Tư Tưởng Hồ Chí Minh Ra Đời Là Một Kỳ Tích - Phần 1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) tại Đại hội Đảng II họp tại Tuyên Quang ngày 11-19/2 năm 1951, tuyên bố với một ký giả ngoại quốc rằng: "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê. Mọi thứ đã được Marx, Lê nin và Mao nói hết cả rồi".
Nói lên sự thực là điều không tưởng trong xã hội cọng sản họa chăng sự việc tỏ rõ như ban ngày.
Thành ngữ Mỹ có câu: ”Mark my words”, hãy ghi lời tôi nói.
_____
PHẦN 1.
SỰ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.
Sự ra đời này năm 1991 là một kỳ tích lịch sử thành hình từ một người chết được ướp xác mấy chục năm trước và đảng Cọng sản Việt Nam (CSVN), người khai sinh.
Không như tại Trung Quốc, ngoài Chủ nghĩa Mác-Lê nay đã kém thế, nhường bước trước Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân, Học thuyết Hồ Cẩm Đào và Tư tưởng Tập Cận Bình, để lưu dấu ấn chính trị, mỗi nhà lãnh đạo trình bày trước Đại hội Đảng triết lý trị quốc, khẩu hiệu chính trị của mình và được Đại hội chính thức ghi vào Điều lệ Đảng.
Đầu tháng 7/1976 Đại học Huế tổ chức khoá hè chính trị triết học duy vật biện chứng, kinh tế Mác-Lê cho các giáo chức “ngụy” được lưu dụng. Học tại Trường Đại học Khoa học ở tòa nhà Morin cũ, kéo dài bốn tuần lễ, cũng gọi là thoải mái, có các giảng viên từ Hà Nội vào thuyết trình.
Các giảng viên không đề cập gì về Chủ tịch HCM.
+ Trong vòng 40 năm từ Đại hội (Đh) II, 1951 cho đến Đh VII năm 1991 (HCM qua đời năm 1969) đảng CSVN cũng chỉ nói đến kiên trì theo chủ thuyết Mác-Lê mà thôi.
+ Báo Cứu Quốc số ra ngày 1/10/1952 thì viết: “Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, học tập kinh nghiệm Trung Quốc, ra sức tiêu diệt thực dân Pháp và can thiệp Mỹ[37] –“ (Tư tưởng Mao Trạch Đông được trình bày lần đầu có hệ thống ngày 23/4/1945 tại Đại hội VII Đảng Cọng Sản Trung Quốc).
Như vậy đã có tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê, CSVN nay thêm vào tư tưởng Mao chủ tịch.
+ Bác Hồ vẫn vắng mặt dài dài, ngỡ rằng người chết là hết chuyện thì tại Đh VII năm 1991 Đảng nhận định cần sự cọng tác thây Bác để chiêu bài, trở giọng, khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Bác Hồ tuy vô tri song từ đấy tư tưởng Bác có mặt trong Cương lĩnh Đảng lên chức ngang hàng với Mác-Lê và lớn dần ảnh hưởng.
+ Ngày 27/3/2003, trước thực tế các kế hoạch đề ra đều có hiệu quả bất túc, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX lại ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW xác định bổ sung: “Tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống”.
HCM được CSVN chính thức thần thành hóa là từ đó, được tôn sùng, truy phong “cha già dân tộc kính yêu’, nhà lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa kiệt xuất… Các hành vi, nhất cử nhất động được đem ra tô lục chuốt hồng để làm gương mẫu lối sống, các ngôn từ được lau chùi đánh bóng lại, rao giảng là lời hay ý đẹp, khuôn vàng thước ngọc để dẫn chứng hành văn, biện luận, dạy đời. Nhất là các tư tưởng phổ thông, đông như chợ Tết được sơn son thếp vàng để làm kim chỉ nam hướng dẫn hành động.
Song năm 1991 lãnh đạo CSVN lấy các của báu này từ đâu ra? Đảng có phép mầu, biến không thành có hay đây chỉ là một màn ảo thuật, cú đánh lừa vĩ đại của Đảng?
Cựu Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Liên xô Mikhail Gorbachev (1985-1991) từ trần ngày 30/8/2022 tại Moskva ở tuổi 91, đã phát biểu cay đắng:
"Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá."
