Sunday, May 19, 2019

Về tâm lý nạn nhân

Personal Development - WeGreen

*****
Về tâm lý nạn nhân

Trong thời đại internet, việc chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng than thở và đọc lời than thở trên các blog cá nhân, các diễn đàn, hoặc thậm chí - công khai trên các trang mạng xã hội. Một câu chuyện tình cảm không như ý, một rắc rối cuộc sống, một mối quan hệ khó khăn, tất cả đều có thể trở thành đề tài cho các than vãn. Sự thực, chúng ta đang gián tiếp cổ súy và trực tiếp biến mình thành một nạn nhân của một trạng thái gọi là tâm lý nạn nhân (Victim mentality - Victim syndrome).

Tâm lý nạn nhân là gì? Tâm lý nạn nhân được hiểu đơn giản là một trạng thái tâm lý trong đó một người có xu hướng nhận mình là nạn nhân của những hành động có tính tiêu cực từ môi trường bên ngoài mà không có lý do chính đáng. Người có tâm lý nạn nhân thường có các biểu hiện như: (1) Có cái nhìn tiêu cực về tình huống một cách chủ quan (2) Không thể hoặc không muốn nhìn tình huống từ góc nhìn của những đối tượng xung quanh (3) Có thể hiểu một câu nói bình thường thành một nhận xét tiêu cực (4) Thường chia con người thành chỉ 2 loại “tốt” và “xấu” (5) Từ chối những lời chỉ trích mang tính xây dựng từ người khác. (6) Đổ lỗi cho người khác về các tình huống tiêu cực mà mình tạo nên hoặc góp phần tạo nên. (7) Gán ghép những ý định tiêu cực cho người khác khi họ không nói hay làm những điều đó (8) Tin tưởng rằng mọi người xung quanh hạnh phúc hơn mình.

Câu hỏi là, tại sao tâm lý nạn nhân lại có hại? Tâm lý nạn nhân có thể dẫn tới những hậu quả gì và làm thế nào để tự khắc phục nó?

1. TÂM LÝ NẠN NHÂN KHÁC VỚI VIỆC NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN CÁC KHÓ KHĂN

Hiển nhiên sẽ không tốt nếu như bạn thuộc vào nhóm “lạc quan thái quá”, những người tin rằng không có gì là không thể. Sự lạc quan thái quá cũng giống như một người lái xe về phía trước mà không để ý các khúc quanh sẽ dễ lao xuống vực thẳm.

Chúng ta cần có ý thức khách quan về các tình huống tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai và chuẩn bị cho nó. Điều này không phải là tâm lý nạn nhân.

Chúng ta cần có ý thức khách quan về những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến mình, những tình huống mà mình thực sự là đối tượng bị phương hại - để có thể loại bỏ hoặc dần cải thiện nó. Điều này cũng không phải là tâm lý nạn nhân.

Khác biệt giữa một nạn nhân và một người suy nghĩ khách quan là thái độ thụ động và chủ động, tính phi duy lý và tính duy lý: Người nạn nhân miễn cưỡng gán ghép những ý định tiêu cực lên thế giới xung quanh một cách thụ động để tự bảo vệ cái tôi, cho rằng những ý định không tiêu cực là tiêu cực và thổi phồng những ý định tiêu cực - dẫn đến cái nhìn lệch lạc.

Trong khi đó, người suy nghĩ khách quan chủ động nhìn nhận, đánh giá tình huống một cách khách quan, nhìn nhận tiêu cực đúng với bản chất và mức độ của nó - để từ đó đưa ra các quyết định cải thiện tình hình.

2. TÂM LÝ NẠN NHÂN XUẤT PHÁT TỪ:

Dễ thấy rằng các đối tượng có tâm lý nạn nhân thường thuộc giới nữ - các đối tượng (thường) khó tách biệt bản thân khỏi cảm xúc và có niềm tin rằng mình cần được bảo vệ, che chở, nâng niu (dưới ảnh hưởng của trào lưu văn hóa nữ quyền đang tràn ngập hiện nay).

Tâm lý nạn nhân theo quan điểm của người viết được quyết định bởi hai yếu tố chính: (1) Khả năng tư duy phản biện (critical thinking) và (2) sự tự định hình giá trị bản thân (self-evaluation) , hay quan niệm của bản thân về những gì mình “xứng đáng được nhận”.

