Tuesday, June 7, 2011

Mr. Đỗ - Biểu tình 1: về lòng tin vào con người

Bookmark and Share

Mr. Đỗ - Biểu tình 1: về lòng tin vào con người

Mr. Đỗ
(Entry này, như một lời xin lỗi, tới những ai tôi từng e dè.)
* * *
Nhiều ngày trước, cuộc tuần hành mới chỉ là những câu rao trên Facebook, những tin nhắn qua Yahoo! MSG, hay những cái "tuýt" nho nhỏ trên Twitter. Những người bạn "ảo" của tôi, chưa gặp mặt bao giờ, chỉ biết nhau qua "bí danh" trên mạng, đã nhanh chóng tiếp sức truyền đi thông điệp tuần hành vào ngày chủ nhật.
Và cũng rất nhanh, những sáng kiến đã được đưa ra.
Tôi nhớ có một chàng trai trẻ xung phong in áo, khi tôi hỏi đặt hàng, cậu ấy nói "với Mít Tờ Đỗ thì em biếu không". Hehehehe, mình lêu bêu rứa mà uy tín hè. Rất chi là cảm động nhá.
Mấy hôm sau nữa, khi không khí đang sôi sùng sục - bất chấp có những thông tin trái chiều - bạn trẻ ấy nhắn đưa áo cho mình vào chập tối thứ bảy. "Em ghé tới rồi đi liền. Cũng cần cẩn thận", cậu ấy bảo. Mình okie ngay, nhưng sau quả gật đầu đó, phải nói là lòng cũng gợn chút lăn tăn.
Một người không quen biết gì đưa một gói áo cho mình, giữa lúc trời nhá nhem tối. Nếu như trong đó không chỉ có áo mà còn một thứ gì khác thì sao? Một cái bẫy nào đó chẳng hạn. Nhưng rốt cuộc, mình tự nhủ: nếu ngay cả lòng tin vào con người mà mình cũng đánh mất rồi, thì cuộc sống còn ý nghĩa quái gì nữa. Đến đây thì mình thở phào, cực kỳ vô tư lự nhé.
Và rồi buổi hoàng hôn ấy cũng tới, mình đã gặp bạn ấy, nói chuyện một vài câu, bắt tay rồi vội vã chia tay. Hẹn buổi sáng hôm sau trước cổng sứ quán Trung Quốc.
* * *
Mình nhớ, một buổi tối cận ngày N, một cái nick lạ hoắc tự dưng nhảy vào Yahoo! MSG của mình.
A (6/2/2011 3:18:30 PM): anh Hùng ơi, làm sao kiếm được mấy cái áo thun có chữ Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam vậy anh?
Mr. Do (6/2/2011 3:18:03 PM): hehehe, ai vậy?
A (6/2/2011 3:19:09 PM): em là một friend anh trên FB; chưa gặp anh lần nào
Mr. Do (6/2/2011 3:18:38 PM): hêhhe. Thực sự thì anh cũng ko biết kiếm đâu. hehe, nói chung cứ làm một cái tờ khẩu hiệu hoành tráng là ngon rồi.
A (6/2/2011 3:19:54 PM): sáng CN em với mấy thằng bạn rủ nhau ra đó ủng hộ; anh làm bên báo TN ko sợ bị rắc rối sao? em thì ko liên quan gì nên ko lo
Mr. Do (6/2/2011 3:20:05 PM): có làm gì đâu mà rắc rối! hehehehe. mình nghĩ mình làm đúng với lương tâm thì cứ làm
A (6/2/2011 3:20:14 PM): em cũng nghĩ vậy
Mr. Do (6/2/2011 3:20:26 PM): nếu sợ rắc rối với cơ quan hoặc chính quyền hay đại loại thế, thì mình lại phải sống trái với niềm tin của mình sao...
A (6/2/2011 3:20:46 PM): đúng rồi
