Sunday, June 26, 2011

MỘT CUỘC CHIẾN CỐ TÌNH BỊ LÃNG QUÊN HAY MỘT SỰ PHẢN BỘI ĐỐI VỚI DÂN QUÂN

Bookmark and Share


MỘT CUỘC CHIẾN CỐ TÌNH BỊ LÃNG QUÊN HAY
MỘT SỰ PHẢN BỘI ĐỐI VỚI DÂN QUÂN

Song Chi


Ba mươi hai năm trước, vào sáng sớm ngày 17 tháng 2, 1979 Trung Cộng bất ngờ mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới đất liền với Việt Nam thuộc địa phận 6 tỉnh khác nhau từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Và sau một tháng thì Trung Cộng rút lui khi cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về người, phía Việt Nam còn bị tổn thất nặng về tài sản do bị phá hoại tại những tỉnh, làng mạc, khu vực mà lính Trung Cộng đã chiếm đóng hoặc trên đường lui quân. Một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt!!!

Trong suốt bao nhiêu năm qua, cuộc chiến tranh với Trung Cộng năm 1979 và sau đó, năm 1984, đã trở thành một chủ đề nhạy cảm mà đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không muốn người dân nhắc đến.

Ngày 17 tháng 2/2011 vừa qua cũng vậy: Toàn bộ hệ thống báo đài của cả nhà nước đều “im thin thít.”

Báo Thanh Niên có nhắc nhẹ qua bài “Lê Ðình Chinh trong ký ức người mẹ” nói về liệt sĩ Lê Ðình Chinh.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị có bài “Lao Cai ngày 17 tháng 2” càng nhẹ hơn nữa khi viết: “Không có nhiều ký ức về ngày này 32 năm trước tại thành phố Lào Cai. Tôi đi rạc chân quanh thành phố, hỏi thăm khắp lượt, mọi người tôi hỏi đều lắc đầu không biết quanh thành phố Lào Cai có tấm bia kỷ niệm nào về cuộc chiến tàn khốc trong 16 ngày của 32 năm trước...”.

Người ở Lào Cai [bây] giờ không để quá nhiều đầu óc vào cuộc chiến năm xưa, đó là thực tế mà tôi cảm nhận được...”

Còn lại báo chí chỉ chạy theo khai thác những tin tức hàng ngày. Trang blog Da Vàng trong bài “Khi chiến tranh biên giới 1979 không địch nổi đám cưới lần thứ hai của Ðan Lê”. Có một nhận xét chua chát rằng trong lúc hàng trăm tờ báo chính thống không có một dòng nào về cuộc chiến 1979 thì hàng loạt báo lại đua nhau đưa tin, bài về đám cưới lần thứ hai của một người đàn bà tên là Ðan Lê!!!

Cuộc chiến tranh chỉ được nhắc đến qua báo chí nước ngoài, báo chí của người Việt ở hải ngoại, các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân. Nhiều tin tức, tư liệu về cuộc chiến được công bố.

Trang blog của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng bản dịch bài nói chuyện của Ðặng Tiểu Bình tại một hội nghị nội bộ ngày 16 tháng 3, 1979, đúng ngày Trung Cộng rút khỏi Việt Nam. Qua đó, Ðặng giải thích nguyên nhân, lý do của cuộc chiến tranh mà phía Trung Cộng luôn luôn tuyên truyền là “đánh trả tự vệ,” là “một sự trừng phạt có giới hạn” đối với Việt Nam xâm lược, “Cu Ba phương Ðông.”.

Theo Ðặng, có 3 lý do lớn phải đánh Việt Nam:

1. Một là “mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế đòi hỏi có sự chế tài cần thiết đối với Cu Ba phương Ðông để thúc đẩy mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế,”

2. Hai là Trung Cộng cần có môi trường tương đối ổn định để “xây bốn hiện đại hóa”.

3. Thứ ba nữa quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa 30 năm nay không đánh trận, cũng cần phải tập dợt lại một chút.


