Saturday, May 18, 2019

CHI PHỐI và PHỤC TÙNG


CHI PHỐI và PHỤC TÙNG
[Personal Development - #WEGREEN]

„Tôi không thể bị chi phối“, „Tôi không thể bị tạo sức ép“. Rất nhiều sinh viên đã nói thế trước một cuộc thí nghiệm ở trường đại học. Rất nhiều người trong số chúng ta tin tưởng rằng mình thực sự thoát khỏi sự „theo đuôi“ người khác. Kết quả thu được trái lại hoàn toàn.

Chúng ta muốn được đúng. Điều này không có gì lạ. Chúng ta không muốn mình là người duy nhất sai, vì vậy khi không chắc chắn, chúng ta sẽ tham khảo ý kiến của những người xung quanh. Nhưng không phải những người xung quanh này đều nhận được sự ưu tiên như nhau. Ngay cả khi hoàn toàn có kiến thức về một vấn đề, chúng ta vẫn có xu hướng nghe lời những người có danh vị, đã có sức ảnh hưởng với công chúng, những người theo chúng ta là có một hiểu biết tốt hơn.

Ngay từ bé, chúng ta đã có xu hướng nghe theo lời bố mẹ mình, những người chúng ta tin tưởng là có kiến thức, hay ít nhất cũng là giàu kinh nghiệm và hiểu biết. Một lý do quan trọng không kém, là chúng ta sợ bị trừng phạt. Đây là một hành động vô thức nhằm tiết kiệm năng lượng của não bộ đáng lẽ phải dùng cho việc tư duy.Điều đáng sợ là, chúng ta không nhận biết chúng. Chúng ta không hiểu rằng mình đang theo đuôi người khác, dù hành động theo đuôi đó phủ nhận hoàn toàn những gì chúng ta đã biết. Chúng ta chỉ việc làm theo, như những cỗ máy.

Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống như thế này chưa: Bạn đọc bài viết hay nghe những lời phát biểu của một người nổi tiếng (điều đầu tiên là bạn phải chắc chắn rằng bạn đã biết về người đó qua truyền thông và qua bạn bè) – Anh ta đang nói gì vậy? Điều này bạn đã nghe ở đâu rồi? Có đúng không? Không, anh ta nói làm sao mà sai được? Hình như điều đó cũng có lý. Đúng rồi, ắt hẳn phải là như vậy. Bạn tin hoàn toàn. Bạn tán dương hoàn toàn. Không nghi ngờ gì nữa. Bạn tán dương mà thậm chí không cần phải nhìn nhận thực tế. Tôi đã chứng kiến điều này khi thử đăng lên một page lớn một vài điều chưa được kiểm chứng. Kết quả phần lớn những người xem hoàn toàn tán đồng, và chỉ có một số ít thắc mắc.

Điều này đã xảy ra ở những bệnh viện. Phán quyết sai lầm của các bác sĩ là một vấn nạn của ngành y. Rất nhiều vụ chuẩn bệnh sai đáng tiếc đã bắt đầu từ tình huống y tá bất chấp những hiểu biết y khoa của mình để làm theo lời bác sĩ như một cỗ máy. Người ta đã làm một thí nghiệm thế này: một người đóng giả làm „bác sĩ“ kê cho bệnh nhân một đơn thuốc sai lầm về căn bản qua điện thoại (một hành động sai với nguyên tắc của bệnh viện). Kết quả, 95% các y tá lập tức đi lấy thuốc cho bệnh nhân mà không hề thắc mắc !

Một người họ hàng của tôi cũng là nạn nhân của sự tuân phục quyền lực trong các bệnh viện: bất chấp kinh nghiệm của mình, ông vẫn bỏ rất nhiều tiền mua một loại thuốc mà chính ông cũng nghi ngờ tác dụng của nó. May mắn là, hậu quả để lại không nghiêm trọng.

Đáng nói là, cũng như những loài vật có cách để thể hiện ra ngoài sự mạnh mẽ buộc kẻ khác tuân phục, có vô vàn những cách để con người tạo ra những ấn tượng về quyền lực. Danh vị, trang phục, giọng nói, chiều cao của cơ thể, xương vai, phương tiện đi lại, thậm chí cả tuổi tác. Trên các diễn đàn mạng, còn là cách sử dụng các icon, cách đặt ảnh đại diện...Tất cả đều tạo nên những ảo ảnh về quyền lực. Người ta có xu hướng nghe lời những người to lớn về thể chất hơn mình hơn là những người nhỏ hơn, những người có giọng nói rõ ràng chậm rãi hơn là những người có giọng nhanh và đứt quãng, những người có danh tiếng hơn những người vô danh, những người ăn mặc lịch sự hơn những người ăn mặc kiểu cách, những người đi xe hơi hơn những người đi xe đạp...

Tôi đã từng làm một thí nghiệm nhỏ: Hai người, một người trung niên, vóc người to lớn, ăn mặc lịch sự, đầu tóc chải gọn gàng và đi xe ô tô xịn và một học sinh có những đặc điểm ngược lại – cùng đi vào một ký túc xá và nhờ một số nhóm người những công việc như nhau (ví dụ: Hãy nhặt lon nước kia lên và bỏ vào thùng). Kết quả thu được thật rõ ràng: Rất nhiều sinh viên nghe theo lời người thứ nhất, trong khi chỉ có một số ít nghe theo lời người số hai. Còn thú vị hơn, khi tôi nhờ một người là thầy giáo của cậu sinh viên này một yêu cầu khác (Hãy để lon nước kia vào một thùng rác khác), một phản ứng thú vị xảy ra: Cậu ta bắt đầu đưa mắt nhìn từ người này sang người khác, không biết nên nghe lời ai, cho đến khi một trong hai người từ bỏ yêu cầu của mình. Sức ảnh hưởng thật đáng sợ !

Sự tuân phục quyền lực một cách vô điều kiện có thể dẫn tới những hậu quả tồi tệ, nhất là ở những xã hội quá coi trọng danh vọng mà bỏ qua tư duy phản biện, kiến thức cùng rất nhiều kỹ năng khác.
---------------------------------------
Bài viết: [Admin K]
Hình ảnh: [Admin Nam Phạm]
Bản quyền © Wegreen

No comments:

Post a Comment