Sunday, May 16, 2010

Dân biểu tình chống cướp đất cho lễ 1000 năm Thăng Long

Một số phụ nữ tham gia biểu tình phản đối giải tỏa đền bù bất công ở Dương Nội, quận Hà Ðông. (Hình: DCCTVN.Net)

Hàng chục người từ quận Hà Ðông tới cơ quan nhà nước ở trung tâm thủ đô Hà Nội biểu tình đòi lại đất đai tài sản đã bị nhà nước cướp đoạt và giải tỏa đền bù bất công. Ðất đai này, theo người biểu tình, bị tước đoạt để xây công trình phục vụ cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Theo một nhân chứng thuật lại trên trang báo điện tử www.dcctvn.net thì cuộc biểu tình diễn ra ở Hà Nội mà các người tham dự đều mặc áo thun trắng có hàng chữ phía sau lưng “Phản đối việc cưỡng chế trái pháp luật của UBND quận Hà Ðông.” Quận Hà Ðông trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, sau này sáp nhập vào Hà Nội.

Nhân chứng kể rằng, “Chiều 11 tháng 5, 2010 đang ngồi ở phía cuối xe Bus số 02 chạy từ Bắc Cổ về Yên Nghĩa, khi xe đến điểm dừng cạnh bệnh viện Răng Hàm Mặt tôi thấy phía trên đầu xe tiếng quát tháo của anh tài xế và phụ xe khiến cho cả xe nhốn nháo. Lúc đó tôi nhìn xuống đường thấy một đoàn người rất đông mặc các áo in các dòng chữ phản đối việc chính quyền cướp đất của dân.

Anh lái xe và phụ xe nhất quyết không cho đám người đó lên xe (chắc sợ liên lụy) xe đóng cửa nhanh và tôi đã nhanh tay ngoái lại phía sau xe chụp qua cửa kính của xe được một số hình ảnh của đoàn người nói trên. Tôi đang cảm thấy tiếc nuối vì không thể xuống xe để tìm hiểu về sự việc, thì may sao có một anh đã nhanh chân chen được lên xe Bus, do đó tôi có dịp để hỏi anh về sự tình vụ việc.”

Nhân chứng viết tiếp rằng, “Theo lời anh kể, anh hiện sống ở Dương Nội-Hà Ðông-Hà Nội, đoàn của anh đi biểu tình phản đối việc chính quyền thu hồi hoàn toàn 100% đất nông nghiệp, sự việc được bắt đầu vào giữa năm 2006 khi đó Hà Tây chưa sát nhập vào Hà Nội, số diện tích đất lấy cho dự án vừa phải nhưng do đền bù không thỏa đáng nên nhân dân đã liên tục tụ tập thành các cuộc biểu tình phản đối.

Từ khi sát nhập với Hà Nội thì dường như nó bắt đầu được tiến hành nhanh chóng, mạnh mẽ và quyết liệt với giá đất ngày càng leo thang, lúc này UBND Hà Ðông và Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 100% đất nông nghiệp của Dương Nội mà người dân hoàn toàn chưa nhìn thấy quyết định thu hồi đất, chưa được nghe đến phương án giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư, mà chỉ được nghe thông báo qua loa truyền thanh của xã. Mới nghe qua loa, nhưng chủ đầu tư là Công ty Nam Cường đã cho san ủi toàn bộ số lúa, hoa màu của nông dân xã Dương Nội. Người dân bức xúc trước việc làm của Công ty Nam Cường, trong khi chính quyền xã Dương Nội làm ngơ. Cũng theo lời của người đàn ông này, thì hiện bên Nam Cường có 6 dự án còn lại là 9 dự án của xã Dương Nội.”

Người biểu tình phản đối giải tòa đền bù bất công ở Dương Nội ngồi trên xe buýt trở về nhà với cái áo viết những chữ phản đối. (Hình: DCCTVN.Net)

Theo lời tường thuật nói trên dân Dương Nội đã khiếu kiện đủ mọi nơi, đủ mọi ban ngành từ địa phương đến trung ương suốt gần 4 năm nhưng đều bị làm ngơ.

Mà các dự án đó được thi hành gấp rút cho dù trái lý trái luật “để kịp chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội.”