Mọi việc, “có tích mới dịch nên tuồng”. Năm 1991 chế độ cọng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu lần lượt bị sụp đổ. Chủ nghĩa Mác-Lê bị vứt sọt rác kịp thời vì được thẩm xét là một tà đạo cực kỳ độc hại làm con người biến tính, như sống trong ảo ảnh quyền lực và tham vọng, mất lương tri, biến thành ác thú ngạ quỷ. Nếu tiếp tục tiếp cận lâu ngày, độc chất thấm vào xương tủy khiến người tu luyện mất khả năng phục hồi nhân tính “nhân chi sơ tính bổn thiện”.
CSVN kéo HCM từ lăng mộ ra - người chết không thể cãi lại - nhét đầy vào miệng ông cái gọi là những tư tưởng HCM để đắp vá các lỗ thủng chính nghĩa? bị sứt mẻ. Tuy nhiên HCM làm gì có tư tưởng! đó chỉ là một mớ nguyên tắc trị nước phổ quát.
___
Chủ Tịch HCM: Tiếng Sét Ái Tình Về Tư Tưởng.
Ngày 16 và 17/7/1920 tại Paris, Pháp trên báo Nhân Đạo, Bác Hồ đọc Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lenin. Như bị tiếng sét ái tình Bác mừng rỡ, rơi lệ và thốt lên: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Ở Pháp bị từ chối học trường Thuộc địa tháng 9/1911, theo định hướng tình cảm mới, năm 1923-1924, Bác bí mật sang Liên Xô và được nhận vào học tại trường Đại học Lao Động Phương Đông trực thuộc Quốc tế Cộng sản (QTCS) có trụ sở đặt tại Moskva. Học về lý luận chính trị chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng vô sản và khởi nghĩa vũ trang. Bác được chỉ định là Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam.
HCM là người Việt Nam đầu tiên đến với QTCS. Ông lớn tuổi cả con giáp hoặc nhiều hơn so với bốn Tổng bí thư (TBT) đầu tiên của Đảng, đều chết sớm, từ 27 đến 40 tuổi.
Trần Phú (1904-1931), TBT đầu tiên, tác giả Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương và Hà Huy Tập (1902-1941), TBT thứ 3 là hai Tổng bí thư có học vấn đàng hoàng, xuất sắc đỗ đầu và ưu hạng bằng Thành chung (Diplôme) xưa tại Huế lúc tuổi 17, 18 còn rất trẻ.
Được đào tạo tại gốc, Chủ tịch HCM tận trung với chủ thuyết Mác-Lê. Câu Bác nói: "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê” đồng nghĩa với “Tư tưởng của tôi trùng lặp với tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê” cọng với “Tôi không xây dựng tư tưởng gì thêm”. Hơn 20 năm sau ngày Bác mất, CSVN làm trái ý Bác, thêu dệt những lời nịnh bợ đùn đẩy cho Bác khiến Bác, người dưới mộ cũng đau lòng, chịu tiếng xấu là kẻ chết còn nói một đằng, làm một nẻo.
CSVN dày công sưu tập bút tích của Bác? thời hải ngoại. HCM viết, lên án chế độ đế quốc, thực dân, tàn bạo, bóc lột, cổ xúy giải phóng dân tộc. Bác dùng nhiều bút hiệu, luôn thay đổi, CSVN cố đếm được trên 170, song không bút hiệu nào trụ được lâu dài vì không có bài viết nổi danh.
Trong nước thì CSVN gán cho Chủ tịch HCM những danh ngôn xưa cũ.
+ Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. (Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân - Quản Trọng).
+ Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. ”Ấu học ngũ ngôn thi”.
+ Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. (Thanh Tịnh).
+ Lương y như từ mẫu (mẹ hiền) - Thành ngữ - Tục ngữ Việt Nam.
+ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”song Hạnh phúc, Dân chủ, Nhân quyền … đều quý hơn.
CSVN giải thích, bàn rộng, thêm thắt vào các lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước lúc tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, kêu gọi đoàn kết chống giặc, động viên sản xuất. Với cán bộ thì cần kiệm liêm chính; với y giới thì lương y như từ mẫu, với thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, cao niên, cả nước rèn luyện tập thể dục; đồng bào thiểu số như anh em ruột thịt, được quan tâm; đồng bào miền Nam được dành trọn tinh cảm sâu đậm nhất… là các phát biểu thông thường do các phụ tá soạn thảo và gọi đó là những tư tưởng vĩ đại của Bác dựa theo chủ thuyết Mác-Lê.
