Sunday, June 5, 2011

Nhật Ký Tuần Hành Ngày 5/6/2011

Bookmark and Share


Nhật ký biểu tình 5/6/2011

Đúng 8 giờ sáng, tôi hòa vào dòng người biểu tình lúc này không có nhiều, vừa giơ máy ảnh lên định chụp một tấm, thì khoảng 3,4 anh công an chìm chạy tới và hỏi:
-Anh ở báo nào cử tới đây ?
-Em không ở báo nào cả, em chỉ là một sinh viên bình thường
-Vậy thì theo tôi.
Anh công an khoác vai tôi và kéo đi. Tôi chỉ kịp quay đầu lại nhìn vào dòng người biểu tình và la lên:”Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”
Anh công an chìm, dẫn tôi vào bên trong Nhà văn hóa thanh niên. Lúc này, cũng giống như tôi, có khoảng hơn chục bạn đang bị “hỏi thăm”, nhìn mọi người có vẻ lo lắng nhưng trên khuôn mặt không hề thể hiện sự sợ hãi.
Một bác nhìn có vẻ lớn tuổi, chú tên là chú Năm, tôi đoán là người của Bộ chính trị nhìn tôi, mời tôi ngồi xuống và hỏi:
-Tại sao con lại tham gia vào biểu tình ngày hôm nay ?
-Con chỉ là một công dân bình thường, không chịu nổi sự bức xúc trước sự bành trướng của Trung Quốc, nên con và những người ở đây cùng nhau tham gia biểu tình ôn hòa với mong muốn góp một cái gì đó cho đất nước. Tôi đáp
-Con có biết tham gia như thế này, sẽ làm tình hình rối hơn, và bị kẻ xấu lợi dụng không ?
-Thưa chú, tụi con là những thanh niên, được học hành đầy đủ, nên tụi con biết được cái gì đúng cái gì sai, gì là lẽ phải cho nên kẻ xấu ko dễ gì lợi dụng đâu ạ. Nhưng ngoài hành động biểu tình, tụi con không biết phải làm cái gì khác cả. Nếu các chú cần kêu con cầm súng chiến đấu. Con đây cũng xin sẵn sàng tòng quân.
-Bác hiểu cháu. Yêu nước cũng có rất nhiều cách. Tụi con có thể tham gia viết bài trên mạng, người đi làm thì tiếp tục cố gắng làm giàu. Sinh viên học sinh thì cố gắng học thật tốt để tự làm giàu bản thân, gia đình mình. Chú Năm nói
-Liệu chờ đến lúc đó có còn kịp không ? Khi mà bọn xăm lược TQ đã phạm đến bờ biển của đất nước mình. Con yêu quê hương con, chú có biết nơi xảy ra vụ tàu Bình Minh 02 thuộc huyện của con không. Là một công dân con không thể ngồi yên được.
-Chú hiểu con. Chú và tất cả mọi người ở đây cũng đều rất là bức xúc về những hành động gấy hấn của Trung Quốc. Nhưng mong con hiểu là, Nhà Nước ta cũng đang suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều. Nếu tụi con đọc báo nhiều, con có thể thấy NN mình đã có những hành động và bước tiến rất đáng kể không. Ngoại giao là phải vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng….đây là mặt trận lâu dài con à.
Tôi không nói gì thêm
Chú Năm tiếp tục:Tạm thời, con và mọi người sẽ ở đây. Khi nào có lệnh ở trên, chú sẽ cho mấy cháu về.
Chú Năm hỏi tôi: Nãy giờ chú nói như thế, con đã thông chưa.
Mặc dù hơi miễn cưỡng, nhưng tôi đáp: Con thông rồi ạ !
Thấy tôi có vẻ hợp tác, chú Năm không nói gì thêm. Và lúc này tôi ngồi quan sát những bạn xung quanh đang ngồi bị hỏi thăm giống như tôi.
Mỗi người bị bắt vào có một lý do khác nhau, nhưng chung quy lại, lý do chúng tôi bị bắt vào là do chúng tôi đến quá sớm, và mấy anh công an cũng chỉ làm theo lệnh giảm thiểu tối đa số người tham gia biểu tình. Khi mà số lượng tham gia biểu tình lên đến đỉnh điểm, lúc này họ không bắt người nữa.
Mấy anh em bị bắt vào, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Gây sự chú ý đặc biệt của tôi là 1 em học sinh mới học lớp 11, mặc dù đang bệnh và mới ra viện có hai ngày nhưng cũng tham gia. Có anh cũng lớn tuổi, người ở An Giang, vì muốn góp một chút gì đó vào cuộc biểu tình đã đón xe từ An Giang đi lên tối qua, nhưng cuối cùng chưa kịp làm gì thì đã bị bắt. Và sau khi được thả ra, anh ấy nán lại thêm ở Sài Gòn một lát và ra bến xe để đón xe về lại An Giang trong sự hụt hẫng
