Mùa hè năm nay ở tỉnh N quê tôi nóng quá, điện mất liên tục nhiều đêm không ngủ được, đã thế lại cộng với cái giải bóng đá World cup 2010 ở Nam phi đó là cái niềm vui và nỗi buồn của hàng tỷ người trên hành tinh này. Vốn là kẻ đam mê bóng đá, đêm nào tôi cũng cố thức để theo dõi các trận đấu qua TV. Tức mỗi một điều là lúc đang căng thẳng nhất của trận đấu, mắt đang dán vào xem truyền hình trực tiếp, thì lại rụp một cái, quý ông Sở điên.. nặng mang cái “cup” điện đến trao.
Không chỉ một ngày hay một lần mà là cắt điện liên tục vô tội vạ bất kể giờ giấc, buồn vì cái nóng, bực vì cái điện đóm chập chờn, lúc có lúc mất, căng thẳng quá nhiều lúc muốn phát điên.
Đúng lúc ấy chán chường ấy thì tôi nhận được điện thoại của anh bạn người Thái lan tên là Somsack sang Hà nội công tác, nghe tôi kể nỗi cơ cực mà tôi đang phải gánh chịu ở Việt nam, anh Somsack liền rủ tôi qua Thai lan trốn cái nóng và xem bóng đá cho thoải mái và lập tức chỉ sau đó hai hôm, sau khi anh Somsack họp xong chúng tôi đã cùng nhau lên đường sang Thái lan, xứ sở của bất ổn và bạo loạn như báo chí của đảng ở Việt nam thường tuyên truyền cho người dân với hàm ý mang tính dọa dẫm rằng đó là hậu quả của sự đa đảng và dân chủ.
Với vốn tiếng Thái lan đủ dùng, tại Thái lan tôi có thể đi lại một mình và giao thiệp với người dân Thái lan một cách dễ dàng và thoải mái mà không cần bạn bè hướng dẫn. Với một chuyến đi miễn phí trong vòng hai tuần, tôi có suy nghĩ cần phải tìm hiểu và đầy đủ đời sống và sinh hoạt mọi mặt của người dân Thái lan, trong hoàn cảnh loạn lạc vô chính phủ như được biết qua sách báo của nhà nước. Được biết tôi có ý định đó, vốn là bạn bè rất thân thiết anh Somsack đã ủng hộ suy nghĩ của tôi và nói rằng cũng muốn qua tôi để bạn bè Việt nam hiểu về đất nước Thái lan và cuộc sống của người dân nước họ hôm nay ra sao.
” Nó (Thái lan) vẫn bình yên và ngày một tốt lên, những người biểu tình xuống đường tuy đôi lúc quá khích, nhưng đều có một cái đích chung là vì sự tiến bộ của đất nước Thái lan chúng tôi. Thái lan đã từng trải qua chế độ độc tài quân sự vài chục năm, cũng như Việt nam của các anh hôm nay. Chắc sau này khi Viêt nam hết chế độ độc tài thì mọi người mới thấy và hiểu hết giá trị của nền dân chủ trong việc xây dựng và phát triển đất nước” anh Somsack giải thích cho tôi nghe.
Chúng tôi quyết định chỉ ở lại Bangkok hai ngày, sau đó quyết định đi về quê anh Somsack ở tỉnh Ayuthya vốn là cố đô cũ của Thái lan với lý do muốn cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân Thái lan để tránh cảnh cưỡi ngựa xem hoa mà phải mắt thấy tay sờ để hiểu được sự thật.
Đã nhiều ngày nay, tuy bản thân tôi đang sống ở Thái lan nhưng tâm vẫn một nửa ở Việt nam, hàng ngày tôi vẫn biết rõ mọi tin tức Việt nam, qua trang Tin tức hàng ngày chuyên cập nhật tin tức Việt nam liên tục 24/7. Hôm trước đọc tin xã hội ở Việt nam thì tờ Vnexpress vừa đưa tin: ”Một trong những nội dung bàn thảo ở kỳ họp HĐND giữa năm của Hà Nội vào tuần tới là nghị quyết thu, sử dụng học phí ở trường học phổ thông công lập. Trong đó, mức tăng đối với học sinh ở nội thành lên tới 4-5 lần…”. Đọc tin trên còn đang ngất ngây vì choáng, lại thêm cái cảnh trong tin Nhảy tường xin học cho con (trích) “Theo Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Hoa Nguyễn Thị Báu, năm nay, phường Láng Hạ có 620 cháu sinh năm 2007, bước vào lớp mẫu giáo bé. Trong khi đó, trường mầm non Tuổi Hoa, trường mầm non công lập duy nhất của phường chỉ tiếp nhận được 60 cháu vào học. Tỷ lệ chọi 1/10, còn cao hơn cả kỳ thi đại học!”