Thực chất đó là những phương án, chính sách bài bản, mang tính sáo ngữ mô tả việc làm của bất cứ một vị nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới.
HCM đã vận dụng những lý thuyết học ở trường Lao động thuộc QTCS năm 1924 vào thực tiễn Việt Nam. Việc này tiến hành rất thuận lợi vì trong nước đang có chiến tranh với Pháp, Mỹ, chẳng ai dám lên tiếng chống đối để rước họa chôn sống, trôi sông. Do đó đã có những chiến dịch kinh hoàng cải cách ruộng đất, thành lập hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp, chế độ bao cấp tem phiếu, giải phóng miền Nam… dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, đánh sập tư sản, đổi tiền, kinh tế mới...
Chủ tịch HCM hô hào giữ nếp sống đạo đức, song không là đạo đức theo nghĩa truyền thống là làm người tử tế, mà hiểu là trung với Đảng, xây dựng Đảng… là đạo đức cách mạng.
Sách Luận ngữ có câu “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ“, có nghĩa ‘học rồi thực hành theo lại chẳng vui sướng sao’. Bác Hồ đã làm rất tốt, ‘học Mác-Lê đi theo với hành’. Tuy vậy Bác chỉ là một học viên trả bài đúng sách vở, đạt chỉ tiêu. Bác không đưa ra được gì mới mẻ, khác biệt Mác-Lê.
Chủ tịch HCM không phải là một nhà tư tưởng.
Ngay từ năm 1927, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
--Một câu nói của HCM hứa chắc?: ”Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Chớ vội mừng. Đuổi chính phủ thì ích lợi gì! Đảng vẫn còn đó chỉ đạo, vững như bàn thạch!
--Và câu nói hớ hênh bộp chộp đáng tiếc: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân…” Nên nhớ tội bất trung là tử tội, liên lụy gia đình, xưa ba họ, bất hiếu chỉ bị đời chê cười. Câu nói bốc đồng? này của HCM khen tặng dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22-12-1964 đã vô hình trung khinh thường đẩy người ‘dân’ xuống vị trí thứ yếu, kém xa Đảng, nay CSVN cố sửa chữa.
Tuy nhiên “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”.
Quan điểm của Chủ tịch HCM về nhiệm vụ của Quân đội dường như sai lệch. Trong bài Quốc ca “Tiến Quân Ca” được HCM phê chuẩn năm 1945 có những câu: “Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phất phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan”. Song quân đội chỉ cầm súng đuổi giặc xâm lăng, chẳng nhận vơ dắt ai, chẳng xây đời mới, đập tan gông xích gì. Đó là nhiệm vụ của các nhà cách mạng lãnh đạo chính trị.
Quân đội đứng lên đập tan xiềng xích như trong bài quốc ca thì có nghĩa là làm đảo chánh, lật đổ chính quyền độc tài, tàn bạo, thối nát, tham nhũng….
Với chính sách Đảng kiểm soát chặt chẽ, quân đội mặc nhiên trung thành, bất cần văn bản. Nói chung CSVN buộc mọi sinh vật sống chen chúc trên đất nước đều trung với Đảng, lấy chữ ‘Trung’ làm đầu. “Ăn cơm chúa (Bác, Đảng), múa tối ngày” là thế. Cũng là trường hợp “mượn đầu heo nấu cháo” tài tình. Đầu heo đây là danh nghĩa và tài sản của nhân dân.
`Dân` là phải đặt trên hết. Tư tưởng “dân làm chủ” thì vua Bảo Đại đã nói đến lúc thoái vị: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” năm 1945 nhắc lại lời của Mạnh Tử thời xưa. Dân=con người là quý, xã tắc=đất nước đứng thứ nhì, quân=vua, là giới lãnh đạo, là nhẹ.
_____
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Ra Đời Là Một Kỳ Tích - Phần 2.