Ngồi bên trong, mỗi khi đoàn biểu tình đi ngang qua kêu la khẩu hiệu, hát quốc ca…, chúng tôi đứng ngồi không yên cứ thấp thỏm. Các ánh mắt nhìn nhau và tôi nói : Vậy là cuộc biểu tình của chúng ta đã thành công rồi. Tuy chúng ta cũng bị bắt nhưng ngồi trong này cũng có cái hay của trong này, các bạn nhỉ ?. Mọi người cùng cười, tôi cũng cười theo.
Ngồi một lúc, thì có thêm ba người nữa bị đưa vào: có 2 anh chị bên báo Pháp Luât, và một người bên báo Tuổi Trẻ….Sau một hồi hỏi han, và làm công tác tư tưởng cuối cùng hai anh chị bên báo Pháp luật được Tổng Biên Tập của báo đến và bảo lãnh, còn anh bên Báo Tuổi Trẻ vì không muốn làm liên lụy đến cơ quan, nên tiếp tục ở lại cùng chúng tôi.
Và chúng tôi, những người bị bắt, ngồi cùng nhau và cùng nhau tâm sự. Đã lâu lắm rồi, tôi mới được gặp những người cùng chí hướng, cùng nói lên những suy nghĩ, những bức xúc của riêng mình khi mà có rất nhiều người đã nói với những người như chúng tôi là:”Hâm à, tham gia chi mấy cái này”,”Ông rảnh quá, quan tâm chi mấy cái này”. Trên tinh thần tứ hải giai huynh đệ, chúng tôi cùng nói và cười như đã quen nhau từ rất lâu và tiếp tục hàn chuyên chuyện chính trị.
Đến 12h, một chú lớn tuổi đến với chúng tôi vừa cười vừa nói:”Các cháu đã đói bụng chưa, thích ăn gì cứ kêu, chú sẽ trả tiền”
Cả bọn chúng tôi lúc này cũng đã đói meo, nên ai cũng phấn khởi khi nghe được điều này. Một anh trong nhóm nói:”Chúng ta ăn cơm miễn phí thế này, thực sự là tiền thuế của dân đấy, chúng ta chỉ nên kêu món vừa đủ thôi”. Và chúng tôi đồng ý, cùng nhau kêu cơm cùng ăn chung: Canh chua, cá kho tộ, rau chấm nước mắm….Vừa ăn vừa tiếp tục nói chuyện hàn huyên.
Ngồi thêm một lát nữa, thấy mọi người ai cũng mệt mỏi, tôi đến bên một bác cũng lớn tuổi và nói:
-Bác ơi, thả tụi cháu ra đi. Mọi người ở đây ai cũng mệt mỏi hết rồi, giờ có cho ra chắc cũng không ai tiếp tục tham gia biểu tình nữa đâu. Mọi người có lẽ “Xìu” hết cả rồi, hết tinh thần yêu nước rồi..Tôi trêu bác
-Hết tinh thần yêu nước là hết thế nào, mình phải yêu nước chứ. Mới ở trong này một tí mà đã mệt rồi, thì sau này làm sao mà ra trận được…Bác vừa cười vừa nói.
Và rồi…lúc này cũng đã quá trưa, khoảng một giờ rưỡi, lúc này mọi người biểu tình bên ngoài đã giải tán, một bác đến và nói với chúng tôi:
-Thôi, giờ cũng trễ rồi, các cháu có thể đi về được rồi, nhưng phải đi về thẳng nhà..không được tiếp tục tham gia gì hết nghe chưa.
-Thiệt hả bác…Tụi cháu đuối rồi bác ơi, chắc không còn sức tham gia nữa đâu….Mọi người cùng nói.
-Nhưng bác ơi, con nghe nói những bạn sinh viên nào tham gia biểu tình, sẽ bị báo về trường và đuổi học đúng không ạ ? Tôi hỏi
-Bác đáp:Cháu yên tâm, chú sẽ không thông báo với trường. Các cháu có thể lưu số điện thoại của chú, nếu trường nào làm khó dễ với cháu, thì có thể gọi cho chú.
Chúng tôi hí hửng, và lưu số điện thoại của bác.
Tôi tới ôm bác, bác vỗ lưng tôi: Thôi, các cháu về đi.
Chúng tôi chào bác đi về !
Và chúng tôi, sau khi trao cho nhau số điện thoại, cùng nhau ra về với lời nhắn: “Sài Gòn, Việt Nam to lớn…nhưng chúng ta gặp nhau ở đây, trong hoàn cảnh thế này thì cũng là cái duyên…Hi vọng rằng sau này rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau”
Trong sự lưu luyến, chúng tôi chia tay nhau…Mỗi người tuy một hướng…Nhưng chúng tôi lại cùng chung một chí hướng…Là Đồng chí của nhau !!!