Về sau này, nhiều nhà nghiên cứu, bình luận chính trị ở Việt Nam và quốc tế đã có các bài viết phân tích những toan tính của Ðặng khi quyết định tiến đánh Việt Nam lúc đó. Và rõ ràng, Ðặng đã “tính đúng,” dù cũng bị thiệt hại nhân mạng nặng nề nhưng Trung Cộng đã “được” khá nhiều từ cuộc chiến này. Trong đó, cái được lớn nhất là quan hệ với Washington, đánh Việt Nam là “món quà tặng dành cho Mỹ” để đổi lấy lòng tin của Mỹ và việc mở cửa cho Trung Cộng với thế giới phương Tây, bắt đầu 3 thập niên làm ăn và phát triển của Trung Cộng. Bài nói chuyện của Ðặng Tiểu Bình còn có một chi tiết khiến các thế hệ hậu sinh Việt Nam bây giờ đọc mà cảm thấy rợn người, đó là:

“Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.” Thế nào là “quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người”?

&

Bài “Kỷ niệm chiến tranh 1979, lính Trung Cộng thừa nhận được lệnh giết dân Việt Nam” đăng trên trang Bauxite Việt Nam sẽ giải đáp thắc mắc đó: Một người lính Trung Cộng tên là Vương Chí Quân, khi đó là tiểu đội trưởng đội Dao Nhọn Sư Ðoàn Bộ Binh 163 Quân Giải phóng Trung Cộng đánh chiếm Lạng Sơn đã viết những dòng ký ức như sau: “Về sau cấp trên của Sư Ðoàn 163 ra lệnh: giết người không bị buộc tội (nguyên văn: 'cách sát vô luận'), cứ dùng pháo hỏa tiễn, súng phun lửa, bộc phá, và xăng tiêu diệt sạch người Việt Nam hết làng này đến làng khác.

Ðêm đến thấy ai đứng thì coi đó là kẻ địch, cứ việc xả súng bắn coi như bắn lợn rừng. Khi đánh chiếm các thị trấn, chiến đấu trên đường phố cũng bất chấp nhà dân, cơ quan bưu điện, cứ dùng mấy trăm tấn thuốc nổ đánh sập và san bằng toàn bộ cầu cống, sân bay... tất cả các kiến trúc công cộng cả thảy hơn 2,900 chỗ ở thị trấn Lạng Sơn.


Quân Trung Cộng rút về nước qua thị trấn Ðồng Ðăng đã khuân về Trung Cộng “tất cả những thứ gì có thể mang đi được như máy móc, lương thực, thiết bị văn phòng; tháo tất cả các thanh rầy đường sắt [đường xe lửa]; cái gì không mang đi được thì nổ tung tất cả.” Và “không từ một thủ đoạn nào để giành chiến thắng”!

Một tài liệu khác cũng được dịch và đăng trên trang Bauxite Vietnam thì cho biết: “Kỷ niệm chiến tranh 1979 Trung Cộng thừa nhận gài 10 triệu quả mìn tại vùng biên giới Việt-Trung trước khi rút quân về nước.”

Tác giả, một người Trung Cộng tên Vương Quốc Hiến viết: “Loại vũ khí này nếu không lặng lẽ mọt rỉ thì sẽ lặng lẽ nổ, gây tai nạn trầm trọng cho người dân trong vùng. Nghe nói một xóm 87 người thì chỉ còn 78 chân, bình quân một người chỉ có 0.9 chân. Mìn còn có thể tác động tới vùng biên giới này trong 20 năm.