Một lời nói dối thường xuyên đủ lâu sẽ trở thành sự thật – V. LENIN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (HCM) tại Đại hội Đảng II họp tại Tuyên Quang tháng 2 năm 1951, tuyên bố với một ký giả ngoại quốc rằng: "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê. Mọi thứ đã được Marx, Lê nin và Mao nói hết cả rồi".
Nói lên sự thực là điều không tưởng trong xã hội cọng sản họa chăng sự việc rõ như ban ngày.
Thành ngữ Mỹ có câu: ”Mark my words”, hãy ghi lời tôi nói.
_______
PHẦN 2.
I) TƯ TƯỞNG CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ QUA CÁC DANH NGÔN.
HCM không viết luận văn, luận thuyết. Các lãnh đạo cọng sản: Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông ngược lại trước tác nhiều công trình đồ sộ về các chủ đề này. Họ là những nhà tư tưởng lớn, độc đáo. Có sự cách biệt rõ giữa họ và Chủ tịch HCM.
Họ có những câu nói nổi bật thâm thúy, làm ta phải suy gẫm cho dù không đồng ý.
Các câu nói bất hủ này giúp mọi người hiểu rõ cụ thể bản chất tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lê.
+ K. Marx (1818-1883) + Người vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích. Người lao động tại mọi quốc gia, hãy đoàn kết! + Ý nghĩa của nghĩa hòa bình là không còn sự chống đối chủ nghĩa xã hội.
+ V. Lenin (1870-1924) . Một số danh ngôn của ông là: + Đúng là tự do là một thứ gì đó quý giá, quý giá đến mức nó phải được phân bổ cẩn thận. + Đã có nhà nước thì không thể có tự do, mà khi có tự do thì sẽ không có nhà nước + Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng. + Ngoại trừ sức mạnh, mọi thứ đều là ảo ảnh. + Nhà nước là vũ khí đàn áp của giai cấp này so với giai cấp khác. + Chuyên chính vô sản là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào. + Đừng sợ thừa nhận thất bại. Hãy học từ thất bại. + Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ. + Một lời nói dối thường xuyên đủ lâu trở thành sự thật. + Trong chính trị không có đạo đức mà chỉ có thủ đoạn.Một thằng du côn cũng có thể có giá trị cho chúng ta chỉ vì nó là thằng du côn.
+ J. Stalin (1878-1953) có rất nhiều danh ngôn được quốc tế dẫn chứng. Một số trong 50 câu hay nhất là: + Cái chết là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Không còn người nào thì không có vấn đề. + Cái chết của một người là một bi kịch. Cái chết của hàng triệu người là một con số thống kê. + Trong quân đội Liên xô cần nhiều dũng khí để rút lui hơn là để tiến lên. + Những người bỏ phiếu chẳng quyết định được gì. Những người kiểm phiếu quyết định tất cả. + Truyền thông, in ấn là vũ khí lợi hại nhất của đảng cọng sản. + Giáo dục là một vũ khí mà tác dụng của nó phụ thuộc vào việc ai cầm nó trong tay và nhắm vào ai. + Khi chúng tôi treo cổ các nhà tư bản, họ sẽ bán cho chúng tôi sợi dây mà chúng tôi sử dụng. + Tôi không tin tưởng ai, kể cả bản thân tôi. + Lòng biết ơn là một căn bệnh của loài chó mắc phải. + Giáo hoàng? Anh ta đã có bao nhiêu sư đoàn? + Bạn không thể thực hiện một cuộc cách mạng với găng tay lụa. + Chúng ta không có thì giờ để chơi trò “đối lập” ở những hội nghị. Chúng ta sẽ cho những kẻ đối lập chúng ta ngồi tù dù chúng công khai đối lập hay ẩn náu dưới danh nghĩa người ngoài đảng. + Quyền lực chính đáng duy nhất đến từ khẩu súng. + Ý tưởng còn lợi hại hơn cả súng đạn. Chúng ta không cho nhân dân sở hữu súng, tại sao chúng ta lại cho phép họ sở hữu ý tưởng?
Stalin có thể sánh với Tào Tháo thời Tam Quốc. Tào Tháo có những câu nói để đời: + Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ đừng để người trong thiên hạ phụ ta.+ Kẻ nhận sai chẳng khác nào nói mình nhu nhược - Biết sai sửa sai, nhưng không bao giờ nhận mình sai.
