Sunday, May 19, 2019

Về tâm lý nạn nhân

Personal Development - WeGreen

*****
Về tâm lý nạn nhân

Trong thời đại internet, việc chia sẻ giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng than thở và đọc lời than thở trên các blog cá nhân, các diễn đàn, hoặc thậm chí - công khai trên các trang mạng xã hội. Một câu chuyện tình cảm không như ý, một rắc rối cuộc sống, một mối quan hệ khó khăn, tất cả đều có thể trở thành đề tài cho các than vãn. Sự thực, chúng ta đang gián tiếp cổ súy và trực tiếp biến mình thành một nạn nhân của một trạng thái gọi là tâm lý nạn nhân (Victim mentality - Victim syndrome).

Tâm lý nạn nhân là gì? Tâm lý nạn nhân được hiểu đơn giản là một trạng thái tâm lý trong đó một người có xu hướng nhận mình là nạn nhân của những hành động có tính tiêu cực từ môi trường bên ngoài mà không có lý do chính đáng. Người có tâm lý nạn nhân thường có các biểu hiện như: (1) Có cái nhìn tiêu cực về tình huống một cách chủ quan (2) Không thể hoặc không muốn nhìn tình huống từ góc nhìn của những đối tượng xung quanh (3) Có thể hiểu một câu nói bình thường thành một nhận xét tiêu cực (4) Thường chia con người thành chỉ 2 loại “tốt” và “xấu” (5) Từ chối những lời chỉ trích mang tính xây dựng từ người khác. (6) Đổ lỗi cho người khác về các tình huống tiêu cực mà mình tạo nên hoặc góp phần tạo nên. (7) Gán ghép những ý định tiêu cực cho người khác khi họ không nói hay làm những điều đó (8) Tin tưởng rằng mọi người xung quanh hạnh phúc hơn mình.

Câu hỏi là, tại sao tâm lý nạn nhân lại có hại? Tâm lý nạn nhân có thể dẫn tới những hậu quả gì và làm thế nào để tự khắc phục nó?

1. TÂM LÝ NẠN NHÂN KHÁC VỚI VIỆC NHÌN NHẬN KHÁCH QUAN CÁC KHÓ KHĂN

Hiển nhiên sẽ không tốt nếu như bạn thuộc vào nhóm “lạc quan thái quá”, những người tin rằng không có gì là không thể. Sự lạc quan thái quá cũng giống như một người lái xe về phía trước mà không để ý các khúc quanh sẽ dễ lao xuống vực thẳm.

Chúng ta cần có ý thức khách quan về các tình huống tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai và chuẩn bị cho nó. Điều này không phải là tâm lý nạn nhân.

Chúng ta cần có ý thức khách quan về những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến mình, những tình huống mà mình thực sự là đối tượng bị phương hại - để có thể loại bỏ hoặc dần cải thiện nó. Điều này cũng không phải là tâm lý nạn nhân.

Khác biệt giữa một nạn nhân và một người suy nghĩ khách quan là thái độ thụ động và chủ động, tính phi duy lý và tính duy lý: Người nạn nhân miễn cưỡng gán ghép những ý định tiêu cực lên thế giới xung quanh một cách thụ động để tự bảo vệ cái tôi, cho rằng những ý định không tiêu cực là tiêu cực và thổi phồng những ý định tiêu cực - dẫn đến cái nhìn lệch lạc.

Trong khi đó, người suy nghĩ khách quan chủ động nhìn nhận, đánh giá tình huống một cách khách quan, nhìn nhận tiêu cực đúng với bản chất và mức độ của nó - để từ đó đưa ra các quyết định cải thiện tình hình.

2. TÂM LÝ NẠN NHÂN XUẤT PHÁT TỪ:

Dễ thấy rằng các đối tượng có tâm lý nạn nhân thường thuộc giới nữ - các đối tượng (thường) khó tách biệt bản thân khỏi cảm xúc và có niềm tin rằng mình cần được bảo vệ, che chở, nâng niu (dưới ảnh hưởng của trào lưu văn hóa nữ quyền đang tràn ngập hiện nay).

Tâm lý nạn nhân theo quan điểm của người viết được quyết định bởi hai yếu tố chính: (1) Khả năng tư duy phản biện (critical thinking) và (2) sự tự định hình giá trị bản thân (self-evaluation) , hay quan niệm của bản thân về những gì mình “xứng đáng được nhận”.

Hãy đọc một lướt các bài viết có nội dung than vãn trên trang facebook của bạn. Đại đa số có chung các đặc điểm: Người viết thường có một quan niệm vững chắc (và có thể phi thực tế) vì những gì họ cho rằng mình xứng đáng có được (sự chú ý ghi nhận từ cộng đồng, một môi trường sống đầy đủ hạnh phúc hay sự quan tâm thương yêu từ người khác chẳng hạn) và những quan niệm này thường xuất phát từ một hệ thống tư duy yếu kém (thường mang tính cảm xúc và bản năng). Sự áp đặt các nhu cầu chủ quan lên thực tế khách quan (dẫn đến việc các nhu cầu không được đáp ứng) kèm theo tư duy phản biện không tốt (dẫn đến không nhìn nhận được nguyên nhân, tiến trình, kết quả của sự việc để hiểu tại sao các nhu cầu đó không được đáp ứng) đã dẫn tới các phản ứng có tính bùng nổ.

3. TÂM LÝ NẠN NHÂN CÓ HẠI

Việc than thở và được sẻ chia tạo ra ảo tưởng bạn ĐANG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ (và làm bạn mất đi động lực để thực sự giải quyết vấn đề) nhưng thực ra không phải như vậy, do nguồn gốc sâu xa của vấn đề hoàn toàn chưa được loại bỏ. Tất nhiên rằng, trong một số tình huống việc than thở này cũng có ích (thường khi vấn đề chỉ mang tính ngắn hạn bề nổi). Nhưng trong đa số trường hợp, nó vô nghĩa.

Nhưng vấn đề trung tâm của những người mang tâm lý nạn nhân là tính thụ động. Hãy giả định rằng người A ra đường và bị một chiếc xe tải do tài xế B điều khiển tông phải. Sau đó A sẽ có 3 chọn lựa: 1. Bỏ qua cho B và xem như chưa có gì 2. Bắt B bồi thường một số tiền và 3. Nằm đó trách cứ B và than thở về việc B lái xe ẩu. Lựa chọn 3 sẽ mang lại cho A cảm giác dễ chịu nhất thời (cân bằng lại những “bất công” A nghĩ mình phải chịu đựng) tuy nhiên nó hoàn toàn có khả năng (và có rất nhiều khả năng) không đem lại một kết quả có lợi nào trên thực tế. Thay vào đó, nó khiến A mất đi những lợi ích mình có ở lựa chọn 1 (không có thời gian làm những việc khác) và 2 (B sẽ mất kiên nhẫn vì không thể thống nhất giải pháp).

Người mang tâm lý nạn nhân phó thác nhu cầu của mình cho ngoại cảnh một cách thụ động. Quan niệm về giá trị bản thân của họ thường có tính chủ quan và họ cũng thường không ý thức được sự việc một cách khách quan hay mình cần làm gì để thay đổi tình hình. Điều này đa phần sẽ dẫn đến sự không vừa lòng, bất lực với cuộc sống và làm kéo dài thêm tâm lý nạn nhân sẵn có ở họ.

