Saturday, May 18, 2019

Personal Development – WEGREEN: Độc quyền chân lý

Personal Development – WEGREEN: Độc quyền chân lý

Trên con đường tìm kiếm và truyền bá tri thức hay ngay trong giao tiếp hàng ngày, đối thoại và tranh luận là những phương tiện không thể thiếu. Thế nhưng một nhược điểm trong đối thoại cũng như tranh luận mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải đó là suy nghĩ “độc quyền chân lý”. Dấn sâu vào cuộc tranh luận, khi cái khát khao khẳng định mình, khẳng định chân lý của mình trở nên quá lớn, khả năng phân tích lập luận của một người sẽ dần bị thu hẹp, và kết cục sẽ là một trận khẩu chiến hoặc đôi khi sự việc nghiêm trọng hơn sẽ diễn ra nếu như các bên trong cuộc không còn khả năng phán xét ngay cả những lập luận ngay cả của chính bản thân mình nữa.
Trên bàn đàm phán, kí kết, hay bất kì sự thương lượng nào diễn ra dưới hình thức đối thoại, hiện tượng tương tự có thể bị bắt gặp nếu mỗi người không thể tự kiểm soát cái tôi hay chân lý của chính mình. Khởi đầu cho một nền văn minh, mà viên gạch đầu tiên của nó là một bản hiến pháp, những người sáng lập ra nước Mỹ đã bước đầu có thể vì một chân lý chung, mà tạm gác lại những chân lý của cá nhân mình, mở ra một kỉ nguyên mới cho những vùng thuộc địa cũ của Anh – nước Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Phát biểu trong hội nghị lập hiến, Franklin đã thể hiện xuất sắc một chân lý vì cái chung, cũng là một bài học lớn cho lớp hậu bối học hỏi và suy ngẫm.
***
BÀI DIỄN VĂN TRONG HỘI NGHỊ LẬP HIẾN HAY NHẤT CỦA BENJAMIN FRANKLIN

Trong ngày 17 tháng chín năm 1787, ngày họp cuối cùng của Hội nghị Lập hiến, lễ ký kết bản Hiến pháp Hoa Kỳ đã diễn ra rất trang nghiêm và cảm động. Đại biểu cao tuổi nhất, bác sĩ Franklin đã viết một trong những bài diễn văn hay nhất của mình. Lúc đó ông là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Tiểu bang Pennylvania, cũng là chủ nhà của Hội nghị. Ông là người nổi tiếng khắp châu Âu và nước Mỹ hơn bất kỳ một cá nhân nào khác cùng thời đại. Lúc ấy Franklin đã 81 tuổi và đi khập khiễng do căn bệnh gút.

Nhưng tại ngày họp cuối cùng, trong số 55 đại biểu từng tham dự, chỉ còn 42 người có mặt, và trong đó chỉ có 39 đại biểu đồng ý ký vào bản Hiến pháp. Ba đại biểu Gerry, Mason và Randolph đã từ chối ký và tuyên bố những lý do họ không thể ký vào bản Hiến pháp.

Bản thảo Hiến pháp được đọc trước Hội nghị.

Benjamin Franklin đứng lên với bài phát biểu cầm trong tay, nhờ ngài Wilson đọc giùm.

"Thưa Ngài chủ tịch,

Tôi thừa nhận rằng lúc này, có nhiều điểm trong bản Hiến pháp này, tôi không thể chấp nhận. Nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình. Tôi thường thấy mình sai lầm ngay tại những điều ưng ý nhất. Khi tôi càng nhiều tuổi, tôi càng nghi ngờ sự phán xét của chính mình và quan tâm chú ý hơn đến những nhận xét của người khác.

Hầu hết loài người, cũng như những giáo phái trên thế giới, thường tự cho rằng mình mới là người hiểu biết sự thật và bất kể ai khác với quan điểm của mình đều là sai lầm.

Steele, một người theo đạo Tin Lành, nói với Giáo hoàng Công giáo rằng sự khác biệt duy nhất giữa hai tôn giáo này là nhà thờ Công giáo La Mã không thể sai lầm, còn Nhà thờ Tin lành nước Anh cũng không bao giờ sai lầm.

Nhưng dù nhiều quý Ngài lại nghĩ rằng ý kiến của mình, cũng như tôn giáo của mình là không thể sai lầm thì một vài người đã thể hiện tính cách giống như một cô gái Pháp, luôn luôn càu nhàu và bới móc mọi lỗi lầm của những người xung quanh, để rồi tự cho rằng ngoài mình ra, chẳng có ai làm đúng cả.

Với những suy nghĩ đó, thưa Ngài, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lầm của nó nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung. Không một chính quyền nào mang lại điều tốt đẹp cho dân chúng nếu không được thiết lập đúng đắn.

Khi chúng ta nhóm họp tại đây, tập trung mọi sự khôn ngoan và hiểu biết của mình, mọi quý Ngài đều bị ràng buộc bởi những tâm trạng, quan điểm và cả những nhầm lẫn, những lợi ích của địa phương và những quan điểm ích kỷ của nhiều người khác. Vậy nhưng nhóm họp như vậy có thể làm ra được điều gì hoàn hảo?

Thưa Ngài, do đó, tôi cảm thấy kinh ngạc khi hệ thống này đã hoàn hảo tới mức có thể và tôi nghĩ bản Hiến pháp này cũng làm những kẻ thù của chúng ta ngạc nhiên, những kẻ đang tin tưởng trông chờ rằng chúng ta cũng giống như những người xây dựng Tháp Babel; rằng các tiểu bang của chúng ta đang ở bên bờ miệng vực của sự tan rã, gặp nhau tại đây chỉ để cắt cổ họng người khác.

Thưa Ngài, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này bởi tôi chẳng thể hy vọng một văn kiện xuất sắc hơn và tôi cũng không thể đoán chắc rằng đó không phải là văn bản xuất sắc nhất. Những ý kiến nêu ra những sai trái của Hiến pháp này là vì mong ước những điều tốt lành cho dân chúng.

Tôi tin rằng số phận của chúng ta cũng là số phận của dân chúng và vì sự thịnh vượng chung, chúng ta hãy chân thành và nhiệt tình đồng tâm ca ngợi bản Hiến pháp này. Nếu được Quốc hội Hợp bang chấp thuận và được các hội nghị tiểu bang phê chuẩn thì ảnh hưởng của chúng ta sẽ được nhân rộng. Nhờ đó, một chính quyền tốt đẹp sẽ được thiết lập.

Tóm lại, thưa ngài Chủ tịch, tôi thật sự mong ước mọi quý Ngài tham dự Hội nghị này, những người vẫn còn những bất đồng về bản Hiến pháp, theo gương tôi, nhân lúc này, hãy nghi ngờ một chút về tính không thể nhầm lẫn của chính mình và thể hiện sự đồng lòng chân thành nhất bằng cách đặt chữ ký của mình vào văn kiện này."

(Theo cuốn "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào, Nguyễn Cảnh Bình, NXB Tri Thức)

Biên tập & Hình ảnh: [Admin TKN]
Bản quyền © Wegreen Vietnam

No comments:

Post a Comment