&

Tính chất dã man của giới lãnh đạo và binh lính Trung Cộng đã bộc lộ rõ ràng trong cuộc chiến dù là ngắn ngủi này. Chưa kể, sau đó, có những vùng đất đã bị mất vĩnh viễn vào tay Trung Cộng. Thế mà đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam cố tình nhắm mắt bịt tai, cố tình quên. Không cho báo chí nhắc tới, không tổ chức lễ tưởng niệm, giới lãnh đạo cũng không có người nào cất công đi thăm, nhang khói cho các liệt sĩ. Người dân Việt Nam thì không thể quên. Trên rất nhiều diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân, người kể chuyện gia đình, cái chết của người thân, người kể lại chuyến đi thăm và nói chuyện với người mẹ có một người con trai đã hy sinh, người ghi lại những cảm xúc vào thời gian xảy ra cuộc chiến khi hãy còn là một đứa trẻ, người viết những lời nhắn nhủ với con gái, thế hệ hôm nay... mỗi người một cách nhớ về cuộc chiến đã cố tình bị lãng quên. Và câu hỏi nhức nhối nhất trong tâm khảm người Việt Nam suốt bao nhiêu năm nay là vì sao các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam lại luôn hèn hạ khiếp nhược đến thế trước Bắc Kinh?

Trong cuộc chiến với Pháp với Mỹ trước kia thì thái độ của họ khác hẳn. Trên toàn bộ các phương tiện truyền thông, sách giáo khoa các cấp, nhà bảo tàng... trong suốt thời gian xảy ra chiến tranh và cho đến tận bây giờ, họ công khai nói về những cuộc chiến tranh này, công khai chửi “kẻ thù” bằng mọi cách có thể, hàng năm họ rầm rộ kỷ niệm ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày 30 tháng 4, 1975….

Còn với Trung Cộng? Ngay tại Bắc Kinh vào chiều ngày 18 tháng 2, 2011, Hoàng Bình Quân, ủy viên Trung Ương Ðảng, trưởng Ban Ðối Ngoại Trung Ương, đặc phái viên của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đã gặp Hồ Cẩm Ðào để: “thông báo về kết quả Ðại Hội XI của Ðảng Cộng Sản Việt Nam” (!) đồng thời hai bên cùng cam kết “đưa quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ Trung Cộng-Việt Nam phát triển lên tầm cao mới”!

Hàng ngàn năm sống bên cạnh Trung Cộng đã cho người Việt Nam quá nhiều kinh nghiệm và bài học. Chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam từ trước đến nay vì luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của dân tộc nên mới nhận kẻ thù truyền kiếp của dân tộc làm bạn, rồi bây giờ cũng vì quyền lợi riêng, vì không muốn mất chế độ nên cúi đầu cam tâm thần phục Bắc Kinh. Và còn bắt nhân dân phải đớn hèn theo họ! Niềm an ủi là người Việt Nam chưa bao giờ mất đi lòng tự hào của mình. Ngày 17 tháng 2 nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới, như nhiều người Việt cũng dặn lòng và dặn nhau, không có nghĩa là để khơi lại căm thù, nhưng để luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác, nhất là ngày nay, khi Trung Cộng lại càng giàu mạnh hơn gấp bội và ngày càng bộc lộ rõ tham vọng bành trướng không che giấu!



Song Chi
Nguồn: Internet E-mail

Saturday, June 25, 2011

Tường thuật biểu tình 26/06

Bookmark and Share



Tình hình ở tp VINH (Nghệ An) hôm nay:

Chú Diện! Hôm trước cháu về quê trên Con Cuông. Và 3h sáng hôm nay cháu tức tốc lên ô tô chạy ngay xuống Vinh để kịp thông tin cho chú. 7hkém 10 mới đến nơi. Cháu liền chạy xe vào trung tâm thành phố, chạy đi chạy lại khắp nơi. Đến những nơi trọng điểm của Vinh và những khu vực "nhạy cảm" như: ĐH Vinh, ĐH Y Vinh, quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh ủy, bộ tư lệnh quân khu 4, trụ sở phường Quang Trung và Lê Lợi... và nhiều nơi khác nữa nhưng đều không thấy điểm gì khác thường. Thành phố Vinh hôm nay đúng nghĩa một ngày chủ nhật - yên bình và lặng lẽ. 

