VIT - Sau gần 20 năm hoạt động, từ năm 1991 đến 2008, Công ty Vedan đã lén lút xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào dòng sông Thị Vải với lưu lượng hàng nghìn m3 nước thải/ngày, làm cho con sông này với chiều dài hơn 10 km và diện tích mặt nước gần 20 nghìn ha trở thành con sông “chết”.
Hơn 10 nghìn hộ nông dân thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) vốn sống dựa vào nguồn lợi của con sông này lâm vào cảnh đời sống khó khăn, phá sản, nợ nần.
Công ty Vedan đã có 15 năm xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải,
với khối lượng trung bình 5.000 m3/ngày trước khi bị phát hiện.
Kết quả tổng hợp thiệt hại của 1.255 hộ dân trong phạm vi ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là trên 216,8 tỷ đồng; thành phố Hồ Chí Minh với 839 hộ dân và giá trị thiệt hại là gần 107,3 tỷ đồng; với Đồng Nai, là gần 120 tỷ đồng.
Trạm xử lý nước thải của công ty Vedan bơm nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải.
Nhưng gần hai năm qua, Vedan không khắc phục hậu quả, liên tục dùng kế hoãn binh, vòng vo, trốn tránh trách nhiệm, kỳ kèo mức đền bù quá thấp so với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu. Vedan cho rằng diện tích gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải, ảnh hưởng đến nông dân huyện Cần Giờ chỉ dưới mức 10%, chứ không phải tỷ lệ 30,3% như kết quả của Viện Môi trường và Tài nguyên xác định (!).
Để đòi quyền lợi chính đáng của mình, nông dân các tỉnh, thành này đồng loạt khởi kiện Vedan ra tòa.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Quynh, khả năng thắng kiện của nông dân trong vụ này là rất cao. Bởi trước đó, Vedan đã ký vào văn bản thừa nhận mình là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm sông Thị Vải; các đoàn thanh tra kiểm tra của tỉnh Ðồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kết luận ô nhiễm sông Thị Vải chủ yếu do Vedan gây ra... Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để người dân theo vụ kiện.
Nhưng để đưa được vụ án ra tòa để xử, nông dân còn nhiều bước gian truân, cần sự giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội.
Công ty Vedan được cho là thủ phạm chính giết sông Thị Vải
Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố, Hội Nông dân sẽ hỗ trợ án phí (khoảng 100 triệu đồng) để nông dân Cần Giờ kiện Công ty Vedan ra tòa. Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện đứng ra giúp nông dân kiện Vedan. Trước việc Công ty Vedan thể hiện không có thiện chí thương lượng với nông dân, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Cần Giờ khẩn trương hoàn tất thủ tục, kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, đòi Công ty Vedan có trách nhiệm bồi thường cho nông dân. Dứt khoát không để nông dân chịu thiệt hơn nữa.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ pháp lý và chuẩn bị cả kinh phí để người nông dân bị thiệt hại tiến hành khởi kiện Công ty Vedan. Toàn bộ 1.255 hồ sơ đã được bàn giao cho các Luật sư để chuẩn bị các bước tố tụng cần thiết. Hơn 120 Luật sư đã sẵn sàng vào cuộc, tự nguyện tư vấn miễn phí, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các hộ dân tại tòa.
Cán bộ xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hồ sơ của người dân để photo, công chứng làm tài liệu khởi kiện Vedan (ảnh chụp ngày 14/7)
Tại Đồng Nai, tỉnh bị thiệt hại nặng nhất bởi chất thải của Vedan xả ra sông Thị Vải, trong khi hai hội nông dân TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng dẫn thủ tục cho nông dân khởi kiện Vedan thì Hội Nông dân Đồng Nai vẫn dùng dằng và cho rằng đã làm hết trách nhiệm. Trong khi con số thiệt hại được tính toán là gần 120 tỷ đồng thì Hội Nông dân Đồng Nai lại vận động nông dân nhận hỗ trợ, với mức hỗ trợ là 15 tỷ đồng, chứ không phải là bồi thường nữa (!).
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai thì cho biết rằng việc có kiện ra tòa hay không là do dân quyết định.
Trước đó vào ngày 7/7, mặc dù hết sức bức xúc trước những thiệt hại to lớn do Vedan gây ra mà không có cách nào đòi bồi thường được, nông dân tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chỉ yêu cầu hỗ trợ thiệt hại chứ không khởi kiện Công ty Vedan - thủ phạm "giết" sông Thị Vải, do khó thu thập chứng cứ về thiệt hại, không có tiền để đóng tạm ứng án phí...
Nông dân xã Phước Thái: "Chúng tôi không thể nhịn nữa"
Người dân cho biết, vấn đề lớn nhất cản trở khiến nông dân Đồng Nai sợ kiện không được là vì họ bị Hội Nông dân Đồng Nai “ép” phải tin là họ không có bằng chứng – đó là hóa đơn, chứng từ khi họ bán tôm, cá, hải sản đánh bắt được từ sông Thị Vải, và cả những thứ như giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ của việc mua con giống, thức ăn, bán hàng, đóng thuế...
Trước tình hình trên, nhiều LS đã tìm đến nông dân Đồng Nai để tư vấn pháp lý khởi kiện Vedan. LS cho biết sẵn sàng giúp đỡ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho nông dân khởi kiện Vedan ra tòa, kể cả việc đưa Vedan ra tòa án ở Đài Loan. Trung ương Hội Nông dân VN cũng đề nghị Trung tâm Tư vấn trợ giúp pháp luật giúp đỡ nông dân Đồng Nai tranh tụng tại tòa trong trường hợp kiện Vedan.
Nông dân nghe hướng dẫn chuẩn bị các thủ tục khởi kiện
Trong vụ án này, nạn nhân là những người nông dân “một nắng hai sương” kiếm sống trên dòng sông Thị Vải. Họ chỉ biết cần cù lao động, trình độ văn hóa hạn chế, hiểu biết pháp luật ít ỏi. Thực tế cho thấy rằng, chính quyền tại các địa phương có thể đứng ra bênh vực người dân hoặc không thì cũng chẳng sao. Do đó, nếu các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội không quan tâm bảo vệ quyền sống và lợi ích của công dân trước các hành động xâm phạm của doanh nghiệp nước ngoài, thì họ không biết phải trông cậy vào đâu, đời sống của họ sẽ ra sao?
Sự việc này xảy ra ở vùng thành thị, đồng bằng, gần trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa mà việc tranh đấu giành quyền lợi hợp pháp của người dân còn khó khăn trở ngại như vậy. Nhìn rộng ra, với những dự án của nước ngoài ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, dân trí thấp như các dự án bauxite ở Tây Nguyên, hay các dự án cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ở các tỉnh vùng biên giới, thì khi quyền lợi bị xâm phạm, quyền sống bị đe dọa, người dân thường biết trông cậy vào đâu?
PV
Nguồn tin của VITINFO
No comments:
Post a Comment