Bác Hồ đi xa và về với “thế giới người hiền” đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử - một Di sản vô cùng quý giá. Bác để lại “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.Về việc riêng, Bác chỉ viết mấy dòng ngắn gọn, vẻn vẹn có 79 chữ (không hiểu là vô tình hay hữu ý?), tượng trưng cho 79 mùa xuân tuổi đời của Bác.Việc riêng dường như chỉ của riêng mình, tròn vẹn như thế thôi, không hơn, chẳng kém. Nhưng, “việc riêng”của Bác là “suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, thì không còn là của riêng Bác nữa. Bác đã hóa thân vào tâm hồn dân tộc, vào hồn thiêng sông núi Việt Nam. Cuối Bản Di chúc, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Điều mong muốn cuối cùng của Bác có thể chia ra làm 2 nội dung: Nội dung Phần đầu gồm 5 Điều mong muốn: Hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh; Phần hai là: Việt Nam góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. (Trong bài viết này, chúng tôi đặc biệt chú ý và nhấn mạnh tới nội dung 5 Điều mong muốn nêu trên của Bác).
1. Hoà bình.
Bác vĩnh biệt chúng ta vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 khi đất nước vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh ác liệt. Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: Tại sao trong Điều mong muốn cuối cùng của Bác không đặt trước hết vấn đề: Đánh đuổi hết giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước, thống nhất đất nước, rồi xây dựng hòa bình… trong “tổ hợp” các từ nêu trên; nghĩa là hai từ thống nhất được đặt trước hai từ hoà bình? Hơn thế nữa, thứ tự các cụm từ trong “tổ hợp” các từ đó được đặt ngẫu nhiên, cho xuôi vần, thông tai khi đọc, hay được Bác xếp đặt với dụng ý gì?
Bản Di chúc được Bác bắt đầu viết ngày 10 tháng 5 năm 1965 khi Bác cảm thấy sức khỏe đã yếu đi nhiều so với trước và kết thúc vào ngày 10 tháng 5 năm 1969 sau nhiều năm xem đi xem lại, chỉnh sửa nhiều lần. Bác đi xa “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” ở thời điểm đất nước đang có chiến tranh gay go, quyết liệt, thì việc mong muốn đánh đuổi hết giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước là ước nguyện cháy bỏng của Bác và của toàn dân tộc. Thế nhưng, Bác lại đặt hai từ hoà bình trước tiên, chứ không phải là các từ nào khác trong “tổ hợp”các cụm từ nêu trên. Như vậy có phù hợp (hợp lý) không và điều đó có ý nghĩa gì ?
So sánh biện chứng thời gian giữa chiến tranh và hòa bình, thì chiến tranh xảy ra ở thời hiện tại, còn hòa bình là thời kỳ tương lai, sau khi chiến tranh kết thúc. Theo lẽ thông thường của sự vật, để có một tương lai tươi sáng, thì phải giải quyết tốt những việc đang ở thời hiện tại. Chiến tranh là đang hiện tại (năm 1969), là việc nghiễm nhiên phải giải quyết để có được hòa bình ở tương lai. Do vậy, hòa bình đã trở thành ước mơ cháy bỏng của nhân dân ở bất cứ nước nào đang trong cuộc chiến, nhất là cuộc chiến đã kéo dài hàng thập kỷ. Hơn thế nữa, đất nước và nhân dân Việt Nam đã và đang trải qua bao cuộc trường trinh gian lao, khốc liệt trong lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước của mình, thì hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, mong muốn hòa bình là trên hết, trước hết, là nhu cầu bức thiết của con người và xã hội. Thế nhưng, hiện thời (năm 1969) đất nước đang có chiến tranh, muốn có tương lai hòa bình thì phải quyết tâm chiến đấu để kết thúc chiến tranh. Vì thế, hòa bình trở thành động lực thôi thúc toàn quân, toàn dân xông lên giết giặc, lập công, sớm đem lại hòa bình cho đất nước.