 -----------

Khi lòng yêu nước dâng trào! (Tường thut ca nhà văn Nguyn Vin t Sài Gòn)



Nhà văn Nguyễn Viện.
Đúng 8g sáng ngày chủ nhật 5.6.20011, cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn và xâm lược Việt Nam đã bắt đầu tại Saigon.
Thật bất ngờ và có lẽ bất ngờ hơn với lực lượng an ninh (?) là sự xuất hiện của Giáo sư – nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, lịch sự với cravate và những nhân vật lừng danh một thời – những “chuyên gia biểu tình” trước 1975 ở Saigon: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Cao Lập, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái… bên cạnh đó là nhà sử học Đinh Kim Phúc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, Andre Mendras (Hồ Cương Quyết)… ở khu vực đầu nhà thờ Đức Bà.
Sau một cuộc tranh luận ngắn giữa ông Cao Lập (đương kim giám đốc Khu du lịch Văn Thánh) và các nhân viên công lực, Andre Mendras đã bung khẩu hiệu ra… Nhân viên công lực nhượng bộ, bắt đầu cho một ngày lịch sử.
Một số các bạn trẻ mai phục sẵn gần đó đã tham gia ngay vào nhóm này. Các tấm biểu ngữ khẩu hiệu được nhóm này phân phát cho các bạn trẻ, cộng thêm các khẩu hiệu do chính các bạn trẻ chuẩn bị trước được giương lên. Họ kéo đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch. Những tiếng hô đả đảo Trung Quốc, Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam không ngừng vang lên, càng lúc càng to và càng khí thế…
Ông Nguyễn Văn Đua – Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch UBND cũng có mặt tại “hiện trường” và có cuộc trao đổi với hai ông Huỳnh Tấn Mẫm và Lê Hiếu Đằng. Nội dung cuộc trao đổi này còn trong vòng “bí mật”.
Tiếp đó là một cuộc tuần hành rầm rộ lôi kéo theo những người đi đường. Họ đi một vòng qua đường Lê Duẩn – Pasteur trở lại Nguyễn Thị Minh Khai trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Rồi lại đi tiếp qua Đồng Khởi, qua UBND thành phố, chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Tổng Lãnh sự Mỹ, qua Văn phòng Hội Cựu Chiến binh … rồi quay trở lại Tổng Lãnh sự TQ. Lúc này số người tham dự đã lên tới trên 1000 người. Khí thế hừng hực. Một cô bạn trẻ nói với tôi: “Sau hôm nay, nếu có bị bắt thì cũng rất đáng để trả giá”. Khoảng hơn 11g, một vị hiệu trưởng Đại học xuất hiện nói chuyện với người biểu tình, bị các bạn trẻ phản ứng dữ dội. Ông ta nói phải tôn trọng luật pháp. Các bạn trẻ đáp lại, “thày hãy về học luật đi”…
Đám biểu tình bị chia cắt làm 3 khúc. Tôi theo một nhóm và tan hàng sau 12g. Nghe nói một số vẫn còn bám trụ… và hẹn tiếp tục vào chủ nhật tới.
Một điều đáng nói là ngoài các bạn trẻ tham gia, tôi gặp nhiều nhân vật “cộm cán” lề phải với tư cách quan sát, hoặc trực tiếp tham gia biểu tình như: Hồ Thu Hồng (Beo) – Tổng biên tập báo Thể Thao Thành phố, Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Thế Thanh – Cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Giáo sư Chu Hảo, nhà báo Nguyễn Trọng Chức – cựu Tổng thư ký báo Tuổi Trẻ chủ nhật, Nguyễn Tâm Chánh – Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị, nhà báo Huy Đức… và một số nhà văn, nhà thơ… không cần biết lề gì.
Rất tiếc, một số anh em văn nghệ sĩ đã từng tham gia biểu tình năm 2007 đã không thể có mặt, hoặc bị giữ tại công an phường, hoặc bị giữ tại nhà. Bản thân tôi cũng bị canh cửa.
Điều cuối cùng tôi muốn kể về ngày hôm nay là những giọt nước mắt của nhà văn Nguyên Minh, một ông bạn già trên 70, ông đã khóc khi tận mắt chứng kiến lòng yêu nước của người dân dâng trào trước nguy nan của tổ quốc. Điều mà ông nghĩ không thể xảy ra được trong chế độ chúng ta đang sống.
Saigon 5.6.2011