+ Mao Trạch Đông (1893-1976) Một số danh ngôn là: + Họng súng đẻ ra chính quyền. + Chính trị là chiến tranh không đổ máu, trong khi chiến tranh là chính trị có đổ máu. + Giới trí thức là thành phần ngu dốt nhất trong xã hội (giá trị không bằng cục phân, vì cục phân còn hữu dụng). Những người văn minh nhất là những người mù chữ. + Những gì có thể tưởng tượng được là có thể thực hiện được. + Tần Thuỷ Hoàng là cái thá gì? Ông ta chỉ chặt đầu 460 nho sĩ. Chúng ta đã chặt đầu 460.000 trí thức. + Kẻ thù sẽ không tự biến mất. + Nghèo đói thúc đẩy sự thay đổi, hành động, cách mạng. + Chủ nghĩa đế quốc và tất cả bọn phản động đều là những con hổ giấy. + Chúng tôi đang tự lực cánh sinh. Chúng ta mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng chúng ta không nên làm cho mình phụ thuộc vào nó.
+ HCM (1890-1969) tại đại hội 2 năm 1951 đã có danh ngôn: "Ai đó có thể sai, chứ đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông thì không thể sai được",bày tỏ sự đồng tình tuyêt đối. (Lenin mất từ lâu).
II) ĐẠO ĐỨC VÀ PHONG CÁCH CHỦ TỊCH HCM.
1) Về đạo đức Chủ tịch HCM có mặt tốt, mặt xấu.
CSVN sao lục ra được hàng trăm câu chuyện ‘tam sao thất bổn’, đúng sai nhiều ít chưa rõ, thể hiện lòng nhân và bình dị trong lối sống của Bác về ăn uống, phục sức, giải trí… đến mức tiết kiệm trở nên tằn tiện bất thường. Hằng ngày lúc rảnh Bác tập bóp 2 cục đá cầm tay, khoe là đá đem từ bên Pháp về, không nói lý do. Chắc là nặng vừa tay. Nếu đúng vậy thì thật là lẩn thẩn!
Thực ra bác Hồ dạy sống đạo đức là ‘Trung với Đảng…’, là đạo đức cách mạng.
Tuy vậy CS lại không hở môi về các mặt tiêu cực. HCM ghiền thuốc nặng và chỉ hút thuốc lá ngoại thương hiệu đắt tiền, rất thích món vịt Bắc Kinh và có chuyên cơ chở từ Bắc Kinh về Hà Nội. Hàng năm hoặc cách năm Bác lại sang Tàu cả tháng, nghỉ mát, vui vẻ, có khi nói để dưỡng bịnh.
Ngôi Nhà sàn Bác ở thì siêu cấp, toàn làm bằng gỗ quý, mái ngói, phòng ốc bóng lộn, trang bị đầy đủ, lắm lúc làm nơi Bác họp Bộ Chính trị.
Chưa kể cuộc đời tình ái của Chủ tịch HCM được che dấu kỹ và trách nhiệm trong chiến dỊch Cải cách ruộng đất đẫm máu 1954-1956 tại miền Bắc và thảm sát Mậu Thân, Huế 1968.
2) Phong cách là cung cách hành xử và ngôn từ bộc lộ bản chất của con người.
Rất khó đánh giá phong cách một cá nhân vì thiên hạ có những ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, kẻ đại gian mang vỏ thánh hiền, khéo che dấu.
Năm 1945, đối với Chủ tịch HCM tân chủ tịch nước, gốc gác xa lạ thì nhiều người và tôi kính trọng, về tình cảm thì xen lẫn, nửa thích nửa không và các điều này thay đổi với thời gian.
Nay thì sự đánh giá của tôi là dứt khoát. Ông bà linh thiêng xui khiến, chính chủ tịch HCM tạo cơ hội này qua “Cuộc phỏng vấn định mệnh của Chủ tịch HCM”, năm 1966 minh họa câu tục ngữ Pháp: “À l’œuvre on connaît l’artisan” có nghĩa “động tay mới biết nghệ nhân”, (at work we know the craftsman).
