Saturday, May 18, 2019

Personal Development – WEGREEN: Sự THÀNH THẬT & Hành trình của xã hội Zombie

Personal Development – WEGREEN: Sự THÀNH THẬT & Hành trình của xã hội Zombie

Thời đại chúng ta đang sống, là thời đại của sự dối lừa. Thời đại mà những mánh khóe lừa lọc, ăn không nói có được cho là khôn ngoan lanh lợi, còn ai mà thành thật thì tức khắc bị cho là dại dột, ngờ ngệch. Thời đại mà tất thảy những thứ gì tốt đẹp đều bị cho là "đạo đức giả" vì "cuộc đời nó phải khác".

Đó là thời đại của những kẻ hèn nhát. Chúng ta sợ mọi thứ. Ta không chỉ e sợ phản ứng của ngoại vật bên ngoài mà còn sợ hãi, còn né tránh, còn rụt rè không dám nhìn thẳng vào tâm thức mình. Giả dối với người là một nhẽ, song chúng ta còn giả dối với mình.

Sự hèn nhát không thể có ở những nhà trí thức lỗi lạc, những người tạo ra được ảnh hưởng tới dư luận. Từ xưa đến nay, người trí thức trước khi can thiệp vào thời cuộc phải luyện được cho mình một tinh thần can đảm không e sợ, không trốn tránh, không quanh co tự dối mình. Đấy là cái tinh thần mà người xưa dạy: „Tự giác nhi giác tha“ (Sửa đổi mình để mà sửa đổi mọi người“).

„Tự giác nhi giác tha“, câu cách ngôn đơn giản mà để thực hiện không phải dễ. Thời nay, con người ai cũng thích tìm tòi bới móc cái sai của người khác, song lại không dám thành thật nhìn vào cái sai của mình, cái chưa được của mình, cái động cơ đích thực của mình để mà sửa đổi, hoàn thiện. Đó là cái mê loạn đẩy con người ta vào u mê tăm tối.

Triết gia Hy Lạp Marc Aurèle hằng than thở: Cái dở của mình có thể tránh được thời không tránh, cái dở của người khác không thể tránh lại cố mà tránh cho bằng được. Thật cũng nực cười ! Thế bởi vì sao ? Bởi vì cái dở của mình thường nấp sau mĩ từ, thường nương danh công lý, mượn oai những điều cao đẹp làm cho chính mình còn lóa mắt, còn lầm lạc. Thà bảo tôi nói vì tôi yêu tự do, yêu con người, yêu đất nước thì dễ nghe hơn là thành thật mà thưa rằng tôi nói nhiều lắm khi chẳng qua là vì cái tánh hiếu danh, tánh tự phụ của tôi. Thành thật với mình, không phải dễ !

Hãy nghe hai câu chuyện này mà ta ắt đã bắt gặp rất nhiều.

1. Hai người bạn A và B chơi với nhau. A là cổ động viên của đội bóng X, B là cổ động viên của đội bóng Y. Một hôm có trận đấu giữa X và Y. Y thắng, song dư luận lại cho rằng người trọng tài đã xử gian lận. Thế là A và B quay qua cãi nhau không tiếc lời. A cho rằng mình cổ súy cho sự công bằng, B lại nói mình vì tình yêu với đội bóng.

Hay chưa ? Nếu là cổ súy công bằng hay vì tình yêu với đội bóng thì đâu có gì để mà cãi cọ. Chính họ cãi nhau vì ai cũng có cái tính tự phụ, không chịu xếp dưới ai, muốn cái gì của mình, mình tin, mình thần tượng phải đứng trên người khác. Như vậy thì mới có cái để mà cãi.

2. M và N theo hai tôn giáo khác nhau. Trong một buổi tranh luận cả hai đều cho rằng tôn giáo của mình mới thực là lẽ phải. Hai người đều cho rằng mình tử vì đạo, sẵn sàng chết cho những tín điều cao quý. Nhưng than ôi, thực ra họ chỉ chết cho cái sự chấp vướng và tính tự phụ của mình.