Đất nước Việt Nam vốn “đất không rộng, người không đông”(theo quan niệm những năm trước đây), kinh tế chưa phát triển, cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, lam lũ. Hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Chiến tranh là thời điểm có tính nhất thời và hòa bình là thời kỳ có tính lâu dài trong lịch sử. Vì thế, mong muốn hòa bình của Bác không chỉ phản ánh nguyện vọng cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân ta lúc bấy giờ (thời kỳ Bác viết Di chúc), mà còn là mong muốn một nền hòa bình lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mai sau. Hòa bình là mục tiêu, đồng thời là kết quả của cuộc kháng chiến cần đạt tới (kết trái hòa bình). Hơn nữa, hòa bình chính là tư tưởng nhân văn, là bản chất văn hóa Bác Hồ được để lại trong Di chúc, đồng thời là thông điệp Bác muốn nhắn nhủ cho muôn đời con dân nước Việt. Chúng ta chiến đấu là để có một nền hòa bình vững chắc, lâu dài cho đất nước và con người, là để dân tộc Việt Nam chung sống hoà bình với tất cả các dân tộc khác trên thế giới.
2. Thống nhất
Khát vọng hòa bình thôi thúc toàn dân chiến đấu giải phóng đất nước, tiến tới thống nhất nước nhà, non sông quy về một mối. Bác Hồ đã từng nói:“Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”1.Thống nhất đất nước là ý chí sắt đá và nguyện vọng cao cả của toàn Đảng, toàn dân ta. Vì sự nghiệp thống nhất đất nước, chúng ta đã tiến hành các cuộc kháng chiến gian lao, lâu dài, hy sinh nhiều xương máu của đồng bào, đồng chí ta. Dân tộc ta đã viết nên những trang sử oai hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của thế kỷ XX là “một nước nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc to”. Việt Nam trở thành tấm gương tiêu biểu cho các dân tộc trên thế giới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.Vì vậy, muốn có hòa bình thì phải thống nhất đất nước. Có thống nhất đất nước mới đảm bảo một nền hòa bình lâu dài. Hòa bình và thống nhất có mối quan hệ biện chứng tương tác lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Hòa bình là động lực cho công cuộc thống nhất đất nước và thống nhất là điều kiện cho xây dựng hòa bình. Xây dựng một nền hòa bình lâu dài trong một thực thể Việt Nam thống nhất bền vững.
3. Độc lập
Có người đặt vấn đề: Nước ta đã từng chịu ách đô hộ nghìn năm của phong kiến phương Bắc, ngót trăm năm của đế quốc phương Tây, đất nước “không có tên trên bản đồ thế giới”, thì mong muốn nước nhà độc lập phải là trên hết. Bởi vì, chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm là để giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đặt vấn đề như vậy xem ra cũng có lý. Thế nhưng, tại sao Bác Hồ lại đặt cụm từ độc lập đứng sau hai cụm từ: hòa bình, thống nhất? Thứ tự này là ngẫu nhiên hay có dụng ý gì ?.
Chúng ta hãy nhớ lại, cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc từ năm 1945 đến 1975 là tiếp nối cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 - là năm khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Như vậy, đất nước ta đã giành được hòa bình, thống nhất, độc lập trên phạm vi toàn quốc với ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 và một Nhà nước riêng của nhân dân Việt Nam ra đời. (Tuy nhiên, lịch sử đất nước thời kỳ đó cho thấy nhân dân ta chưa có đầy đủ điều kiện được hưởng một nền hòa bình, thống nhất, độc lập một cách trọn vẹn, vững chắc, lâu dài). Thời kỳ 1945 – 1954 là giai đoạn toàn quốc kháng chiến chống thực dân, đế quốc để bảo vệ nền hòa bình, thống nhất, độc lập trên toàn cõi Việt Nam. Đến năm 1954, hòa bình, độc lập đã trở về trên miền Bắc Việt Nam. Và miền Nam lại đi tiếp chặng đường đấu tranh đến năm 1975 thì hòa bình, độc lập mới trở về (“miền Nam đi trước về sau”). Như vậy, việc thống nhất Bắc – Nam như một hệ quả tất yếu sau khi chiến tranh kết thúc. Thống nhất đất nước (đã có từ năm 1945) lại trở về vào mùa xuân năm 1975 trên đôi cánh hòa bình và độc lập của toàn cõi Việt Nam, nhưng là một nền hòa bình, thống nhất, độc lập trọn vẹn và vững chắc.
