Friday, April 30, 2010

Đền Hùng

"Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
"

Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội đền Hùng là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam. Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hàng vạn người từ khắp mọi miền tổ quốc đổ về đền Hùng để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Đền Hùng là một khu du lịch nổi tiếng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú cách Hà Nội 100km về phía Bắc. Đó là một quần thể kiến trúc bao gồm lăng tẩm, đền, miếu cổ kính. Do những biến động của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, các kiến trúc ở đền Hùng đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1922. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi bà Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Qua đền Hạ là đền Trung, nơi các vua Hùng dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu (trong dân gian gọi là mộ tổ) từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng, nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ mười tám, thường tới gội đầu tại đó.

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống... Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.

Góp phần vào sự quyến rũ của ngày lễ hội, ngoài những nghi thức rước lễ còn những hoạt động văn hóa quần chúng đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Vĩnh Phú, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Người hành hương tới đền Hùng không chỉ để vãn cảnh hay tham dự vào cái không khí tưng bưng của ngày hội mà còn vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người hành hương đều cố thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Trong tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và chẳng có gì khó hiểu khi nhìn thấy những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Trẩy hội Đền Hùng là truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong rất nhiều những ngày hội được tổ chức trên khắp đất nước, hội đền Hùng vẫn được coi là hội linh thiêng nhất bởi đó là nơi mỗi người Việt Nam nhớ về cội nguồn và truyền thống oai hùng, hiển hách của cha ông.

Trung Quốc thả 23 ngư dân Việt Nam nhưng vẫn thu tàu

Ông Tiêu Viết Là trở về sau vụ bị Trung Quốc bắt giữ tại Hoàng Sa năm 2007. Ảnh TPO

Sau nhiều ngày thực hiện bắt giữ 23 ngư dân Việt Nam khi những ngư dân này đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía Trung Quốc đã thả tự do toàn bộ 23 ngư dân này.

Tất cả 23 ngư dân đi trên 2 tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ là QNg-50362 của ông Tiêu Viết Là, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và tàu QNg-66478 của ông Mai Phụng Lưu, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã về đến địa phương vào hôm qua (29/4).

Tuy nhiên, UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và UBND xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, phía Trung Quốc chỉ thả người cùng tàu cá của ông Mai Phụng Lưu.

Riêng tàu cá và ngư cụ của tài ông Tiêu Viết Là và ngư cụ trên tàu ông Mai Phụng Lưu đều bị Trung Quốc lấy.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện hành động bắt giữ tàu cá, đòi tiền và tịch thu tàu, ngư cụ của ngư dân khi đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Nhiều ngư dân sau khi bị Trung Quốc bắt giữ được thả về quê đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo vì gia sản không còn.

Theo Bee

Thursday, April 29, 2010

Hoàng Sa, Trường Sa thời VNCH

Ông Nguyễn Đình Đầu có nhiều công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam

Vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong các mối quan tâm lớn của người Việt, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.

Hoàng Sa đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc sau trận hải chiến 19/01/1974, khi 50 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng trong lúc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

Đài BBC nói chuyện với nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu về chính sách của Việt Nam Cộng hòa đối với Hoàng Sa – Trường Sa:

Ông Nguyễn Đình Đầu: Thời VNCH, Hoàng Sa – Trường Sa nằm ở miền Nam nên thuộc chủ quyền của VNCH, cho tới năm 1975.

Từ mấy trăm năm về trước, Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Khi người Pháp tới, thì quản lý là nhân danh Việt Nam, do vậy chủ quyền đối với hai quần đảo này vẫn thuộc về Việt Nam.

Tôi biết là trên cả hai nơi này, đều đã có các nghiên cứu, khảo sát khí tượng học từ rất lâu rồi. Riêng Hoàng Sa, là đảo có nhiều chim, nhiều phân chim, nên người Việt Nam trong những năm 60-70 còn khai thác phân chim khối lượng lớn ở đó.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, năm 1974 Trung Quốc đã có hành động quân sự để chiếm Hoàng Sa.

BBC: Hồi đó, ông đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Phản ứng của chính quyền và dư luận lúc đó ra sao ạ?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Ngay lập tức chính phủ VNCH đã lên tiếng phản đối, đưa vấn đề Hoàng Sa ra quốc tế. Lúc đó họ có quan hệ với Liên Hiệp Quốc và các nước mà người ta gọi là các nước tự do.

Lúc ấy ở miền Nam, tôi cứ tưởng rằng Trung Quốc lấy Hoàng Sa để giao lại cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cho Bắc Việt. Nhưng không ngờ, họ chiếm là chiếm đứt luôn đất của mình.

Mà tôi cho rằng vào thời điểm ấy, nhiều người cũng nghĩ như tôi, là Trung Quốc lấy Hoàng Sa cho VNDCCH.

Một điều lạ, là trong khi dư luận phản ứng như thế ở miền Nam, mà VNDCCH không có phản ứng gì.

BBC: Thưa ông, có cáo buộc là chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu đã “làm mất Hoàng Sa”, không hiểu ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Không đơn giản như thế. Lúc ấy, có quân đội VNCH được giao nhiệm vụ giữ Hoàng Sa, và đã có kháng cự mãnh liệt (với quân Trung Quốc).

Bên VNCH bị chìm một số tàu, thương vong thì cả hai phía đều bị nhiều.

BBC: Để khẳng định lại chủ quyền với các quần đảo đã mất, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Đình Đầu: Có hai vấn đề – đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sử học… như chúng tôi, thì chúng tôi đưa ra những bằng chứng, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng tôi có nhiều tư liệu bản đồ của cả Trung Quốc và các nước, trong đó nói Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, và Việt Nam có chủ quyền ở Biển Đông. Tất nhiên tài liệu của Việt Nam trong các thời kỳ cũng nói như vậy. Đó là trách nhiệm của chúng tôi công bố những tài liệu đó.

Còn vấn đề giải quyết tranh chấp trên thực tiễn ra sao thì lại thuộc về phạm vi chính trị.

Theo BBC

Trống đồng Việt Nam

Trống đồng Việt Nam phân bố ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn... đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Sông Bé, Khánh Hòa, Vũng Tàu... vào tận vùng hải đảo xa xôi Phú Quốc. Ngoài ra, bằng con đường giao lưu văn hóa hoặc trao đổi, trống đồng Việt Nam vượt biên giới đến những nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, Malaysia...

Trống đồng Việt Nam có nhiều loại hình, nhưng tất cả khởi nguồn từ trống Đông Sơn mà đỉnh cao là sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng Ngọc Lũ. Trống đồng Việt Nam có niên đại khởi đầu khoảng thiên niên kỷ I trước Công nguyên cho đến một vài thế kỷ sau công nguyên. Nó là sản phẩm đầy trí tuệ của người Việt cổ, cộng đồng cư dân đã chinh phục vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, một vùng đất chứa nhiều sản vật thiên nhiên nhưng cũng đầy thử thách. Tổ tiên ta đã vượt lên những khắc nghiệt của thiên nhiên bằng sự dũng cảm, thông minh và sáng tạo hiếm có đã tạo nên kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa, nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á.

Trống đồng là biểu hiện tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta - Nhà Nước Hùng Vương. Trống đồng và những hình khắc họa trên trống đã giúp chúng ta ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ ở thời xa xưa ấy. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Nó được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để làm một trong những cơ sở khoa học trong phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.

Trống Đồng Đông Sơn: là một loại nhạc cụ dùng trong các buổi lễ hay khi đi đánh nhau. Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, như Thanh Hóa (Đông Sơn, 24 trống), Hà Đông (9 trống), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi tỉnh 3 trống), Hà Nam, Hà Nội, Hoà Bình, Kiến An (mỗi nơi 2 trống), Nam Định, Lào Cai, Sơn Tây, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, Thủ Dầu Một, Kontum (mỗi nơi một trống). Ở Hoa Nam thì tìm thấy nhiều nhất, ở Vân Nam (5 trống). Các tỉnh khác thì Quế Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên (mỗi tỉnh tìm thấy 3 trống), Quảng Đông (2 trống). Tại Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương cũng thấy nhiều trống đồng cổ. Riêng Thái Lan và Lào cũng như ở xứ Mường (thượng du Việt Nam) ngày nay người ta vẫn còn dùng trống đồng. Trống đồng đẹp nhất phải kể đến các trống Ngọc Lũ, Hoà Bình, và Hoàng Hạ.