Hà Nội: Từ Bờ Hồ, đoàn tiến về đường Bà Triệu rồi đứng lại khoảng 15 phút đoàn rẽ sang đường Hai Bà Trưng, sau đó về đường Điện Biên Phủ và giải tán tại khu vực cận kề vườn hoa Lệ - Ninh (cách phiên âm của các cụ ngày xưa). Lúc ấy là 10h45.


HẾT
==============

(Ảnh : Nguyễn Xuân Diện Blog)
Tin từ Hà Nội cho biết, nhân dân Hà Nội đang tiến hành cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc.

Sau khi tập hợp thành công, đoàn biểu tình đang tiếp tục tuần hành trên đường phố Hà Nội, quanh khu vực Bờ Hồ.

Không khí biểu tình đang rất khí thế, những tiếng hô "Đả đả TQ xâm lược", "Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam" ... vang lên ắt hẳn những tiếng loa phóng thanh, tiếng còi cảnh sát trật tự. 

Trước đó, đã xảy ra xô xát giữa công an và người biểu tình khiến nhiều người bị bắt giữ.

Tại Sài Gòn, bất chấp sự dò xét của rất đông an ninh chìm nổi, nhiều nhóm thanh niên vẫn đang ngồi chờ đợi quanh khu vực Lãnh sự quán TQ. 

* tiếp tục cập nhật
http://danlambaovn.blogspot.com/2011/06/tuong-thuat-bieu-tinh-2606.html
===========

9h30: HÀ NỘI BẮT ĐẦU BIỂU TÌNH


9h40 tại Bờ Hồ. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

6h50′ … Anh Ba Sàm cho biết: Không biết có biểu tình không mà cảnh sát, an ninh chìm nổi, dân phòng đầy nhóc, giăng quanh Sứ quán Trung Quốc, Vườn hoa, Bảo tàng, đường Điện Biên, Trần Phú, Hoàng Diệu … 

Đường Hoàng Diệu vẫn bị ngăn như các tuần trước. 

07h24: Cafe Highland chân Cột Cờ Hà Nội không mở cửa.

9hh30: Hình thành đoàn biểu tình khoảng 50 người bắt đầu đi quang Bờ Hồ. 

Đoàn biểu tình không có nhiều cờ đỏ, nhưng rất nhiều biểu ngữ (khổ nhỏ). Còn tiếng hô thì vang dội một góc Hồ Gươm.

Tại Vinh và Sài Gòn: tính từ sáng đến giờ này (9h50) không hình thành các cuộc biểu tình.

Đoàn biểu tình ở Hà Nội đa số là thanh niên sinh viên. Có hai xe cảnh sát  giao thông kèm ở dưới lòng đường, nhưng lại đi ngược chiều giao thông (tại đoạn Bờ Hồ trước tượng đài Lý Công Uẩn). Đoàn biểu tình vẫn đi trên Bờ Hồ chọn cách đi ngược lại so với lần trước, khiến đoàn xe hộ tống bên dưới trở thành ra ...vi phạm luật giao thông.

Đã xảy ra chuyện với Nguyễn Xuân Diện rồi! hu huu..
Nguyễn Xuân Diện bị vỡ kính...hiện đang trong cảnh mù dở...
Có bác nào có kính, xin cho mượn 1 chiếc...

CHÙM ẢNH CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN GHI LẠI NHỮNG HÌNH ẢNH TỪ HÀ NỘI

Gần ĐSQ TQ, Nguyễn Xuân Diện bất ngờ gặp một người mà mình ngưỡng mộ đã lâu mà chưa có dịp gặp

Bắt đầu sang đường tiếp cận Vườn hoa Lê - Nin

Và giăng cờ, bộc lộ tình yêu Tổ quốc và nỗi căm hờn khi lãnh hải bị giặc xâm lăng


Công an Hà Nội đặt biển cấm cả bên đường đối diện với Vườn hoa Lê-nin
và không cho mọi người đứng ở đây



Các em phục vụ trong Cafe Cột Cờ hôm nay rất nhàn rỗi vì không có khách


 Dưới đây là hình ảnh từ BỜ HỒ HOÀN KIẾM









Tiếp tục cập nhật....


http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/06/ha-noi-sang-nay.html

Friday, June 24, 2011

Đặc điểm và vai trò của giới blogger trong đời sống thông tin Việt Nam đương đại...

