https://www.youtube.com/watch?v=i_JN0WPEFnw
Ước vọng sự thật
Sự thật hay nửa sự thật? Những câu hỏi mà giới blogger đặt ra cho nhau trước màn hình máy tính vào những ngày này, khi mà trang blog Chân dung quyền lực, mà nhiều bloggers nghi ngờ rằng của một thế lực nào đó trong đảng cộng sản cầm quyền, vẫn còn ngự trị. Và “nạn nhân” mới nhất của nó là Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Có đến liên tục năm bài viết đưa ra những hình ảnh và số liệu về số tài sản khổng lồ của gia đình ông này.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc từ Úc kể rằng trong những ngày cuối năm âm lịch này, một đoàn cán bộ từ Việt nam sang Úc làm việc, mà câu chuyện đầu môi của họ chỉ xoay quanh… Chân dung quyền lực. Blogger Mai Tú Ân viết
“Trang mạng không ai biết xuất hiện từ đâu và của ai đấy. Và những điều không thể tin được đó lại xuất hiện hàng ngày, hàng giờ với thông tin ngồn ngộn, thừa mứa đến từng chi tiết, từng con số, từng tư liệu, từng hình ảnh... khiến cho người dân không thể không đau lòng, không thể không phẫn nộ khi đọc nó..
Vẫn biết rằng những thông tin của Trang mạng CDQL, cũng như những thông tin lề trái không hẳn lúc nào cũng là sự thực, nhưng đáng buồn là có một chân lý ngàn đời rằng, một phần sự thực sẽ dẫn đến sự thực, nếu không chứng minh được một phần sự thật ấy không phải là sư thật.
Và cuối cùng thì sự im lặng tai hại của chính quyền cùng tất cả bộ máy thông tin tuyên truyền hùng hậu trước sự kiện ấy, đã khiến cho niềm tin vào chế độ của người người dân Việt Nam ngả nghiêng; xao động như bị một cơn bão tàn phá tâm can.
Theo như Mai Tú Ân vừa trình bày, sự mất lòng tin đó của người dân chính do ước vọng được biết sự thật từ bao lâu nay không được thỏa mãn. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết về trang Chân dung quyền lực
Nó cố nói lên sự thật. Nhưng đó chỉ là một phần sự thật. Còn những góc cạnh khác, hầu như ai cũng biết, nhưng biết một cách mơ hồ. Chúng ta hy vọng sẽ có những trang báo khác lần lượt phanh phui hết tất cả những tệ nạn tham nhũng của tất cả những người đang nắm giữ quyền lực tại Việt Nam hiện nay.
Tất cả. Chứ không phải chỉ có một số người đang tranh chấp quyền lực với nhau.
Như vậy có thể nói rằng Sự thật cho tất cả chính là ước vọng mùa xuân này của giới bloggers Việt nam.
Có blogger như nhà văn Võ Thị Hảo nhìn thấy ước vọng ấy trong một cái nhìn tích cực trong câu chuyện xuất hiện của trang blog Chân dung quyền lực. Nhà văn viết rằng
Dẫu sao, khi có cuộc chiến thông tin giữa các thế lực cầm quyền, là đã manh nha cho các cuộc cạnh tranh chính trị giữa các nhóm lợi ích. Dẫu đang sơ khai nhưng độ khốc liệt của nó sẽ đẩy nhanh tốc độ trưởng thành.
Cuộc chiến ngày càng gay cấn thì dân càng được lợi. Hóa ra, đôi khi những cuộc chiến quyền lực độc tài nhất cũng phải tựa vào chút lợi ích của quyền tự do ngôn luận.
Trường Tồn hay không trường tồn
Trong khi blogger Dân Nguyễn thì lại thấy phiền lòng về sự hoạt động của trang blog của những chủ nhân bí ẩn này. Dân Nguyễn viết nhắc lại chủ nhân trang Que choa và viết rằng:
Khi người ta bức tử Quechoa, thì lập tức người ta cho ra lò Chân dung quyền lực – một sự cạnh tranh hết sức không lành mạnh, thể hiện rõ bản chất cá lớn nuốt cá bé của quyền lực đỏ. Lý do mà người ta dẹp Quechoa bởi những gì nó chuyển tải, thì bây giờ, thiên hạ có thể tìm thấy, thậm chí là ê hề trong Chân dung quyền lực. Quechoa sạch sẽ, nhân bản, hướng thiện, tiến bộ bao nhiêu, thì Chân dung quyền lực nhơ nhuốc, hôi hám sặc mùi bấy nhiêu.
