Quang, tổ phó là trưởng phòng cơ quan – nhà trường Trần Đức Nam, ba tổ viên là Nguyễn Đức Toản, Lê Ngọc Thi (trợ lí phòng cơ quan – nhà trường), Bùi Quang Phiếm (trợ lí phòng nhân sự – Cục Cán bộ – Tổng cục Chính trị), có sự tham gia của phó vụ trưởng Vụ 1A – Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quang Đặng) đã thể hiện một cách thức làm việc không khách quan, có biểu hiện thiên vị, bao che đối tượng bị tố cáo, đe nẹt, truy bức, cài bẫy người tố cáo: địa điểm là sở chỉ huy Tổng cục II (kể cả khi làm việc với cán bộ nghỉ hưu); để cán bộ Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy Tổng cục II dự, ghi chép trong một số buổi làm việc với các tổ chức, cá nhân do cháu giới thiệu; viện dẫn tùy tiện một số văn bản pháp quy để “bào chữa” cho Tổng cục II; kiểm tra, xác minh chệch vấn đề; khăng khăng đòi cháu đưa ra các chứng cứ như tên, số hiệu kế hoạch điệp báo, tiêu đề, số hiệu bản tin riêng của Tổng cục II trong khi chúng đều thuộc loại tối mật, tuyệt mật; khăng khăng bảo hàng loạt thông tin cụ thể mà cháu nêu ra không phải là chứng cứ… Ngoài ra, họ còn tiến hành sai đối tượng: chỉ thị 251 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã xác định rõ đối tượng phải kiểm tra là tập thể Đảng ủy Tổng cục II và cá nhân trung tướng Vịnh, họ cũng đã chủ động rút từ bản kiến nghị ngày 16-12-2008 và bài viết “Tổng cục II – Vì ai nên nỗi?” của cháu ra 5 nội dung tố cáo tập thể Đảng ủy Tổng cục II, 4 nội dung tố cáo cá nhân trung tướng Vịnh song khi làm việc với các tập thể, cá nhân do cháu giới thiệu, họ lại chỉ hỏi về cháu; vì vậy mà sau khi làm việc với họ, có người đã hỏi cháu mắc sai phạm gì mà bị cấp cao như vậy kiểm tra. Cuối cùng, họ chỉ đọc để cháu nghe mà không để cháu xem hay giữ văn bản kết luận 439 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, thậm chí còn từ chối khi cháu đề nghị được kí vào từng trang để có chứng cứ đó là văn bản của cháu đã nghe đọc.
Để thấy rõ hơn sự qua loa, đại khái, hời hợt của họ, cháu nêu ra thêm một ví dụ cụ thể: Ngày 21-2-2008, khi làm việc về 5 điểm trong bản kiến nghị ngày 16-1-2008 của cháu, tổ trưởng tổ công tác nói các điểm đó đều rất lớn, việc kiểm tra, xác minh mỗi điểm phải mất vài tháng, thậm chí vài năm. Ngày 1-8-2008, khi cháu gọi điện hỏi, tổ trưởng tổ công tác nói vẫn đang làm, chưa xong, chưa kết luận. Tới ngày 1-10-2008 tổ công tác mới gặp cháu nhưng không phải là để thông báo kết quả kiểm tra, xác minh hay kết luận mà chỉ để phổ biến một văn bản của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vậy mà với 5 nội dung tố cáo Đảng ủy Tổng cục II (trong đó cả 5 điểm trong bản kiến nghị ngày 16-1-2008 được dồn vào một nội dung) và 4 nội dung tố cáo cá nhân trung tướng Vịnh, đoàn kiểm tra làm việc chưa tới một tháng đã xong (ngày 14-7-2009 có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, ngày 13-8-2009 họ đã mời cháu gặp, phổ biến văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xác minh).
Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm trong việc lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, quản lí Tổng cục II, đã cố tình bao che, dung túng cho các sai phạm của Tổng cục II trong một thời gian dài, đã bỏ qua những kiến nghị, tố cáo của cháu, khiến cháu phải kiến nghị, tố cáo tới lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước; khi được lãnh đạo cấp cao giao nhiệm vụ xem xét, giải quyết thì đã tiến hành một cách hình thức rồi bằng kết luận 439 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự trung ương do phó bí thư Phùng Quang Thanh kí, quy chụp cháu là có nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận công lao, thành tích của ngành tình báo quân sự, chống Đảng, chống quân đội, chống Tổng cục II, kiến nghị, tố cáo với nội dung suy diễn, xuyên tạc, bịa đặt và thái độ hằn học. Quy chụp nặng nề như vậy song họ lại không đưa ra một bằng chứng nào trong khi về cơ bản các nhận thức, quan điểm của cháu đều đã được cháu thể hiện bằng văn bản.
Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nhìn chung đã thể hiện sự “im lặng đáng sợ”. Với bản kiến nghị ngày 16-12-2008, sáng 16-2-2009 cháu mới nhận được văn bản 135/VPCTN-PL ngày 9-2-2009 của Văn phòng Phủ Chủ tịch nước gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đồng thời gửi cháu để thay trả lời, nội dung: “Chuyển đơn trên đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”; sáng 4-4-2009 cháu mới nhận được văn bản 674/QPAN12 ngày 31-3-2009 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nội dung: “Đã chuyển đơn của ông đến Thanh tra – Bộ Quốc phòng là nơi giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết” song tới nay cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương lẫn Thanh tra – Bộ Quốc phòng đều chưa có động thái nào trong việc xem xét, giải quyết; Từ Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thì tới giờ cháu vẫn chưa nhận được sự phản hồi trực tiếp nào. Với bản kiến nghị, tố cáo ngày 9-11-2009, cháu mới nhận được văn bản 916/QPAN12 ngày 30-12-2009 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nội dung: “Đã chuyển đơn của ông đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”. Trong khi đó, cháu phải chịu nhiều sức ép, sự đe dọa từ phía quân đội và Tổng cục II, mà biểu hiện rõ nhất và gần nhất là hai quyết định thi hành kỉ luật. Nghiêm trọng hơn, bản gốc tài liệu cháu gửi chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (kèm cả phong bì) ngày 16-12-2008 đã được chuyển cho Tổng cục II và Tổng cục II đã sử dụng nó để đe dọa, truy bức cháu. Cháu cho rằng đây là một việc làm vi phạm pháp luật.
Những việc ấy khiến cháu suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào tất cả các cấp lãnh đạo, chỉ huy; thậm chí đối với một số cấp, một số người, cháu không còn một chút tin tưởng và tôn trọng nào.
Cháu có bất ngờ trước các sự việc ấy không?
Thưa các bác, vì hiểu rõ bản chất của các sự việc, các đối tượng có liên quan, thấy được nguy cơ “tự diễn biến” trong quân đội, trong Đảng, trong Nhà nước chúng ta là rất lớn nên cháu hoàn toàn không bất ngờ. Ngay trong bản kiến nghị ngày 16-12-2008 cháu đã dự kiến khả năng các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước cũng im lặng trước những đề nghị, kiến nghị của cháu, cũng không phải là nơi cháu có thể dựa vào.
Cháu khẳng định rằng thời gian qua, trên cương vị một cán bộ, đảng viên, cháu đã luôn thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước về việc khiếu nại, tố cáo, không hề khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tất cả các nội dung kiến nghị, tố cáo, cháu đều thể hiện bằng văn bản, gửi tới các cấp theo đúng trình tự thời gian và thẩm quyền giải quyết. Nếu các cấp đó không giải quyết hoặc giải quyết nhưng không thỏa đáng thì cháu mới kiến nghị, tố cáo tới cấp cao hơn.
Cháu có nhận xét gì về sự “im lặng đáng sợ” mà cháu vừa nói đến?
Thưa các bác, cháu cho rằng sự “im lặng đáng sợ” ấy xuất phát từ hai lí do chính: Một là thiếu trách nhiệm, thậm chí vô trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân, của dân tộc; Hai là vì dính dáng tới những sai phạm của Tổng cục II nên há miệng mắc quai.
Cháu có nghĩ tới khả năng cháu bị truy tố không?
Thưa các bác, cháu đã nghĩ tới.
Trong kết luận 439 ngày 19-10-2009, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương giao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xem xét, đề xuất hướng xử lí cháu theo quy định của pháp luật. Trong chỉ thị 250 ngày 26-10-2009, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục II giao nhiệm vụ tương tự cho các cơ quan chức năng của Tổng cục II. Trong hai quyết định thi hành kỉ luật đối với cháu cũng ghi rõ: “Đồng chí Vũ Minh Trí đã tố cáo sai đối với Đảng ủy Tổng cục II và đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, gửi đơn tố cáo đến một số nơi không có chức năng xem xét, giải quyết và nội dung tố cáo đã đưa lên mạng Internet, làm lộ bí mật một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tình báo Quốc phòng Việt Nam; vi phạm các điều 1, 2, 3, 4, 5 trong quy định số 115-QĐ/TW ngày 7-12-2007 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm và chị thị số 48-CT/TW ngày 14-2-2007 của Bộ Chính trị về bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử dụng, bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”.