Hôm sau 11/7 thì trang Vitinfo đưa tin Viện phí sẽ tăng 7 – 10 lần? ”Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Hướng dẫn thanh toán theo viện phí mới, tăng rất cao so với hiện nay, chẳng hạn tiền khám tăng 10 lần, tiền giường bệnh tăng 8 lần… Theo bảng viện phí mới, giá khám bệnh lâm sàng từ 3.000 đồng lên 30.000 đồng; giường bệnh (chưa tính sử dụng máy thở) tăng từ 12.000 đồng (tối thiểu), 18.000 đồng (tối đa) lên 100.000 – 120.000 đồng mỗi ngày”.
Chưa hết báo Dân trí còn cho biết Tăng viện phí, đừng quên người nghèo (trích) “Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày“
Những tin “tức” mình đó, đã làm tôi liên tưởng và so sánh về vấn đề giáo dục và y tế giữa một xứ sở loạn lạc và bất ổn như Thái lan với Việt nam của chúng ta. Về tình hình đời sống xã hội của người dân Thái lan có được hôm nay mà ít người còn chưa biết rõ sự thật, nó không phải một xã hội loạn lạc, vô chính phủ như người ta tuyên truyền, thật ra đất nước Thái lan của họ chưa thực sự hoàn hảo, nhưng những cái mà hôm nay người dân Thái lan đang được hưởng đã là cái quá tốt nếu chúng ta so với Việt nam. Những cái đó là những cái người Việt nam làm ăn lương thiện mong muốn vì nó thực sự thiết thân với cuộc sống của họ, đặc biệt là những người lao động.
Chỉ một thời gian ngắn, qua tìm hiểu, trò chuyện và đi thực tế tôi mới biết rằng ở Thái lan không như những thông tin mà báo chí nhà nước tuyên truyền về sự loạn lạc và bất ổn chính trị. Mà ngược lại đất nước Thái lan ngày nay là một nền kinh tế khá phát triển, hơn nữa họ đã có một chế độ an sinh xã hội mà khi nói đến có lẽ những người đang sống các nước tư bản phát triển cũng phải thèm muốn và mong ước có được. Hôm nay xin chỉ nói về hai vấn đề thiết thực nhất đó là Giáo dục và Y tế của Thái lan.
1. Về Giáo dục:
Ở Thái lan có chế độ giáo dục phổ cập miễn phí 100% áp dụng cho 15 năm học, trong đó có 12 năm học phổ thông và ba năm học nghề cho mọi đối tượng không phân biệt giàu nghèo. Học sinh tại các trường ngoài việc miễn phí học phí, mỗi học kỳ nhà nước chi tiền cho mua sắm toàn bộ quần áo (4 bộ khác nhau cho 5 ngày hoc/tuần), giầy tất đồng phục, cặp sách, sách vở học tập v.v.. Chưa đủ, hàng ngày vào buổi sáng học trò được uống 150 ml sữa tươi trước khi vào lớp và ăn một bữa cơm trưa miễn phí. Chế độ này được áp dụng cho cả các đối tượng học sinh học trường dân lập nhưg nhà nước chỉ trả bằng 65 % so với học sinh trường công lập.
Ở Thái lan, trẻ em từ lớp 1-6 gọi là Po 1 – Po 6, từ lớp 7-9 gọi là Mo 1-Mo 3 và 10-12 gọi là Mo 4-Mo 6. Học hết Mo 3, học trò không thích học cao hơn sẽ đi học tại các trường học nghề (trung cấp) kỹ thuật hoặc thương mại, sau ba năm có chứng chỉ để xin việc làm, Những học sinh học nghề nào có điều kiện kinh tế, sẽ chưa đi làm và muốn học tiếp thì sẽ học tiếp 3 năm và sẽ được cấp bằng tương đương với bằng Đại học với điều kiện trong ba năm đó phải tự túc toàn bộ chi phí. Số học sinh không đi học nghề, mà muốn học tiếp sẽ tiếp tục học chương trình Mo4-Mo6 (như PTTH của Việt nam), sau khi học tốt nghiệp Mo6 sẽ thi vào Đại học. Các trường học ở Thái lan nhiều vô kể, của cả nhà nước và tư nhân. Ở Thái lan hiệ nay đang có tình trạng thừa trường học và giáo viên. Các cơ sở giáo dục của Thái lan được trang bị đầy đủ mọi phương tiện hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy, cái họ thiếu duy nhất là học sinh.