Cho đến nay vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào từ phía nhà nước và đảng cộng sản Việt nam về trang Chân dung quyền lực. Nhưng có rất nhiều lời cáo buộc rằng những thông tin không phải do nhà nước nắm giữ là gây hại cho nhân dân. Nhà văn Võ Thị Hảo hiến kế cho nhà nước Việt nam làm thế nào để các trang blog được gọi là gây hại ấy
Chúng chỉ sống được trên làn rêu ẩm ướt tối tăm của sự bưng bít thông tin, dối trá thông tin, bạo lực thông tin, bè phái thông tin của các vị quan chức từ trên xuống dưới. Chúng là lũ chuyên dùng từ điển ngược, như dùng „kính chiếu yêu“, soi ra gương mặt dị dạng của những thông tin lừa bịp hoặc che giấu.
Nhưng có vẻ ý kiến của nhà văn Võ Thị Hảo không được giới cầm quyền quan tâm lắm, vì như blogger Kami chỉ ra rằng lời hứa đưa ra kết quả tín nhiệm các ủy viên Bộ chính trị, chóp bu quyền lực của Đảng cộng sản vẫn không được thực hiện. Kami trích dẫn phát biểu mới đây của ông đương kim Tổng bí thư đảng cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng rằng phải để cho công chúng tham gia vào nhiều phạm vi khác nhau và phát huy vai trò của báo chí, công luận, và Kami viết rằng
Tuy vậy, phát biểu đó của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chứng tỏ rằng bản thân ông và Đảng CSVN đến lúc này vẫn không bỏ được thói chuyên nói một đằng và làm một nẻo, điều từ lâu nay là nguyên nhân khiến cho Đảng CSVN đã đánh mất lòng tin đối với dân chúng. Nghĩa là, trong khi ông Tổng Bí thư thì nói như thế, nhưng thì mặt khác trên thực tế, ông Tổng Bí thư và Đảng CSVN đã hoàn toàn không muốn cho công chúng biết, thậm chí là họ muốn dấu nhẹm các thông tin mà dân chúng hết sức quan tâm. Ví dụ như chuyện về Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 20 cán bộ cao cấp của Đảng, đến lúc này vẫn là một thông tin tuyệt mật của Đảng không cho phép phổ biến.
Lời phát biểu của ông Trọng được Kami trích dẫn từ trong một bài trả lời báo chí Việt nam của ông, trong đó ông nêu lên ước vọng rằng đảng của ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Tới đây hản độc giả Việt nam nghĩ ngay đến những khẩu hiệu tuyên truyền của đảng cộng sản mỗi độ xuân về, không những tên đảng đứng kề tên nước mà đôi khi đứng trước cả mùa xuân, tức là trước cả đất trời vậy!
Trong vài năm trở lại đây ông Nguyễn Phú Trọng thường hay được giới bloggers trích dẫn những phát biểu, đôi khi khó hiểu và gây cười của ông. Cách đây không lâu ông nói rằng đảng của ông sẽ đổi mới chính trị nhưng không có nghĩa là đổi thể chế chính trị. Người ta vẫn còn nhớ những tuyên bố chống tham nhũng khẩn thiết của ông, thậm chí có lần ông suýt khóc sau đại hội trung ương kỳ trước, khi đảng của ông không kỷ luật được một đồng chí X nào đó cũng của ông! Ông cố gắng thành lập ban nội chính trung ương để mong làm trong sạch bộ máy cầm quyền. Nhưng cũng chính ông cũng nói rằng xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp là phản động.