 ---------------

BIU TÌNH


Lúc 7g30, vài người đứng lẻ tẻ xung quanh khu vực công viên 30-4, nhà thờ Đức Bà. Công an chìm nổi chạy qua chạy về, chỉ đạo tác chiến. Từ nhà thờ Đức Bà, một nhóm người lớn tuổi, hình như là Nguyễn Đình Đầu, Hồ Cương Quyết và vài người nữa xuất hiện. Một chị trung niên, tay cầm cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ cũng tiến đến. Khoảng vài chục người đi lại sát lãnh sự quán Trung Quốc, công an bắt đầu chặn lại. Hai người lớn tuổi và ông Hồ Cương Quyết (ông này người Pháp hay sao á) bắt đầu tranh luận với công an. “Chúng tôi tỏ thái độ phản đối với chính phủ Trung Quốc, chúng tôi phản đối hành vi xâm lược của họ”. Có một anh công an chìm, mặc thường phục ra điều đình. “Đây là khu vực an ninh, anh chị không được đến”. Họ bắt đầu chặn hàng rào. Một chị chắc là của hội phụ nữ: “Chuyện này để Đảng và nhà nước giải quyết”. Những người biểu tình phản bác: “Chị cứ về với Đảng và nhà nước. Còn chúng tôi phải biểu tình”. Một anh nữa lại ra nằn nỉ: “Các anh chị thông cảm…” “Ô, thông cảm gì hả anh? Thông cảm cho hành vi xâm lược của Trung Quốc à!” Lúc đó, nhiều người từ phía công viên 30-4 tràn qua. Từ trên lầu của lãnh sự quán Trung Quốc, vài ba người ghé xuống nhìn, chụp hình. Đoàn người biểu tình ngước lên hô to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đoàn người biểu tình đi qua bên kia đường, ngay nhà văn hóa thanh niên và bắt đầu hô to nhiều khẩu hiệu: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” “Không dùng hàng Trung Quốc”… Số người biểu tình tăng lên nhanh chóng. Một anh chừng 50 tuổi sau khi điều đình không được đã nổi cáu, dằn cuốn sách Quang Trung Nguyễn Huệ của chị kia. Cả đám nhào vô, la to: “Sao anh đánh nhân dân? Anh có ăn cơm uống nước của nhân dân không mà anh đánh người ta?” Anh ta lủi đi, sau đó quay lại và xuống giọng: “Mấy anh chị cố gắng trật tự giùm”.
Đoàn người di chuyển qua bên phía Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện lãnh sự quán Trung Quốc và tiếp tục biểu tình. Nhiều người nhập cuộc hơn và họ bắt đầu chặn đường. Số lượng người biểu tình tiếp tục tăng lên. Mọi người hát hò xong thì lại quay đầu, đi vòng qua bên Phạm Ngọc Thạch, xuống Lê Duẩn, qua Pasteur, vòng về lại Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi thỏa chí la hét, họ bắt đầu đi từ Phạm Ngọc Thạch, qua nhà thờ Đức Bà, theo đường Đồng Khởi đi về nhà hát thành phố. Không biết có bao nhiêu người nhưng khi tốp đầu quẹo đến Lê Lợi, trước UBND thành phố thì cái đuôi của đoàn biểu tình vẫn còn ở  nhà thờ Đức Bà.