Trong thời đại của các mạng xã hội, sự lan truyền nhanh chóng của dòng chảy những lời than thở và những lời chia sẻ không có trách nhiệm của cộng đồng đã góp phần rất lớn làm trầm trọng thêm vấn đề. Những lời than thở và sẻ chia này không hề giúp giải quyết vướng mắc. Chúng làm các suy nghĩ tiêu cực của người mạng tâm lý nạn nhân trở nên thêm nặng nề và khiến vấn đề của họ trở nên tồi tệ hơn nữa.

4. GIẢI PHÁP:

- Trước mỗi vấn đề mình gặp phải, hãy không ngừng hỏi “Tại sao” cho đến khi lần đến được mấu chốt. Ví dụ “Tại sao cuộc sống của tôi lại tồi tệ” “Tại sao người khác không mang đến cho tôi thứ tôi muốn?”.

- Cảm giác hạnh phúc có được thông qua sự đồng điệu giữa các nhu cầu bản thân và ngoại cảnh. Thay vì thụ động chờ đợi ngoại cảnh hoặc cưỡng ép một trong hai, hãy chủ động thay đổi cả ngoại cảnh lẫn nhu cầu bản thân một cách đồng điệu.

- Nhìn nhận trách nhiệm của bản thân trong mọi vấn đề. Hãy nhớ rằng không có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bạn mà bạn không ít nhiều có trách nhiệm trong đó.

- Ngừng than thở vô nghĩa hoặc chia sẻ cổ súy cho những lời than thở vô nghĩa. Điều này ngoài việc đem lại một chút cảm xúc dễ chịu nhất thời thì không giúp gì cho ai cả.

 Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận 

Thực hiện: [Admin K] và [Admin Đá]

*****
Tham khảo thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/Victim_mentality
http://tamlyhoctoipham.com/nao-trang-nan-nhan/
http://tamlyhoctoipham.com/dung-choi-tro-nan-nhan/

#pháttriểncánhân #wegreen #vietnam#personaldevelopment

Saturday, May 18, 2019

7 ĐIỀU NGƯỜI THÀNH CÔNG KHÔNG BAO GIỜ NÓI

7 ĐIỀU NGƯỜI THÀNH CÔNG KHÔNG BAO GIỜ NÓI
[Personal Development - #WEGREEN]

Bởi Jacquelyn Smith – Business Insider – ngày 24 tháng 7 năm 2014
Người dịch: Kevin Bùi
Bạn sẽ không bao giờ bắt gặp một người thành công nói: “Thật không công bằng.”
Hơn 2.500 năm trước đây, nhà triết học và nhà thơ Lão Tử dạy rằng những lời của chúng ta sẽ trở thành hành động, mà cuối cùng trở thành số phận của chúng ta.
Ở Hy Lạp thế kỷ thứ nhất, sử gia và nhà bình luận Plutarch tuyên bố rằng tâm trí, cá tính và thiên hướng của con người được hiển thị rõ qua lời nói của họ. Và Napoleon Hill, người sinh ra mảng văn học viết về thành công cá nhân trong thế kỷ 20, khẳng định rằng lời nói gieo hạt giống của hoặc là thành công hoặc thất bại trong tâm trí của người khác.
“Trên khắp hành tinh, các nhà hiền triết nhấn mạnh rằng lời nói có uy quyền lớn lao và nên được lựa chọn và nói ra một cách cẩn thận, vì chúng là ‘thứ thuốc phiện mạnh nhất được sử dụng bởi nhân loại,’ như Rudyard Kipling cảnh báo,” Darlene Price, tác giả của “Nói thuyết phục! Cách trình bày và đối thoại hiệu quả “. “Nếu họ nói đúng, thì có lý do để tin rằng những gì chúng ta nói với bản thân mình và những người khác đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt được thành công.”
Bất kể bạn định nghĩa thành côngtheo cách nào, ngôn từ sẽ giúp thể hiện tầm nhìn đó thành hiện thực.
“Ngoài ra còn có các từ và cụm từ mà có thể làm hỏng hình ảnh bản thân của bạn, làm hại danh tiếng của bạn, và gây nguy hiểm cho sự thành công của bạn”, Price nói.”Để tối ưu hóa sự thành công của mình, hãy loại bỏ thứ ngôn ngữ này từ vốn từ vựng của bạn và không bao giờ nói chúng cho chính mình hoặc người khác.”
Dưới đây là 7 cụm từ những người thành công không bao giờ nói:

1. “TÔI KHÔNG CÓ LỰA CHỌN”, HOẶC “TÔI ĐÃ KHÔNG CÓ LỰA CHỌN”
“Những người thành công luôn luôn nhìn thấy các lựa chọn, không phụ thuộc vào hoàn cảnh”, Price nói.”Để nói rằng chúng ta không có sự lựa chọn trong một vấn đề có nghĩa là chúng ta nhận thức mình là một nạn nhân; rằng chúng ta là ít mạnh mẽ hơn môi trường của chúng ta.”Những lời này giải phóng người nói khỏi tất cả mọi trách nhiệm.
Những người thành công nói: “Tôi có một sự lựa chọn”, “Đây là lựa chọn của chúng tôi”, hay “Hãy tưởng tượng tất cả các khả năng”. Họ biết rằng tuyên bố và thực hiện thẩm quyền lựa chọn là bước đầu tiên hướng tới việc đạt được mục tiêu của mình, bà nói.
2. “TÔI CẦN PHẢI CÓ”, HOẶC “TÔI CÓ THỂ CÓ”
Dòng chữ “nên”, “có thể”, và “đã có thể” bao hàm sự hối tiếc, đổ lỗi, chỉ trích người khác, và lỗi lầm, cho dù bạn nói với chính mình hoặc người khác. “Những người thành công không đắm mình trong quá khứ, và họ hiếm khi hối tiếc một quyết định hoặc hành động”, Price nói.”Ngay cả nếu nó bị những người khác coi là một thất bại, họ chấp nhận nó như là một kinh nghiệm học tập khiến họ tiến thêm một bước gần hơn tới mục tiêu của họ.”
Tương tự như vậy, họ tránh: “Bạn cần phải có”, và “Bạn có thể có.” “Không có cách nào nhanh hơn để gây bực bội cho một ông chủ, đồng nghiệp, khách hàng là ám chỉ họ phạm tội gì đó (ngay cả khi họ đang thực sự phạm lỗi).”Thay vào đó, hãy dùng một cách tiếp cận hợp tác. Nói, “Xin hãy giúp tôi hiểu lý do tại sao …” hoặc “Lần sau chúng ta có thể áp dụng một cách tiếp cận khác …”
3. “TÔI KHÔNG THỂ LÀM ĐIỀU ĐÓ”, HOẶC “KHÔNG THỂ NÀO”, HOẶC, “ĐIỀU ĐÓ KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC”
Không chỉ là những lời tự giới hạn, những người khác cảm nhận chúng thể hiện tinh thần bi quan, không xây dựng, thậm chí là chủ bại, Price giải thích. “Những người thành đạt biết có vô số chướng ngại vật trên con đường thành công – các rào cản có thể làm họ trì hoãn hoặc vấp ngã, nhưng không bao giờ ngăn chặn được họ.” Họ hoặc là loại bỏ các rào cản, hoặc tìm ra một cách để đi qua, dưới, hoặc xung quanh nó.
Các từ “không thể” hay “không thể” hiếm khi xâm nhập vào tâm trí của những người thành công. “Thay vì giơ cờ trắng đầu hàng,” Price nói, “họ nói về những cách khác để hoàn thành công việc: “Những gì tôi có thể làm được là … “” Tôi chắc rằng có một cách để … ” thay vì …, chúng ta hãy thử…. ‘”
Như nhà công nghiệp vĩ đại Henry Ford từng nói: “Bất kể anh nghĩ rằng anh có thể, hoặc anh nghĩ rằng anh không thể -. Thì anh đều nói đúng”
4. “ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC CỦA TÔI”, HOẶC “TÔI KHÔNG ĐƯỢC TRẢ TIỀN CHO VIỆC NÀY”, HOẶC, “ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CỦA TÔI”
Những người thành công giúp người khác thành công.
Như tỷ phú Warren Buffett nói: “Một người nào đó đang ngồi trong bóng râm hôm nay là bởi vì có người trồng một cây một thời gian dài trước đây.”
“Hãy nghĩ việc ‘trồng cây’ như công việc của bạn,” Price nói.”Nếu bạn được yêu cầu làm điều gì đó bởi ông chủ của bạn, đồng nghiệp, hoặc một khách hàng, đó là bởi vì nó quan trọng với họ. Do đó, là một thành viên của nhóm, mục tiêu số 1 là tìm ra cách để giúp họ hoàn thành điều đó.”
Thậm chí nếu nó không có trong mô tả công việc của bạn, bởi nói như vậy sẽ hiển thị một thái độ xấu, hạn chế sự nghiệp của bạn.Ngay cả khi ông chủ của bạn đặt một yêu cầu không hợp lý trên bàn của bạn, hãy trả lời tích cực bằng cách nói, “Chắc chắn, tôi sẽ rất vui mừng giúp anh thực hiện điều đó. Với nhiệm vụ hiện tại của tôi A, B, và C,anh muốn hoãn cái nào trong số đó trong khi tôi làm việc vớinhiệm vụ mới này? “
“Phản ứng này rõ ràng truyền đạt một khối lượng công việc ưu tiên, cùng với một thái độ sẵn sàng giúp đỡ”, Price nói.
5. “NHƯNG CHÚNG TÔI ĐÃ LUÔN THỰC HIỆN THEO CÁCH ĐÓ” HOẶC “ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ CÁCH CHÚNG TÔI LÀM Ở ĐÂY”
Những người thành công có đam mê sáng tạo, tìm kiếm một cách tốt hơn để làm một cái gì đó. Trong thực tế, Steve Jobs cho biết, “Đổi mới giúp phân biệt giữa một nhà lãnh đạo và một người theo đuôi.” Vì lý do này, các nhà quản lý hiệu quả đánh giá cao những nhân viên chứng minh tư duy sáng tạo, linh hoạt và kỹ năng giải quyết vấn đề, Price giải thích.
“Những cụm từ này, trong một lần tấn công thất bại, tiết lộ bạn là người ngược lại: bị mắc kẹt trong quá khứ, không linh hoạt, và có đầu óc khép kín”, cô nói.”Thậm chí nếu bạn không đồng ý với ý tưởng của ai đó, hãy nói,” Chà, đó là một ý tưởng thú vị.Làm thế nào để thực hiện được nhỉ?”Hoặc, “Đó là một cách tiếp cận khác.Hãy cùng thử thảo luận về những ưu và khuyết điểm.”
6. “THẬT KHÔNG CÔNG BẰNG”
Cô ta thì được tăng lương, bạn thì không. Anh ta được công nhận, bạn thì không.Bộ phận đó nhận được tài trợ, bộ phận của bạn thì không. “Bất công xảy ra trong công việc và trên thế giới mỗi ngày”, cô nói. “Những người thành công là chủ động về các vấn đề thay với phản ứng. Thay vì phàn nàn hoặc rên rỉ, hãy hành động: ghi chép lại các sự thật, xây dựng một vụ kiện, và trình bày một lập luận thông minh tới cá nhân hoặc nhóm có thể giúp bạn.”
7. “HẮN TA LÀ MỘT GÃ NGỐC” HOẶC “CÔ ẤY LƯỜI BIẾNG”, HOẶC, “CÔNG VIỆC CỦA TÔI BỐC MÙI”, HOẶC “TÔI GHÉT CÔNG TY NÀY”
Những người thành công tránh những từ lên án, sỉ nhục, và tiêu cực, Price nói.
“Bất kể cảm xúc của bạn hoặc hoàn cảnh, hãy tránh tạo ra những lời tuyên bố phá hoại hay phán xét mà truyền đi thái độ tiêu cực đối với những người khác hay công việc của bạn.”Nếu lời phàn nàn đúng đắn hoặc vấn đề gì đócần phải được sự chú ý của ai đó, hãy làm như vậy với các sự kiện cũng như các tài liệu chuẩn bị kỹ, nguyên bản, xem xét cẩn thận, và trung lập.
“Không có gì làm chìm một sự nghiệp nhanh hơn so với việc đặt điều hoặc vu khống”, cô nói.”Nó không chỉ tiết lộ sự non nớt chưa trưởng thành, đó là ngôn ngữ có thể phỉ báng và bắt lửa.” Những người thành công lựa chọn từ ngữ cẩn thận để phát biểu các sự kiện quan sát được và tránh ngôn ngữ chê bai.
______________________________________________________________________
Biên tập: [Admin NT]
Hình ảnh: Admin [WG Pearl]
Nguồn bài viết: Góc nhìn Alan
@Wegreen Vietnam

BẠN CÓ TIN VÀO SỐ MỆNH KHÔNG?


BẠN CÓ TIN VÀO SỐ MỆNH KHÔNG? 
[Personal Development - #WEGREEN]

Hôm nay là thứ sáu ngày 13.

Hôm nay bạn ra ngõ gặp gái.

Hay hôm nay vừa bước chân ra đường thì bạn đã bị mỹ nữ nhà bên hắt cả một xô nước lau sàn từ tầng 2 xuống ướt từ đầu tới chân.

Bạn có cho rằng những điều trên là đen đủi hay là điềm báo gì không?

Bạn có tin vào số mệnh không?

Nếu có ai hỏi tôi câu đó thì thú thật là tôi không rõ. Nhưng tôi có cô bạn hay đọc các mục tử vi, bói toán trên các trang mạng. Nếu cô ấy và những người khác tin vào chiêm tinh thì có lẽ là họ sẽ tin cả vào số mệnh nữa, vì các nhà chiêm tinh khẳng định rằng vị trí và tương tác của các vì sao ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trên trái đất.

Nếu bạn tin rằng ra đường gặp gái là đen thì bạn đã tin vào số mệnh, không phải thế sao? có bao giờ bạn để ý rằng nhiều tòa nhà cao tầng không có tầng số 13 không? Có bao giờ bạn cho rằng thứ sáu ngày 13 là đen đủi không? Sống trong thời đại cao kỹ như bây giờ thì liệu những niềm tin như vậy có được coi là “mê tín” hay không?

“Mê tín” quả là một từ kỳ quặc. Nếu bạn theo một tôn giáo nào đó thì bạn có thể gọi đó là đức tin nhưng khi bạn tin vào thuật chiêm tinh, tử vi hay bạn cho rằng chiến tranh, dịch bệnh là sự trừng phạt của thần linh thì lại bị coi là mê tín. Ai là người có quyền gọi đức tin của người khác là sự mê tín vậy?