Chúng ta để ý tiếp theo một chút, Bác đặt cụm từ độc lập đứng sau hòa bình, thống nhất, nhưng lại đứng trước dân chủ và giàu mạnh, thì hóa ra độc lập được đứng ở vị trí trung tâm trong những điều mong muốn cuối cùng của Bác (độc lập đứng ở giữa – vị trí số 3 trong 5 điều mong muốn nêu trên). Theo chúng tôi, đây không phải là sự ngẫu nhiên hay xếp đặt một cách ngẫu hứng, tùy tiện của Bác Hồ, mà có một dụng ý sâu xa. Trong Điều mong muốn cuối cùng của Bác chứa đựng những tư tưởng cao cả của bậc lãnh tụ, vĩ nhân, của bậc hiền triết thâm thúy. Trung tâm của những tư tưởng ấy là Độc lập. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là biểu trưng cho ý chí độc lập, tự do của riêng Bác và đồng thời cho cả dân tộc Việt Nam. Chỉ có ý chí độc lập, một Đảng, một dân tộc, một con người mới có tinh thần tự tin, mới có tâm năng và tài năng sáng tạo dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cách mạng, của đời sống dân tộc và cuộc đời mỗi con người. Độc lập, tự do là tư tưởng trung tâm trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chính Bác khái quát hóa thành chân lý phổ biến trong câu nói nổi tiếng của Bác:“Không có gì quý hơn độc lập, tự do"!. Chân lý này là tối cần thiết và đúng đắn đối với bất cứ dân tộc nào, cá nhân nào!
4. Dân chủ
Độc lập dân tộc gắn liền với dân chủ và tự do là bản chất của Nhà nước ta, của xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Bác Hồ đã từng nói:''Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".2 Dân chủ là người dân làm chủ đất nước. Dân chủ là nhân dân được tự do phát biểu ý kiến của mình. Dân chủ là nhân dân có quyền tự do ứng cử, đề cử và tự do bầu cử những đại biểu xứng đáng thay mặt mình tham gia vào các cơ quan công quyền để quản lý và điều hành đất nước; nhân dân được hưởng nhiều quyền tự do khác đã được quy định trong Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây và ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân chủ lại được cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Đảng với phương châm và chủ trương: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Dân chủ thường gắn liền với tự do. Trong phạm trù Dân chủ có bao hàm yếu tố Tự do; và ngược lại, trong phạm trù Tự do có bao hàm yếu tố Dân chủ. Ở một nội hàm và ý nghĩa nào đấy, dân chủ tương đồng với tự do. Vì thế, sau Độc lập Bác đặt Dân chủ là một lôgic biện chứng cả trong lý luận và thực tiễn đời sống xã hội. Dân chủ được Bác nói ở đây có bao hàm cả nghĩa tự do. Ngay cả trong ý nghĩa của phạm trù Độc lập cũng có phần nào sắc thái Tự do. Tôi độc lập, có nghĩa là không phụ thuộc vào ai, vào cái gì, thì tôi tự do hành động theo ý muốn của tôi. Do vậy, sau mong muốn Độc lập của Bác là mong muốn Dân chủ cho đất nước và nhân dân. Tư tưởng Độc lập-Dân chủ-Tự do của Bác đã trở thành Quốc hiệu của Nhà nước công-nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam thành công năm 1945. Đó là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Độc lập-Tự do-Hạnh phúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Ngày nay, chúng ta cụ thể hóa tư tưởng dân chủ khi nói về bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là: "Nhà nước của dân, do dân và vì dân".
5. Giàu mạnh
Đất nước đã có hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì điều tất yếu theo sau đó là phải xây dựng đất nước giàu mạnh. Như vậy, giàu mạnh là hệ quả, là mục tiêu sau cùng của tất cả các mục tiêu đứng trước nó. Cái trật tự lôgic của các phạm trù nêu trên không thể nào khác được. Thế nhưng, có người lại hỏi: Bác đặt phạm trù Dân chủ đứng trước Giàu mạnh là có ý nghĩa gì? Tại sao không phải là phạm trù nào khác trong các phạm trù trước đó? .