Vì bị quy chụp, đe dọa như vậy nên cháu đã tự dành cho mình quyền nhờ tới sự bảo hộ của pháp luật, sự bảo vệ của luật sư, sự giúp đỡ của công luận cũng như quyền đưa ra công khai các tài liệu do cháu viết, bị Tổng cục II và Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương dùng để quy chụp, đe dọa cháu; nếu cần, cháu còn đưa ra công khai các chứng cứ khác. Những việc cần làm, cháu đều đã chuẩn bị kĩ càng, chu đáo. Qua theo dõi diễn biến một số vụ án gần đây, điển hình là vụ xét xử nữ Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương, cháu tin rằng trước pháp luật và dưới sự giám sát của công luận, sự bình đẳng giữa lãnh đạo, chỉ huy quân đội và Tổng cục II với cháu sẽ được bảo đảm. Cháu cũng luôn tin rằng trắng – đen sẽ sớm rõ ràng. Việc truy tố cháu, đưa cháu ra xét xử chắc chắn sẽ càng làm cho nhân dân biết nhiều hơn về những điều mà lâu nay người ta vẫn dùng yếu tố “bí mật”, “nhạy cảm” để che giấu.
Cháu căn cứ đâu mà tin như vậy?
Thưa các bác, cháu căn cứ lòng dân, sức dân. Trong thư gửi hội nghị tình báo tháng 8-1949, Hồ Chí Minh dạy: “Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết”. Đã không ngăn được dân biết thì càng không thể ngăn được dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Điều này, tiến sĩ Mai Liêm Trực đã đề cập rất trúng khi trả lời phỏng vấn của trang mạng Tuần Việt Nam: “Tình thế, thời cuộc cũng như tâm nguyện của nhân dân không cho phép anh né tránh được nữa rồi. Dân tộc đang đòi hỏi trách nhiệm ngày một cao hơn của Đảng… Bức xúc của cuộc sống đã đủ nhiều để những người phần nào nguội lạnh phải xem lại mình. Những cán bộ hôm nay đang được hưởng những thành quả mà nhiều thế hệ đã làm nên. Nhà cửa có rồi, lương bổng sống thế cũng tạm ổn. Lí do gì chúng ta phải lo thu vén cá nhân? Đến nồi nào mà còn phải lo mất ghế của mình, để hàng ngày phải nhìn xuống chân ghế? Tạo sao không có dũng khí như các thế hệ cha anh đã làm cho sự nghiệp này của Đảng và của dân tộc chúng ta”.
Sự quan tâm, chia sẻ, động viên của người thân, bạn bè và rất nhiều người vốn không hề quen biết khiến cháu thêm vững tin. Được các bác tới tận nhà hỏi thăm, cháu rất cảm động và phấn khởi.
Cháu có nhận xét gì về hai quyết định kỉ luật vừa nhận được?
Thưa các bác, cháu sơ bộ có hai nhận xét.
Một là hai quyết định đó càng chứng tỏ sự khác biệt căn bản, có tính nguyên tắc cả về mặt chính trị lẫn về mặt đạo đức giữa một bên là cháu với một bên là Chi ủy, Chi bộ 2, chỉ huy Phòng Tham mưu – Kế hoạch của Cục kĩ thuật – Tổng cục II, lãnh đạo, chỉ huy Cục Kĩ thuật, lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục II và lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng.
Hai là như các bác đã biết, cháu gửi bản kiến nghị về Tổng cục II, kèm theo là bài viết “Tổng cục II – Vì ai nên nỗi?” tới lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; đến này, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước chưa kết luận về các tài liệu này, cũng chưa trả lời cháu; vì vậy cháu coi mọi kết luận, quyết định đối với cháu của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục II, Tổng cục trưởng Tổng cục II… đều là vô giá trị và bất hợp pháp; cháu tin rằng sự vô giá trị và bất hợp pháp ấy sẽ sớm bị bác bỏ.
Cháu có định khiếu nại về hai quyết định kỉ luật đó không?
Thưa các bác, cháu hoàn toàn không có ý định ấy.
Tại sao vậy?
Thưa các bác, vì hiện cháu có những việc làm đáng làm hơn rất nhiều.
Xác nhận đây là nội dung trao đổi giữa tôi và ba cụ Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Tuyết và Trần Đức Quế
(kí tên)
Vũ Minh Trí
No comments:
Post a Comment