Câu chuyện như sau: Năm 1966 Chủ tịch HCM chấp thuận ông Suzuki Toshiichi, phóng viên thông tin hãng thông tấn truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) phỏng vấn trực tiếp quay phim màu. Nội dung phỏng vấn được gửi đến trước, về chuyển biến cuộc chiến, ý đồ Mỹ mở rộng chiến tranh, sự quan tâm của thế giới. Đoạn phim này không được phổ biến cho đến mãi gần đây, hơn 50 năm qua, hãng phim truyền hình TP HCM, (HCM City Television Film Studios), sử dụng bản quyền của hãng NDN, cho phát hình lại, tại kênh HTV9. (https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI).
Cuộc phỏng vấn kéo dài 11 phút. Ông Suzuki dùng khoảng 1 phút rưỡi để lần lượt nêu 4 câu hỏi ngắn, đơn giản về thời cuộc, được phiên dịch ra tiếng Việt. Diễn tiến ngộ nghĩnh bất ngờ:
Suzuki hỏi xong câu đầu thì Chủ tịch HCM vội lấy kính đeo vào mắt, nhìn xuống tập giấy cầm tay đặt trên bàn, nhặt lên, chỉnh gọng kính và đọc đúng ngay câu cần trả lời bằng tiếng Việt được soạn sẵn.
Suzuki hỏi câu tiếp, HCM lại đeo kính vào, cầm giấy đọc thêm như trước cứ thế cho đến hết 4 câu phỏng vấn rất chóng qua. Nhiều nơi Bác đọc sai, ngắc ngứ.
Phóng viên Nhật thì nhìn thẳng vào Bác và đặt câu hỏi nên ngôn từ câu văn có thay đổi.
1) Chủ tịch HCM tiếp phóng viên Suzuki Toshiichi của hãng thông tấn Nhật Bản NDN (1966).
2) Bác trả lời mỗi câu phỏng vấn bằng cách đọc trên tập giấy cầm tay. Đài HTV9.
CSVN nhất mực bào chữa bác Hồ đã già, về già ai cũng vậy. Bác chấp thuận phỏng vấn đã là quý. Tuy nhiên Di chúc HCM 1969 thì viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”
_____
III) LỜI KẾT.
ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) tại Quốc hội hôm 2/11/2022 đã đứng lên phát biểu, biện luận dài khoảng 5-7 phút: “Thảo luận là tranh biện, không phải cầm giấy đọc ê a”. (trithucvn.org). Các ĐBQH vận động tranh cử thì cũng phải thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình, trả lời các câu hỏi.
Phỏng vấn cũng là một hình thức thảo luận, không thể cầm giấy đọc, học tập Bác.
Điển hình là phỏng vấn xin việc. Viết tường thuật, phóng sự… thường phỏng vấn đột xuất.
Trên thế gian tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, HCM là vị nguyên thủ quốc gia mà cũng là người phàm trần duy nhất, khi được hỏi phỏng vấn, thay vì trao đổi trực tiếp, đã cầm giấy để đọc lên những câu trả lời được chép sẵn, tưởng đâu là nhà tiên tri, biết trước người ta sẽ hỏi gì.
Đây là dịp tốt để nhân dân phán xét dứt khoát tài trí, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.
Điều này liên quan đến 1) bản lĩnh người trong cuộc và 2) tác động của ĐCSVN.
1) Bản lĩnh người trong cuộc.
Hình ảnh diễn tiến cuộc phỏng vấn rất phản cảm, nhất là đối với một vĩ nhân văn hóa, chủ tịch nước. Song không thể đòi hỏi hơn. Nghĩ lại, học vấn chính qui của HCM về văn hóa chỉ ngang cấp tiểu học, về chính trị thì sơ bộ tại trường Lao động Đông phương của QTCS, sở tri còn hạn hẹp.
Chân giá trị của Bác được thể hiện trung thực: Bác là bác Hồ có lúc được khen ngợi là thấy sống tằn tiện chứ không phải là vĩ nhân văn hóa, trí tuệ siêu phàm, thần thánh phương nào cả.
Học tập tôn thờ thì đó là “bark up the wrong tree”, sủa nhầm cây, “bé cái nhầm”.
Danh ngôn Hán Việt có câu “Miệng chó không thể mọc ngà voi”, (Cẩu khẩu nan sinh xuất tượng ngà). Thấy Bác nói tiếng Việt ngắc ngứ tưởng như Bác là người nước ngoài?