Bookmark and Share

Phạm Viết Đào - Ở đâu tồn tại thể chế độc tài, độc đoán trong đời sống thông tin, ở đó giới blogger chính trị - kinh tế - xã hội sẽ nảy sinh và phát triển; blogger trở thành một kênh thông tin bù đắp những mảng thông tin mà bạn đọc thật sự quan tâm, cần nhưng đang bị hụt hẫng do báo chí chính thống lẩn trốn, né tránh…


Căn cứ vào định đề này thì, hiện nay các quốc gia sau đây đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho các blogger xuất hiện và phát triển đó là: Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Việt Nam, Cu Ba…

Viết blog xuất phát điểm là một dạng nhật ký cá nhân mở, nhưng do những nét đặc thù về thể chế và cơ chế quản lý nhà nước về thông tin, do vậy nên nó đã nhanh chóng trở thành phương tiện để các blogger bày tỏ chính kiến của mình; blog không còn là nơi chuyển tải các cảm nhận suy tư mang tính chất cá nhân, nó đã trở thành nơi dốc bầu tâm sự, tâm huyết có liên quan tới thời cuộc, đó là các vấn đề kinh tế-chính trị- xã hội…Chính vì vậy nên blog đang được nhiều người tham gia và độc giả ngày càng tìm đến các blog mà mình tín nhiệm để tìm kiếm thông tin…

Sở dĩ xuất hiện trạng thái này là do ở các nước có đời sống thông tin tự do, có báo tư nhân; các chính kiến liên quan tới thế sự được tự do bày tỏ công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí; kể cả các thông tin trái chiều, bất đồng với chính thể đương nhiệm, với đảng đang nắm quyền điều hành nhà nước và chính phủ…

Các báo theo định nghĩa của BT Bộ 4 T, đó là các báo do Chính phủ cấp phép và chỉ có loại báo này được hành nghề và được in ấn công khai, được kinh doanh, đó là báo được mệnh danh là “lề phải “; ngoài việc phải tuân thủ các quy định của luật pháp, báo “lề phải” còn phải chịu sự điều chỉnh bởi cái gọi là “tôn chỉ mục đích” được ẩn dưới cái mũ của đủ loại định hướng: Định hướng ngành, định hướng chủ quản, định hướng giới, định hướng hội, định hướng của Đảng và nhà nước…

Do bị điều chỉnh, điều tiết rườm rà, nhiêu khê và ngặt nghèo nên giới báo chí “lề phải” đang có nguy cơ bị “đặc san” hóa; Báo quân đội nhân dân là “đặc san” của giới quân nhân cả trong các vấn đề liên quan tới quân sự lẫn chính trị và văn hóa; Báo Công an là “đặc san” của giới công an; Báo Nhân Dân là “đặc san” của các cơ quan Đảng… Các báo ngành là “đặc san” ngành…

Gần đây một nhà văn đã lên tiếng trên trang Trannhuong.com: báo cáo hóa báo chí… Người đọc đã phải tiêu hóa các loại thông tin bị hành chính hóa, danh nghĩa là báo chí nhưng thông tin lại được biên soạn theo lối đặc san chuyên ngành, một hình thức báo cáo công vụ hàng quý, hàng tháng, hàng ngày của một cơ quan nào đó, ngành nào đó, giới nào đó…

