Tuesday, June 7, 2011

Một buổi sáng Chủ nhật được là mình

Bookmark and Share

Vũ Danh – Phóng viên BVN (Ảnh và bài về cuộc biểu tình chống Tàu xâm lấn biển đảo tại Hà Nội)
clip_image018Nhận lời với GS Nguyễn Huệ Chi đi chụp ảnh cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày Chủ nhật 5-6-2011 mà lòng tôi thao thức không yên. Tối hôm 4-6, tôi đến nhà anh, chúng tôi bàn bạc khá lâu và phỏng đoán: Không biết nhà cầm quyền có để yên cho dân chúng xuống đường bày tỏ lòng căm phẫn của mình hay không. Cả anh và tôi hơi có chút hồ nghi, bởi vì trên trang mạng Ba Sàm có đăng tờ thông cáo của ông Đặng Công Tráng Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP HCM từ ngày 1-6-2011 khẩn thiết yêu cầu sinh viên không nghe lời “xúi giục” “lôi kéo” mình làm điều dại dột, lấy lý do cơ quan an ninh đã cho ông ta biết là “tình hình an ninh chính trị diễn biến rất phức tạp”, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo có thể “ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội”.
Rồi chúng tôi lại nghe rằng kêu gọi biểu tình vào Chủ nhật ngày mai chính là chủ trương ngụy trang của Đảng Việt Tân muốn nhân cơ hội này mà gây ra một “cuộc cách mạng hoa nhài” trên toàn cõi Việt Nam. Chúng tôi càng thấy phân vân khi đọc trên BBC nghe TQ loan tin là ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bên lề hội nghị Shangri-La ở Singapore đã có cuộc họp chớp nhoáng với ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và đã tỏ ý chấp thuận “hội nghị song phương” với Trung Quốc cũng như giữ vững “16 chữ vàng”. Thế thì có vẻ như mọi thứ đã an bài rồi, chắc họ chặn dân chúng không cho đi biểu tình là cái chắc. Nhưng trao đi đổi lại, anh Huệ Chi nói những lời tin tưởng: “Tôi nghĩ, họ chẳng khôn chút nào là điều không cần bàn cãi, nhiều việc làm lâu nay cứ xem cũng đủ thấy. Nhưng hẳn trong số đó cũng còn có người biết rút kinh nghiệm, chứ chưa đến nỗi lại trắng trợn ra tay đàn áp một lần nữa hành động bột phát của mọi tầng lớp dân chúng vì căm thù quân xâm lược như năm 2007, bởi đây là cái quyền thiêng liêng bộc lộ tình cảm yêu nước của người dân, một nước có tư thế đàng hoàng đâu có kẻ cầm quyền nào dám xúc phạm vào chỗ “ban thờ tối linh” ấy. Vả lại, nói cho cùng, đây cũng là cái cột chống duy nhất để họ còn có thể vịn vào mà “đứng dậy”. Tình hình mọi mặt đã xuống đến đáy, không đứng dậy được thì biết đâu thời cuộc chẳng..., có ai mà dám nói trước con đường lịch sử sẽ thế nào. Anh cứ yên tâm, mai dậy sớm đi tham gia cùng mọi người. Còn cái ông Tr. nào đấy thì không cần quan tâm, ông ta không biết thuộc lứa tuổi còn trai trẻ hay đã là trung niên nhưng xem ra cũng chỉ là một vị “quan” nào vào cỡ “dê cỏn” mà thôi. Loại ấy thì soi cho đến tim đen cũng chẳng lấy đâu ra lòng yêu nước, chỉ lo lập công thôi mà”. Thế là tôi yên tâm ra về.
Sáng sớm thức dậy lúc 5 giờ 30, tôi làm rất nhanh các công việc vệ sinh cá nhân, ăn lót dạ rồi đúng 6 giờ hơn thì cầm máy ảnh ra đi. Phải chọn một cái máy ảnh bỏ túi thật gọn nhỡ có chuyện gì còn “cơ động” được. Cũng không mang theo cờ và khẩu hiệu vì mình chỉ là anh phóng viên đi ghi lại hình ảnh sinh hoạt của nhân dân chứ đâu có phải người chủ chốt trong đoàn đi biểu tình.