Đoàn biểu tình đi theo đường Lê Lợi, xuống chợ Bến Thành, qua Trương Định, lại Nguyễn Thị Minh Khai, quẹo Nam Kỳ Khởi Nghĩa vì bị chặn, qua Lê Duẩn, dừng ở lãnh sự quán Mỹ 10p, qua trường Nhân văn, Đinh Tiên Hoàng, quẹo xuống Nguyễn Thị Minh Khai. Hàng rào, công an chìm, thành đoàn, cảnh sát cơ động đứng chặn hết, không cho vào khu vực đối diện lãnh sự quán, cả bên Nguyễn Thị Minh Khai lẫn bên Phạm Ngọc Thạch. Và thế zồi, một bác già già hình như là tướng gì đó bên Hải Quân ra thuyết trình. Dài dòng lắm, các bác muốn biết thì cứ lên youtube, coi chị Phương Nga nói sao là bác í nói vậy đó. Khi hỏi: “Bác có ăn cá hông? Bác có nợ ngư dân Lý Sơn hông?” thì bác hông giả nhời. Nhiều lời la hét vang lên: “Im đi, im đi”, “Kiên nhẫn mấy mươi năm rồi!” Bác bảo chúng ta hy vọng vào tình hữu nghị giữa hai bên, mọi người la lên: "không hy vọng, hãy hành động đi!". Bác í bảo là bộ trưởng quốc phòng ba tàu nói vụ cắt cáp tàu bình minh 2 không phải do Trung Quốc. Mọi người hỏi to: “Tàu lạ là tàu nào? Sao bắn chết ngư dân Quảng Ngãi?”. Mọi người không nghe bác ấy nói nữa. Họ đòi phá hàng rào, kêu đại diện phía Trung Quốc ra điều đình. Hiển nhiên là không ra rồi! Bác í lại nói tiếp, bên thành đoàn rất chi là chăm sóc bác ấy, tranh thủ trà trộn, khuyên nhủ anh em ra về.
Vui nhất vẫn là mấy chị bên hội phụ nữ, ra hỏi chứ em sinh viên trường nào. “Dạ em sinh viên trường ĐH Công nghiệp”. “Ai tổ chức cho tụi em đi biểu tình?” “Dạ thầy hiệu trưởng đó chị!” Chị ấy hiểu hàng, lặng lẽ ra đi.
Bà con phản đối quá, bác Hải quân hai quần kia ra đi, một bác khác xuất hiện. Mọi người hỏi to: “Bác là Trung Quốc hay Việt Nam?” “Tôi là giảng viên trường nhân văn”. Sau đó thì thầy giáo tháo giày vẫn nói như chị Phương Nga, mọi người lại phản đối. Khi hỏi thầy: “Chuyện ngoại giao là của nhà nước, vậy tuổi trẻ phải làm gì? Đứng yên nhìn Trung Quốc xâm lược à?” Thầy bí, hí hí. Thầy vẫn diễn thuyết, rằng chuyện phản đối Trung Quốc của Việt Nam, nhiều nước ủng hộ. “Ai ủng hộ? Cuba hay Triều Tiên hay Miến Điện?” Bác xe ôm cười toe toe: “Cuba ngủ thì Việt Nam thức, chia nhau canh giữ hòa bình”. Mọi người cười ồ lên. Sau đó có một bạn nhào vô, vật ông thầy. Bởi chưng ông thầy nói chúng ta phải bình tĩnh, hành động đúng pháp luật. Bạn kia nói: “Theo điều 69 của hiến pháp năm 1992, chúng em được phép biểu tình!” Mọi người vỗ tay rần rần, phía dưới kêu lên: “Thầy ơi, về học lại môn luật đi thầy!” Ông thầy lại bô bô tiếp, phía dưới có người hát: “Hey, teacher, leave them kids alone!” Mọi người lại cười ồ.
Sau đó thì tùm lum các loại nhóm chia ra. Bạn Alec người Mẽo đang đứng cười phè phè thì bị hai chú công an vô kêu ra: “Sir, please go out!” Và sau đó thì hông thấy bạn í đâu nữa. Từ lúc đứng lại chỗ lãnh sự quán, theo thông tin hành lang thì bên ngoài còn nhiều nhóm khác bị cắt đuôi, không cho vô. Nhóm từ Đà Lạt xuống, Vũng Tàu, Bình Dương lên đều bị cô lập ngoài nhà thờ.
Còn sau đó, qua dân làm báo, người việt đọc giùm đi, mình ko có hình ảnh và ko nắm rõ tình hình sau đó. Nói chung là quành tráng, thắng lợi, ôn hòa, vui vẻ.
P/s: Note này dành tặng anh em nào bị cắt đuôi, ko tham gia biểu tình, bị giam lỏng ở nhà. Hẹn gặp lại tuần sau.
http://www.facebook.com/notes/lan-ph%C6%B0%C6%A1ng/bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh/10150332931013504
 