Trống Đồng Ngọc Lũ: tìm thấy ở chùa Ngọc Lũ (Hà Nam) vào năm 1901. Trống này cao 0,63 mét (1.8 ft), đường kính mặt trống 0,86 mét (2.5 ft), được trang trí bằng các hình chạm sâu xuống cả trên mặt trống lẫn tang trống. Chính giữa mặt trống là một hình ngôi sao (hay mặt trời) 14 cánh. Chung quanh ngôi sao này là 16 vòng tròn đồng tâm có trang trí bằng nhiều hình kỷ hà hay hình vẽ khác nhau. Giữa vòng thứ 5 và thứ 6 có khắc hình 2 căn nhà mái cong, có sàn, trong có người tóc dài ngồi. Trước nhà là 4 dàn trống và đoàn vũ nhạc nhảy múa, thổi khèn. Sau nhà có 2 người đang giã gạo. Xen kẽ với 2 nhà sàn trên là 2 nhà sàn mái tròn trong có người cầm kiếm. Trước nhà này có một người tay phải cầm kiếm, tay trái cầm một con chim. Sau nhà là một đoàn võ sĩ cầm lao, cầm kiếm đang múa. Giữa vòng thứ 7 và thứ 8 có chạm hình 2 đàn hươu (10 con mỗi đàn) và xen kẽ với 2 đàn chim đang bay (mỗi đàn 8 con). Giữa vòng thứ 8 và thứ 9 có khắc 18 con chim mỏ dài đang bay, xen kẽ với 18 con chim đang đậu dưới đất. Trên tang trống, phần phình ra có khắc hình thuyền trên có những người cầm lao, kiếm, cung, đang chuẩn bị chiến đấu, hoặc đang nhảy múa hoặc chèo thuyền. Trên phần thẳng đứng có những đường trang trí kỷ hà thẳng đứng hay nằm ngang đóng khung lấy những hình người cầm rìu và lá chắn.


Trống Đồng Hòa Bình: tìm thấy ở Mường Dâu, Hòa Bình. Trống này được gọi là trống Moulié (tên người mua được và tặng lại cho Viện Bảo Tàng). Trống này được tàng trữ trong Bảo Tàng Quân Đội Pháp, rồi được chuyển cho Bảo Tàng Viện Guimet (Paris).

Trống Đồng Hoàng Hạ: tìm thấy ở làng Hoàng Hạ (Hà Đông), cao 0,615 mét (1.84 ft) và đường kính mặt trống là 0,78 mét (2.3 ft). Mặt trống đồng Hoàng Hạ cũng trang trí bằng các vòng tròn đồng tâm trong đó có khắc hình nhà sàn, người, chim bay. Tang trống chỗ phình ra cũng khắc hình thuyền. Các nhân vật trên thuyền tương tự như ở trống Ngọc Lũ, nhưng thứ tự bố trí hơi thay đổi một chút. Các trống đồng tìm thấy ở Hoa Nam, Lào, Cam bốt, Mã Lai tuy về hình thức (hình dáng và trang trí) có giống trống đồng Lạc Việt, nhưng những nét chạm trổ còn thô sơ vô cùng. Có thể đấy chỉ là những trống bắt chước trống Lạc Việt một cách vụng về mà thôi. Trống đồng Hoàng Hạ là một di vật rất quý.

Trống là một cổ vật của chung miền Nam Á, gồm cả Tầu, Việt, Miên, Thái, Phi, Miến, Mã Lai, Nam Dương... mà trung tâm phát xuất lớn nhất là Việt Nam. Trống đã xuất hiện lu bù ngay từ thời khuyết sử, dưới rất nhiều hình thức như trống đất, trống gỗ, trống đồng, trống cầu mưa, trống sấm, trống vu hích, trống cầm canh... kể ra không hết. Huyền thoại có nói đến trống da quì (giao long) của Hoàng Đế, trống một chân của nhà Hạ (túc cổ), trống có lỗ thông giữa của nhà Thương (doanh cổ)... lịch sử Tư Mã Thiên có nhắc tới vụ vua nhà Chu cho Tần Mục Công một chiếc trống đồng vào năm 623 trước công nguyên. Riêng với Việt Nam, năm 43, lúc Mã Viện sang đánh Trưng Nữ Vương đã thu hết trống đồng đưa về tặng bạn bè, hoặc phá ra đúc ngựa mẫu. Từ đấy, trống bị quên lãng dần dưới ách ngoại bang... Trong Lĩnh Nam Trích Quái, có truyện "Minh chủ Đồng cổ sơn thần truyện" nhắc tới trống theo khía cạnh này. Đến thời Pháp thuộc, vào lối 1885-1895, thực dân mới nhận ra trống đồng là một di vật rất quý, nên tìm mua khắp nơi. Xin ghi lại đây mấy chiếc nổi tiếng. Trước hết là 2 chiếc loại thời danh nhất: Một do Moulié lấy được của bà góa quan lang người Mường ở miền Sông Đài tỉnh Hoà Bình. Chiếc này được đem trưng bày ở Hội Chợ Quốc Tế Paris 1889 rồi mất tích. Đến năm 1936 thấy xuất hiện ở bảo tàng viện Guimet. Hai, là chiếc trống Khai Hóa, do Gillet lấy được ở một tù trưởng Miêu tộc trên Vân Nam, cũng đưa đi đấu xảo ở Paris, rồi mất tích. Sau thấy xuất hiện ở bên Đức, tại bảo tàng viện dân tộc học thành Vienne. Chiếc trống đồng thứ ba là trống Ngọc Lũ của chùa Long Đại Sơn, làng Ngọc Lũ, tỉnh Hà Nam. Năm 1901, trường Viễn Đông Pháp đã nhờ trung gian chánh sứ Phủ Lý lấy trống ấy về Viễn Đông Bác Cổ, nay ở Hà Nội. Chiếc trống thứ tư là trống Hoàng Hạ, tìm được vào năm 1932, nhân lúc khai sông gần làng Hoàng Hạ, tỉnh Hà Đông. Trống được trao cho trường Viễn Đông Pháp, để ở bảo tàng viện Finot, nay cũng ở Hà Nội. Đó là cặp trống đẹp nhất, cổ nhất, hơn cả 2 trống Sông Đà và Khai Hóa... Có thể kể ở đây chiếc trống thứ năm, gọi là Trống Hà Nội, được Anderson mua, đưa về Stockhom. Và chiếc thứ sáu là trống Lào, tìm được bên đường cái Oubon bên Lào vào năm 1924. Theo Goloubew, chiếc trống này rất đẹp, cũng vào hạng cổ nhất, vì ít bị kiểu thức hóa. Mặt trống rộng 86 cm, cao 54 cm. Vòng 1 có 5 cặp vật giống giao long châu đầu vào nhau. Có nai và cả cá nữa. Về loại to nhất có trống Đông Hiếu (Nghệ An) rộng 89 cm, hiện ở Hà Nội. Theo Goloubew, còn một chiếc trống rộng tới 1 mét (3 ft) của một tay chơi người Pháp tên là Nelson trước ở Bắc Xế, Lào. Nghe nói ở bên Mỹ có một trống to cả thước mặt, hay là chiếc trống nói ở đây chăng? (Chúng tôi thấy có một trống rất lớn ở bảo tàng Chicago. Hay là chính nó?). Phân Loại Trống Đồng Bên Tây Âu có dấu vết đã biết về trống đồng từ năm 1682 (xem Asie du Sud Asiatique, Tome II Le Vietnam, L. Bezacier, Paris, Picard 1972). Nhưng mãi tới cuối thế kỷ 19 mới có học giả bàn về trống đồng như Hirth (1890) mà ông cho là bởi Tầu. Rồi De Grooth (1901) cho là của Việt Tộc. Ông Franz Heger, một học giả người Đức làm cố vấn trong hội nghị nghiên cứu về Viễn Đông ở Hà Nội năm 1902 đã cho xuất bản tại Leipzig 2 quyển về trống đồng cổ ở Đông Nam Á. Sách in khổ lớn, có 45 hình và một bản mục lục về tất cả các diễn đề. Ông Heger chống lại ý kiến của Hirth cho trống đồng là sản phẩm của Tầu, ủng hộ ý kiến của Grooth cho là của Việt Tộc, quả quyết trung tâm các cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở Bắc Việt, và xin người Pháp chú ý đến di vật đầy tính chất văn hóa này. Ông Heger phân chia 165 chiếc trống được biết đến lúc ấy thành 4 loại. Vì sự phân chia này được các học giả công nhận, nên chúng ta cần duyệt qua để có một ý niệm khái quát: Loại I thường lớn, thân trống hình trụ thẳng đứng. Mặt dưới để trống, mặt trên có hình sao đúc nổi với 12 cánh. Trên một số trống, chỉ có 8 cánh sao, như trống Quảng Xương. Hoặc 14 cánh như trống Ngọc Lũ, Sông Đà, Thượng Lâm. Hoặc 16 cánh như trống Hoàng Hạ, Salayar. Loại I này tìm được nhiều nhất ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, và Sông Đà. Loại II thân trống chỉ có 2 phần, không có hình người hay vật nữa, thay vào đó toàn là hoa văn hình học. Trên mặt trống thường có hình khối 4 con cóc, đôi khi 6 con. Mặt trời có 8 tia. Loại này tìm thấy nhiều ở Việt Nam cũng như mạn Nam Trung Hoa. Loại III quai nhỏ đẹp. Mặt trời có 12 cánh. 4 góc mặt có cóc, thường là 3 con chồng lên nhau thành 12. Trang trí toàn bằng đồ án hình học và hoa văn. Dưới chân có đoàn voi đúc nổi đi chung quanh cây "đời sống". Đôi khi ốc thay voi. Người ta tìm thấy loại này ở Miên. Loại IV riêng của Tầu như được chứng tỏ bằng hồi văn gẫy khúc. Kích thước thường nhỏ, không có cóc. Ngôi sao bao giờ cũng 12 tia, nhiều khi nói rõtên 12 con vật địa chi. Loại này cũng như loại III, đều xuất hiện muộn, nhưng chưa xác định được niên đại. Ngoài 4 loại trên có thể kể thêm loại trống Trấn Ninh (Vân Nam) mới tìm được hồi năm 1955, trên mặt có những khối hình người và thú (bò, ngựa, chó) diễn lại những cảnh sống: săn, chiến, lễ... Loại này khác hẳn ở chỗ thân trống cao, trên mặt thêm nhà cùng hình khối, quai là 2 con hổ.