Do bởi các tác nhân đó nên báo lề phải đang dần mất khách, đang bị bạn đọc xa lánh… Rất nhiều bạn đọc có thể hàng ngày, hàng tháng, hàng năm không ngó ngàng gì tờ báo A,B,C,Đ… nào đó nhưng lại không bỏ sót bài nào của blog A,B,C,Đ…

Một hiện tượng hy hữu ở Việt Nam, báo lề phải chỉ có Vietnamnet là tờ điện tử bị hacker tấn công, cản phá, còn 800 tờ báo khác phần lớn đều có trang tin điện tử nhưng không thấy có chuyện bị tấn công, bị mất cắp dữ liệu, bị xóa trắng… Trong khi đó thì có trên một chục trang tin điện tử bị hacker dấu mặt tấn công, hủy dữ liệu, đánh sập… Điều này cho thấy giới blogger Việt Nam đang trở thành đối tượng, đối thủ thù ghét, đáng bị đánh sập của ai đó, giới nào đó… Ở Việt Nam đã có người bị tù do viết blog…

Xuất phát từ nét đặc thù của đời sống thông tin tại Việt Nam, giới blogger xông ra đảm trách cái nhiệm vụ chuyển tải những loại thông tin đích thực là báo chí, những thông tin liên quan tới các vấn đề chính trị xã hội- các vấn đề mà bạn đọc thật sự quan tâm nhưng lại bị báo lề phải trốn tránh.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đài báo, nước ngoài khi đưa tin về tình hình chính trị-xã hội Việt Nam thì lại hay sử dụng lại các thông tin của các blog mà không bắt tay với các tờ báo lề phải?

Tất nhiên khi đưa những thông tin đó lên blog cá nhân, chủ nhân bao giờ cũng phải suy tính đảm bảo giữ cho mình được sự an toàn tối thiểu về cuộc sống cá nhân, tức là không phạm luật và giữ tín nhiệm với bạn đọc… So với cánh báo chí, giới blooger có được sự tự do không bị các cơ quan chủ quản kìm kẹp bởi các định hướng mơ hồ; họ chỉ bị các bà vợ kiềm chế, quản lý, định hướng về phương diện thời gian và nội dung bài viết: viết gì thì viết nhưng đừng để vợ con phải mang cơm đi thăm nuôi và còn giành thời gian để kiếm tiến về nuôi vợ con ngoài chuyện viết blog… Đó là thứ định hướng duy nhất, quan trọng nhất mà giới blog phải bị điều chỉnh, tuân thủ…

Quan sát hoạt động của giới blog, thấy rất nhiều blog, trang website cá nhân có lượng bạn đọc truy cập lên tới hàng vạn bạn đọc/ ngày lớn hơn nhiều so với các tờ báo lề phải…

Nhiều blog không còn là tiếng nói cá nhân mà là nơi chuyển tải các ý kiến do bạn bè gửi gắm…Bạn đọc đã thấy rất nhiều những tên tuổi khả kính đã gửi bài cho các blog, trả lời phỏng vấn các blog dưới dạng hầu chuyện, nổi đình đám trên blog…Ví như trường hợp Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, như Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư-Tiến sĩ Đình Quang nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Tiến sĩ Nguyễn Quang A…

Nhiều vị trong đời sống thông tin hiện tại, trở nên nổi tiếng do được bàn nhiều trên các blog cá nhân hơn là trên báo chính thống như trường hợp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa; ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ .v.v. được cư dân mạng chăm sóc kỹ hơn, được biết đến nhiều hơn qua các trang blog cá nhân chứ không phải do các tờ báo chính thống…

Một số tin bài thậm chí do báo lề phải đưa nhưng không gây tiếng vang, thế nhưng khi các blog đưa lại đẩy lên, chuyền tay nhau thì thông tin đó mới tác động kích nổ dư luận xã hội. Đó là trường hợp bài viết trên báo Nông nghiệp VN về nạn đói ở Thanh Hóa… Báo Nông nghiệp VN đưa tin vài tuần rồi mà không thấy dư âm gì! Phải đến khi hàng loạt blog lên tiếng thì bài báo trên mới phát huy được giá trị thông tin, mới làm cho xã hội nháo nhào, Chính phủ mới bắt tay vào cuộc…