Những ai đi bằng chính đôi chân của mình, cất tiếng nói từ chính con tim mình trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ dưới trời nắng gắt mới có thể chia sẻ hết niềm vui và niềm tự hào dân tộc như thế nào nơi cuộc tuần hành. Nhưng tôi xin chia sẻ niềm vui này cùng các bạn, niềm vui ấy của tôi nếu không có sự ủng hộ và cả phản đối hay bàn lùi của của các bạn thì có lẽ không thành. Chúng ta đều là người Việt Nam!

Hà Nội: Chúng tôi bắt đầu phản đối trước sứ quán Tàu lúc 8h. Tôi máu quá không để ý tới giờ giấc sau đó vì không mang cả đồng hồ lẫn điện thoại. Sau khi phản đối ở sứ quán mọi người tuần hành qua các phố trong khu phố cổ, công an có chặn đường nhưng cả đoàn một là bước tới, hai là đi ngả khác, có khi thấy họ chặn thì mấy người đi đầu giả vờ đi hướng này nhưng bất ngờ ngoặt sang hướng mình muốn đi. Trên dường đi, đoàn tôi gặp một đoàn khác và nhập làm một. Công an thấy không thể cản nổi và mọi người rất hòa nhã nên họ dọn đường cho chúng tôi rồi tiến ra Hồ Gươm. Tới tượng Lý Thái Tổ. Quay lại về sứ quán thì bị cơ động chặn và xô đẩy một chút thôi, mọi người đứng lai hô khẩu hiệu, hát rồi hội ý là tuần hành tiến về phía Văn Miếu. Qua nhiều phố phường, tới một ngã tư sang đường thì đoàn bị công an ngắt làm đôi. Tới Văn Miếu chúng tôi đứng trước cổng hô khẩu hiệu, hát quốc ca, người dân lúc ấy đến rất đông và cùng hát quốc ca với chúng tôi. Sau khi ở Văn Miếu chúng tôi qua một ngã tư chọn một chỗ vỉa hè rộng đứng lại tiếp tục hát và hô khẩu hiệu, sau đó mọi người chia tay nhau. Tất cả diễn ra trong ba tiếng rười đồng hồ, từ 8h sáng tới 11h 30' buổi trưa, dưới trời nắng gắt. Tôi không biết thông tin về các đoàn khác cũng như đoàn bị công an chia đội hình từ đoàn tôi. Mệt, vui, tự hào. Trình bày tiến trình thế thôi các bạn nhé.



Hành trình cuộc biểu tình lịch sử phản đối Trung Quốc ngày 5/6/2011

Sáng ngày 5/6, kỷ niệm 100 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, hàng ngàn thanh niên Sài Gòn yêu nước đã xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm lấn chủ quyền của Việt Nam.

Đây là cuộc biểu tình thu hút số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay với hàng ngàn người tham gia diễu hành dọc theo các đường phố chính ở trung tâm thành phố Sài Gòn.

