* Bài viết được đăng trên Website của Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Hoàng Xuân Phú –Chủ tịch Hội đồng Viện Toán học Việt Nam.
TỬ HUYỆT SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT ĐAI
Hiến pháp 1946 không đề cập đến đất đai. Hiến pháp 1960 chỉ quy định đất hoang thuộc sở hữu của toàn dân. Nhưng Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 thì quy định (toàn bộ) đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
"Sở hữu toàn dân" lại có nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu. Trớ trêu thay, nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đi quyền sở hữu của toàn dân. Những mảnh đất vốn dĩ có chủ, được khai hoang, được trao đổi, mua bán, hay được thừa kế hợp pháp từ bao đời, nay bỗng nhiên trở thành vô chủ. Bộ máy cầm quyền, vốn dĩ chẳng có gì, mà nay lại chiếm được tất cả, trong đó có quyền quyết định về đất đai trong cả nước.
Để vận động hàng chục triệu nông dân giúp đỡ cướp chính quyền, ĐCSVN đã giương khẩu hiệu "dân cày có ruộng". Chữ "có ruộng" ở đây đương nhiên là "sở hữu ruộng đất", chứ không phải chỉ là "có quyền sử dụng đất". Sau khi giành được chính quyền ở miền Bắc, đảng đã lấy ruộng của người giàu chia cho người nghèo, rồi tiếp đó lại vận động nông dân góp ruộng để làm ăn tập thể, trong mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Khi đã giành được chính quyền trong cả nước, lãnh đạo ĐCSVN quyết định quốc hữu hóa đất đai, dưới hình thức "sở hữu toàn dân". Nếu biết trước kết cục sẽ mất đất như vậy, liệu hàng triệu người có còn theo đảng, giúp đảng giành chính quyền nữa hay không?
Khi chính quyền tử tế, có khả năng sử dụng đất đai một cách vô tư, hợp lý và công bằng, thì sở hữu toàn dân về đất đai có thể tạo ra một sức mạnh cộng hưởng để xây dựng đất nước. Và người dân có thể tự an ủi rằng mình hy sinh bớt lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích cộng đồng, trong đó có cả bản thân và gia đình mình. Nhưng khi chính quyền tham nhũng thì sở hữu toàn dân về đất đai gây ra đại họa, không chỉ làm khổ muôn dân, mà phá nát cả chính quyền. Chỉ mất mấy giây hạ bút, kẻ mang danh "công bộc" đã có thể vơ về cả đống tiền của, mà một người lao động chân chính lăn lộn cả đời cũng không kiếm nổi. Chỉ với mấy chữ ký loằng ngoằng của mấy kẻ có chức quyền, hàng trăm, hàng ngàn người dân đã bị tước mất đất đai, nơi họ đang làm ăn, sinh sống, trở thành dân oan, lang thang khiếu kiện khắp nơi. Càng duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, thì càng gia tăng oán hận của Dân, càng sinh sôi tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo, và càng đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt của chế độ.
Bộ máy cầm quyền đầy ắp những kẻ tha hóa, cấu kết với bao kẻ vốn đã lưu manh từ trước khi chen chân vào chốn quan trường. Cái thứ "sở hữu toàn dân" ngon lành và dễ ăn như thế, làm sao kìm nổi lòng tham? Có thể những người đã no nê cũng tán thành tư nhân hóa đất đai, vừa giũ bỏ được cái nguồn kiếm chác béo bở đã trở thành "của nợ", vừa có được quyền sở hữu vĩnh viễn cho số đất đai đã thu gom bấy lâu. Nhưng những vị còn chưa thấy đủ no và những kẻ kế cận đang mong chờ đến lượt mình được vơ vét thì lại không dễ buông tha.
Muốn nuốt thì hóc, mà muốn nhả ra cũng không hề dễ. Tư nhân hóa đất đai thế nào? Trao quyền sở hữu cho ai và trao bao nhiêu? Khi còn là sở hữu toàn dân thì chủ đất cũ đành chịu lặng thinh. Nhưng khi mảnh đất vốn của mình lại được giao cho một người lạ hoắc sở hữu, thì chủ cũ đâu dễ chịu ngồi im. Đất đai vốn dĩ nằm trong trạng thái phân bổ tương đối ổn định và hợp lý về mặt lịch sử, mấy chục năm qua bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn. Nếu bây giờ muốn sửa chữa sai lầm, lập lại trật tự, thì lại quá khó. Hoàn cảnh thực tại giống như gã phàm ăn nuốt phải lưỡi câu: Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.
Thách thức vượt quá năng lực tư duy và hành động của những đầu óc u mê, trí tuệ giáo điều. Biết làm gì ngoài việc câu giờ, dồn hậu họa lên đầu những người kế nhiệm?