Giàu mạnh là cho cả đất nước và mỗi người dân. Giàu mạnh, tựu trung lại, là đất nước và nhân dân có đời sống vật chất (kinh tế) ấm no, sung túc, giàu có và đời sống tinh thần (văn hóa) vui vẻ, phong phú, lạc quan. Điều đó có nghĩa là: Giàu mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần (cả về kinh tế lẫn văn hóa). Từ khi đất nước tiến hành Đổi mới (1986) đến nay, đất nước ta đã giàu mạnh lên nhiều so với trước. Chúng ta ưu tiên trước hết cho sự giàu mạnh của đất nước là phát triển nền kinh tế (theo phương châm “có thực mới vực được đạo”). Nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp nghèo túng của nước ta trước đây được chuyển thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới (kể từ khi nước ta tham gia WTO), thì ngày càng trở nên sung túc, giàu có. Nguyên nhân do đâu? Có người nói: Chúng ta thực hiện (hay vận dụng) đúng quy luật khách quan của nền sản xuất vật chất của xã hội loài người. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng xem ra chung chung quá. Chúng ta cần tìm những nguyên nhân cơ bản, bản chất đã làm cho kinh tế nước ta ngày càng giàu mạnh với tư cách là kết quả của những nguyên nhân đó. Phạm trù Nguyên nhân – Kết quả của triết học không phải là một phạm trù chỉ có tính lý thuyết, trừu tượng, xa vời, mà nó được biểu hiện sinh động trong thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng kết 20 năm đổi mới về kinh tế (1986 – 2006) đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học tổng kết dưới góc độ Kinh tế học. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản trước hết, góp phần làm cho kinh tế nước ta giàu mạnh, đó là chúng ta đã Đổi mới Tư duy, nhận thức và thực hiện Dân chủ trong kinh tế. Từ chỗ chúng ta không công nhận sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội nước ta, nhất là thành phần kinh tế tư nhân, tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp, tới chỗ khuyến khích sự bình đẳng làm giàu cho đất nước của tất cả các thành phần kinh tế, của mọi người. Chúng ta thực hiện sự giải phóng sức lao động tối đa trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề kinh tế và đã tạo được những thành tựu kinh tế cơ bản, rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ. Điều đó có được chẳng phải là do Đảng đã thực hiện đường lối và phương châm Dân chủ trong kinh tế đó sao? Như vậy, đã có thể khẳng định một điều là: Dân chủ trong kinh tế đã tạo ra (dù là bước đầu) sự giàu mạnh về kinh tế của đất nước, của mỗi gia đình và mỗi người.
Dân chủ trong kinh tế kéo theo sự dân chủ trong văn hóa, trong đời sống tinh thần của xã hội. Ở đời sống xã hội, kinh tế là tiền đề, là điều kiện thúc đẩy cho văn hóa phát triển; ngược lại, văn hóa, theo quan niệm hiện đại, không chỉ là "cái phản ánh" của kinh tế, mà còn có vai trò vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển toàn diện xã hội. Qua hơn 20 năm đổi mới đất nước (1986 – 2010), đời sống văn hóa của nhân dân ta trở nên đa dạng, phong phú hơn rất nhiều so với trước đây. Nếu như trước đây, chúng ta hạn chế hay phá bỏ những nơi thực hiện hành vi tín ngưỡng, trau dồi đời sống tâm linh của nhân dân, như đình, chùa, miếu, đền, nhà thờ…, thì ngày nay chúng ta trùng tu, xây mới, làm đẹp những nơi linh thiêng đó; đồng thời tổ chức các lễ hội truyền thống của từng địa phương và của cả nước, góp phần phát triển ngành du lịch danh lam, thắng cảnh, sinh thái, văn hóa, tâm linh..., không những làm cho đời sống tinh thần của xã hội thêm phong phú, mà còn làm giàu thêm của cải vật chất cho đất nước. Chỉ nói riêng điều đó thôi cũng đủ để chứng minh một sự thật rất hiển nhiên: Dân chủ trong văn hóa tạo ra sự đa dạng, phong phú về đời sống tinh thần của nhân dân, về nền văn hóa của đất nước, góp phần làm cho kinh tế đất nước giàu mạnh.
Như vậy, tựu trung lại, chúng ta thấy rõ: Chính Dân chủ là động lực quan trọng và mạnh mẽ thúc đẩy và tạo ra sự giàu mạnh cho đất nước cả về kinh tế lẫn văn hóa. Kinh tế và văn hóa là chân phải và chân trái của một cơ thể đất nước hoàn mỹ. Bác Hồ đặt Dân chủ đứng trước Giàu mạnh là Bác muốn khẳng định một tư tưởng: Dân chủ chính là động lực cho sự Giàu mạnh của đất nước! Hơn nữa, hãy chú ý, Bác đã viết: "...dân chủ và giàu mạnh...", giữa dân chủ và giàu mạnh, Bác dùng liên từ và, chứ không dùng dấu phảy (,), ta càng thấy mối quan hệ giữa dân chủ và giàu mạnh khăng khít đến mức nào.
6. Việt Nam góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới
Đây cũng là một điều mong muốn của Bác được tiếp nối và là hệ quả trực tiếp của 5 Điều mong muốn nêu trên.