8 giờ sáng, hàng trăm thanh niên tập họp trước cổng tòa tổng lãnh sự quán Trung Quốc nằm ngay ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai. Những nam thanh, nữ tú của thành phố mang tên Bác đã giơ cao các khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Việt Nam không phải là ao nhà của Trung Quốc, Công lý và Hòa bình cho biển Đông. Khẩu hiệu Việt Nam muôn năm, đả đảo Trung Quốc xâm lược vang vọng trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc.

8 giờ 30 sáng, đoàn người biểu tình bắt đầu di chuyển dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch hướng về Diamond Plaza. Một đoàn người đang tập trung tại đây do bị lực lượng an ninh ngăn cản không cho vào bên trong đã hòa nhập vào đoàn người đang di chuyển.

Lượng người tham gia biểu tình trở nên đông đảo hơn lên tới hàng ngàn người. Đoàn người bắt đầu di chuyển với khí thế hừng hực tiến về Nhà thờ Đức Bà. Những cặp cô dâu – chú rể đang chụp ảnh cưới bên hông nhà thờ Đức Bà rất thích thú và ngạc nhiên khi chứng kiến sự kiện hàng ngàn người đi diễu hành trật tự giữa lòng thành phố Sài Gòn.

Từ công viên 30/4, đoàn người hừng hực rẽ sang đường Pasteur tiến về Nguyễn Thị Minh Khai để trở về Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, một hàng rào barem cộng với một lực lượng công an dày đặc chắn ngay ngã tư Pasteur - Nguyễn Thị Minh Khai ngăn cản dòng người rẽ phải về Nguyễn Thị Minh Khai.

Những thuyết phục của các các bạn thanh niên dẫn đầu cuộc biểu tình với lực lượng an ninh để mở rào chắn tỏ ra vô hiệu. Dòng người biểu tình bị ứ đọng buộc phải đi ngược lại trên đường Pasteur.

Một số bạn sinh viên nhận ra trụ sở của Hội Cựu chiến binh Việt Nam nằm trên số 190 đường Pasteur đang mở cửa đã dừng lại bày tỏ lòng yêu nước với các cô chú trong hội cựu chiến binh.

Đến 9 giờ sáng, tiếp tục cuộc hành trình của lòng yêu nước, đoàn người tuần hành quay ngược trở lại công viên 30-4. Đoàn người như một tâm bão lôi cuốn ngày càng đông lượng người tham gia tuần hành, di chuyển dọc theo tuyến đường Đồng Khởi tiến về nhà hát thành phố.

Những cô gái trẻ đẹp đi shopping tại trung tâm thương mại Vincom Center sáng Chủ nhật tỏ ra lạ lẫm và ngạc nhiên trước một đoàn diễu hành đông đảo, một sự kiện từ trước đến giờ họ chưa từng chứng kiến.

Do số lượng người tham gia biểu tình đông quá sức tưởng tượng của những người tham gia và cả lực lượng cảnh sát giao thông, đoàn người đã đi tràn xuống lòng đường Đồng Khởi. Lực lượng cảnh sát giao thông giữ trật tự rất tốt trên các tuyến đường đoàn người biểu tình đi qua, đảm bảo sự thông suốt giao thông trên các tuyến đường.

Những khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngày càng lớn hơn, tốc độ di chuyển ngày càng nhanh hơn.

Tại nhà hát thành phố, đối diện thương xá Tax, đoàn người biểu tình rẽ sang đường Lê Lợi, hướng về chợ Bến Thành, biểu tượng thương mại sầm uất nhất của thành phố Sài Gòn.

Một số thanh niên dẫn đầu đoàn người cố gắng kêu gọi mọi người di chuyển với tốc độ chậm lại những dưới áp lực của đám đông phía sau, những nỗ lực làm chậm tốc độ di chuyển tỏ ra bất thành. Ngay cả nỗ lực định hướng dòng người di chuyển sang hướng Nguyễn Trung Trực của lực lượng cảnh sát giao thông cũng tỏ ra bất lực khi dòng người cứ tiếp tục tiến về phía trước tiến về chợ Bến Thành.

