Saturday, September 18, 2021

Quan chức có nên sở hữu nhà to?

 

TTO - Từ câu chuyện giám đốc Sở TN-MT Yên Bái sở hữu biệt thử "khủng", Tuổi Trẻ ghi nhận các góc nhìn khác nhau sau đây về chuyện nhiều quan chức có tài sản “khủng”.


Câu chuyện quan chức ở nhà biệt thự to, đi xe sang, đeo đồng hồ xịn... luôn đặt người dân trước những câu hỏi nghi vấn về nguồn gốc tài sản mà quan chức đó có được. Xã hội nhìn nhận về việc đó như thế nào? 

* Ông LÊ THANH VÂN (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):

Quan chức có văn hóa sẽ không sống xa hoa

Có những quan chức xây biệt phủ lộng lẫy, chi xài xa hoa, con cái đi học nước ngoài, vợ thì không có việc làm hoặc cũng chỉ là công chức trong bộ máy. Những trường hợp như vậy thì dân không bức xúc, không hoài nghi mới là lạ.

Đã là quan chức có văn hóa, có nhận thức thì sẽ không chọn lối sống xa hoa, kệch cỡm, phô trương, hoành tráng, đặc biệt là lối sống đối lập với đa số đồng bào còn nghèo. Nếu anh là doanh nhân giàu có xây cái biệt phủ giữa một tỉnh miền núi nghèo thì có lẽ sự phản cảm là không lớn.

Nhưng một khi anh là quan chức trong bộ máy, những người được coi là công bộc, là đầy tớ của dân, mà anh xây cái biệt phủ trị giá cả chục tỉ đồng, trong khuôn viên hàng chục hecta, giữa một địa phương còn nhiều người dân nghèo, thiếu đất sản xuất, không có nhà ở thì đó là việc hết sức phản cảm.


* Ông LÊ NAM (đại biểu Quốc hội khóa XIII):

Mấu chốt vẫn là vấn đề minh bạch tài sản

Chuyện biệt phủ ở Yên Bái không phải là chuyện cá biệt, cũng không phải lần đầu tiên xảy ra bởi trước đó cũng đã xôn xao ở nơi này nơi khác. Với quy định của pháp luật, cơ chế quản lý, điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay thì rất khó kiểm soát được tài sản của quan chức.

Mấu chốt nhất vẫn là vấn đề công khai, minh bạch tài sản. Bao nhiêu người đã nói, viết về việc này, nhiều hội thảo được tổ chức, Luật phòng chống tham nhũng đã được đặt lên bàn để đề nghị sửa đổi, bổ sung. Tôi thấy đến nay vấn đề đã được nhận diện đầy đủ, quan trọng là có làm hay không và làm đến đâu mà thôi.


* Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (chuyên gia chính sách công):

Có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho quan chức

Trong một xã hội bình thường và một hệ thống nhà nước minh bạch, khi đất nước phát triển, nền kinh tế đi lên, chuyện quan chức có đời sống khá giả, có nhà cửa, xe cộ là điều đáng mừng. Nhưng ở Việt Nam, khi nguồn gốc tài sản của quan chức không được công khai, chuyện quan chức ở nhà to, đi xe sang trở thành sự phản cảm.

Nói cách khác, thu nhập chính thức từ hoạt động công vụ không thể giúp quan chức có đủ tiền để xây nhà to, mua xe đẹp được.

Một nghịch lý: những người làm tốt công việc trong khu vực công, tại sao không trả thu nhập xứng đáng để họ có thể có mức sống không quá giàu có nhưng khá giả? Khu vực công vì vậy không thể giữ được người tài.

Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, việc có một cơ chế đãi ngộ tốt, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức là điều phải làm. Quan chức - những người có tài, được đãi ngộ xứng đáng, có thể hưởng thụ thành quả lao động của mình mà không bị dị nghị.


* Ông NGUYỄN ĐĂNG DIỆP (người dân quận Tân Bình, TP.HCM):

Đừng trách người dân mất niềm tin

Nói người dân định kiến với sự giàu có của quan chức là phiến diện. Không phải người dân không biết để mà vơ đũa cả nắm. Nếu quan chức giàu có do tự thân làm ăn, kinh doanh, đồng tiền thu nhập chính đáng, khi đó anh có sắm sửa xe cộ, xây nhà to người dân đâu có trách.

Nhưng thử hỏi, trong khi đất nước còn nghèo, có những quan chức trước đây rất nghèo, khi có chút chức quyền ngay lập tức có nhà cao cửa rộng, xe sang... Hay người nhà các quan chức không thấy làm ăn gì cũng giàu nứt đất nẻ đai, bảo sao dân tin được?

Hiện nay chủ trương Đảng, Chính phủ về kê khai tài sản có rồi, các quan chức cứ minh bạch, thực hiện cho tốt chính sách kê khai tài sản.

Cứ công khai cho người dân rõ nguồn gốc tài sản. Nếu đúng là của ông cha để lại hay do làm ăn giỏi, cũng cho người dân biết. Chứ không rõ ràng như hiện nay đừng trách người dân mất niềm tin, lên án khi anh ở nhà lầu, đi xe hơi.