Đến trung tâm khu Ba Đình, nơi phố Hùng Vương, thấy mọi sự vẫn yên tĩnh, lòng cảm thấy hơi lo lo, không biết có nên cơm cháo gì không đây. Đi vào nữa theo đường Điện Biên Phủ gặp đường Hoàng Diệu nhìn sang tay phải thấy trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc vẫn bình thường. Chỉ có dăm ba công an áo vàng, một số những người đeo băng đỏ, và lực lượng dân phòng đi lại trên sân lát đá ở giữa công viên Lê Nin hoặc đi dọc ngang trên mép bên này đường Hoàng Diệu trước cổng Sứ quán và một nhóm công an thường phục lố nhố phía đối diện sát hàng rào sắt công viên. Rõ ràng đây là đám người đang rải ra để chuẩn bị đối phó với “sự cố” của ngày hôm nay rồi. Tin chắc như vậy mặc dù nhìn quanh vẫn chưa thấy có một đám đông nào, tôi liền cho ngoặt xe trở lại theo đường Điện Biên Phủ đi về phía Lăng Bác, tìm đến một hiệu ảnh quen vào rửa một số ảnh trong chuyến đi dã ngoại cách đây vài tháng, nhân thể cũng thương lượng gửi chiếc xe và uống với chủ nhân một cốc nước trà, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ, rồi mới lững thững quay trở lại như một khách bộ hành nhàn rỗi dạo xem phố xá Hà Nội.
clip_image002
Ai ngờ lần này đi ngược về đến gần công viên Lê Nin thì quang cảnh đã thay đổi. Mới chưa đến giáp phố Hùng Vương mà tiếng ồn ào náo nhiệt dội rõ vào tai. Người ở đâu mà kéo đến đây nhanh thế, toàn nam nữ thanh niên, có cả trung niên, lác đác có cả những người tóc đốm bạc, trên con đường Điện Biên Phủ và đường Trần Phú, từ phía Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học đổ về. Họ kéo dần vào công viên Lê Nin, đi lại khẩn trương giữa khoảng sân lát đá và áp dần về phía cổng Đại sứ quán Trung Quốc, dẫm lên trên vườn cỏ mấp mô, túm
clip_image004
clip_image006
tụm lại phía trước hàng rào của công viên dọc theo đường Hùng Vương nhưng không đến được sát mép hàng rào vì công an, dân phòng và lực lượng đeo băng bảo vệ ngăn cản. Và trên con đường Hùng Vương xuyên ngang trước cổng Sứ quán đó, không biết từ đâu ra, những toán cảnh sát cơ động đã đổ xuống, kéo
clip_image008
clip_image010
clip_image012
clip_image014
những hàng rào sắt từ trên các xe cảnh sát mới tới, chắn ngang hai phía đường. Một tín hiệu thấy rõ: khu vực này là “vùng cấm”, ngoài ra ở phía công viên thì cho phép người dân cứ việc tùy nghi. Tôi nhìn vào những khuôn mặt lạnh lùng của đám cảnh sát cơ động tay lăm lăm dùi cui điện mà thầm nhủ mình như vậy. Họ mặc áo màu cứt ngựa, đội mũ bảo hiểm, cả ngực và lưng đều in nổi dòng chữ CSCĐ (cảnh sát cơ động), anh nào cũng ngó bộ gườm gườm.
Bên này, dân chúng biểu tình thì vô cùng nhộn nhịp. Người ta phớt lờ những cảnh sát thường phục đi lại xen lẫn với mình, trong đó có dăm ba chàng đứng dựa vào các gốc cây để tránh nắng và cũng là vị trí thuận lợi để quan sát dân chúng với những đôi kính râm rất đặc trưng và khuôn mặt lầm lỳ không thể nào lẫn được. Tất nhiên dân biểu tình ít ai đến gần họ.
clip_image016