Dòng người quẹo sang đường Phan Chu Trinh, bên hông chợ Bến Thành, với băng rôn và biểu ngữ trên tay. Trong tâm thức của đoàn người biểu tình, mục tiêu của việc di chuyển là hướng đến về đại sứ quán Trung Quốc.

Đoàn người ngày càng trở nên đông đảo và di chuyển với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Xuôi theo đường Lê Thành Tôn, đoàn người rẽ sang Trương Định tiến về công viên Tao Đàn.

Khí hậu sáng ngày chủ nhật đầu tháng 6 mát mẻ, dễ chịu, đoàn người biểu tình đi trên con đường chạy dọc theo công viên Tao Đàn tiến về đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Một cuộc “thương lượng” của những người dẫn đầu cuộc biểu tình diễn ra khi một bên muốn đoàn người tiếp tục tuần hành và một bên kêu gọi mọi người ngồi xuống nghỉ chân. Năng lượng của dòng người di chuyển phía sau tiếp tục đẩy mạnh lên khiến nỗ lực kêu gọi mọi người dừng chân trở nên vô vọng. Đoàn người tiếp tục tiến tới rồi rẽ sang đường Nguyễn Thị Minh Khai với mục tiêu chính là tiến về tòa lãnh sự quán Trung Quốc nằm ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Ngọc Thạch.

Dòng người di chuyển trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai rộng thênh thang, chuẩn bị tiến về tòa lãnh sự quán Trung Quốc, địa điểm chính yếu của cuộc biểu tình.

10 giờ, khi đến ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, một loạt xe ô tô bốn bánh, xe buýt nằm chắn ngay ngã tư. Có lẽ, do lo ngại đoàn người biểu tình tiến về lãnh sự quán Trung Quốc, lực lượng cảnh sát giao thông đã chặn đầu một chiếc xe taxi Mai Linh, tạo một rào chắn tự nhiên ngăn cản đoàn người biểu tình tiến lên.

Một cách tự nhiên, dòng người rẽ phải sang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng về dinh Độc Lập. Đoàn người tiếp tục cuộc tuần hành rẽ sang đường Lê Duẩn hướng về công viên 30-4.

Dòng người di chuyển với tốc độ ngày càng nhanh hơn dọc theo đường Lê Duẩn tiến về Diamond Plaza. Những ba-rem được dựng lên trên đường Phạm Ngọc Thạch nhằm ngăn cản dòng người tiến về tòa lãnh sự quán Trung Quốc.

Không còn cách nào khác, đoàn người tiếp tục cuộc tuần hành di chuyển dọc theo đường Lê Duẩn tiến về tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ.

Một vài thanh niên tinh ý nhận ra địa điểm nhạy cảm đối với cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã kêu gọi đoàn người dừng lại, ngồi xuống tập trung trước tòa tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, một cường quốc về quân sự có khả năng trợ giúp Việt Nam trong trận chiến đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một nhóm người phản đối việc tụ tập trước tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ lại kêu gọi mọi người tiếp tục cuộc tuần hành. Và dòng người lại tiếp tục tiến tới và rẽ trái sang đường Đinh Tiên Hoàng.

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đài truyền hình Tp.HCM chứng kiến những giây phút trong lịch sử Việt Nam khi dòng người biểu tình đi ngang qua với những băng rôn và khẩu hiệu trên tay.

Lực lượng an ninh có vẻ rất bất ngờ với tốc độ di chuyển của đoàn người nên không kịp lập rào chắn trên ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Thị Minh Khai nên đoàn người đã rẽ sang Nguyễn Thị Minh Khai tiến thẳng về đại sứ quán Trung Quốc.

Dòng người di chuyển mỗi lúc một nhanh hơn, với khí thế hừng hực, dưới cái nắng trưa hè của thành phố Sài Gòn. Một hàng rào barem đối diện tòa lãnh sự quán Trung Quốc, được thiết lập chặn ngay ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai nhầm ngăn cản đoàn người biểu tình tiến sát tòa lãnh sự quán Trung Quốc.

11 giờ, dòng người di chuyển dừng chân trước lãnh sự quán Trung Quốc dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh.

Huỳnh - Thanh - Xuân

http://danluan.org/node/8954#comment-34892
 


No comments:

Post a Comment