Tùy tiện có 5 cổng chào Hà Nội?
LTS: Cuộc trao đổi của Tuần Việt Nam với KTS Nguyễn Trực Luyện đã phải lùi lại một ngày (29/6 thay vì 28/6) vì ông được mời "đột xuất" đến cuộc gặp của Hội KTS để lấy ý kiến cho các phương án Cổng chào Hà Nội. Lý do là công văn của Hà Nội gửi đến Hội KTS Việt Nam vào thứ 6 ngày 25/6, nhưng lại đề nghị Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Hà Nội phải gửi ý kiến góp ý trước ngày 30/6.
Nhàm chán và sáo rỗng
Được biết ông đã có mặt tại buổi Hội KTS cho ý kiến về việc xây dựng 5 cổng chào của Hà Nội. Những người có mặt có đồng tình với ý tưởng này của Hà Nội không?
KTS Nguyễn Trực Luyện: Tập tục của người Việt hay dựng cổng chào trong những dịp lễ lạt, nên nếu Hà Nội muốn làm cổng chào cho dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng đó chỉ là công trình có thời hạn, cho riêng dịp lễ.
Thế nhưng, xem những tài liệu chuẩn bị, lại thấy HN muốn làm cổng chào mang tính biểu tượng, với quy mô lớn, kiểu cổng chào đi về phương Nam là hình tượng cánh chim Lạc, cổng chào lên hướng Lạng Sơn (giáp Bắc Ninh) là rồng thời Lý. Nếu thế lại đòi hỏi phải hết sức cẩn thận, không thể tạm bợ, vội vàng như cách làm hiện nay. Xem mấy bản vẽ thấy gượng ép, chưa có gì chín cả.
Về mặt kiến trúc, có thể nói không hình tượng nào "ổn" cả, vì nhàm chán và sáo rỗng. Trống đồng, chim lạc, rồng hay bãi cọc Bạch Đằng đều là những sự gắn kết khiên cưỡng với lịch sử và những giá trị của Thăng Long. Rồi việc đưa trống đồng, một linh vật của dân tộc ra trải dưới đường cho phương tiện đi lại (cổng chào trên tuyến QL 1 Hà Nội - Lạng Sơn) là không thể chấp nhận về phương diện văn hóa.
Đó là chưa kể, dân mình rất phong phú trong suy nghĩ, sẽ "xuyên tạc" những hình tượng mà ta chọn không cẩn thận.
Cổng chào Láng – Hòa Lạc, vừa đổ, vừa chìm xuống đất, nằm bên vệ đường. |
Ý của ông là...?
- Như cổng chào tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, sao trống đồng lại bị xẻ đôi như vậy, khéo người dân bảo trống đồng bị vỡ toác?! Hình tượng trống đồng trên đường Láng - Hòa Lạc còn nguy hiểm hơn, vừa đổ, vừa bị chìm một nửa xuống đất, nằm bên vệ đường. Hình tượng trống đồng không thể tùy tiện biến tướng thế được. Những ví dụ này thể hiện cách suy nghĩ còn sống sượng, thiếu chiều sâu tư duy để tìm ra những hình tượng giá trị, có sức hấp dẫn và truyền cảm mạnh. Những đề xuất như hiện nay vẫn chỉ là lối suy nghĩ cũ mòn, viện dẫn truyền thống một cách đơn điệu, gượng ép.
Chưa kể, về kích thước, các cổng chào đều lớn quá. Nếu theo hình vẽ, so sánh với độ lớn của tuyến quốc lộ, chúng tôi tính ra chim lạc phải dài tới 40, 50 thước, lơ lửng ở độ cao 10 - 15 thước. Cứ tưởng tượng chùa Một cột hay Khuê Văn Các giờ to độ 200 thước xem? Phóng to đến thế sẽ chẳng còn ý nghĩa của chim lạc nữa. Thổi phồng quá thì con người sẽ không thể nhận thức được ý nghĩa của nó.
Khi được hỏi về thông tin "UBND Hà Nội vừa chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt. 4 phương án thiết kế cổng chào được triển khai dựa trên sự chấp thuận của các cơ quan chuyên môn như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội" đã được đăng tải trên Báo chí từ chiều 29/6, KTS Nguyễn Trực Luyện khẳng định đến sáng 30/6, Hội KTS Việt Nam còn chưa gửi ý kiến sang Hà Nội. Chưa kể, chắc chắn ý kiến sẽ không đồng thuận. |
Là sự lãng phí rất lớn!