Hãy đọc một lướt các bài viết có nội dung than vãn trên trang facebook của bạn. Đại đa số có chung các đặc điểm: Người viết thường có một quan niệm vững chắc (và có thể phi thực tế) vì những gì họ cho rằng mình xứng đáng có được (sự chú ý ghi nhận từ cộng đồng, một môi trường sống đầy đủ hạnh phúc hay sự quan tâm thương yêu từ người khác chẳng hạn) và những quan niệm này thường xuất phát từ một hệ thống tư duy yếu kém (thường mang tính cảm xúc và bản năng). Sự áp đặt các nhu cầu chủ quan lên thực tế khách quan (dẫn đến việc các nhu cầu không được đáp ứng) kèm theo tư duy phản biện không tốt (dẫn đến không nhìn nhận được nguyên nhân, tiến trình, kết quả của sự việc để hiểu tại sao các nhu cầu đó không được đáp ứng) đã dẫn tới các phản ứng có tính bùng nổ.

3. TÂM LÝ NẠN NHÂN CÓ HẠI

Việc than thở và được sẻ chia tạo ra ảo tưởng bạn ĐANG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ (và làm bạn mất đi động lực để thực sự giải quyết vấn đề) nhưng thực ra không phải như vậy, do nguồn gốc sâu xa của vấn đề hoàn toàn chưa được loại bỏ. Tất nhiên rằng, trong một số tình huống việc than thở này cũng có ích (thường khi vấn đề chỉ mang tính ngắn hạn bề nổi). Nhưng trong đa số trường hợp, nó vô nghĩa.

Nhưng vấn đề trung tâm của những người mang tâm lý nạn nhân là tính thụ động. Hãy giả định rằng người A ra đường và bị một chiếc xe tải do tài xế B điều khiển tông phải. Sau đó A sẽ có 3 chọn lựa: 1. Bỏ qua cho B và xem như chưa có gì 2. Bắt B bồi thường một số tiền và 3. Nằm đó trách cứ B và than thở về việc B lái xe ẩu. Lựa chọn 3 sẽ mang lại cho A cảm giác dễ chịu nhất thời (cân bằng lại những “bất công” A nghĩ mình phải chịu đựng) tuy nhiên nó hoàn toàn có khả năng (và có rất nhiều khả năng) không đem lại một kết quả có lợi nào trên thực tế. Thay vào đó, nó khiến A mất đi những lợi ích mình có ở lựa chọn 1 (không có thời gian làm những việc khác) và 2 (B sẽ mất kiên nhẫn vì không thể thống nhất giải pháp).

Người mang tâm lý nạn nhân phó thác nhu cầu của mình cho ngoại cảnh một cách thụ động. Quan niệm về giá trị bản thân của họ thường có tính chủ quan và họ cũng thường không ý thức được sự việc một cách khách quan hay mình cần làm gì để thay đổi tình hình. Điều này đa phần sẽ dẫn đến sự không vừa lòng, bất lực với cuộc sống và làm kéo dài thêm tâm lý nạn nhân sẵn có ở họ.

Trong thời đại của các mạng xã hội, sự lan truyền nhanh chóng của dòng chảy những lời than thở và những lời chia sẻ không có trách nhiệm của cộng đồng đã góp phần rất lớn làm trầm trọng thêm vấn đề. Những lời than thở và sẻ chia này không hề giúp giải quyết vướng mắc. Chúng làm các suy nghĩ tiêu cực của người mạng tâm lý nạn nhân trở nên thêm nặng nề và khiến vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn nữa.

4. GIẢI PHÁP:

- Trước mỗi vấn đề mình gặp phải, hãy không ngừng hỏi “Tại sao” cho đến khi lần đến được mấu chốt. Ví dụ “Tại sao cuộc sống của tôi lại tồi tệ” “Tại sao người khác không mang đến cho tôi thứ tôi muốn?”.

- Cảm giác hạnh phúc có được thông qua sự đồng điệu giữa các nhu cầu bản thân và ngoại cảnh. Thay vì thụ động chờ đợi ngoại cảnh hoặc cưỡng ép một trong hai, hãy chủ động thay đổi cả ngoại cảnh lẫn nhu cầu bản thân một cách đồng điệu.

- Nhìn nhận trách nhiệm của bản thân trong mọi vấn đề. Hãy nhớ rằng không có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bạn mà bạn không ít nhiều có trách nhiệm trong đó.

- Ngừng than thở vô nghĩa hoặc chia sẻ cổ súy cho những lời than thở vô nghĩa. Điều này ngoài việc đem lại một chút cảm xúc dễ chịu nhất thời thì không giúp gì cho ai cả.

 Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận 

Thực hiện: [Admin K] và [Admin Đá]

*****
Tham khảo thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/Victim_mentality
http://tamlyhoctoipham.com/nao-trang-nan-nhan/
http://tamlyhoctoipham.com/dung-choi-tro-nan-nhan/

#pháttriểncánhân #wegreen #vietnam#personaldevelopment

No comments:

Post a Comment