Hai Bà Trưng



C
ánh bay vần vụ của chim Mơ Ling đã nghìn năm lướt trên miền đất có hai cực Đông Tây là hai trái núi Tam Đảo và Ba Vì lớn nhất đất nước. Và cả ba dòng sông Cái, sông Đà, sông Lô lớn nhất đất nước cùng dồn chảy qua miền này, từ nghìn năm nay cũng in bóng chim Mơ Ling sải cánh vùn vụt. Người ở đây đã lấy hình con chim táo tợn, dũng mãnh và nhanh nhẹn như tia chớp ấy làm vật tượng trưng cho dân mình, lấy tên con chim ấy đặt tên cho đất mình. Đấy là địa bàn gốc của những người Việt xưa đã theo các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Và quốc đô Phong Châu của các vua Hùng xưa cũng đóng ở miền này.

Xâm chiếm nước Văn Lang của các vua Hùng xưa, nhà Hán đã biến đất đai của bộ lạc Mơ Ling cũ thành huyện Mê Linh của quận Giao Chỉ. Và xây ở đây một tòa Đô úy trị tua tủa gươm giáo, tinh kỳ. Trong khi đó, ở chếch xa phía thành Tây Nam, trên vùng cư trú cũ của bộ lạc Dâu từ thuở các vua Hùng, thành Liên Lâu mới chính là một nơi đặt Quân trị của nhà Hán.

Nước Văn Lang xưa của các vua Hùng tuy đã bị nhà Hán đặt làm quận huyện, nhưng dân Việt vẫn còn giữ được những người cầm đầu các bộ lạc cũ của họ dòng dõi các lạc hầu, lạc tướng của vua Hùng. Đến những năm đầu công nguyên, từ miền đất đai có bóng chim Mơ Ling thiêng liêng ấy, từ dòng dõi lạc hầu lạc tướng của các vua Hùng ấy, đã xuất hiện hai người con gái kiệt xuất của đất Việt: Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Tòa Đô úy trị của nhà Hán trấn ngự trên đất Mê Linh, gươm giáo tinh kỳ sáng lóa mà vẫn thấp thỏm không yên. Cái tham vọng khống chế, đối phó với miền cư dân quan trọng nhất đất Giao Chỉ này của nó, đang phấp phỏm trước một mối đe dọa hiểu nghèo, cứ mỗi ngày một lớn mãi lên.

Tiếng trống đồng ầm ào như tiếng sấm. Dân Mê Linh mở hội lớn. Trai tráng, và cả những cô gái nữa, rìu đồng giáo sắt nắm trong tay, những chiếc lông chim cắm ngất ngưởng trên đầu, bộ áo lông chim xòe rộng quanh người, theo nhịp trống đồng dồn dập, vừa hò hét, vừa uốn mình, vung tay, lặp lại các động tác bay lượn của chim Mơ Ling.

Những âm thanh náo nức ùa vào trong ngôi nhà làng, mái cong vút như hình thuyền. Trên sàn nhà cao, Trưng Trắc, Trưng Nhị đang tiếp khách quý.

Chàng trai tuấn tú là khách từ xa, tận phương Nam tìm đến. Vâng lời cha, đương chức lạc tướng huyện Chu Diên, Thi Sách, chàng trai ấy, đã dẫn một toán thân binh tới Mê Linh từ mấy hôm nay. Và hội vui cũng đã mở ngay từ ngày hôm ấy.


Bấy giờ đang là mùa xuân. Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, đây là những ngày vui chơi của mọi người, và là những ngày yêu đương của những đôi trai gái. Quân trị và Đô úy trị của nhà Hán từ lâu đã muốn bỏ những ngày hội như thế này, vì nó khác với phong tục của người Hán, nhất là tòa Đô úy trị của nhà Hán từ lâu đã muốn bỏ những ngày hội như thế này, vì nó khác với phong tục của người Hán, nhất là tòa Đô úy trị thì lại càng không muốn có những điệu nhảy vũ trang kia. Nhưng mặc! Thóc mùa đã nộp xong vào kho thuế. Lúa chiêm trên các thửa ruộng lạc đã xanh mướt chờ làm đòng. Mùa săn tìm chim quý, thú lạ và các cây thuốc thần để cống nạp, còn đang đợi mở. Tục lệ hội hè của ta, ta cứ giữ!

Buổi trưa, từ rừng sâu, toán thân binh của Thi Sách và trai tráng Mê Linh đã lặc lè khiêng về một con cọp vằn cực lớn. Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách mỏi mệt nhưng hả hê, nối nhau đi sau con mồi một quãng ngắn.