Nghĩa là trống đồng cũng thành tòa nhà cao vài chục thước?
- Phải tương đương tòa nhà 4, 5 tầng. Rồi không hiểu cả hình khối đó có mục đích sử dụng gì không? Không lẽ chỉ có lớp vỏ bỏ không, chỉ để nhìn thôi sao?
Tất cả những cổng chào đều dựng trên đường quốc lộ, nơi các phương tiện lưu thông với tốc độ rất cao, chỉ kịp lao vút qua chứ không có thì giờ để đỗ lại, mà đỗ lại thì sẽ đỗ lại ở đâu, ngắm nhìn cái gì? Các ý tưởng chưa tính gì đến điều này.
Hà Nội dự định sẽ làm xong các cổng chào này vào dịp 2/9/2010? Thời gian ngắn ngủi chỉ 2 tháng, liệu có kịp...?
- Kể cả làm cho dịp 1000 năm Thăng Long cũng chỉ còn 100 ngày, mà quy mô lớn thế, không thể làm bằng chất liệu quá mỏng manh được.
Số tiền đầu tư cho những công trình khổng lồ kiểu này, dù là tiền của doanh nghiệp hay tiền của nhà nước, cũng là sự lãng phí rất lớn khi ý tưởng chưa chín chắn. Dù Bí thư thành ủy Hà Nội nói đã dành kinh phí cho các mục đích xã hội, nhưng ai cũng thấy Hà Nội còn quá nhiều người nghèo khổ, quá thiếu những công trình dân sinh như bệnh viện, trường học... Tập trung cho những công trình đó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.
Tôi không hiểu vì sao đến giờ này Hà Nội mới đưa ra ý tưởng này, nếu nói là chuẩn bị từ trước rồi thì hơi lạ vì chẳng ai biết cả, còn chuẩn bị như mấy phương án được giới thiệu thì còn quá sơ sài và gượng ép.
Nhưng theo công văn gửi đến lấy ý kiến của Hội KTS thì chúng tôi chỉ phải "góp ý kiến cho phương án tốt hơn" thôi đấy.
Từ vài năm trước Hà Nội đã định làm Cửa ô phía Nam, nhưng rồi công trình đã không thành hình vì còn thiếu nhiều điều kiện...
- Tôi nhớ vào năm 2004, tạp chí Kiến trúc của Hội KTS Việt Nam có sáng kiến tổ chức cuộc thi sáng tác ý tưởng xây dựng Cửa ô phía Nam để đóng góp cho thành phố, thúc đẩy thành phố chọn biểu tượng cho 1000 năm Thăng Long. Kết quả, hội đã mang cả tập vài chục phương án đến tặng thành phố Hà Nội, Chủ tịch lúc đó là ông Nguyễn Quốc Triệu đã đón nhận rất long trọng.
Cổng chào Bắc Thăng Long: sao trống đồng lại bị xẻ làm đôi? |
Chúng tôi đã mong HN có thể nghiên cứu tiếp tục để cho ra đời một công trình biểu tượng cho Hà Nội, nhưng đã không thực hiện được, vì nhắc đến cửa ô là cửa ngõ vào đô thị thì phải giải quyết từ vấn đề quy hoạch.
Ngay TPHCM cũng đã có ý định xây dựng biểu tượng từ các ngả đường vào thành phố, có tổ chức một cuộc thi, nhưng chỉ chọn được 1 biểu tượng để xây dựng ở khoảng không gian trước lối vào sân bay Tân Sơn Nhất. Còn ở những lối ra - vào khác như đi Long An, đi Tây Ninh, đi Bình Dương... đã không chọn được biểu tượng, vì rất nhiều lý do, như sẽ đụng chạm đến tổ chức giao thông, nếu làm không khéo sẽ cản trở giao thông, còn muốn cho xe dừng lại thì phải có chỗ dừng xe, có không gian...
Vậy Hội KTS sẽ góp ý điều gì với thành phố Hà Nội về việc xây dựng cổng chào?
- Ta chỉ nên dựng cổng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL - HN, hết đại lễ thì dỡ đi. Về địa điểm, chúng tôi có nghĩ đến việc sẽ chọn trên các tuyến đường đi vào trung tâm, ở chỗ giáp giới của tuyến đường với vành đai 3 để gắn với đô thị. Đó sẽ như điểm nhấn trong dịp đại lễ, có ý nghĩa là Thăng Long - Hà Nội dựng cổng đón chào khách.
Tác giả: KHÁNH LINH (TVN)
No comments:
Post a Comment