Một số trường hợp các blogger còn “sờ gáy”, chỉnh đốn về nghiệp vụ đưa tin viết bài do các tờ báo lề phải đã đưa, khiến cho các tờ báo này bị tẽn tò trước độc giả, thậm chí còn phải đính chính, phải điều chỉnh thậm chí bị kỷ luật như trường hợp Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN trong việc đưa tin không bình luận hành động tập trận của hải quân Trung Quốc trong khu vực lãnh hải của Việt Nam. Gần đây là vụ TTXVN đưa tin không chuẩn xác về các cuộc biểu tình phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, phát hiện ra việc đưa tin sai này không phải do các cơ quan quản lý báo chí hay ác cơ quan chủ quản mà lại do các blogger…

Vẫn thỉnh thoảng xảy ra các cuộc đối chất, phản biện, tranh luận giữa một số blogger có tên tuổi, có số đông bạn đọc truy cập với một số tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Báo Điện tử Đảng cộng sản VN, báo Đất Việt, Quân sử Việt Nam… về các thông tin đã đưa và kết cục cuối cùng chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”…

Trong vụ biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, một sự biểu thị thái độ chính trị, lòng dân cần thiết, đúng pháp luật hết sức đáng lưu ý; tin này được nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài đưa tin, thế nhưng ở trong nước thì bạn đọc lại phải tìm đọc qua các thông tin do các blogger đưa… Còn cơ quan thông tin của chính phủ thì lại đưa ra một bản tin đáng ngờ…

Tất nhiên, giới blogger hiện nay cũng còn nhiều khiếm khuyết, kém cỏi, ẩu tả trong viết bài, bày tỏ chính kiến cá nhân nhưng về cơ bản những gì họ viết để đưa ra với công chúng đều do cá nhân tự chịu trách nhiệm, còn người đọc thì đã trưởng thành. Họ gần như không tiêu tốn của xã hội một giá trị vật chất nào, những đóng góp của giới blogger chỉ có thể nói là từ tích cực trở lên, hệ lụy, phiền phức mà họ gây ra cho xã hội là rất không đáng kể… Lúc cần muốn dẹp các blogger gai góc thì chỉ cần một cú điện thoại hay một cú kích chuột là xong…

Thôi thì “không có trâu bắt mèo đi cày”, “gặp thời thế thế thời phải thế”; giới blogger VN đang phải làm nhiệm vụ chuyển tải không công: tự nguyện bù đắp những thông tin mà giới báo chí chính thống vì tôn chỉ mục đích riêng chung, vì lý do tế nhị, nhạy cảm, vì miếng cơm manh áo, vì “vào triều thì phải đi theo bước của cung phi”…đang bỏ lọt...

Do vậy, không lý do gì mà nhân ngày báo chí Việt Nam, 21/6 giới blogger cũng nên ké vào để lên tiếng, để động viên nhau hoàn thành cái sứ mệnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!!!”

Nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6, Blog Phamvietdao.net xin gửi tới các blogger lời chúc "chân cứng đá mềm"; Blog Phamvietdao.net xin trân trọng gửi tới quý vị xa gần thường hay lui tới "khu vườn chữ nghĩa" Phamvietdao.net lời cảm ơn về sự quan tâm, chia sẻ, động viên và cả sự đóng góp ý kiến, phê bình, chê trách... những cảm nhận, suy tư cá nhân chắc chắn dở nhiều hơn hay...

Xin thêm một câu khuôn sáo cuối cùng: Sự chia sẻ của quý vị là niềm hạnh phúc to lớn của chủ blog!

Phạm Viết Đào
Bài viết gửi tặng giới blogger Việt Nam nhân ngày báo chí Việt Nam 21/6…