Mùa săn chưa được lệnh của Đô úy trị cho mở, nhưng nhân có khách quý, Trưng Trắc đã đứng ra bày cuộc đấu sức này. Và kết quả thật đã vượt quá ước mong. Nỗi vui mừng đột ngột đẩy bổng cả ngày hội của dân Mê Linh. Cuộc múa vũ trang mừng chiến thắng cổ truyền đã kéo dài đến đêm khuya. Con cọp vằn treo chếch bên ngôi nhà làng, trước vòng múa nhảy tưng bừng của trai tráng và các cô gái làng. Hai mũi lao dài vẫn cắm sâu lút vào giữa ức và sát mang tai cọp. Cán lai có một khoang nhuộm đen và một khoang bôi vàng: Dấu hiệu riêng của con trai quan lạc tướng Chu Diên đó!

Trên sàn cao ngôi nhà làng, cây đuốc tẩm nhựa thông đã cháy đỏ. Khuôn mặt của Trưng Trắc, Trưng Nhi và Thi Sách đều hồng sáng dưới ánh lửa. Men rượu cũng đã khiến cả ba đều ngà ngà say. Riêng Thi Sách dường như say nhiều hơn cả. Hạnh phúc và niềm vui tràn trề, chàng trai trẻ đã uống quá bội mức thường. Hạ được chúa rừng ngay trước mắt chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, việc đó há chẳng phải là niềm vui lớn? Nhưng hạnh phúc còn lớn hơn nữa, chính là thái độ ân cần, mặn mà của những người nữ chủ đất Mê Linh.

Rời Chu Diên lên đường, Thi Sách vừa khấp khởi mừng, vừa hồi hộp lo. Tiếng tăm của hai chị em họ Trưng, lâu rồi, đã từ Mê Linh bay đi rất xa. Và ý của quan lạc tướng Chu Diên truyền cho con trai lại cũng đã rõ; kết thân được với họ Trưng thì chẳng những chỉ tốt lành chuyện vợ chồng, mà còn may mắn cho non sông đang rên siết dưới ách giặc. Bởi thế lực của hai miền đất Chu Diên và Mê Linh cùng đem gắn bó chặt được thành một mối, sức mạnh của người Việt sẽ được nhân lên gấp bội. Sức mạnh ấy, một khi đem ra xoay chuyển tình thế; phá đổ ách đô hộ của nhà Hán mà khôi phục lại nước cũ của người Việt, ắt là nên việc lớn!

Trong một thoáng định thần, Thi Sách vụt nhớ lại những lời dặn của cha già, và chợt ngừng uống, ngước mắt đăm đăm nhìn Trưng Trắc. Chàng trai cũng gặp ngay cặp mắt như thế đang nhìn mình, lâu, rất lâu, vừa khoan hòa, ấm áp, vừa như muốn nói mãi một điều gì thật lớn, thật nghiêm. Mấy hôm nay, Thi Sách đã nhiều lần gặp cái nhìn ấy, nửa như tin cẩn, thân thiết, nửa như con muốn dò hỏi, cậy trông nhiều hơn nữa. Nhưng không có chút màu mè, khách khi nào.

Ngực cồn lên, Thi Sách lại uống nữa. Khuôn mặt của Trưng Trắc đã nhòa đi thành hai. Nhưng đấy lại là Trưng Nhị đang ghé sát bên chị:

- Chàng say rồi!

Thi Sách chỉ còn thoáng nghe được câu ấy, như một hơi gió ấm lướt qua. Chàng trai trẻ đất Chu Diên không còn nghe tiếp được lời trò chuyện của nàng em đang níu lấy vai chị, giọng cợt đùa:

- Em biết tại sao hồi trưa chị lên nhổ mũi tên của chị rồi!

Trưng Trắc quay nhanh xuống nhìn em, mặt càng ửng đỏ, rồi lại ngẩng lên, đưa mắt qua đầu Thi Sách, nhìn mãi về phía xa... Việc ấy, thế ra Trưng Nhị cũng đã biết! Phải, hồi trưa vừa nhác thấy bóng cọp chồm tới, Trưng Trắc đã nhanh tay thả một mũi tên xuyên nát một bên mắt cọp. Chúa rừng đã khựng lại ngay giữa đà nhảy dữ dội của nó, và nhận tiếp luôn hai mũi lao hiểm của Thi Sách. Nhưng chính Trưng Trắc, chạy tới bên thú dữ trước tiên, đã kín đáo nhổ biến ngay mũi tên lợi hại của mình, giữa lúc con vật khổng lồ còn đang vật giẫy chết...

Vẫn giữ nguyên luôn mắt nhìn ra xa, sau một lúc trầm ngâm. Trưng Trắc bỗng hạ giọng, nói ràng rẽ:

- Phải! Nhưng bởi ta còn muốn nhằm con thú khác, to hơn!

Con thú lớn ấy, ngay sau đấy đã xuất hiện. Và múa vuốt nhe nanh, trợn tráo thật càn rỡ.

Mùa xuân năm ấy, thái thủ Tô Định, người thay mặt hoàng đế nhà Hán cai trị quận Giao Chỉ, theo đúng lệ định cho các chức thái thú biên quận mùa xuân phải đi tuần các huyện, đã từ Liên Lâu đến thẳng Mê Linh trước tiên.

Giữa tòa Đô úy trị, sau khi đã xem xét kỹ lưỡng các kho tàng, tiền của, Tô Định liền cho Triệu bọn thuộc hạ quanh huyện Mê Linh đến hỏi han về tình hình chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Vừa nghe tin con trai quan lạc tướng Chi Diện đến chơi đất Mê Linh, mới giết được cọp dữ, Tô Định bỗng giật mình biến sắc. Linh tính của tên quan cai trị cáo già khiến Tô Định cảm thấy ngay nổi lo ngại bấy lâu của hắn, nay dường như đã gặp điềm báo ứng. Chẳng phải chỉ là việc một con mồi quý bị hạ trước khi có lệnh mở mùa săn. Mà chính là người đã hạ thủ chúa rừng kia: Con trai lạc tướng Chu Diên, cớ chi tới tận đây mà lại được cử động ngang nhiên làm vậy? Chị em họ Trưng đang mưu tính gì mà lại mặn mà với khác lạ nhường ấy?

Lập tức, Tô Định dẫn quân tướng xộc thẳng xuống ngôi làng chủ của đất Mê Linh.

Tòa nhà làng mái cong đồ sộ, lặng ngắt hiện ra trước mắt viên thái thú nhà Hán. Sàn cao, bãi rộng, không một bóng người. Chỉ có chiếc trống đồng lớn, treo trước nhà là khẽ đung đưa theo nhịp rung từ những gót giày hùng hổ lẽo nhanh lên sàn cao của Tô Định.

Vừa bước vào nhà, một tấm da cọp căng vàng rực hẳn một góc sàn đã đập ngay vào mắt Tô Định. Từ trước đến nay, viên thái thú nhà Hán chưa bao giờ được thấy tấm da cọp nào vừa lớn, lại vừa đẹp đến thế! Màu da còn tươi rói. Hẳn đây là con cọp mới bị Thi Sách săn hạ. Và Tô Định bỗng nhiên thấy ngố người lên. Một cơn thèm muốn thật lớn đã chán hết cả trí não viên quan cai trị nhà Hán, như đã bao lần, đứng trước những của quý, vật lạ của đất này. Tô Định vẫn còn mang máng thấy cần phải tra tìm việc con trai lạc tứ Chu Diên đến lộng hành ở đất Mê Linh. Hắn cũng vẫn còn mang máng nhớ đến mối lo ngại bấy lâu canh cánh trong lòng. Nhưng tấm da cọp kia mới thật là việc đáng quan tâm lúc này. Lập tức, Tô Định quát gọi thuộc hạ, một mặt truyền nổi lửa đốt ngay ngôi nhà làng để răn đe dân màu, một mặt vào gỡ nhanh tấm da cọp, mang đi.