Tại sao Bác hớ hênh không chỉ thị trả lời phỏng vấn trên công văn như thường lệ! Có thể nào vì phỏng vấn có quay phim màu lần đầu tiên, sự cám dỗ khiến Chủ tịch HCM vô tình buông bỏ cảnh giác, hạ thấp tư cách! Các phụ tá của Bác lại không có lời trình bày ngăn cản! Đáng tiếc buổi phỏng vấn định mệnh này làm hoen ố hình ảnh quốc gia.
2) Tác động của ĐCSVN.
V. Lenin đã nói: “Một lời nói dối thường xuyên đủ lâu sẽ biến thành sự thực”.
ĐCSVN xưng tụng không ngừng Bác là vị lãnh tụ vĩ đại tài trí vẹn toàn, đại nhân đại nghĩa, thượng vàng hạ cám như sau: Chủ tịch HCM là nhà văn hóa kiệt xuất trên thế giới, thông thạo 29 ngoại ngữ chưa kể ngôn ngữ của các đồng bào thiểu số, sở hữu 170+ bút danh, bí danh. Bác làm thơ Nôm, Hán.
Bài Thái Cực Quyền đệ tử căn cơ xuất sắc học trong 10 ngày thì HCM học xong sau 3 hôm.
Đi công tác qua những suối lớn không lội được, mọi người chuẩn bị mảng cho Bác qua thì Bác cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua suối. Bác đi bộ, leo núi rất nhanh, nhiều khi các đồng chí cận vệ cứ phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp. Bác chơi bóng chuyền rất hoạt bát v.v…
Đạo đức gương mẫu của Bác bao gồm lối sống tằn tiện, suốt năm Bác đi đôi dép cao su, đứt quai buộc lại, mặc luôn chiếc áo rách đâu thì vá đấy, quạt giấy cầm tay gảy mấy nan tre cũng dán băng keo lại v.v… hạn chế sự tiêu dùng cho dù làm phương hại nền công nghiệp, nhất là trong thời chiến, đình trệ sản xuất, gây nạn thất nghiệp trong thời bình.
Chuyện Bác CSVN kể dài dòng nghe cứ như thật, như trong ’Ngàn Một Đêm Lẻ’, ngẩn cả người.
Những lời xưng tụng ca ngợi đến tận mây xanh bất kể thực hư đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người Việt.
Điều này mãi mãi là đúng cho đến ngày một thực tế đột nhiên xuất hiện như một ánh chớp phơi bày sự thật phũ phàng: “Đầu voi đuôi chuột. Trăm voi không được bát nước xáo”.
”Cuộc phỏng vấn định mệnh” đã phơi bày sự bất tài lố bịch của một thần tượng “Cửu ngưu nhất mao”. Uổng công CSVN “xây lâu đài trên bãi cát”.
Như đã biết rõ về tư tưởng thì Bác chỉ có tư tưởng Mác-Lê chí cương và bá đạo mà Bác là đệ tử kiên cường: "Ai đó có thể sai, chứ đồng chí Stalin và Mao Trạch Đông thì không thể sai được".
Về đạo đức và phong cách thì HCM không dám nhận là hoàn hảo, chỉ nhì nhằng.
“Có thực mới vực được đạo”, CSVN buộc toàn đảng, toàn dân thi đua học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM, kết quả phản tác dụng.
Cụ thể Bác dặn dò “lương y phải như từ mẫu” thì bệnh nhân vào bệnh viện là bị chặt chém, bộ Y tế cung cấp thuốc giả; cán bộ “công minh liêm chính” thì bộ giáo dục bán sách giáo khoa đắt gấp 2 – 3 lần; bộ ngoại giao thì trục lợi giá vé khoảng 2.000 chuyến bay giải cứu công dân về nước do đại dịch Covid19; bộ Quốc phòng ngày 18/4/2022 cho biết vừa bắt giam 5 tướng lĩnh, bao gồm cựu Tư lệnh Cảnh sát Biển, và 2 sĩ quan cấp tá của lực lượng này với cáo buộc “Tham ô tài sản”... Trong nước bạo lực lãnh đạo, tham nhũng lên ngôi, giả dối ngự trị, phong cách quan liêu, đạo đức suy đồi, tình trạng ngày càng lâm vào bế tắc.