Người ta không nói nhiều, và cũng không hề hô một câu khẩu hiệu nào nhắm vào Trung Quốc như cuộc biểu tình năm 2007. Nhưng đây rõ ràng là một ngày hội để người ta được thể hiện mình là người có quyền tự do yêu nước, thế cũng chẳng đủ hân hoan sung sướng rồi hay sao. Bởi thế, trên mặt ai nấy đều có một sự phấn chấn rất lạ dù nhìn vẻ ngoài vẫn thấy lặng lẽ bình thường.
Người ta mặc đủ thứ áo quần, hầu hết là áo quần thường ngày nhưng cũng có những người mặc chiếc áo phông đỏ, giữa ngực là một ngôi sao vàng chóe. Màu cờ đỏ sao vàng lay động trên tay nhiều người làm đỏ rực cả một vùng và làm cho đám đông như cũng năng động hơn. Lại có người choàng một mảnh vải đỏ để lộ phía trong chiếc áo phông trắng hoặc xanh, tay cầm cờ phất đi phất lại. Người nào không cầm cờ thì cầm một biểu ngữ trên viết đủ thứ khẩu hiệu khác nhau. Có không ít biểu ngữ rất to bằng vải đỏ hai bên kẹp hai thanh gỗ vuông do hai người cầm trương lên rất cao với dòng chữ vàng kẻ rất công phu: Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, hoặc những dòng chữ cả tiếng Việt và tiếng Tàu đan xen ngang rồi dọc, ngoặc vào nhau, nếu đọc không kỹ có thể nhầm: Việt Nam Hồ Chí Minh vĩ đạiTrung Hoa xử sự tầm thường.
clip_image020
Có cả những biểu ngữ rất dài bằng vải trắng tinh, chăng ra có thể từ bên này đường sang bên kia đường, mà những người cầm cứ cố sức chĩa về phía Đại sứ quán để người bên trong đọc thấy: China, hàng xóm to xác, xấu tính! Nhưng đa số trên tay nhiều người là những tấm giấy trắng cỡ A3 in những dòng chữ đen rất đậm, hai tay người nào cũng trịnh trọng cầm giơ lên ngang trán. Tôi đọc được những câu đập vào mắt: Phản đối Trung Quốc gây hấnPhản đối đường lưỡi bò phi phápPhản đối Trung Quốc xâm lược Việt NamTrung Quốc phải chấm dứt gây hấnViệt Nam tinh nhuệ hóa quân đội – Paracel & Spratly belong to Vietnam – Stop Chinese invasion of Vietnam’ slands... Có những áp phích là cả một tấm bản đồ Việt Nam to tướng che trùm hết thân thể người đang cầm mà ngoài phần đất liền còn vẽ cả khu vực biển Đông mênh mông với những cụm đảo Hoàng Sa và Trường Sa nổi bật. Tôi để ý thấy có những áp phích trên là câu khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược còn dưới là hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trẻ trung sung sức, miệng đang mỉm cười. Có những chiếc áo in hẳn chân dung Hồ Chí Minh ngay trước ngực.
clip_image022
Đoàn biểu tình từ nhiều ngả kéo đến ngày càng đông, đã có khoảng 300 người. Người ta chen lấn nhau để chĩa biểu ngữ vào trong Đại sứ quán ở phía bên kia đường. Người ta bắt đầu hát. Bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng rộn rực âm vang, hát đi rồi hát lại làm lòng người cảm thấy phấn hứng trẻ trung như đang sống lại những ngày đầu tháng Năm năm 1975. Hát hết bài đó đến chán chê người ta bắt sang bài Tiến quân ca trầm hùng và rõ ràng bài hát là cả một sức kích thích đối với con tim rất mạnh. Ai nấy đều gào lên, gắng hát thật khỏe, gửi gắm vào trong tiếng hát cái khí phách đối đầu với kẻ thù nham hiểm đang ẩn núp bên kia những bức tường mà mọi cánh cửa lớn nhỏ đều đóng im ỉm.
Nhưng rồi một sự bất ngờ xảy ra. Ước chừng một tiếng đồng hồ sau thì những chiếc xe cảnh sát liên tiếp kéo đến. Và đủ loại cảnh sát đổ xuống đông đặc hơn. Loại nào cũng tăng số lượng, có khi còn nhiều hơn cả người biểu tình. Vừa đổ xuống là đám người đó bắt tay ngay vào hành động. Họ kéo ra một cuộn dây vàng từ đầu này đến đầu kia dọc theo công viên Lê Nin, cứ cách một mét lại có một cảnh sát cầm lấy. Rồi cứ thế họ tiến dần vào Công viên, đẩy đám đông lùi