Điều đó thể hiện các trường tiểu học công lập ở cấp xã, các thầy cô giáo phải đến từng nhà xin phụ huynh cho con em đi học ở trường của họ, bởi vì nếu số học trò không đủ buộc nhà nước sẽ phải giải thể, hoặc sát nhập. Chính vì lẽ đó theo quy định trẻ em tròn ba tuổi mới đủ tuổi đến đến lớp mẫu giáo, nhưng thực tế dù trẻ chưa đủ ba tuổi nhưng nhà trường vẫn tiếp nhận. Viết đến đây lại nhớ tới cảnh ở Việt nam phụ huynh học sinh phải ăn trực nằm chờ qua đêm để xếp hàng đăng ký cho con đi học các trường mẫu giáo mầm non. Mẫu giáo mầm non còn thế còn nói gì tới thi vào đại học.
Chính vì trường học quá nhiều nên việc học sinh đi học rất thoải mái về tư tưởng, học giỏi học kém cũng không sợ vì đến hẹn lại lên lớp trên, hơn nữa thầy cô giáo rất có trách nhiệm với nghề nên buộc học sinh phải học. Tỷ lệ trúng tuyển vào các trường Đại học của học sinh tốt nghiệp phổ thông là 41-47%, nghĩa là tỷ lệ chỉ ở mức gần 2 chọi 1. Vì lý do đó học trò của họ đâu phải tranh giành thi thố, học đêm học ngày không đủ còn phải tranh thủ học thêm để đối phó với cảnh 1 chọi 10, 1 chọi 20 của con em chúng ta ở Việt nam.
2. Về y tế:
Ở Thái lan chế độ y tế miễn phí 100% cho mọi chi phí khám và chữa bệnh phục vụ nhân dân tất cả mọi đối tượng. Không có sổ y bạ, không có giấy giới thiệu mà duy nhất chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân (smart card), trường hợp cấp cứu thì đặc biệt hơn nếu không có giấy CMT do mất hay quên chỉ cần bệnh nhân khai đúng tên tuổi đúng như hồ sơ lưu trong máy tính là ổn. Bệnh nhân đến bệnh viện của cấp Huyện hay Tỉnh được điều trị tương đương với cán bộ trung cấp ở Việt nam, mỗi người một giường, nằm phòng máy lạnh.
Người bệnh đến bệnh viện với tay không và khỏi bệnh về cũng không mất một xu và thêm một túi một lô thuốc men. Cũng như chuyện giáo dục, ở Thái lan người ta quá nhiều bệnh viện và trạm y tế. Các bệnh viện và hay các bệnh xá ở cấp xã của nhà nước được đầu tư đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người bệnh ở mức tương đương với điều kiện phục vụ đối với cán bộ trung cấp ở Bệnh viện hữu nghi Việt xô hay Quân y viện 108 ở Việt nam. Tuy vậy các cơ sở y tế của nhà nước cũng không thu hút được người bệnh, bởi vì phần lớn dân có thu nhập cao và ổn định có mua bảo hiểm nhân mạng nên khi ốm đau họ có quyền chọn những bệnh viện tư nhân lớn hay bệnh viện danh tiếng chữa bệnh mất tiền, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đều được các công ty bảo hiểm trả toàn bộ tiền và ngoài ra người bệnh còn được nhận một khoản tiền bồi thường cho những ngày ốm đau(khoảng 30USSD/ ngày). Đó là lý do vì sao các bệnh viện công rất ế, đối tượng phục vụ chỉ là những người nghèo ít có khả năng về tiền bạc.