J. Stalin đã có một câu nói bất hủ được bình luận rất nhiều: “Sự biết ơn là một căn bệnh của loài chó mắc phải” (Gratitude is a sickness suffered by dogs). Cho trước đó ai đó là ân nhân? song phạm sai lầm thì vẫn bị chống đối đến cùng, đi đến loại bỏ.
Hôm chủ nhật 24/10/2022 là buổi họp cuối cùng của Đại hội 20 của đảng Cọng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh. Cựu Tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước tiền nhiệm (2003-2013) Hồ Cẩm Đào đang giữa buổi họp, ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, là người mà ông chọn để kế nhiệm trước đó, thì bị 2 viên chức đến nâng dậy trái với ý muốn, và hộ tống ra khỏi buổi họp.
Tại đại hội 20 của Đảng CS Trung Quốc, như thông lệ không trưng bày ảnh hoặc tượng bán thân của bất kỳ nhân vật nào, chỉ quốc kỳ và biểu tượng búa liềm.
Ở các đại hội Đảng CSVN có đầy đủ: Marx, Lenin, Chủ tịch HCM và búa liềm.
-----------
LỜI BÀN BỔ SUNG:
V. Lenin đã khẳng định: “Trong chính trị không có đạo đức mà chỉ có thủ đoạn”.
Ở Trung Quốc có tư tưởng Mao Chủ tịch từ năm 1945 – ông mất năm 1976 - song đạo đức, phong cách của lãnh tụ thì không nghe ở đâu nói đến, (ngoại trừ độc nhất ở Việt Nam). Tư tưởng Mao Chủ tịch đậm màu chính trị cũng không buộc phải học tập vì bàn đến chính trị là đại cấm kỵ đối với người dân.
Giảng dạy đạo đức, phong cách chắc chắn không phải là công việc của một chính phủ dân cử.
Đúng vậy nhân dân bầu ra nhà nước, chính quyền là để quản lý đất nước sao cho dân giàu nước mạnh chứ không phải để ngày ngày mất công tổn sức nghe thuyết giảng luân lý, đức hạnh tràng giang đại hải với các minh họa thí dụ nhạt nhẽo, giả tạo vụn vặt để lấy số lượng và luôn bắt đầu bằng câu: “Tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng…”
Nhiệm vụ ‘kinh bang tế thế’ khiến dân giàu nước mạnh cần được làm thật tốt.
Chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ qua. Hiện tại trong nước có gia đình bươn chải đủ ăn, có gia đình dư tiền của để mua nhà, đất, quốc tịch nước ngoài, cũng gọi là mặt tích cực song rủi thay lại có những gia đình còn phải hàng ngày bới tìm kiếm ăn trên các đống rác. Người dân Việt Nam xuất khẩu lao động đông đảo ở nước ngoài thì bị khinh khi ra mặt, bị đối xử tất cả như những nô dịch lao công và nô dịch tình dục cho một số phái nữ nhan sắc.
Ngày 23/10/2019 tại Essex, Anh Quốc, 39 lao động người Việt đa số gốc Nghệ An, Hà Tĩnh di dân lậu đã chết ngạt trong thùng container đông lạnh của xe tải (tuoitre.vn).
Tháng 8/2022 tại Campuchia, 42 lao động Việt Nam liều chết bơi qua sông Bình Di, tỉnh An Giang để trốn thoát về nước. Một người bị bắt trở lại, một người mất tích (VTV.vn).
Ngày 22 tháng 10/2022 bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận một nhóm 100 công dân Việt Nam đi du lịch qua Gangwon, Hàn Quốc trong một chương trình thử nghiệm miễn Visa với thời gian lưu tối tối đa 15 ngày đã bỏ trốn và được xem là mất tích. Chương trình miễn Visa tạm đình chỉ. (VTV.vn).
Đó chưa phải là ích quốc lợi dân, thế mạnh dân tộc, mà thực sự là một quốc nhục.
Ấy thế mà chỉ độc nhất ở nước Việt Nam CNXH toàn đảng… toàn dân đã phải học tập tư tưởng và nhất là đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu!
Nhưng chắc rằng họ cũng chẳng học được gì từ lãnh đạo cầm giấy đọc để trả lời phỏng vấn.
Lê Bá Vận.