Cách mạng thế giới là sự nghiệp vĩ đại của tất cả các nước, các dân tộc, tựu trung lại là của cả loài người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật - công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường v.v... Năm 1975, Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thoát khỏi ách nô lệ của phong kiến, thực dân, đế quốc, tiến lên xây dựng xã hội mới đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho các nước trên thế giới tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, bắt đầu xây dựng sự nghiệp giàu mạnh. Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng tồi tệ những năm 1980 và tiến hành Đổi mới đất nước. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, cũng như xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác và gửi nhiều chuyên gia nông nghiệp giúp các nước ở châu Phi tự túc lúa gạo. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta có Nhà nông học nổi danh Lương Đình Của; trong Y tế, chúng ta có Bác sĩ Tôn Thất Tùng với phương pháp mổ gan không cần thuốc gây mê và không chảy máu làm thế giới kinh ngạc; trong nghệ thuật, có Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn làm thế giới ngưỡng mộ; năm 2007, Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, tích cực hội nhập thế giới và khu vực, uy tín của đất nước ngày một nâng cao; gần đây, trong Toán học chúng ta có Giáo sư Ngô Bảo Châu làm thế giới khâm phục; trong thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động, đến năm 2010, Việt Nam đã về đích đa số mục tiêu trước thời hạn... Đó là những thành tựu tiêu biểu đáng tự hào mà Việt Nam góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới như Bác Hồ từng mong muốn. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh trong Điều mong muốn ấy là Bác nhắn nhủ chúng ta rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với thắng lợi của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Việt Nam song hành với thế giới, hội nhập vào "dòng chảy lịch sử" của nhân loại; thế giới song hành với Việt Nam, và đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam từng bước có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu" như Bác hằng mong ước. Đó cũng là đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ của Việt Nam với thế giới."Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới" tôn trọng độc lập, hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh.
7. Mối quan hệ biện chứng giữa các tư tưởng
Như ở các phần trên đã xem xét mối quan hệ biện chứng giữa các tư tưởng: Hòa bình,Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh của Bác, chúng ta thấy, mỗi tư tưởng như một mắt xích tạo thành chuỗi dây xích liên kết chặt chẽ và lôgic với nhau. Có người lại hỏi: Thế Hòa bình và Giàu mạnh trong chuỗi dây xích đó có liên hệ gì với nhau? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta mạn phép hỏi lại rằng: Nếu đất nước không có hòa bình thì chúng ta có thể xây dựng đất nước giàu mạnh được không? Và, nếu đất nước không giàu mạnh thì chúng ta có thể bảo đảm gìn giữ nền hòa bình lâu dài được không? Như vậy là chúng ta đã trả lời câu hỏi đó! Hóa ra, điểm đầu mắt xích Hòa bình và điểm cuối Giàu mạnh không phải là đứng ở vị trí riêng rẽ, rời rạc, không có liên hệ gì với nhau như điểm “đầu” và “cuối” của một sự vật thông thường. Trong chuỗi dây xích các tư tưởng này của Bác, Hòa bình là điều kiện để xây dựng đất nước Giàu mạnh. Ngược lại, đất nước Giàu mạnh mới có đầy đủ sức mạnh để bảo vệ Hòa bình, nhân dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hòa bình và Giàu mạnh là điều kiện của nhau, tác động thúc đẩy lẫn nhau và tỷ lệ thuận với nhau. Hòa bình và Giàu mạnh liên kết với nhau làm cho chuỗi dây xích tư tưởng của Bác kết lại thành một vòng tròn độc đáo: cái trước là nguyên nhân, cái sau là kết quả của cái trước và đồng thời lại là nguyên nhân của cái sau nữa…; cái trước là tiền đề, là điều kiện, là động lực thúc đẩy cho cái sau thành công…, và cứ thế tạo thành một chuỗi dây chuyền tư tưởng có quan hệ biện chứng Nhân-Quả với nhau hết sức sâu sắc.
5 Điều mong muốn nêu trên của Bác có thể nói là dành riêng cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Điều mong muốn thứ 6 cũng là cho nhân dân ta, nhưng nó gắn liền với các dân tộc trên thế giới. Đất nước Việt Nam có giàu mạnh mới có khả năng và điều kiện góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới trong thời đại ngày nay. Điều đó không chỉ là biểu hiện của lý trí, mà còn là tình cảm, lẽ sống, niềm mong muốn chung sống hoà bình giữa các dân tộc trên thế giới. Đó cũng là mối quan hệ biện chứng giữa phần nội dung thứ nhất với phần nội dung thứ hai ở Điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc Bác Hồ. Đó cũng là mối quan hệ biện chứng giữa "cái chung" và "cái riêng", giữa "cái tôi" và "cái ta" được thể hiện trong tư tưởng của Bác ở Điều mong muốn cuối cùng ấy.