clip_image024
lại. Nhiều tiếng nói phản ứng vang lên. Tôi vốn đứng sát gần mép vườn hoa để tác nghiệp nên là một trong những đối tượng bị đẩy lùi bởi cuộn dây mỏng mảnh. Tôi nói với một cậu cảnh sát đứng đối diện với mình: “Các cháu biết không, chú là Thượng tá quân đội, cựu chiến binh đây, hôm nay cũng có mặt ở đây để phản đối Trung Quốc xâm lược. Các cháu không biết rằng đàn áp hành vi yêu nước của nhân dân chính là cách xác nhận mình bán nước sao?” Viên cảnh sát trẻ măng cứ lẳng lặng như không và cứ cầm cuộn dây lấn tới khiến tôi phải lùi dần về phía sau. Đồng thời, một chiếc xe cảnh sát chỉ huy có gắn loa phóng thanh, ở
clip_image026
đâu bò tới bên lề đường, cất giọng lặp đi lặp lại một câu hạ lệnh cho đám đông giải tán và thúc giục các lực lượng chức năng hãy làm tròn nhiệm vụ. Tuy không hề có xô xát, tình thế đã trở nên căng hơn. Có lẽ đây đã là giờ mà “cấp trên” thấy rằng biểu tình như thế là đủ rồi chăng. Chúng tôi đành phải lùi dần, lùi dần, lùi xa dần cổng Sứ quán Trung Quốc mà đến gần sát tượng Lê Nin. Đột nhiên tôi mỉm cười vì thấy ngồ ngộ, cuộc biểu tình bị xua đuổi mà giống như một ước lệ về con đường đi tất yếu của Việt Nam trong cái thế chọn đường hôm nay: Phải rời bỏ Trung Quốc để trở lại với nước Nga – dù nước Nga chưa phải là một quốc gia có đủ mọi ưu thế như nước Mỹ nhưng cũng không khốn nạn như cái anh Tàu. Thì chính chúng ta chẳng đang mua tàu ngầm kilo và các loại vũ khí quân sự hiện đại của Nga là gì!
clip_image028
Thế rồi, đột nhiên 4 chiếc xe bus trờ tới và dừng lại. Có tin chuyền từ người này đến người khác rằng lực lượng cảnh sát sẽ cưỡng chế “hốt” hết đám đông biểu tình lên các xe bus đưa hẳn ra ngoại thành. Mọi người càng nhốn nháo hơn. Người ta bảo nhỏ với nhau nhất quyết không để bị “hốt” lên xe. Người ta đứng trụ lại ở giữa sân công viên một lúc nữa. Người ta vẫn hát, mặc dù mắt thì vẫn lấm lét dè chừng. Và rồi không ai nói với ai mà như có một luồng điện xẹt qua trí óc, người ta đột ngột tìm ra một giải pháp cứu nguy: quay mặt đằng sau, đi hẳn xuống đường Điện Biên Phủ, biến cuộc biểu tình thành một cuộc tuần hành rầm rộ theo hướng Hồ Gươm thẳng tiến. Đoàn người lại cùng nhau phất cờ kéo đi, bỏ lại phía sau lực lượng an ninh với những chiếc xe bus đang chờ “hốt” họ.
clip_image030
Đoàn người nghe nói còn hành tiến rất lâu, đến hơn 11 giờ trưa, chia thành hai đội, một đội tiến thẳng về Hồ Gươm, biểu dương lực lượng một vòng ở Hồ Gươm rồi kéo lên Hàng Gai, Hàng Bông, sau đó vòng trở lại nhà Thủy Tạ để kéo ra ngả Tràng Thi mà đi dần trở lại công viên Lê Nin, đến đối diện với cổng Đại sứ quán Trung Quốc một lần thứ hai, để rồi lại bị lực lượng an ninh ở đây giải tán và lại quay trở về Hồ Gươm một lần nữa; còn một đội thì theo ngả Phùng Hưng đi đến Phan Đình Phùng và không biết có quay trở lại Công viên Lê Nin nữa hay không. Riêng tôi, đến đây, tuy chưa gọi là mỹ mãn nhưng cũng đã tận mắt chứng kiến thế nào là lòng yêu nước của con người Việt Nam, thế nào là sức mạnh của tuổi trẻ, thế nào là sức bật của những gì mà người Việt phải nén kín bao lâu vì bị tước mất quyền yêu nước, nó trở thành niềm vui khôn tả hiện lên trong ánh mắt của biết bao nhiêu chàng trai cô gái lướt qua trước mắt mình. Mặt khác, thấy số lượng ảnh cũng đã tạm đủ cho trang Bauxite Việt Nam bèn không theo đoàn đi xuống Hồ Gươm nữa mà tách ra, trở lại chỗ gửi xe và trở về nhà.
V.D. 

http://boxitvn.blogspot.com/2011/06/mot-buoi-sang-chu-nhat-uoc-la-minh.html

No comments:

Post a Comment