Blogger Trần Minh Khôi dẫn ra câu chuyện cải tổ của Tân Tổng thống dân cử Jodowi bên Indonesia mà viết rằng
Một bằng chứng nữa cho thấy cơ chế, chứ không phải cá nhân, quyết định sinh hoạt chính trị quốc gia. Trông đợi vào cá nhân mà không thay đổi cơ chế là hoang tưởng.
Cơ chế mà mọi người đều biết chính là nền tảng ý thức hệ Mác lê mà những người cộng sản đã du nhập vào Việt nam. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống viết trên trang blog Bauxite Việt nam phản biện lại ý kiến cho rằng bi kịch xã hội chính trị ngày nay của Việt nam chỉ là do từ những tính xấu của người Việt mà ra
Sự cộng hưởng giữa một số tính cách xấu của người Việt với những độc hại của chủ nghĩa Marx Lenin mới thực sự là nguyên nhân gốc của tệ nạn xuống cấp về đạo đức của xã hội hiện nay.
Liệu ước vọng tồn tại ngàn đời cùng dân tộc đó của ông Trọng có phải là hoang tưởng hay không? Khi mà ông dứt khoát không từ bỏ ý thức hệ đó?
Mô hình nhà nước của đảng của ông Trọng đang cai trị 90 triệu dân Việt nam gọi là dân chủ tập trung, với mọi quyền hành, kể cả quyền báo chí đều tập trung vào tay đảng cộng sản.
Nhưng thời đại đã thay đổi, khi đảng cộng sản được thành lập thì máy fax chưa xuất hiện. Lúc đảng cộng sản nắm quyền trên toàn cõi Việt nam thì chưa có Internet và facebook. Blogger nổi tiếng Điếu Cày nói rằng mỗi một trang Facebook thực sự đóng vai trò một tờ báo. Điều đó làm đảng cộng sản cảm thấy lo sợ, như giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết trên trang của ông về sự tự do ngôn luận trong không gian điện tử ngày nay
Khi người dân không được tự do bỏ phiếu thì mỗi phát biểu trên blog và facebook đây đó đều có thể xem là một lá phiếu. Khi người dân không được phép phát biểu một cách dõng dạc như các bậc phụ lão trước điện Diên Hồng ngày xưa thì họ cũng có thể lên tiếng trong thế giới ảo của internet.
Tôi không biết các bạn có đồng ý với nhận định ấy hay không, nhưng tôi biết chắc chắn một điều: chính phủ Việt Nam cũng nghĩ vậy. Vì cũng nghĩ như vậy, họ mới ghét và sợ blog và facebook đến vậy.
Nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh thì mô tả khung cảnh Sài gòn những ngày cuối năm
Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi, nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.
Giữa những ước vọng về sự thật của giới bloggers và ước vọng về sự tồn tại của ông Nguyễn Phú Trọng, blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh giở lại một bài hát xuân của cố nhạc sĩ Phạm Duy mà ngậm ngùi rằng
Tự mình mở lại bài Xuân Ca, tôi lại thấy trong đó muôn ngàn ngậm ngùi, không chỉ cho người đã khuất mà cho một nước Việt mong manh mờ ảo.
Một năm mới lại đến. Xuân ca lại văng vẳng trong trái tim người. Niềm khao khát còn đó nhưng mùa xuân thật sự của xứ Việt đang ở nơi đâu?
Chúng tôi xin mượn lời nhạc sĩ Tuấn Khanh và lời ca của cố nhạc sĩ Văn cao về ước vọng một Mùa xuân đầu tiên để kết thúc bài điểm blog hôm nay.
=A=
Loanh quanh quẩn lại vẫn là đề cập đến bỏ điều 4 HIến pháp.
ReplyDeleteSau đó là nói tới sự "độc hại" của chủ nghĩa Mác Lenin.
Rồi sự đầu độc của 2 thứ này.
Ấy vậy mà đâu có biết chủ nghĩa tư bản còn phục lý luận của chủ nghĩa xã hội sát đất, đúng đến mức nhiều nhà suy luận chính trị phải nghiên cứu tập sách dày cộp của Ông Mác và bác Lê nin đấy.
Chỉ chưa đọc mới nói bừa!