***
Đó là hai câu chuyện ta thấy nhiều.

Sách xưa viết: „Bậc thánh nhân hơn người chỉ ở chỗ thành thật với mình“. Bởi thành thật với mình nên mới biết mình. Bởi biết mình mới có thể tùy liệu tình thế mà khu xử cho phù hợp. Có biết khu xử phù hợp thì mới được bền vững.

Bởi không thành thật mà mình dẫn cả mình và người khác theo mình đi đến chỗ lầm lạc, sai đường. Thí dụ đơn giản như chuyện chọn ngành nghề: biết bao sinh viên không thành thật với sở nguyện của mình mà lại đi nhắm mắt chọn bừa theo sở nguyện, sở trường của người khác. Đến lúc nhận ra mình không phù hợp với ngành nghề đó thì đã muộn rồi.

Nhìn xa hơn, biết bao cuộc tang thương trong lịch sử nhân loại đã tới bởi vì những người dẫn đạo mù quáng dẫn dắt tín đồ của mình lao theo những lý tưởng toàn thiện. Hay lại nói, có biết bao người thưở hàn vi thì chính trực thanh liêm hết mực, kịch liệt lên án nạn tham nhũng hạch sách cửa quyền; song cũng những con người đó khi theo đuổi danh lợi và nắm quyền lực trong tay thì lại tham lam, nhũng nhiễu chẳng kém gì những người họ phê phán trước kia.

Đó đều là vì không tự định được lòng tham, lòng vị kỷ của mình. Chỉ vì không thành thật mà gây ra bao cái hại cho mình, cho xã hội.

Sự thành thật với mình còn là thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của mình, không phải thích cái người khác thích, làm cái người khác làm. Nhà tâm lý R.Cialdini có kể cho chúng ta nghe tập tánh của loài trâu rừng. Khi chúng di chuyển thành đàn thì con trâu nọ chỉ nhìn con trâu kia mà không nhìn đường-dựa vào tập tánh này mà những người thợ săn cừ có thể bẫy cả đàn trâu rơi xuống vực. Cialdini kết luận: Con người mà chỉ biết hành động theo số đông thì có khác gì đàn trâu rừng lao xuống hố kia ?

Hãy đừng cho đây là chuyện của người đời. Để ý mà xem, có phải chúng ta theo đuổi các gu thời tranh sành điệu, chúng ta đi uống cafe, đi quán bar vào buổi tối, chúng ta thích những bộ phim hot, săn lùng đĩa hát mới ra của các ngôi sao đang nổi tiếng, chúng ta muốn một chỗ làm ổn định, một mức lương đường hoàng đủ tích dưỡng cho tuổi già...Vậy mà có bao giờ chúng ta tự hỏi những hành động đó thực ra xuất phát từ động cơ gì. Có phải vì, có một phần nào đó trong chúng ta muốn được giống mọi người, muốn được cộng đồng mở lòng chấp nhận mà ta sẵn sàng từ chối một cách sống, một lối suy nghĩ khác ?

Hay nói ngắn gọn, ta sợ mọi người khinh thường ta, gọi ta là biệt dị. Có lẽ rằng cái tâm lý thích khen sợ chê đã trở thành một căn bệnh khó chữa của loài người trong thời đại này.

Bởi thích khen sợ chê mà ta luôn chọn giải pháp ít làm mếch lòng mình, mếch lòng người ta nhất. Song phải nhớ rằng thành thật với mình và với người là cách trui rèn tốt nhất cho lòng can đảm, bởi lẽ không phải ai cũng có cái dũng cảm đối diện với những thói xấu trong mình, đối diện với hình phạt hay đi ngược lại các trào lưu xã hội. Con người có hiểu được mình, có chấp nhận mình thì mới có thể không đi vào đường sai lạc, thoát khỏi bệnh tôn sùng mù quáng và nhận ra nhiều lẽ phải ở đời.

Mà để hiểu được mình không có cách nào hay hơn là thành thật.
------------------------------------
Bài viết: [Admin K]
Hình ảnh: [Admin T]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

No comments:

Post a Comment