Điều mong muốn cuối cùng của Bác bao chứa những tư tưởng rất cơ bản trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì đất nước, vì dân tộc của Người và đồng thời kết thành chuỗi tư tưởng cũng rất cơ bản, rất độc đáo trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
8. Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh là 5 tư tưởng hết sức cơ bản được thể hiện bao trùm trong nội dung ở Điều mong muốn cuối cùng của Bác. Trung tâm của các tư tưởng đó là Độc lập dân tộc. Chúng ta có thể mô hình hoá các tư tưởng đó và thấy lôgíc hình thức các mối quan hệ biện chứng giữa các tư tưởng :
Hình 1. Độc lập ở vị trí trung tâm Hình 2. Ngôi sao Việt Nam với 5 tư tưởng của Bác
Ở hình 1 cho ta thấy, Độc lập dân tộc ở vị trí trung tâm trong hệ thống 5 tư tưởng của Bác."Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành"3. Đó là tâm sự sâu thẳm trong tâm hồn Bác, là ước mơ chảy bỏng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà nhân dân ta "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".
Ở hình 2 là tổng hoà hệ thống 5 tư tưởng của Bác tượng trưng cho 5 cánh của ngôi sao vàng rực rỡ giữa nền cờ đỏ Quốc kỳ Việt Nam - Biểu tượng của Tổ quốc mà Bác Hồ đã chọn. Và lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay giữa trời nắng Ba Đình trong ngày 2 tháng 9 năm 1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
"Giải mã" 5 Điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc là 5 tư tưởng rất cơ bản trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng "vì nước, vì dân" của Bác, cũng là 5 tư tưởng, 5 mục tiêu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 5 tư tưởng ấy là biểu tượng của 5 cánh sao vàng giữa nền cờ Tổ quốc Việt Nam phấp phới tung bay trên bầu trời thế giới. Ngôi sao ấy nếu thiếu vắng bất cứ cánh sao nào sẽ không thành ngôi sao. 5 tư tưởng ấy nếu thiếu vắng bất cứ tư tưởng nào sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia, dân tộc!
Bác ra đi đã để lại cho dân tộc Việt Nam cả một cơ ngơi đất nước và không quên dặn dò con cháu mai sau phải bảo vệ và giữ gìn cơ ngơi ấy như thế nào? 5 tư tưởng: Hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh chính là nền tảng, là "bí quyết", là “kim chỉ nam” để giữ gìn non sông nước Việt bền vững muôn đời.
Điều mong muốn cuối cùng của Bác chính là những tư tưởng chiến lược cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam trường tồn cùng thời gian..
Cám ơn Bác! Cảm phục Bác với trí tuệ anh minh, mẫn tiệp của vị lãnh tụ kiệt xuất, thiên tài của cách mạng Việt Nam, Nhà Văn hoá lớn của nhân loại!
May mắn thay, tự hào thay Việt Nam có Bác Hồ! "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"4.
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chìa khoá mở ra sự thành công của công cuộc Đổi mới và xây dựng đất nước Việt Nam: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Lung linh, huyền diệu Hồ Chí Minh! Lung linh, huyền diệu "con rồng" Việt Nam đang cất cánh bay lên...
_____________________
Chú thích
1Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Lời giới thiệu, tr.XII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
2 Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, tr.35, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
3 Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Lời giới thiệu, tr.XII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
4 Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Tang lễ Hồ Chí Minh ngày 9 - 9 - 1969.
Tài liệu tham khảo
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Tang lễ Hồ Chí Minh ngày 9 - 9 - 1969.
3. Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
http://vssr.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=319%3Anghi-ve-dieu-mong-muon-cuoi-cung-cua-bac&catid=57%3Achinh-tri-kinh-te-hoc&Itemid=153&limitstart=3
Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc VN, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người nâng niu tất cả chỉ quên mình. Người sống trọn cuộc đời vì nhân dân VN. Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Thế hệ đi sau phải luôn sống, học tập và làm theo những lời dạy của bác.
ReplyDelete