Quay trở lại câu hỏi ở trên, đã có rất nhiều người cố gắng tìm kiếm cách giải thích cho những biến đổi trong thiên nhiên. Có thể bây giờ khi nói rằng chiến tranh hay bệnh tật là sự trừng phạt của các vị thần thì sẽ ít người để ý nhưng ngày trước những điều bí ẩn này được giải thích bằng các huyền thoại và đã có không ít người là đệ tử của thuyết định mệnh.

Thuyết định mệnh cho rằng tất cả mọi sự xảy ra với chúng ta đều đã được an bài, sắp đặt. Niềm tin này thấy ở rất nhiều nơi không chỉ ở xứ mình mà cả khắp thế giới, không chỉ là trong lịch sử mà còn có ở ngay trong thời đại của chúng ta nữa. Cũng bởi vì niềm tin rằng con người có số phận nên người ta luôn cố gắng tiên đoán số phận của bản thân mình theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều người tin rằng họ có thể tiên đoán được tương lai của ta bằng thuật chiêm tinh, bói bài, xem chỉ tay…

Có một kiểu bói khá đặc biệt là bói cà phê. Sau khi uống hết cà phê, dưới đáy cốc còn lại một ít cặn. Nó sẽ tạo thành một hình ảnh nào đó từ đó ta cứ tha hồ mà tưởng tượng. Như vậy, các “thầy bói” luôn cố gắng tiên đoán những điều khó đoán trước được và đây cũng là đặc điểm chung của mọi loại bói toán. Bởi vì những điều mà thầy bói “nhìn thấy” được rất mơ hồ nên ta khó mà có thể bác bỏ những “tiên đoán” của họ. Hầu hết những lời tiên đoán đều có tính chất chung chung, vô thưởng vô phạt, nhưng những người tin thường có tâm lý suy đoán và áp dụng cho trường hợp của riêng mình, cho nên đôi khi họ cảm thấy đúng. Chả thế mà các cụ nhà ta có câu:

Tay cầm tiền của bo bo
Đi coi thầy bói mang lo vào người.

Những người theo thuyết định mệnh cho rằng số mệnh không chỉ đơn thuần chi phối cuộc sống của mỗi cá nhân mà nó còn ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và lịch sử nữa. Vậy có những sức mạnh nào chi phối dòng chảy của lịch sử? Ngày nay vẫn có những người tin rằng các vị thần hay một sức mạnh bí hiểm nào đó đang định hướng dòng chảy của lịch sử. Nhưng liệu có phải là thế không? Chẳng lẽ con người không có chút tự do nào ư?

Đối với những người luôn muốn biết trước tương lai. Có thể khởi đầu chỉ là một chút tò mò muốn biết hậu vận mai này ra sao nhưng sau đó người đó sẽ bị tác động không chỉ về phương diện tâm lý mà bị chính quyền lực của sự u tối điều khiển, làm cho người ta mất hết khả năng phán đoán khiến cho người đó tưởng như không thể thoát ra khỏi số phận đã tiên đoán cho đời mình, rồi có thể hành động một cách vô ý thức, dẫn đến một kết thúc bi thảm.

Ước vọng muốn biết trước tương lai của bản thân cũng là lẽ bình thường đối với mọi người nhất là với những ai đang sống trong môi trường đầy rủi ro, bất trắc và hỗn loạn. Nhưng đối với tất cả những người có mong muốn biết trước tương lai của bản thân, gia đình hay xã hội thì có lẽ câu hỏi kinh điển mang tính triết học này sẽ không thừa “Liệu một tương lai đã được biết trước có còn là tương lai của bạn hay không ?” Và việc tin vào số mệnh có đồng nghĩa với việc “cố đấm ăn xôi” đoán định trước tương lai bằng cách này hay cách khác?

_________________________________

Tác giả: CTV [N.V.T]
Hình ảnh: admin [Cohu##]
Nguồn ảnh: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Sacrifice_of_Isaac-Caravaggio_(Uffizi).jpg

Trong ảnh là bức The Sacrifice of Isaac của Caravaggio, miêu tả cảnh Abraham chuẩn bị giết chết con trai của chính mình để hiến tế thần linh.

Copyright © 2014 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.

ĐIỀU GÌ TẠO NÊN THÀNH CÔNG

ĐIỀU GÌ TẠO NÊN THÀNH CÔNG
[Personal Development - #WEGREEN]

Phần 1: Phải chăng có những chủng tộc, nhóm người sinh ra là để thành công?

Một sự thật về nước Mỹ ngày nay là một vài nhóm người thành công hơn những nhóm khác rất nhiều. Đây là một điều khá tế nhị khi nói ra, nhưng rõ ràng là một vài nhóm chủng tộc, tôn giáo và di dân thì đạt được những thành tích đáng nể hơn mặt bằng chung người dân Mỹ.
Nhóm người Mỹ gốc Ấn có thu nhập gần gấp đôi so với trung bình của quốc gia (khoảng 90,000 đô/năm so với 50,000 đô/năm). Người gốc Iran, Lebanon và gốc Trung Quốc cũng là nhóm có thu nhập rất cao. Trong vòng 30 năm trở lại đây, những người theo đạo Mormon (Giáo hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh ngày Sau hết) đã trở thành những lãnh đạo của các tập đoàn lớn, nắm giữ những vị trí cao nhất trong hầu hết những công ty có tiếng ở Mỹ. Những con số thống kê này không nói lên được rằng một vài nhóm “giỏi” hơn những nhóm còn lại và thước đo của sự thành công cũng không thể chỉ dựa vào tiền bạc. Tuy nhiên, làm lơ trước những con số thống kê không bao giờ là cách hay cả.

Sự thành công của người Do Thái có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2% số người trưởng thành ở Mỹ, người Do Thái năm giữ một phần ba vị trí trong Tòa án tối cao, hơn hai phần ba giải thưởng Tony danh giá (dành cho nhà soạn nhạc và viết lời) và một phần ba giải thưởng Nobel cao quý của nước Mỹ.

Một cách giải thích mang tính an ủi đó là thành công phụ thuộc vào tầng lớp. Ba mẹ giàu có sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con cái, hoặc những người di dân đến Mỹ đã có trình độ và học vấn rất cao. Tuy nhiên, những lập luận này chỉ đúng đối với một nhóm rất nhỏ trong bức tranh tổng quát lớn hơn.

Những doanh nhân Mormon giáo thành đạt ngày nay thường khởi nghiệp từ những nền tảng rất khiêm tốn. Mặc dù một số lượng lớn người Ấn Độ và Trung Quốc di dân đến Mỹ thông qua con đường việc làm, gần một nữa người Ấn và hơn một nửa người Hoa đến Mỹ không bằng cách này. Rất nhiều người trong số họ nghèo khổ và ít học. Sô liệu từ Russell Sage Foundation năm 2013 cho thấy trẻ em gốc Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam có một sự thành công vượt bậc dù cho ba mẹ chúng có thế nào đi chăng nữa, giàu hay nghèo, ít học hay có học.
Chọn những trường trung học chất lượng cao ở New York City như Stuyvesant và Bronx Science, là những trường có số lượng lớn học sinh đậu vào Ivy League danh giá. Trong năm 2013, Stuyvesant Hight School đã nhận 9 học sinh da đen, 24 học sinh Hispanics (người gốc Tây Ban Nha), 177 học sinh da trắng và 620 học sinh gốc châu Á. Trong số những học sinh châu Á gốc Hoa, rất nhiều người là con của những nhân viên nhà hàng hoặc làm những công việc tay chân.