Từ trong làng xa, thấy lửa khói bốc lên từ ngôi nhà làng. Trưng Trắc, Trưng Nhị và dân Mê Linh vừa kéo đến xem sự thể, thì chứng kiến hành động ngang ngược của Tô Định. Dân Mê Linh bồn chồn bứt rứt, hết nhìn ngôi nhà làng đang cháy rừng rực và tấm da quý đang bị cướp sống, lại nhìn người nữ chủ. Trưng Nhị, trong một tư thế hết sức căng thẳng, cùng đảo mắt rất nhanh, vừa tìm mắt chị, vừa nhìn đám dân của mình. Nhưng vừa lúc Trưng Nhị toan phác một cử động quyết liệt thì Trưng Trắc đã nắm lấy cánh tay em gái. Đứng rất thẳng người, Trưng Trắc yên lặng để mặc Tô Định và đám thuộc hạ kéo đi.

Khi đám quan quân nhà Hán đã khuất sau đồi câu trước làng, Trưng Nhị bỗng giật giọng hỏi chị:

- Tại sao lại như thế? Tại sao lại để chúng càn rỡ mãi thế? Nhà làng của ta, chúng đốt đã bao lần...

- Ta sẽ dựng lại! Trưng Trắc lại ngắt lời em, Mà sẽ còn dựng cỏ thành cao hào sâu kia!

- Nhưng còn tấm da? Chị đã dành để chàng Thi Sách đưa về dâng quan lạc tướng Chu Diên...

- Ta sẽ lấy lại! Trưng Trắc lại ngắt lời em. Và nói mỗi lúc một dằn tiếng, Nhưng giờ chưa phải lúc ta sẽ cùng chàng Thi và dân Chu Diên đi lấy lại. Và cả dân cư khắp đất Việt này cũng sẽ đi lấy lại. Mà cũng không phải chỉ lấy một tấm da đâu!

Mùa xuân năm sau, bắt đầu cuộc tuần thú hàng năm của hắn, Tô Định lại từ Liên Lâu đến thẳng Mê Linh.

Năm nay, dân Mê Linh cũng như dân các huyện, đều không được phép mở hội xuân nữa. Nhưng cho dù không có lệnh cấm ngăn ấy, dân Mê Linh cùng khó mà mà vui chơi được. Bởi mùa săn đã được lệnh phải mở sớm hơn mọi năm. Và các khoản cống phẩm khoản cho Mê Linh phải nộp sang triều đình nhà Hán, lại tăng thêm một đôi sừng tê, kích thước phải dài chín tấc trở lên, và một đôi ngà voi, khích thước phải dài từ năm mươi tấc trở lên! Một chức quất quan được Tô Định chọn ngay trong đám người Hán mới chạy loạn Vương Mãng sang Giao Chỉ, cho ăn lương hàng năm hai trăm thạch lừa lấy của dân, chỉ để chuyện đốc thúc việc bắt dân trồng quýt, và tổ chức chuyên chở các thứ quả lạ mà quý của phương nam ấy, về tận kinh đô nhà Hán, dâng cống cho triều đình!

Gánh nặng thuế má, cống nạp tưởng đã làm dân Việt nghẹt thở. Ở miền rừng thì khổ vì phải tìm chim quý thú lạ. Còn ở biển thì mất xác vì phải mò tìm đồi mồi, ngọc châu. Mà hầu hết sức lực để chịu đựng gánh nặng ấy, trông cả vào ruộng nương, thì ruộng nương lại bị bọn người từ Trung Nguyên xô xuống, ỷ vào thế lực Quân trị, Đô úy trị, cướp đoạt mất tất cả những nơi màu mỡ nhất. Chuyện hãm hại, hà hiếp, giết chóc dân lành xảy ra như cơm bửa. Khắp cõi Giao Châu, uất khí bốc lên ngùn ngụt.

Thái thú Tô Định, vào dịp này, càng vơ vét cướp đoạt được nhiều, càng cảm thấy trong lòng không yên. Và Mê Linh lại cũng vẫn là nơi mà Tô Định băn khoăn nhất. Bởi tiếng đồn đại về hai chị em họ Trưng vẫn cứ từ đất Mê Linh bay đi khắp xứ. Sắc đẹp thì đã đành. Nhưng tính khí ngang tàng, tài thu phục lòng người và đức quảng giáo thì lại cũng chẳng kém gì bậc trượng phu. Mà khá lạ thay cho người xứ này! Trong khi ở Trung nguyên, phụ nữa đều phải và khuôn phép lễ giáo, phu xướng phụ tùy, thì ở đây, đàn bà con gái đâu đâu không. Sự giáo hóa của thiên triều xem chừng còn lâu mới uốn nắn được!

Mùa xuân năm Kiến Vũ thứ mười lăm, Khi Tô Định đến Mê Linh, thì bỗng được tin Trưng Trắc quả đã cùng Thi Sách ở Chu Diên kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo đúng lệ cũ của người Việt: Vợ chồng tuy đã thành thân nhưng người nào vẫn ở lại đất của người ấy. Một lần nữa. Tô Định lại bất giác giật mình và nổi cơn giận dữ thật sự. Bởi lẽ từ hàng chục năm nay, kể từ khi thái thú Tích Quảng trị nhậm đất Giao Chỉ, các thái thú đã thấy không thể để dân Việt sống khác mãi với tục lệ của người Hán được. Vậy nên, trước tiên là thể thức hôn nhân phải định lại. Phải có mối lái, sính lễ, cưới hỏi, ăn ở theo đúng điển lễ Trung Hoa. Kế tục Tịch Quang, bây giờ ở Giao Chỉ có Tô Định, và ở Cửu Chân thì thái thú Nhâm Diên, bạn đồng liêu với Định, đều ra sức giáo hóa dân Việt phải theo điển lễ hôn nhân Hán tộc. Vậy, họ Trưng, họ Thi là dòng dõi các lạc tướng mà vẫn ngang nhiên giữ lễ cũ, không chịu vào khuôn phép mới, thế thì thử hỏi dân man còn giáo hóa làm sao?

Lập tức, Tô Định lại theo gương Tích Quang, tìm trong đám người Hán ở Giao Chỉ, đặt một chức môi quan.

Đấy là người sẽ thay mặt triều đình, kiểm soát các cuộc hôn nhân của người Việt, buộc phải theo đúng điều lệ của nhà Hán!

Tin ấy đến tai hai chị em họ Trưng giữa lúc những người nữ chủ đất Mê Linh đang dạo một lượt các hộ chăn tằm trong làng. Tằm mùa xuân đang một nhân hai, hai nhân bốn, bốn nhân tám... Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách, mỗi người làm chủ một phương, kết liền thế lực hai miền đất lớn của người Việt đang nhân bội sức mạnh chống ách đô hộ hà khắc của ngoại bang. Bão táp sẽ từ đây bùng ra. Bọn đô hộ lại muốn dùng điển lễ hôn nhân của chúng để gò bó dân ta chăng? Trưng Trắc chỉ nắm chặt bàn tay em, cười nhạt. Và càng dội lên trong lòng nỗi nhớ yêu chồng.

Làm đúng theo những điều cùng Trưng Trắc bàn bạc. Thi Sách từ khi ở Mê Linh trở về, dốc sức ngày đêm biến Chu Diên thành chỗ dựa bền chắc của Mê Linh trong cuộc khởi nghĩa sắp tới.

Đất Chu Diên là nơi lắm ruộng nhiều vườn. Các làng chạ trong miền, theo lệnh của Thi Sách, đồng góp thóc lúa hoa màu trữ lại một nơi. Và rèn sắt đúc đồng, sửa soạn vũ khí. Những câu chuyện thầm thì, những cặp mắt nhìn kín đáo, và cả những cử chỉ cố gắn kìm hãm. Người người nô nức và âm thầm, bồn chồn chờ ngày khởi nghĩa lấy lại nước cũ.

Tin đi tin về giữa Chu Diên và Mê Linh vẫn đều đặn và ngày càng tăng. Những con thuyền mũi cong, đuôi én, chèo lại vùn vụt, xuôi sông Đáy, ngược sông Cái đưa Trưng Trắc về Chu Diên gặp chồng, đưa Thi Sách lên Mê Linh gặp vợ. Vượt biển khởi, băng rừng núi, những cờ súy thân cận của lạc tướng các huyện xa mãi trong các quân Cửu Chân và Nhật Nam ở phía Nam, các huyện ngoài biển Đông của cõi Giao Chỉ, các huyện xa trên quận Hợp Phố ở mạn Bắc, tất cả cũng đều tìm về Mê Linh, và đón những cừ súy của Trưng Trắc, Trưng Nhị từ Mê Linh đưa đi, bàn định việc nghĩa.