Mr. Do (6/2/2011 3:21:05 PM): thế nên mình thấy việc phải thì cứ làm, miễn là đừng có làm gì phạm pháp là ổn
A (6/2/2011 3:21:11 PM): e thấy mình chả nghe theo ai hay phe phái nào; chỉ là thể hiện lòng yêu nước thôi
Mr. Do (6/2/2011 3:21:35 PM): anh cũng nghĩ thế; giống một công dân bình thường, thấy chuyện cần lên tiếng thì lên tiếng
A (6/2/2011 3:22:06 PM): kỳ này bọn Tàu nó càng lấn tới nóng máu thiệt
Mr. Do (6/2/2011 3:23:14 PM): ừ; quá lấn tới luôn
A (6/2/2011 3:23:17 PM): ngày nào em cũng đi ngang sứ quán; cứ muốn ném cái gì đó vào
Mr. Do (6/2/2011 3:24:15 PM): hahahahaha (đây gọi là bạo lực cách mạng hử?! - câu này mình thêm vào sau)
....
Mr. Do (6/2/2011 3:24:24 PM): thực ra anh ko quan trọng nhiều hay ít; một mình anh anh cũng ra; phản đối xong rồi về
A (6/2/2011 3:24:56 PM): em cũng vậy; phản đối xong em đi đá bóng
Mr. Do (6/2/2011 3:25:33 PM): ừ, có lẽ xong anh dẫn con đi chơi, rồi chiều có khi nhậu cũng nên. nhưng chắc chắn buổi sáng phải đứng ở đó; lên tiếng, giơ cao khẩu hiệu
A(6/2/2011 3:26:04 PM): okie, hi vọng bữa đó gặp anh
Mr. Do (6/2/2011 3:28:54 PM): okie; vậy nhé. anh làm việc chút đã. hẹn gặp sáng chủ nhật
A (6/2/2011 3:29:13 PM): okie anh, nice day nhé; hẹn anh sáng CN...
Thú thực là ban đầu mình cũng còn có chút ngần ngại, nhưng rốt cuộc, cũng như với cái chàng thanh niên tặng áo cho mình, mình đã xua đi được mớ lăn tăn trong đầu. Giữa cái thế giới này, vô chừng, có những con người mình chưa từng biết mặt, sẵn sàng chia sẻ những mối quan tâm với mình. Vì họ và mình có điểm chung, thế thôi. Tại sao lại để cho lòng nghi kỵ làm bức tường ngăn cách?
Buổi sáng hôm ấy, rất vui, mình đã được gặp lại những con người trẻ ất. Họ đã đi suốt cuộc hành trình, từ sáng sớm đến trưa.
* * *
Mình nhập cuộc lúc khoảng 8 giờ, khi mới có một nhóm nhỏ ở bên hông góc giữa sứ quán Trung Quốc và Thành Đoàn (chỗ ngày xưa bác Điếu Cày đứng, hehehehehe), lúc này ông Mẫm đang đứng trước đoàn biểu tình nói gì đó. Mình lôi câu khẩu hiệu tiếng Việt - Bồ Đào Nha kèm cái lưỡi bò bị cắt ra giơ lên "hãy đập tan...", còn một mớ biểu ngữ tiếng Việt, Đức, Anh... mình đưa cho mấy người bên cạnh, sau không thấy đâu hết nữa, hình như... đưa nhầm địa chỉ.
Mình nhớ, vào đầu cuộc biểu tình, khi mọi người vừa băng đường sang nhà văn hóa Thanh Niên để đi vòng qua NTMKhai, phía đối diện với lãnh sứ quán, mình gặp ông Hồ Cương Quyết. Mình bắt tay và hoan hô ông Tây Việt Nam. Một chặp thì có một ông già già tới kéo ông Quyết đi. Mình hỏi nhỏ: "Cái ông kia là bạn của bác hay công an vậy?". Ông nói: "Công an đâu. Bạn chiến đấu xưa của bác đấy." Mình an mười cái tâm nhé.
257158_1784386684556_1086173978_1533300_1342043_o.jpg