Tôi thử ra một trạm xá y tế xã để khảo sát thực hư thì thấy các trạm y tế xã thiết kế chung một mẫu, đó là một tòa nhà 2 tầng với 16 phòng có kích thước 4x6m có đầy đủ thiết bị y tế cần thiết để sơ cứu và điều trị cho 10 giường bệnh có đủ bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác phục vụ. Người dân trong khu vực bị ốm đau thì đến đây xin thuốc và khám bệnh, do bệnh nhân ít nên họ “chiều” người bệnh lắm cũng vì sợ ít người bệnh thì giả thể. Muốn thuốc gì cho thuốc đó, không cần hay không thích thì người bệnh có quyền đổi các thứ thuốc khác tốt hơn theo ý mình.
Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái lan mà hiểu rằng ở Việt nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?
Ngoài ra , qua tìm hiểu tôi còn biết rằng còn rất nhiều vấn đề an sinh xã hội của Thái lan mà người dân đang được hưởng đó là:
- Người trên 60 tuổi được nhà nước hỗ trợ 500 baht/tháng
- Gia đình nghèo dùng điện dưới 90 số được miễn phí.
- Gia đình nghèo dùng nước máy dưới 15 m3 được miễn phí.
- Xe bus tại Bangkok không có máy lạnh được miễn phí cho mọi đối tượng
- Xe lửa ghế cứng hạng 3 (kể cả tàu tốc hành) được miễn phí cho mọi đối tượng.
v.v…
Qua đó để cho thấy chính quyền nhà nước ở Thái lan hôm nay thực sự là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân Thái lan đã và đang thực sự hưởng thành quả của một xã hội mà nhân dân thực sự làm chủ quyền lực nhà nước và được ăn những cái bánh thật chứ không phải là thứ bánh vẽ mà đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ đang dùng để “dử” nhân dân trong mấy chục năm qua.
Những cái đó có được hôm nay chính là là kết quả của việc cạnh tranh quyết liệt của các đảng phái chính trị để lấy lòng dân chúng. Bởi một khi người dân là lực lượng duy nhất có quyền quyết định cho đảng chính trị nào lên nắm quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ công bằng và đích thực.
Đó chính là lý do vì sao các đảng chính trị ở Thái lan luôn luôn phải dựa vào dân, mọi chủ trương đường lối và việc tổ chức thực hiện của các đảng chính trị đều phải xuất phát từ ý nguyện của đa số dân chúng và thực sự phải đảm bảo là vì nhân dân. Do đó từ sự cạnh tranh lành mạnh này đã mang lại quyền lợi cho dân chúng quá nhiều, giá như người dân Việt nam có một phần cũng thành tiên, nhất là những gia dình sống bằng đồng lương không có thu nhập “lậu”.
Điều này cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chính quyền Việt nam đã quên trách nhiệm của họ là phải cải thiện đời sống nhân dân đặc biệt là vấn đề giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà bất kỳ chính quyền nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm cố gắng hướng tới. Hình như chính quyền hiện tại họ chỉ chuyên chú vào mấy chuyện làm ăn của cá nhân họ, thông qua các dự án trời ơi không thực tế với số vốn bạc tỷ đô la, bởi chỉ có những dự án ấy mới mang lại cho họ những món lại quả khổng lồ. Và buồn cười hơn là khi thấy hơn 80 triệu người Việt nam, là chủ nhân của đất nước lại im như thóc và quên bẵng đi cái quyền lợi phải có của mình.
Nếu bạn qua Thái lan, nếu bạn hỏi tất cả những người dân là đất nước họ đang đi theo chủ nghĩa gì thì ít có người biết, vì họ không hề quan tâm đến cái gọi là chủ nghĩa này nọ. Với họ điều quan tâm nhất chỉ đơn giản là sẽ dùng lá phiếu bầu của mình để ủng hộ chính quyền của nhà nước do đảng chính trị nào mang lại quyền lợi cho đất nước họ và bản thân họ nhiều nhất ở mức có thể.
Ở Việt nam, hàng chục năm nay kể cả từ khi nhà nước tiến hành sửa sai (gọi là đổi mới cho đỡ ngượng) từ năm 1986 thì xem ra vấn đề giáo dục và y tế có chiều hường thụt lùi. Ngày xưa thời bao cấp trẻ em đi học cũng phải đóng học phí gía trị rất ít và phần lớn là được nhà nước miễn giảm học phí đối với các gia đình đông con. Tương tự như vậy về y tế khi đó tuy còn thiếu thốn, nhưng người dân vẫn được khám chữa bệnh hầu như miễn phí.