Những con dân của nước Văn Lang xưa, cùng chung nỗi hoạn nạn, theo nếp cũ, chỉ chờ dịp gặp được người kiệt liệt đứng ra xướng xuất việc lớn, là lại tụ hội với nhau thành một mối, tự nhiên như ngày nào.

Một mùa xuân nữa đã đến, mùa xuân năm bốn mươi sau công nguyên.

Vào những ngày mùa xuân năm ấy, Trưng Trắc và Trưng Nhị bận tất bật. Dân Việt khắp nơi đã đủ bề cùng cực. Và lòng mong nước cũ, nhớ đời tự do xưa, càng nấu nung. Người người hướng cả về Mê Linh, chờ đợi chị em họ Trưng hành động.

Dân Mê Linh được lệnh của nữ chủ tướng, từ lâu cũng đã sẵn sàng.

Giữa lúc ấy, một con thuyền quẫy mình ngược sóng hối hả lao về Mê Linh. Tín dữ từ Chu Diên đưa tới: Chàng Thi Sách đã bị Tô Định đem quân từ Quân trị về bắt giết! Tên thái thú tham tàn này, từ ngày được biết Trưng Trắc đã cùng Thi Sách kết thân, thì mỗi lúc một bàng hoàng nhận thấy rõ thêm rằng đây không phải là một cuộc hôn nhân bình thường. Những dấu hiệu biến động của người Việt ở khắp nơi từ sau cuộc hôn nhân ấy, càng khiến Tô Định hoảng hốt, lúng túng tìm cách đối phó với Mê Linh, mà hắn thừa biết là nguồn cội của cơn giông bão đang ì ầm sôi sục. Chưa dám động tới những người con gái mà hắn còn kiêng dè, Tô Định vội vã thử tìm cách triệt vây cánh của Mê Linh. Đưa đại binh đột ngột kéo về Chu Diên, bắt giết Thi Sách, Tô Định nghĩ rằng đấy là hành động trấn áp phủ đầu đác sách nhất của hắn.

Trưng Trắc và Trưng Nhị ấy đang đứng bên tàu voi. Đôi voi trắng khổng lồ, đang độ sung sức, đứng không yên chỗ, hết cuộn vòi lại lắc mình. Chợt con voi lớn bỗng rùng người lùi lại, tung vòi rống lên một tiếng lớn: Nó vừa thấy người nữ chủ thất sắc, loạng choạng níu vòi lấy gốc cây buộc voi khi nghe đám cừ súy hốt hoảng rầm rập chạy tới đưa tin dữ từ Chu Diên...

Lặng đi hồi lâu, Trưng Trắc bỗng lắc người chồm dậy, sải những bước lớn, đi thật nhanh về ngôi nhà làng. Trưng Nhị níu vai chị, rảo chân bước theo. Đám cừ súy rùng rùng chạy gần ở phía sau.

Từ ngôi nhà làng mái cong vút, tiếng trống đồng đột ngột giật giọng gầm lên: Aàm ùng ầm, ầm ầm ầm...

Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, chạy theo suốt dọc đường trẩy quân. Đất đỏ gió tung, cuồn cuộn cuốn bụi bay cùng tiếng trống. Những giọng hòa reo chốc chốc lại rộ lên một đợt, dìm tiếng trống vào môït biển âm thanh ồn ào, náo động.

Dân Mê Linh, giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn đi theo bóng voi ẩn hiện mờ mờ qua làn bụi ở phía trước. Tất cả đều ra đi. Chỉ để lại trong các làng những người già yếu và con trẻ.

Trên bành voi cao, Trưng Nhị luôn luôn đưa mắt nhìn sang phía chị. Suốt thời gian dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa kéo đi, Trưng Trắc giữa nguyên thế ngồi, chống thẳng tay nắm chắc lấy bành voi, đẩy người về phía trước. Và đôi mắt mở to, sáng quắc trên khuôn mặt, bừng bừng trong một cơn kích động sục sôi kéo dài. Người nữ chủ tướng Mê Linh mặc giáp phục rực rỡ: Bên ngoài bộ xống trùng áo ngắn, là một tấm hộ tâm bằng đồng thau vàng rực, chạm khắc cầu kỳ, và chiếc thắt lưng khóa đồng có đính một chuỗi nhạc nhỏ kêu lanh canh theo nhịp lạc của lưng voi. Trước lúc trẩy quân, trong đám cứ súy đã có người xin nữ chủ tướng cho cử tang Thi Sách và mặt tang phục. Trưng Trắc trả lời:

- Việc chiến trận phải quyền biết. Nếu tự làm tiều tụy thì nhuệ khí ắt tàn theo. Ta sẽ mặt giáp phục đẹp, để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoảng.

Quả đúng như lời của Trưng Trắc. Dân Mê Linh vốn quý yêu người nữ chủ của mình bao nhiêu, thì càng buồn lo cho nỗi đang tang tóc của nữ chủ của mình bấy nhiêu. Nhưng khi thấy Trưng Trắc, Trưng Nhị xuất hiện trước ngôi nhà làng, đẹp đẽ, lộng lẫy và nhanh nhẹn, hùng dũng bước lên mình voi, khoát mạnh tay ra lệnh nổi trống trẩy quân, thì tất cả dầu như sống dậy, hò reo chuyển đất, ào ào bám chân voi, nhìn chủ tướng mà xốc tới.

Khí thế ngất trời ấy của những người khởi nghĩa quả đã làm khiếp đảm quân thù. Tòa Đô úy trị trên đất Mê Linh chỉ gắng gượng chống cự được khoảnh khắc rồi vỡ. Dân Mê Linh trèo qua tường thành, phá tung cổng thành, đạp bằng dinh lũy của quân thống trị, đốt cháy tan hoang.

Đám tro tàn của tòa Đô úy trị còn đang vật vờ bốc khói, Trưng Trắc, và Trưng Nhị đã lạc bước lên mình voi. Và dân Mê Linh lại hò reo náo động theo nhịp trống đồng, theo người nữ chủ tướng, tràn xuống Liên Lâu. Nhưng lúc này, không phải chỉ có dân Mê Linh. Nhập vào đoàn quân trẩy đi phá Quân trị Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm đông đảo, dài dằng dặc, người của những làng chạ xa gần. Vừa nghe tin chị em họ Trưng đánh hạ Đô úy trị Mê Linh, dân Việt khắp nơi đã lập tứ cử người của mình kéo tới...

Tiếng trống đồng thêm nhiều âm vang, tiếng hòa reo thêm nhiều các giọng. Và bụi đường bốc lên càng dữ dội. Tất cả cuồn cuộn tràn xuống Liên Lâu.

Thành Liên Lâu cũng không đương nổi cuộc công phá của cả một biển người ào lên xung sát cực kỳ dũng mãnh theo hiệu trống đồng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Một đợt, rồi hai đợt tiến công, bao giờ cũng có Trưng Trắc, Trưng Nhị dẫn đầu, nghĩa quân Việt đã phá tan tòa thành Hán. Trong đám loạn quân, chị em họ Trưng thúc voi xông xáo tìm kiếm Tô Định mà không thấy hút hắn đâu. Con thú lớn ấy đã ôm đầu lủi trốn được.