Chỉ dựa vào những số liệu cho thấy một vài nhóm thành công hơn những nhóm khác, mà thước đo là thu nhập, điểm số và những thứ tương tự, đã đủ gây nên những tranh cãi gay gắt trong lòng nước Mỹ ngày nay, thậm chí dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, sự thật thì thường lột trần những định kiến về màu da đó.

Một vài nhóm người da đen và Hispanic ở Mỹ thì kém hơn hẳn nhóm người da trắng và châu Á. Di dân từ Tây Ấn Độ và châu Phi như Jamica, Ghana và Haiti đang leo dần lên những nấc thang học vấn cao hơn, nhưng có lẽ có tiềm năng hơn cả là nhóm Nigeria. Người Nigeria chỉ chiếm một phần trăm số người da đen ở Mỹ, nhưng đến năm 2013, gần một phần tư số sinh viên da đen tại Harvard Business School là người gốc Nigeria. Một phần tư người Mỹ gốc Nigeria cũng đã tốt nghiệp đại học hoặc có professional degree, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 11% của người da trắng.

Người Mỹ gốc Cuba tại Miami đã dần thoát khỏi cảnh nghèo khó và có cuộc sống tương đối sung túc. Trước năm 1990, trẻ em Mỹ gốc Cuba, với bố mẹ là người tha hương, gần như không có gì trong tay, thì có tỷ lệ kiếm trên 50,000 đô 1 năm cao gấp đôi người da trắng. Cả ba Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Tây Ban Nha đều là người Mỹ gốc Cuba.

Trong khi đó, một vài nhóm châu Á như Campuchia và Hmong lại thuộc số nghèo nhất đât nước.

Và điều cơ bản nhất, là các nhóm nổi lên và chìm xuống thay đổi theo thời gian. Tài sản của nhóm thượng lưu WASP (White Anglo- Saxon Protestant) giảm dần theo thời gian. Vào năm 1960, thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Hy Lạp được ghi nhận là có thu nhập cao thứ hai tại Mỹ. Và sự thành công của một nhóm người thì có xu hướng tiêu tan sau hai thế hệ. Ở nhóm người Mỹ gốc châu Á, trẻ em có điểm SAT trung bình cao hơn mức trung bình của nước Mỹ 143 điểm, cao hơn nhóm người da trắng 63 điểm. Tuy nhiên, một khảo sát năm 2005 với hơn 20000 thanh niên cho thấy, thế hệ thứ 3 của người Mỹ gốc châu Á có thành tích học tập không khá hơn sinh viên da trắng là mấy.

Sự thật là việc các nhóm người thành công và thất bại, nổi lên và chìm xuống đã phản lại lý thuyết về “thiểu số thượng đẳng” (Model minority), cho rằng thành công của một nhóm người (chủng tộc hay tôn giáo) là phụ thuộc vào bộ gene di truyền. Đúng hơn vì sự ảnh hưởng của nền tảng văn hóa.

Và kết quả là, những nhóm thành công một cách đáng ngạc nhiên ở nước Mỹ ngày nay có chung 3 yêu tố tạo nên thành công. Vậy 3 yếu tố đó là gì? Phần 2 của bài viết sẽ trả lời câu hỏi này.

______________________________
Tác giả: Amy Chua & Jed Rubenfeld
Nguồn: The New York Times
Link: http://www.nytimes.com/2014/01/26/opinion/sunday/what-drives-success.html?ref=todayspaper&_r=1

Biên dịch: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [Cohu##]

Nguồn ảnh: http://reasonradionetwork.com/images/2012/06/diversity.jpg

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT
[Personal Development - #WEGREEN]

Cuộc sống đối với mỗi người có lẽ là “tài sản” quí nhất mà không ai muốn rời bỏ. Trong Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại một câu nói trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ : “ Người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đối diện với sự sống là cái chết. Ai cũng biết rằng rồi sẽ đến ngày mình chết. Đối với một con người, được chết có phải là quyền hay không ?

Nghe 3 chữ “quyền được chết”, có vẻ như khá nực cười với một số người, vì theo lẽ thường tình con người chúng ta mong muốn được sống và sợ hãi đối với cái chết và họ cho rằng “chỉ có đứa ngu thì mới muốn chết”, “quyền được sống thì không nói giờ lại có quyền được chết hay sao ?” …Đây là một trong số những câu trả lời mà tôi trực tiếp được nghe.

Thế nhưng, bạn có thể đặt mình vào vị trí của một người bệnh bị ung thư giai đoạn cuối. Khi mà mỗi ngày sống cơ thể họ đều bị đau đớn do khối u hành hạ, tiền chữa bệnh tốn kém và ảnh hưởng đến gia đình họ biết bao.

Khi chúng ta chỉ bị cảm cúm, ho sốt… thông thường nhưng cũng có không ít người hoặc suy nghĩ hoặc là nói trong mệt mỏi “ thà chết đi cho xong”. Vậy, đối với những người bị tai biến, bị liệt toàn thân, có những người phải sống đời sống thực vật… Cuộc sống của họ không chỉ không được như những người khác: được vui chơi, được làm việc, được phát triển tốt nhất. Thay vào đó, họ phải nằm 1 chỗ, bị hành hạ bởi thể xác, có thể nói là sống mà không bằng chết. Thế nhưng, ngay đến việc tự kết thúc cuộc đời mình họ cũng không thể tự làm được.

Tôi từng nghecâu chuyện về một cô gái 28 tuổi viết thư xin chết gửi tới Quốc Hội Trung Quốc. Bởi lẽ, từ khi cô 2 tuổi cô đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp. Tuy đầu óc minh mẫn nhưng mọi việc sinh hoạt cá nhân cô cũng không thể tự mình làm, phải sống một cuộc sống nhơ nhớp, đau đớn gắn với giường bệnh và thuốc men, dường như cô chưa có được 1 ngày như những người bình thường khác. Hơn thế nữa mẹ cô đã gần 70 tuổi, trong suốt gần 30 năm đã phải chăm sóc cho cô. Vì vậy, cô đã nhờ người viết bức thư gửi tới Quốc Hội xin được chết. Bởi bản thân cô không thể tự kết thúc cuộc đời mình.
Hay trường hợp của Chị Trần Thu Tiến (53 tuổi, ở Phú Thọ) bị tai nạn giao thông cách đây đã 7 năm, liệt từ cổ trở xuống. Hiện giờ, chị nằm bất động ở nhà, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào chồng và 3 con, ăn uống đều qua ống xông. Anh con trai đã hơn 30 tuổi nhưng chưa cưới được vợ vì khi dẫn bạn gái về nhà họ nhìn thấy chị đều không quay lại nữa. Nhiều lần chị xin chết bằng cách tuyệt thực nhưng không thành vì các con chị gọi người truyền nước, truyền đạm. Chị nói: “Tôi chỉ muốn có cách gì đó giải thoát cho mình và cho gia đình”.

Chị Nguyễn Thị Mai - vợ anh Bùi Đức Hòa (Thanh Hóa) đang phải đứng trước những quyết định khó khăn. 3 năm trước, anh Bùi Đức Hòa bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, sống đời sống thực vật. Tiền lương không thể trang trải viện phí, chị Mai đã bán hết nhà cửa, tài sản để lo cho chồng. Ba mẹ con chị hiện đang thuê một buồng 15m2 để sống, ban ngày chị là nhân viên văn phòng, tối đi làm phục vụ ở quán bia.