Tác giả đứng cùng ông Hồ Cương Quyết (hình do Dân Luận bổ sung vào bài, lấy trên blog của tác giả)
Tới khi sang bên kia đường, lúc này lực lượng đã rất đông. Chợt có bạn gái đang hét hò rất sung hỏi mình: "Ơ, anh trông quen quen." Mình cười, hỏi lại: "Chị ở đâu?". Cô ấy liền rụt đi liền. Lúc này mình mới giật mình trước câu hỏi hớ hênh. Giữa lúc mọi người đang cảnh giác thì mình lại hỏi về nhân thân. Hehehehehe. Một kinh nghiệm nhá.
Vào cuối cuộc biểu tình, khi mọi người bị chặn lại ở đường NTMKhai, không băng qua phía sứ quán được nữa, thấy đám đông bắt đầu tản dần, mình mới nảy ra sáng kiến: "Hay là hô khẩu hiệu xong rồi giải tán khi đang còn đông, kiểu cầu thủ từ giã sân cỏ lúc đang đỉnh cao phong độ, thì hình ảnh sẽ đẹp hơn. Chứ để cho biểu tình teo dần, teo dần thì hình ảnh sẽ không ép phê nữa". Mình mới mở miệng nói chưa hết câu thì bị một bác chỉ vào mặt: "Ông là công an chìm". Bác bên cạnh cũng hùa theo: "Anh này nói đúng đấy. Ông là công an chìm". Mình ngao ngán. Nhưng rồi bực quá, nên vặc lại: "Người Việt mình mà nghi kỵ lẫn nhau tùm lum, thế thì làm sao đánh Tàu được nữa." Nói xong, mình thấy tinh thần mọi người đang quá sung, dù không còn đông đúc nữa, thế nên mình không tiếp tục với "sáng kiến" ban nãy. Một kinh nghiệm nữa nhé.
Chặp sau, lên trên vỉa hè, gặp bác Đinh Kim Phúc, bắt tay bắt chân, đột nhiên bác Phúc cũng nói cái ý tưởng như mình ban nãy. Mình mới nói khó lắm, dễ bị người ta chụp một quả mũ to tướng lên đầu lắm. Bác Phúc bảo: "Nếu anh xưng danh xong rồi nói với mọi người được không". Mình bảo: "Anh uy tín có thể được, nhưng cũng hên xui à. Hay cho mọi người chiến đấu thêm chút nữa đi". Hehehehe.
* * *
Xuyên suốt cuộc tuần hành rất đẹp của ngày hôm qua, mình thấy cái không khí nghi kỵ cứ âm âm ỉ ỉ. Mọi người đều không biết người đứng cạnh mình là ai, nên hay có tâm lý cảnh giác.
Cái này cũng xuất phát từ môi trường. Nơi mà biểu tình - ngay cả biểu tình ái quốc - là một phạm trù nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ thì người ta cứ luôn phải cảnh giác cho chắc ăn. Ngẫm mà rầu. Người biểu tình cảnh giác với nhau. Người biểu tình cảnh giác với chính quyền. Và chính quyền cũng cực kỳ cảnh giác với người biểu tình - thậm chí sợ rằng "họ có động cơ khác", "biến tướng"...
* * *
Ngay trước cuộc biểu tình hôm 5.6 ở TP.HCM và Hà Nội, tại Úc, các sinh viên Việt Nam, chỉ vài chục người thôi, đã tổ chức một cuộc biểu tình nho nhỏ trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc. Họ đã tới đó, đứng trật tự, truyền xong thông điệp của mình rồi về, không quên cảm ơn các vị cảnh sát Úc đã nhọc công canh chừng.
Khác xa nhỉ!
Biết bao giờ đi biểu tình mới là chuyện bình thường ở xứ ta, để những người yêu nước không phải cảnh giác cao độ, với nhau và với chính quyền?
Nhỉ!?

No comments:

Post a Comment