Nghỉ lại ở Liên Châu một chiều, Trưng Trắc, Trưng Nhị lập tức phái ngay cừ súy của mình đi các nơi thăm thú binh tình. Người đi chưa được bao lâu thì bỗng từ mạn Bắc đã có tiếng reo hò vọng lại. Một đoàn người lô nhô rìu giáo, cung nỏ, ồn ào kéo tới, dẫn đầu là một nữ thủ lĩnh còn trẻ măng. Tin vui truyền ngay đến tai Trưng Trắc, Trưng Nhị: Nàng Thánh Thiên ở Ngọc Lâm vừa nghe tin nữ chủ đất Mê Linh, nổi dậy, cũng đã lập tức dẫn dân vùng mình đánh hạ ngay huyện Bắc Đới của nhà Hán, rồi đưa thẳng đoàn quân khởi nghĩa về hội quân với chị em họ Trưng!

Nỗi mừng vui náo nức còn nóng hổi thì từ mạn Nam, một đoàn quân sĩ nữa cũng đã vượt sông Đuống tiến lên. Hai người con gái giống nhau như hai giọt nước, dẫn đầu đoàn chiến binh ấy, chính là các nàng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở Mi Thử, vừa nổi dậy đánh hạ huyện thành An Định của nhà Hán, rồi dẫn quân tới hội.

Rồi từ mạn Tây cũng có người kéo về: Nàng Thiều Hoa ở động Lăng Xương với cả một đoàn dũng sĩ lao múa khiên và chạy nhảy như gió, vì hàng ngày vẫn chuyên luyện môn đánh phất hào hùng. Và từ mạn Đông, nữ tướng Lê Chân, người đã chiêu dân lập ấp, dựng nên trang An Biên ngay trên sóng nước biển Đông, cũng đã dẫn theo cả một đoàn quân gồm toàn những tay vật nổi tiếng lão luyện. Rồi thì nàng Tía ở Vĩnh Ninh đưa về một đoàn thuyền chiến và những thủy thủ ở nước như ở cạn. Tướng Nguyễn Tam Chinh bấy lâu mở lò vật ở Mai Đông, nay đem tất cả môn đệ của mình tới theo Trưng Trắc, Trưng Nhị. Tướng Lã Văn Ất cùng những người dân bộ lạc Trâu cũ, nổi dậy phá tan huyện thành Câu Lậu rồi cũng dẫn quân tới hội.

Từ quân Cửu Chân, các tướng Đô Dương, Chu Bá tìm ra, cùng một lúc các cứ suý quận miền trong cũng đã nổi dậy phá tan tành các huyện thành và quân trị. Tin từ Hợp Phố mãi xa trên mạn Bắc đưa về sau cùng: Dân Việt ở đây cũng đã đánh tan bọn quan quân nhà Hán và chiếm xong các huyện thành.

Tin thắng trận dồn dập, tới tấp truyền về. Nỗi vui mừng quá lớn khiến người ta đứng ngồi điều không yên. Hàng chục đời nay rồi, dễ chừng chưa từng có dịp nào được sống tưng bừng sung sướng đến như thế! Nước cũ từ thờ tổ Hùng Vương lại thấy bây giờ là đây! Hội mừng thắng trận mở hết ngày này sang ngày khác. Khắp nước náo động tiếng trống đồng và tiếng hò reo...

Ba mùa xuân nữa nối nhau trôi qua, cũng trong tiếng trống đồng và tiếng hòa reo mở lại hội vui trên khắp đất Việt.

Đuổi được giặc, lấy lại nước, hai chị em họ Trưng được cả nước tôn lên làm vua. Dòng dõi các vua Hùng xưa, bây giờ lại trị vì đất nước Việt. Trưng nữ vương trở về đất bản bộ của mình, xây thành Mê Linh, đúng như điều hứa hẹn của nàng Trưng Trắc ngày nào, người ta làm chủ nước ta. Các nữ thủ lĩnh, các nam cừ súy, được phong các chứ nữ tướng, tướng lĩnh, người nảo trở về đất nấy, dốc sức cùng nhân dân xây cuộc đời mới. Riêng Lê Chân giữ chức Tiên phong và Nàng Tía được giao cai quản thủy quân.

Trưng Trắc bàn bạc với em gái và các tướng rồi quyết định miễn hẳn thuế khóa cho thiên hạ. Cùng kiệt, khổ nhục dưới ách bạo tàn đã lâu, nay vừa được tự do lại khỏi hẳn nạn cống nạp, dân Việt say mê sống cuộc đời mới đã ba mùa xuân mà vẫn bàng hoàng vì niềm hạnh phúc quá lớn. Tiếng hát ca ngợi Trưng vương cất lên từ tất cả những tấm lòng sùng kính say sưa của dân khắp nước.

Vào mùa xuân năm thứ ba ấy, chỉ có Trưng vương là người phải lo nghĩ: Vua Hán Quang Vũ đã hạ lện động binh lớn, đưa tủ thư phong cho viên tướng lão luyện Mã Viện làm Phục ba tướng quân, đem đại quân sang đánh lại nước Việt, quyết đặt lại quận huyện ở đây một lần nữa.

Buổi chiều mùa xuân năm thứ ba ấy, đứng trên lầu cao thành Mê Linh, nghe tiếng trống đồng ngày hội vọng tới, Trưng Trắc nói với Trưng Nhị:

- Phải quyết sống mái với giặc thôi!

Trận huyết chiến sống mái ấy đã xảy ra ở Lãng bạc.

Hai vạn quân Hán, gồm nghìn đại binh và mười hai nghìn tinh binh của Mã Viện, đã giao chiến dữ dội với dân binh các làng chạ do Trưng vương thống suất, trong một trận đánh tối sầm cả trời đất. Quân Mã Viện đóng sắn trên các triền đất cao giữa vùng Lãng Bạc lầy lội, chuẩn bị tiến công Mê Linh. Giữa lúc ấy thì Trưng vương đem quân tới chận đánh. Hơn một vạn người Việt đã ngã và mất trong trận huyết chiến đó.

Sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc, Trưng vương thu quân về giữ Cấm Khê. Bọn Mã Viện lại kéo đại quân tới. Và một loạt trận huyết chiến nữa lại nổ ra, máu chảy đổ sông Hồng. Hơn hai vạn người Việt nữa lại đã bị mất ở đấy.

Quyết bảo vệ đất nước và cuộc sống tự do của mình, thà mất hết chứ không quay lại kiếp ngựa trâu, sức lực của người Việt hầu như đã dốc kiệt để sống mái với quân xâm lược theo ý chí của Trưng vương. Những người nữ vương đầu tiên của đất nước, cho đến cùng, vẫn kiên quyết giữ mãi ý chí sống mái với quân thù. Và dòng sông quê hương, sau hết, đã nhận vào lòng nước mắt dạt dào chảy mãi về sau ý chí quý báu chói ngời ấy của Trương vương: Phóng những ngọn lao và bắn đến những mũi tến cuối cùng, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã lùi đến bờ sông sâu. Và gieo mình xuống đáy nước.

Bấy giờ là mùa hè năm bốn mươi ba sau Công nguyên.

Nội Quy Dành Cho Thành Viên NKYN - Có Hiệu Lực từ ngày 4/30/2010

Nội Quy của NKYN

Nhật Ký Yêu Nước

Lời nói đầu

Nhật Ký Yêu Nước không đại diện cho bất kỳ một tổ chức hay đảng phái chính trị nào. Tất cả member của Nhật Ký Yêu Nước đều bình đẳng, được quyền phát biểu chính kiến và bảo lưu chính kiến của mình, được quyền yêu nước bằng cách riêng của mình trên nguyên tắc 6 KHÔNG:

6 Không:

1. Văng tục – 2. Nhục mạ - 3. Bôi nhọ - 4. Miệt thị - 5. Vu cáo – 6. Kích bác.

3 Tôn và 3 Không:

3 Tôn

1. Tôn Trọng Lòng Yêu Nước.

2. Tôn Trọng Sự Thật.

3. Tôn Trọng Sự Khác Biệt.

3 Không:

1. Không Phân Biệt Tôn Giáo

2. Không Phân Biệt Đảng Phái

3. Không Phân Biệt Đối Xử

Nội Quy của NKYN

3 lĩnh vực trong NKYN: (Sẽ bổ sung thêm khi Nhật Ký Yêu Nước phát triển)

1. Lập Pháp.

2. Tư Pháp.

3. Hành Pháp.

Cổ vũ cho:

1. Việc thay đổi nhà nước mà cả 3 lĩnh vực trên đều chịu sự nhúng tay, chi phối toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là ĐCSVN) bằng nhà nước pháp quyền theo thuyết Tam - Quyền - Phân lập cho Việt Nam.