“Tôi không còn tiền, còn sức nữa rồi. Tôi cũng không muốn các con tôi “chết chìm” cùng bố mẹ. Có bác sĩ đã khuyên tôi nên rút máy thở cho anh ấy. Tôi có về nói lại và hỏi ý kiến nhà chồng. Nhưng khi vừa nghe điều đó, mẹ chồng tôi đã chửi mắng tôi lăng loàn, thất đức... Cứ thế này ít lâu nữa, đời tôi kể như cũng đã chết rồi”

Đối với những người ủng hộ luật về “cái chết êm ái ” họ có những suy nghĩ :

- Giúp bệnh nhân thoát khỏi những cơn đau hành hạ
- Quyền được chết được cho là quyền cơ bản của con người
- Đối với một số trường hợp còn là cách giảm bớt sự khó khăn về tài chính cho người thân
- Bác sĩ và y tá có thời gian hơn cho những bệnh nhân có thể cứu sống khác
- Tránh tình trạng dày vò đau khổ khi người nhà nhìn thấy bệnh nhân đau đớn.
- Ngành lập pháp có thể nghiên cứu kỹ để tránh các trường hợp lạm dụng và bảo vệ cuộc sống con người.
- Bệnh nhân có thể hiến tặng nội tạng của mình cho những người khác có cơ hội được sống
- Nếu không được an tử, bệnh nhân có thể tìm đến cái chết bằng những con đường khác ghê tởm và đau đớn hơn

Nhóm người phản đối luật an tử lập luận rằng :

- Sẽ vi phạm lời thề Hippocratic của bác sĩ
- Nó hạ thấp giá trị của một sinh mạng
- Có thể dẫn đến việc lạm dụng, tự tử quá sớm khi còn có khả năng cứu chữa
- Nhiều tôn giáo ngăn cấm việc tự sát
- Bác sĩ và gia đình từ bỏ việc chạy chữa khi còn quá sớm
- Chính phủ và các công ty bảo hiểm có thể gây áp lực hoặc hối lộ bác sĩ để gợi ý bệnh nhân và người nhà chọn phương pháp an tử, nhằm giảm chi phí chữa chạy
- Phép màu có thể diễn ra. Những phương pháp chữa bệnh mới có thể giúp bệnh nhận hồi phục.
- Bác sĩ được trao quá nhiều quyền lực. Có thể dẫn đến sai sót hoặc làm những việc trái với y đức.

Cho đến nay, chỉ mới cómột số nước như Hà Lan, Bỉ, Úc , Thụy Sỹ cho phép an tử. Còn lại hầu hết các nước trên thế giới, không hoặc chưa cho phép điều này.

Những nguyên tắc cơ bản để được thực hiện an tử theo luật Hà Lan :

- Bệnh nhân phải chịu những cơn đau cùng cực mà không có khả năng tiến triển
- Bệnh nhân yêu cầu cái chết êm ái một cách tình nguyện và kiên định trong thời gian dài.
- Bệnh nhân phải trong tình trạng minh mẫn, đủ khả năng ra quyết định
- Bệnh nhân phải được tham khảo ý kiến của một bác sĩ độc lập khác về tình trạng của mình
- Cái chết phải được thực hiện bằng phương pháp y học nhẹ nhàng, và phải có sự hiện diện của bác sĩ
- Bệnh nhân phải trên 12 tuổi

Trong pháp luật VN tuy chưa công nhận an tử nhưng thực tế nó đã tồn tại ở nước ta. Đó là việc thân nhân của người bệnh thường tạo ra “cái chết êm ái” cho họ khi họ quá đau đớn, quá già nua hoặc đã được … thầy cúng xem “ngày chết tốt”. Khi đó, cái chết sẽ đến với người bệnh – do thân nhân của họ không cho uống thêm sâm – vốn chỉ có tác dụng duy trì sự sống thêm trong vòng một vài giờ hoặc chủ động không cho uống thêm thuốc nữa. Với cách tạo ra sự “an tử” như vậy, liệu có gì không hợp đạo đức chăng?

Vì vậy, xoay quanh “quyền được chết” hay cách gọi khác là an tử, cái chết êm ái… đang được tranh cãi rất gay gắt.Người viết chỉ đề cập tới việc có nên chăng chúng ta hãy làm theo mong muốn của những người đang phải sống nhưng như không hề được sống. Nhưng giữa nhân đạo và tước đoạt quyền được sống, giữa quyền và vô quyền là rất mỏng manh. Để được “luật hóa” đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với những nhà làm luật cần áp dụng nguyên tắc sao cho vừa thể hiện được sự nhân đạo, vừa tránh bỏ lọt tội phạm.

______________________________

Bài viết: CTV [D.T.D]
Biên tập: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [3D]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.

Chân thành cảm ơn bạn Thúy Đạt đã gửi bài viết về cho Wegreen Vietnam

4 NGUYÊN TẮC KHI XÁC LẬP MỤC TIÊU

4 NGUYÊN TẮC KHI XÁC LẬP MỤC TIÊU
[Personal Development - #WEGREEN]

1. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CHÍNH

Khi xác định mục tiêu, tiếng nói bên trong bạn luôn thôi thúc: “Đi nào, chúng ta cùng tiến lên!”. Và các mức phấn đấu ngày càng được nâng cao hơn. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao, mục tiêu phải đủ lớn và kích thích và thi đua. Mục tiêu nào làm bạn phải dốc hết sức, dồn hết tâm huyết của mình vào nó thì đấy chính là mục tiêu lớn.

Trên con đường chinh phục mục tiêu lớn của bạn, hãy luôn nỗ lực hết mình trên từng chặng đường để bạn có thể yên tâm nói với chính mình sau một ngày làm việc “chất lượng” rằng “hôm nay mình đã làm tốt nhất trong khả năng của mình” và lên giường ngủ ngon. Cuộc đời là một cuộc chơi lớn và hào hứng, bạn hãy hoạch định những mục tiêu cao cả để tham gia cuộc chơi đó.

2. MỤC TIÊU PHẢI DÀI HẠN

Nếu không có mục tiêu dài hạn bạn sẽ dễ bị quật ngã bởi những thất bại tạm thời vì không ai quan tâm đến thành công của bạn bằng chính bạn. Đôi khi bạn có cảm giác rằng ai đó đang cản bước tiến của bạn. Kẻ đó nếu có chỉ là tạm thời nhưng chính bạn mới là người có thể cản trở mình vĩnh viễn.
Những khó khăn trong cuộc sống có thể là trở ngại lớn nhưng không phải là nguyên nhân cốt tử gây trở ngại cho bạn. Bạn cần phải biến chúng thành những viên đá lót đường để tiếp tục tiến lên đỉnh thành công. Khi bạn có mục tiêu dài hạn thì điều này dễ dàng hơn. Bởi vì khi nhìn được đến đâu, bạn sẽ đi đến đấy và từ điểm đó bạn có một tầm nhìn mới xa hơn nữa. Bạn sẽ không bao giờ có thể bắt đầu bất cứ cuộc hành trình nào nếu bạn cứ chờ cho tới khi tất cả “đèn xanh” đều bật.

3. HÀNG ĐỘNG MỖI NGÀY ĐỂ TIẾN ĐẾN MỤC TIÊU

Nếu bạn không đặt ra những mục tiêu nhỏ, cụ thể mỗi ngày thì bạn chỉ là người mơ mộng. Hãy làm người có hoài bão bằng cách xây nền cho các giấc mơ của mình qua những hành động cụ thể đều đặn mỗi ngày để đạt tới mục tiêu. “Cơ hội để trở nên vĩ đại không đến như dòng thác cuồn cuộn đổ mà chảy chầm chậm từng giọt một”.