Không thể tiếp tục chịu đựng, hơn 30 người mặc áo thu trắng in hàng chữ phản đối cả trước ngực sau lưng về “Văn phòng ban giải phóng mặt bằng Hà Nội nằm ở 197 Nghi Tàm” để “yêu cầu các cấp lãnh đạo phải có văn bản chấm dứt việc thu hồi đất của nhân dân, hoặc phải có phương án đền bù thỏa đáng.”

Nhân chứng kể lại theo lời người nông dân Dương Nội, “Gia đình từ bao năm nay sống bằng nghề trồng đào Tết trên 3 sào ruộng hiện có. Tết vừa qua, mặc dù thời tiết bất ổn, đào không nở được hoa nhưng gia đình anh có tổng thu nhập là 120 triệu đồng. Cả gia đình 5 người có cuộc sống khá ổn định. Nếu tính theo mức đền bù UBND Hà Ðông đặt ra thì gia đình anh sẽ nhận được khoản đền bù khoảng 150 triệu đồng, tương đương 1 năm làm việc. Quan trọng hơn, cả gia đình sẽ không biết làm gì trong tương lai. Ðó là về gia đình anh, còn phần lớn các gia đình khác làm nông nghiệp với thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh khoảng 50 triệu đồng/hộ. Ðây là mức thu nhập ổn định đối với người nông dân địa phương này. Còn việc sau khi bị thu hồi đất, họ sẽ làm gì để sống thì chưa được các cấp chính quyền của Hà Ðông và Hà Nội tính đến.”

Rồi người nông dân này nói với vẻ bức xúc, “Nếu trong thời gian tới đây mà chính quyền không giải quyết một cách rõ ràng thì tất cả bà con sẽ cho con cái nghỉ học cùng ra đường biểu tình để buộc chính quyền phải giải quyết.”

Gần như hàng ngày đều có rất đông các người khiếu kiện đất đai chầu chực ở Văn Phòng Tiếp Dân của Ðảng và Nhà Nước Trung Ương ở quận Cầu Giấy. Các đoàn biểu tình, khiếu kiện từ các tỉnh xa kéo về Hà Nội chầu chực hay nằm ngủ vạ vật ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng thường bị xua đuổi, tịch thu các đồ thiết dụng hàng ngày. Ít ra, đã hai lần có người biểu tình tự thiêu để phản đối các quyết định sai trái, bất công ở cơ quan nói trên.

Ngày 29 tháng 1, 2007 trước trụ sở văn phòng của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Nhà Nước CSVN tại 35 phố Ngô Quyền thuộc quận Hoàn Kiếm-Hà Nội, hàng trăm người thuộc xã Vạn Phúc-thị xã Hà Ðông-tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội mở rộng) đã tiếp tục ngồi bao vây biểu tình bước sang ngày thứ 11. Dù sống trong cảnh “màn trời chiếu đất,” cơm đường, nước bụi bà con vẫn không giảm sút ý chí đấu tranh phản đối quyết định cưỡng chế đất đai giải tỏa đền bù bất công và đẩy họ vào vòng nghèo đói vì không biết làm gì để sống khi đã mất nhà mất ruộng.

Ðầu năm 2009, khoảng từ một đến hai ngàn người dân thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã kéo ra khu đất rộng đến 500 mẫu tây được qui hoạch để xây dựng “khu đô thị Văn Giang” để biểu tình, chống lệnh giải tỏa đền bù bất công.

Tin tức thời sự lúc đó nói khoảng 600 Cảnh Sát Cơ Ðộng đã được đưa tới giải tán và đã bắt đi ít nhất 5 người.

Theo tin báo điện tử VietnamNet ngày 5 tháng 9, 2005, chỉ trong vòng 10 ngày, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam tiếp nhận hơn 5,000 lá đơn khiếu kiện đất đai chỉ riêng của dân chúng Hà Nội. Có 13 đoàn công tác kiểm tra tình hình thi hành luật đất đai của bộ này về các tỉnh đã đem về Hà Nội 17,480 đơn khiếu kiện. Người ta không biết chúng được giải quyết ra sao trong khi các phòng tiếp dân khiếu kiện từ trung ương đến địa phương lúc nào cũng đầy người.

Nguồn: Người Việt

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/05/17/dan-bi%E1%BB%83u-tinh-ch%E1%BB%91ng-c%C6%B0%E1%BB%9Bp-d%E1%BA%A5t-cho-l%E1%BB%85-1000-nam-thang-long/

No comments:

Post a Comment