2. Tự do – Dân chủ - Nhân quyền được thực thi toàn phần ở Việt Nam.

Tham Gia Diễn Đàn

1. Nhật Ký Yêu Nước chủ trương không phân biệt tôn giáo, giới tính, tuổi tác, trình độ và quan điểm về chính trị cũng như xã hội và hoan nghênh mọi thành phần tham gia.

Trình Bày

1. Nhật Ký Yêu Nước khuyến khích thành viên sử dụng tiếng Việt trong sáng, thể hiện trách nhiệm và sự tôn kính lẫn nhau trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến và tranh luận trên trang NKYN.

Bảo Trì Nhật Ký Yêu NướC

1. Chủ Nhiệm (Page Creator) Người thành lập Trang Nhật Ký Yêu Nước. Được toàn quyền bổ nhiệm Ban Quản Tri (Admin), Ban Biên Tập và đưa ra đường lối hoạt động của trang.

2. Ban Quản Trị (Admin) BQT chịu trách nhiệm quản lý trang NKYN về mặt kỹ thuật cũng như bảo mật của NKYN và bảo mật hồ sơ thành viên tham gia. BQT chỉ can thiệp vào công việc điều hành diễn đàn bằng cách xoá bài hoặc ban nick các thành viên cố ý phá hoại trang NKYN bằng các hình thức như tiết lộ thông tin thành viên, tiết lộ thông tin mật của trang NKYN, vi phạm cương lĩnh – nguyên tắc 3 tôn 3 không – 6 không của Nhật Ký Yêu Nước, hay các hành động phá hoại khác.

Ban Biên Tập

1. BBT bao gồm một tổng biên tập (từ đây được viết tắt là TBT), nhiều biên tập viên và cộng tác viên.

2. TBT sẽ chịu trách nhiệm quản lý trang chủ và quản lý các biên tập viên và cộng tác viên. BBT có nhiệm vụ lựa chọn những bài viết hay của thành viên và thu thập những thông tin thời sự hữu ích để đưa lên mục Notes hoặc Video của trang NKYN.

Nội Quy Chung Của Nhật Ký Yêu Nước

Mọi thành viên tham gia NKYN cần tuân thủ những nội quy chung của NKYN sau đây:

1. Về nội dung

a. Thành viên chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung bài viết do mình gửi lên trang NKYN. Bài viết của mỗi thành viên chỉ đại diện cho ý kiến cá nhân của thành viên đó, không đại diện cho trang NKYN và không cần thiết phải trùng với quan điểm của Chủ Nhiệm (Page Creator) và Ban Quản Trị.

b. Thành viên có toàn quyền giữ bí mật về thông tin cá nhân của mình. BQT không thể trợ giúp thành viên trên NKYN xác định bất kỳ thành viên nào, các thành viên phải tự mình cẩn thận trong các trường hợp trao đổi thông tin cá nhân với các thành viên khác.

2. Tuân thủ 3 tôn – 3 không và 6 không ở lời nói đầu:

a. Bài viết nếu chứa đựng những nội dung kể trên sẽ bị xóa và thành viên đó có thể bị cảnh cáo hoặc cấm tham gia trang NKYN nếu tái phạm.

3. Thành viên không được phép:

a. Gửi nhiều lần bài viết có cùng nội dung;

b. Gửi những bài viết không phù hợp chủ đề mình đang tham gia;

c. Gửi cùng lúc nhiều bài ngắn không có nội dung vào các chủ đề khác nhau;

d. Quảng cáo sản phẩm hay dịch vụ cá nhân trên diễn đàn, ngoại trừ việc quảng bá các cơ sở hay hoạt động thiện nguyện.

Nội Quy Riêng Theo Từng Mục Của Nhật Ký Yêu Nước

1. Wall:

a. Thành viên được phép đăng - trích dẫn bài viết thể hiện quan điểm, chính kiến của riêng mình. Không được đăng những bài vi phạm 3 tôn - 3 không, 6 không.

b. Sẽ bị ban lập tức nếu bạn cố tình nhiều lần vi phạm những luật lệ sau đây và hoặc mang tính cách phá hoại:

i. Chửi thành viên, lãnh tụ, hay đảng đối lập.

ii. Khiêu khích thành viên khác hay đòi lật đổ chính quyền dân sự.

iii. Vi phạm 3 tôn – 3 không và 6 không.

2. Notes và Videos:

a. TBT sẽ chịu trách nhiệm quản lý wall của NKYN và quản lý các biên tập viên và cộng tác viên. BBT có nhiệm vụ lựa chọn những bài viết hay của thành viên và thu thập những thông tin thời sự hữu ích để đưa lên mục Notes hoặc Video của trang NKYN.

b. Sẽ bị ban lập tức nếu bạn cố tình nhiều lần vi phạm những luật lệ sau đây và hoặc mang tính cách phá hoại:

i. Chửi thành viên, lãnh tụ, hay đảng đối lập.

ii. Khiêu khích thành viên khác hay đòi lật đổ chính quyền.

iii. Vi phạm 3 tôn – 3 không và 6 không.

3. Discussion:

a. Discussion của Nhật Ký Yêu Nước là nơi độc giả và thành viên tìm đọc, thảo luận các vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam và thế giới.

b. NKYN tin rằng chỉ có tự do thông tin, tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến mới thúc đẩy Dân Chủ toàn phần ở Việt Nam. Ai cũng có quyền tiếp cận thông tin đa chiều, khách quan và chính xác. Do đó, mục tiêu chính của NKYN Discussion là cung cấp thông tin trung thực và các quan điểm đa chiều về kinh tế - chính trị - xã hội tới mọi thành viên trong NKYN, từ đó nâng cao sự hiểu biết của họ, góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội.

c. Các Nguyên Tắc Căn Bản Trong Discussion:

i. NKYN discussion: là nơi tự do ngôn luận, kêu gọi tôn trọng lòng yêu nước, tôn trọng sự thật, và TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT trên cơ sở đề cao sự thật, lập luận logic và khoa học, và tinh thần tôn trọng lẫn nhau của mọi thành viên tham gia.

ii. NKYN discussion khuyến khích sự trao đổi và chia sẻ thông tin trung thực và các quan điểm đa chiều về mọi mặt của xã hội nhằm tạo ra một nền thông tin đa chiều.

iii. NKYN discussion chủ trương đoàn kết mọi thành viên trong trang NKYN thông qua việc góp ý, chia sẻ thông tin và suy nghĩ cá nhân trên tinh thần xây dựng để xóa dần đi những cách biệt về chính kiến và tư tưởng nhằm tạo nên một cộng đồng mạng yêu nước thân thiết và gắn bó.

Phần Kết

NKYN không đại diện cho bất kỳ một tổ chức hay đảng phái chính trị nào.

Những bài viết vi phạm sẽ bị xóa và thành viên đó sẽ bị cảnh cáo hoặc cấm tham gia diễn đàn nếu tái phạm. Thành viên được comment báo cáo vi phạm cương lĩnh của NKYN trực tiếp trong chủ đề đang tranh luận, nếu xét thấy chính xác là vi phạm, admin có quyền thực thi việc xử lý vi phạm.

Quyền sửa đổi quy định, nội quy hoặc cấu trúc

Mọi sửa đổi về quy định Của Nhật Ký Yêu Nước do Chủ Nhiệm thực hiện và BQT bảo lưu quyền thay đổi quy định cho phù hợp tình hình hoạt động của trang.

Ký Tên,


Chủ Nhiệm NKYN

Ban Quản Trị NKYN

Cộng Tác Viên NKYN