Muốn đạt được những điều vĩ đại, bạn phải hoàn tất những mục tiêu nhỏ mỗi ngày. Mục tiêu hàng ngày chính là thước đo đánh dấu tiến trình đi tới thành công của bạn và là nhà xây dựng nhân cách tốt nhất.

4. MỤC TIÊU PHẢI CỤ THỂ

Để lên đỉnh thành công, bạn phải xác lập mục tiêu cuối cùng và một loạt các mục tiêu “từng chặng”. Và tất cả các mục tiêu lớn, nhỏ đều phải cụ thể, rõ ràng và khả thi.

Người thợ săn bắn được chim không phải do bắn cả bầy cùng một lúc mà do anh ta ngắm bắn mỗi lần từng con một. Dù bạn là người có năng lực và sức mạnh nhưng nếu bạn không biết tập trung và duy trì cho một mục tiêu nhất định, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì cả.

Vậy khi xác lập mục tiêu, bạn cần ghi nhớ những từ đơn giản này: CHÍNH YẾU – DÀI HẠN - MỖI NGÀY- CỤ THỂ.
______________________________________
Nguồn: http://www.hoclamgiau.vn/skill/1580/nguyen-tac-khi-xac-lap-muc-tieu
Biên Tập & Hình ảnh: Admin [JP]
Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.
Copyright claimed in photo only

NHỮNG VẾT ĐINH


NHỮNG VẾT ĐINH
[Personal Development -#WEGREEN]

Một cậu bé nọ có tính rất xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: "Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên chiếc hàng rào gỗ". 

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.

Đến một ngày, cậu bé đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: "Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận với ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào".

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé đã vui mừng hãnh diện tìm cha mình báo rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu:

"Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…"

------------------------------------------------------
Link nguồn: http://songdep.xitrum.net/mamuom/22.html

Biên tập & Hình Ảnh: Admin [Hitomebore]
Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved. Copyright claimed in photo only.

BÍ MẬT CỦA SỰ SÁNG TẠO

BÍ MẬT CỦA SỰ SÁNG TẠO
[Personal Development - #Wegreen]


Sáng tạo là gì? Tại sao một số người – mà chúng ta gọi họ là thiên tài, lại có rất nhiều ý tưởng? Đâu là bí mật của họ?

Michael Michalko là chuyên gia về sáng tạo nổi tiếng của thế giới, ông đã nghiên cứu và phân tích cách thức tư duy của hàng trăm thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại như: Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Thomas Edison, Charles Darwin và Einstein….

Và đây là điều mà ông đã tìm ra: các thiên tài chỉ khác người thường ở chổ họ TẠO RA NHIỀU THỨ HƠN.

Ví dụ như Thomas Edison, chúng ta đều biết rằng ông đã tạo ra bóng đèn. Nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết là để có được nó, Edison đã xây dựng 3000 quan điểm khác nhau về chiếu sáng điện, thực hiện 9000 thí nghiệm để tạo ra bóng đèn… Và ngoài bóng đèn ra, ông còn sở hữu 1093 bằng sáng chế khác tại Hoa Kỳ – một con số khủng khiếp. Mozart sáng tác hơn 600 bản nhạc; Einstein được biết đến với Thuyết tương đối nhưng ông còn công bố 248 công trình khác. Shakespeares viết hơn 154 bài sonnet. Một số là kiệt tác, còn lại không khá hơn những bài thơ bình thường khác, số còn lại khá tệ. Thực tế, những nhà thơ lớn sáng tác nhiều bài thơ dở hơn những nhà thơ bình thường.

Nhưng làm sao họ có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng như vậy? Dưới đây là chính là những nguyên tắc cơ bản trong quá trình tư duy của các thiên tài:


1. ĐỪNG VỘI VÀNG PHÁN XÉT KHI PHÁT TRIỂN Ý TƯỞNG

Khi tìm kiếm ý tưởng dù một cá nhân hay là một nhóm, điều thiết yếu là không được nhận xét, đánh giá hay chỉ trích khi ý tưởng được tạo ra.

Không có điều gì tiêu diệt sự sáng tạo nhanh hơn và tuyệt đối hơn sự phê phán, nhận xét.

Hãy thử nghĩ xem “Đã bao nhiêu lần bạn mất hết tự tin khi vừa nói ra một điều gì đó thì lại nhận được câu : Quên nó đi! Nó thật vô ích ở đây”. Chính những lời chỉ trích đánh giá đã tác động đến tâm lý tự ti và làm ngưng trệ hoạt động của bộ máy sáng tạo.

Không chỉ trích !

Tư duy không phán xét rất nhạy bén và linh hoạt. Ý tưởng này bật lên từ ý tưởng kia, khơi dậy những ý tưởng phụ, sự kết hợp của chúng, nhân lên gấp bội những điều có thể xảy ra. Giống như phản ứng hạt nhân, tương tác liên tục xảy ra và rồi …. BÙM !!!

Vậy điều mà chúng ta nên làm khi kích não chính là không nên làm gì cả. Hãy để cho bộ não của bạn được tự do mơ mộng, tự do bay tới những vì sao.


2. TẠO RA CÀNG NHIỀU Ý TƯỞNG CÀNG TỐT

Điều cần làm trong quá trình tạo ý tưởng là chia việc tư duy của bạn thành 2 giai đoạn: Tư duy khả năng và tư duy thực tiễn.

Đầu tiên, chúng ta nên sử dụng cách thức Tư duy khả năng - là việc tạo ra những ý tưởng ban đầu mà không có bất kỳ hình thức phán xét nào hay đánh giá nào. Dẹp qua một bên bản năng ưa chỉ trích trong con người mình. Đó là một phần tâm trí, luôn nói cho bạn biết tại sao một vài điều không thể hay có thể thực hiện được.

Hãy tạo ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, bao gồm cả những ý tưởng hiển nhiên hay mới lạ, mà không phê phán bất kỳ khía cạnh nào.

Khi đã tạo ra một số lượng ý tưởng tối đa. Bạn chuyển sang tư duy thực tiễn, đánh giá và chọn ra ý tưởng có giá trị nhất đối với bạn.

Để tạo ra nhiều ý tưởng thì bạn phải đưa ra mục tiêu cho chính bản thân. Ví dụ như tự đưa ra chỉ tiêu bao nhiêu ý tưởng trong vòng bao nhiêu phút. Cách làm này nếu tập luyện thường xuyên sẽ làm tăng khả năng sáng tạo của bạn.


3. LẬP DANH SÁCH NHỮNG Ý TƯỞNG:

Leonardo da Vinci có một thói quen lập danh sách và danh mục suy nghĩ của ông trong những cuốn sổ tay nhỏ mà ông luôn mang theo bên mình. Hàng ngàn trang ông viết trong các cuốn sổ này là một kho khổng lồ chứa đầy những ý tưởng sáng tạo. Chúng ta cũng nên có một cuốn sổ hay một thứ gì đó đại loại như vậy.

Luôn luôn viết hoặc liệt kê ý tưởng của mình khi tư duy. Nó giúp bạn nắm bắt các suy nghĩ và ý tưởng một cách vững vàng, tăng tốc độ tư duy, giúp bạn tập trung hơn vào vấn đề.