Còn ngày nay thì sao? Dưới sự sáng suốt của đảng CSVN con em chúng ta hôm nay ngoài việc bắt buộc phải học thêm kể cả để thi vào lớp 1 (!?) và đóng vô số các khoản lệ phí ngoài tiền học phí. Thế cũng chưa đủ, còn cảnh phụ huynh học sinh phải dùng phong bì lót tay để chạy trường, chạy chỗ cho con em mình. Về y tế thì càng trầm trọng hơn, bệnh viện quá tải triền miên với tám bệnh nhân trên… một giường, nằm hành lang trong điều kiện vệ sinh rất kém. Những cái đó không khổ bằng thái độ phục vụ của các bác sỹ và nhân viên y tế mà y đức không còn. Ngoài tiền trả viện phí theo quy định người nhà bệnh nhân còn phải trả khoản phụ phí dưới dạng phong bì lót tay kiểu tiền trao cháo mới múc.
Dân tình thì được hưởng các thành quả ưu việt như thế, nhưng ngược lại các quan cách mạng lại có các bệnh viện đặc biệt dành riêng cho cán bộ trung cấp và cao cấp như BV Việt-Xô và các Quân y Viện, như vậy thử hỏi vì dân và do dân ở chỗ nào?
Gần đây báo chí của nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hồn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép (tương tự như điều 69 của HP Việt nam). Bởi các áp lực đó của nhân dân mới chính là động lực buộc chính quyền nhà nước bằng mọi cách phải có sự cải thiện phù hợp với đòi hỏi của dân chúng để lấy lòng cử tri. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy.
Mọi kết quả của cuộc sống đều phải được trả giá, không có chính quyền nào tốt với dân chúng tới mức tự họ mang đến các điều kiện sống và các chế độ an sinh xã hội cho người dân mà không có sự đòi hỏi của dân chúng. Đừng quên rằng một chế độ dân chủ, với một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự chính là điều kiện duy nhất để nhân dân có được các lợi ích chính đáng phù hợp với nguyện vọng của mình.
Đất nước Thái lan không theo Chủ nghĩa xã hội, không theo Chủ nghĩa Marx-Lênin, không theo Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng họ đã và đang có một chế độ an sinh xã hội tuyệt vời cho người dân, nhân dân Thái lan có một cuộc sống được đảm bảo về mọi phương diện, mà giáo dục và y tế nêu trên chỉ là hai trong hàng chục hàng trăm vấn đề của cuộc sống của họ. Họ đạt được những cái đó bởi người dân Thái lan đã biết sử dụng quyền làm chủ của họ để buộc các đảng cầm quyền (đầy tớ của dân) phải thỏa mãn yêu cầu, chứ họ không bao giờ (dù chỉ là suy nghĩ) phải ơn đảng, ơn ai như chúng ta.
Việt nam ta cũng vậy, nếu bỏ đi mấy cái chủ nghĩa vớ vẩn, mấy cái tư tưởng linh tinh để đổi lại chúng ta có được đời sống nhân dân tốt hơn với giáo dục miễn phí 100%, y tế miễn phí 100% v.v.. thì mới là vì dân chứ? Biết thế tại sao chúng ta không vứt những cái đó vào sọt rác như hầu hết các quốc gia họ đã làm, hãy dũng cảm bước ra khỏi nhúm các nước cộng sản còn rơi rớt đếm không hết đầu ngón tay của một bàn tay như Trung quốc, Cu ba, Bắc Triều tiên và Lào.
Nếu có quyền được lựa chọn, bạn sẽ chọn cái gì cho mình? Hãy suy nghĩ cho thật kỹ để quyết định tương lai của bạn trong cuộc trưng cầu dân ý “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ sắp tới. Còn nếu như các bạn hỏi tôi giữa hai con đường ổn định của Việt nam và loạn của Thái lan, tôi sẽ chọn cái nào?
Câu trả lời của tôi là “Tôi sẽ chọn cái “loạn” mà làm cho dân sung sướng, chứ chọn cái ổn định mà dân khổ quá anh Pha chị Dậu thời thuộc Pháp thì chọn làm chi cho mệt”
Ayuthya 13/7/2010
© Kami 2010
No comments:
Post a Comment