Ở Canada quan chức hiếm người giàu

Ở Canada, khi ra ứng cử, tất cả quan chức đều khai báo tài sản đã có trước. Thu nhập hiện tại bao gồm những gì. Nếu có doanh nghiệp riêng cũng phải khai. Ngoài ra, thu nhập của quan chức đều được khai thuế công khai từng năm. Những khoản tiền gửi ngân hàng từ 10.000 USD trở lên phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Toàn bộ kê khai đó đều được đưa lên hệ thống Internet để người dân tự do theo dõi. Cho nên người dân dễ dàng giám sát tài sản của quan chức. Trong cơ chế công khai, có sự giám sát chặt như vậy, quan chức rất khó làm bậy.

Điều đáng nói, quan chức ở Canada thường ít người giàu, vì mức lương của họ thấp hơn các nghề khác.

Lấy ví dụ lương của thủ tướng Canada hiện khoảng 150.000 USD/năm, trong khi lương của một bác sĩ ở Canada khoảng 300.000 USD/năm. Do vậy chỉ có những quan chức có tiền trước khi làm chính trị mới giàu.

Tất nhiên cũng có những vụ quan chức nhận hối lộ bị báo chí phanh phui nhưng rất hiếm. Và khi bị báo chí phanh phui, quan chức đó đều bị phạt tù.

Ông N.V.H. (Việt kiều Canada)

TS Nguyễn Sĩ Dũng

* TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Minh bạch tài sản cho công chúng giám sát

Trong hệ thống chế độ chính sách, lương bổng của Việt Nam hiện nay, việc quan chức xây nhà cao cửa rộng, sắm xe sang... sẽ rất khó giải trình với người dân. Khó lòng thuyết phục và chắc chắn công chúng không có thiện cảm.

Để minh bạch được tài chính quan chức và thay đổi cách nhìn nhận của công chúng đối với sự giàu có của quan chức, thứ nhất là phải chống được tham nhũng, sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình.

Khi có quyền lực, chức tước đem lại những cơ hội rất lớn. Quan chức rất dễ lợi dụng vị thế đó để giàu có. Chính vì vậy đầu tiên phải chống được tham nhũng.

Thứ hai, phải chống được thân hữu, sử dụng quyền lực công vào lợi ích tư. Như vậy quan chức cần kê khai, công khai tài sản của gia đình trước khi nhậm chức ra để công chúng có điều kiện theo dõi, giám sát. Nếu giàu có cũng cho công chúng biết ngay từ đầu, không phải nhậm chức xong mới giàu.

Chẳng hạn người thân làm kinh tế giỏi cũng là một nguồn thu có thể giải trình được với xã hội. Tất nhiên người thân đó phải làm kinh tế ở ngành quan chức không phụ trách, không sử dụng quan hệ của quan chức.

Khi công khai, minh bạch như vậy quan chức tự tin khẳng định người thân của mình tài giỏi thật, chứ không phải “núp bóng” quan chức để làm giàu.

Thứ ba, phải cho báo chí quyền giám sát nhiều hơn nữa. Rõ ràng những gì được phanh phui về tài sản của quan chức thời gian vừa qua đều do báo chí giám sát.

Cuối cùng, phải áp đặt những cơ chế để quan chức phụ thuộc vào sự tín nhiệm của dân để quan chức giữ được chức. Trường hợp nào có thể bầu cử trực tiếp được thì bầu cử trực tiếp.

Trường hợp nào thăm dò dư luận xã hội được nên thăm dò, xem đó như là một nguồn thông tin, thước đo để xem xét, cân nhắc, đề đạt quan chức... Sự tín nhiệm này rất quan trọng, buộc lòng quan chức phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, sự trong sạch của mình.

Họ đã nói...

- Năm 2014: Trả lời báo chí về nguồn gốc dinh thự ở ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, cựu tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói một phần là tiền của tích cóp của gia đình, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch... “Tôi lao động đến thối cả móng tay...” - ông nói.

- Tháng 4-2017: Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nói nguồn gốc biệt thự 2 tầng trái phép trên đất nông nghiệp là công sức của hai vợ chồng, ông thời trẻ thường “chạy xe ôm ngoài giờ làm thâu đêm”.

- Tháng 5-2017: Về 6 căn biệt thự của các quan chức tỉnh Lào Cai trên khu đất “kim cương”, ông Vương Trinh Quốc - chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai - khẳng định những lô đất “được đấu giá theo đúng trình tự và đầy đủ thủ tục.

- Ngày 30-6-2017: Ông Phạm Sĩ Quý - giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, em trai Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà - nói biệt phủ và tài sản “khủng” của ông là do vay 20 tỉ đồng và tích cóp từ thời thanh niên “đi mua chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu...”.


https://tuoitre.vn/quan-chuc-co-nen-so-huu-nha-to-1341922.htm

No comments:

Post a Comment