Quả là rất khó để thoát ra khỏi tình trạng sa lầy về sở hữu đất đai. Sai lầm càng lớn thì khắc phục càng khó. Song lãnh đạo ĐCSVN cần xác định rằng họ có trách nhiệm giải thoát Dân tộc ra khỏi bãi lầy, mà chính đảng đã đẩy Dân tộc xuống. Nếu biết huy động trí tuệ của Dân tộc và tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, thì khó mấy cũng làm được. Cách làm như thế nào không phải là chủ đề trao đổi của bài này.
* *
*
Quy định trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội tưởng để đảng trường tồn, nhưng lại là điều khoản khai tử của ĐCSVN, khai tử khỏi lòng Dân và khai tử khỏi cuộc sống chính trị.
Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý như cỗ máy khổng lồ, từng phút từng giờ đùn ra hàng đống thuốc nổ, nén chặt vào lòng Dân. Nó giống loại ma túy cực độc, có thể thỏa mãn cơn nghiện tham lam vô biên của giới cầm quyền, nhưng cũng tăng tốc quá trình tự hủy diệt của ĐCSVN và chế độ do đảng dựng nên.
Vì vậy, nếu muốn bảo vệ ĐCSVN và chế độ này, thì cần phải nhanh chóng loại bỏ hai quy định đó ra khỏi Hiến pháp.
Ngược lại, nếu muốn gạt bỏ sự lãnh đạo của ĐCSVN, thì có thể sẽ sớm được toại nguyện, nếu tiếp tục duy trì hai quy định ấy trong Hiến pháp, bởi lẽ không có cách phá nào nhanh hơn là tự phá.
Hà Nội, 11/01/2013
HOÀNG XUÂN PHÚ
http://
Mời các bạn xem thêm: CV của Giáo sư Hoàng Xuân Phú (http://
NKYN đăng bởi admin .S: ngày 14/1/2013
Đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng do nhà nước đại diện sở hữu. Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước để mọi thứ đi vào khuôn khổ, trật tự. tạo nên sự công bằng.
ReplyDeleteCòn việc Đảng lãnh đạo là tất yếu. Đây là sự lựa chọn của khách quan, của lịch sử và của toàn thể nhân dân VN. Nhân dân VN luôn 1 lòng theo Đảng
lan lê nói chuẩn...^^ thử hỏi xem có đất nước nào trên thế giới đạt được cái công bằng như ở Việt Nam không???
ReplyDeleteCái ông Giáo sư Hoàng Xuân Phú là ông nào vậy không biết? nếu mang cái danh đó mà có những phát biểu vậy thì thật đáng buồn
ReplyDeletetoàn là xuyên tạc, không có chuyện đât khai hoang, kế thừa lâu đời trở thành vô chủ, sự thật là chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp pháp hóa quyền sở hữu cá nhân của những mảnh đất này
ReplyDeletethử nghĩ xem nếu đất ruộng là sở hữu cá nhân thì những đời sau, khi số lượng người trong nhà thay đổi lúc đó nhà sẽ thừa nhiều đất nhà thì không có đất cày, thế thì sẽ bất công không, vì vậy, ruộng đất là sở hữu toàn dân là đúng . là nhà toán học mà đầu óc không logic gì cả
ReplyDeleteXuân Phú là nhà toán học lại có những suy nghĩ trái logic thế này nhỉ. chính quyền luôn hoạt động vì lợi ích của nhân dân chứ làm gì vì lợi ích cá nhân nào, một số rất ích cán bộ tha hóa đã và sẽ đưa ra pháp luật xét xử và đưa ra dư luận, chính quyên không che giấu nhân dân điều gì
ReplyDeletetôi không tin một nhà toán học lại có bài viết sai trái, không đúng logic chút nào như bài viết này. bài viết này có thực sự là của Xuân Phú hay không? hay là ông bị lợi dụng vì mục đích xấu
ReplyDeletemột giáo sư mà lại phát biểu như thế!đất đai mà không chịu sự quản lí của nhà nước, của các hợp tác xã mà cứ để dân ta truyền cho nhau từ đời này qua đời khác rồi thì có nhà sẽ thừa nhiều đất, còn nhà thì lại không có mà cày đâu!
ReplyDeleteđất đai là của chung nhân dân dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà nước ta, đã được truyền từ đời này qua đời khác nên không có gì phải bàn cãi nhiều về nó, không nên vì ke xấu lợi dụng mà đem ra chống đối chính quyền
ReplyDeletelại là vấn đề đất đai xưa nay luôn nóng hổi
ReplyDeletechì vì lòng tham mà dân chúng dễ bị kích động lôi kéo chống lại pháp luật, chúng ta cần cảnh giác với chúng
Bài viết với lí luận một cách ngông cuồng, thật vớ vẩn khi xuyên tạc là "Sở hữu toàn dân" có nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu. sở hữu toàn dân thì đương nhiên là nhân dân có quyền đối với ruộng đất của mình được quyền canh tác được quyền thu hoạch, không lý gì mà ko có quyền sở hữu, điều đó nói lên tính vô lý và phản động của bài viết này
ReplyDelete