Ghi ra những ý tưởng bất chợt giúp chúng ta nhanh chóng nắm bắt và ghi nhớ chúng. Hãy thử nhớ lại xem đã bao nhiêu lần bạn chợt nảy ra một ý gì đó cho công việc khi đang dạo chơi ở đâu đó. Và bạn thốt lên “Wow, Yeah”. Bạn tin tưởng rằng mình sẽ nhớ nhưng thật không may cho chúng ta. Não bộ con người chỉ có thể giữ lại khoảng 5 – 9 đoạn thông tin ngắn một lúc. Nếu không được nhắc lại hoặc tập trung ghi nhớ thì sau khoảng 20 giây nó sẽ biến mất hoàn toàn.
Vậy nên cách tốt nhất là hãy viết nó ra giấy.


4. XÂY DỰNG DỰA TRÊN NHỮNG Ý TƯỞNG.

Và cuối cùng khi đã có những ý tưởng ban đầu. Bạn cần phải có kế hoạch xây dựng chúng. Hãy phát triển dựa trên những ý tưởng bằng một danh sách kiểm tra SCAMPER gồm chín quy tắc do Alex Osborn và Bob Eberle thiết lập:

S = Substitute : Có thể thay thế điều gì không?
C = Combine: Có thể kết hợp nó với cái gì khác không?
A = Adapt: Có thể thích ứng hoặc tích hợp được với những ý tưởng khác không?
M = Magnify / Modify: Có thể mở rộng, tăng cường , thêm vào hay điều chỉnh một điều gì đó không? Những thay đổi nào có thể tiến hành trong kế hoạch?
P = Put to others uses: Có thể đặt nó vào những mục đích khác, những bối cảnh hay đối tượng khác không?
E = Eliminate: Liệu có thể loại bỏ điều gì từ nó không?Nghĩ xem điều gì xảy ra nếu thu nhỏ, loại bớt một số thứ của vấn đề và ý tưởng?
R = Rearrange / Reverse: Nếu tái sắp xếp lại theo một hướng khác hoặc lật ngược lại vấn đề thì sao? Thử xem xét theo hướng ngược lại, đảo ngược vai trò và thực hiện những điều không ai ngờ tới xem thế nào?

Hãy nhớ tới những câu hỏi này trong khi giải quyết một vấn đề nào đó. Biết đâu bạn lại nghĩ ra những ý tưởng dạng như “Không – thời gian là tương đối” của Einstein.
Thử thực hành xem nào. Và chúc bạn may mắn nhé !!
_______________________________

Nguồn: ADSangtao.com
Link: http://www.adsangtao.com/bi-mat-cua-su-sang-tao.html
Biên tập: Admin [Cohu##]
Hình ảnh: Admin [3D]. Hiệu chỉnh: Admin [Mizzou]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.
Copyright claimed in photo only

NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA CUỘC SỐNG

NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA CUỘC SỐNG
[Personal Development - #Wegreen]

Một giáo sư triết học đứng trước lớp học của mình với vài đồ vật trên chiếc bàn trước mặt. Khi lớp học bắt đầu, ông lặng lẽ nhấc lên một chiếc bình nước xốt mayonne lớn và không có gì bên trong, rồi bắt đầu đổ các viên đá đường kính khoảng 5 cm ngập tận miệng bình.

Sau đó vị giáo sư hỏi sinh viên của mình chiếc bình đã đầy chưa. Họ đồng ý rằng nó đã đầy. Thế rồi, ông lại nhấc lên một hộp sỏi và đổ chúng vào trong chiếc bình kia. Ông lắc chiếc bình một cách nhẹ nhàng. Tất nhiên, các viên sỏi lăn vào các kẽ hổng giữa các viên đá. Sau đó, ông hỏi lại các sinh viên rằng chiếc bình đã đầy chưa. Họ đồng ý rằng nó đã đầy. Giáo sư nhấc lên một hộp cát và đổ nó vào chiếc bình. Tất nhiên, cát đã lấp đầy các khoảng trống còn lại trong chiếc bình. Ông ấy lại hỏi một lần nữa rằng chiếc bình đã đầy chưa. Các sinh viên đều đồng thanh đáp lại “Rồi ạ”.

“Bây giờ”, vị giáo sư nói, “Tôi muốn các bạn nhận ra rằng chiếc bình này tượng trưng cho cuộc sống của bạn. Các viên đá là những điều quan trọng – gia đình, bạn đời, sức khỏe, con cái của bạn – dù cho tất cả mọi thứ khác mất đi và bạn chỉ còn lại những điều này, cuộc sống của bạn vẫn trọn vẹn. Các viên sỏi là các thứ khác đáng phải quan tâm, như công việc, nhà cửa, hay xe cộ của bạn. Cát là tất cả những điều nhỏ nhặt khác trong cuộc sống.

“NẾU BẠN BỎ CÁT VÀO CHIẾC BÌNH TRƯỚC”, giáo sư tiếp tục, “sẽ không còn chỗ cho các viên sỏi và đá. Nó cũng tương tự như cuộc sống của bạn. Nếu bạn dành toàn bộ thời gian và năng lượng cho những điều nhỏ nhặt, sẽ không còn chỗ cho những điều quan trọng với bạn. Hãy để tâm đến những điều thiết yếu mang lại hạnh phúc cho bạn. Hãy chơi đùa với con cái. Hãy đưa bạn đời đi khiêu vũ. Sẽ luôn có đủ thời gian để bạn đi làm, dọn dẹp nhà cửa, mở tiệc chiêu đãi bạn bè hay sửa chữa các vật dụng trong nhà.”

“HÃY QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG VIÊN ĐÁ TRƯỚC – đó những điều thực sự quan trọng. Hãy biết cách xác định và sắp xếp các ưu tiên trong cuộc sống. Những thứ còn lại chỉ là cát mà thôi.”

______________________________
Nguồn: http://academictips.org/blogs/moral-tale-the-important-things-in-life/

Biên dịch: CTV [TNQ]
Hình ảnh: CTV [Hà Hằng]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.
Copyright claimed in photo only.

#personaldevelopment #phattriencanhan

10 BÀI HỌC SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI NHẬT

10 BÀI HỌC SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI NHẬT 
[Personal Development - #Wegreen]

Người Nhật nổi tiếng không phải chỉ là họ là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo đã vĩ đại vượt thoát lên những hủ tục trong tư tưởng phong kiến Á Đông mà vẫn đang thịnh trị ở không ít những quốc gia lân cận Trung Quốc này, và học tập được tinh hoa tư tưởng và sáng tạo công nghệ của phương Tây để vươn lên là một cường quốc thế giới từ đầu thế kỷ 20 mặc dù tài nguyên quốc gia vô cùng nghèo nàn. Họ cũng không chỉ nổi tiếng bởi 2 quả bom nguyên tử đầy bi thảm dội xuống Hiroshima và Nagasaki đánh dấu sự kết thúc Thế chiến thứ II. Họ nổi tiếng còn bởi vì Nhật Bản là quốc gia “VƯƠNG QUỐC TUỔI THỌ”, nơi người dân sống trung bình tới 83 tuổi [1] và sống rất vui khỏe.

Vậy đâu là bí quyết dưỡng sinh của Nhật Bản để họ dù không cao song thế giới cũng luôn phải ngước nhìn? 10 bí quyết mà WEGREEN liệt kê bên dưới, mà mỗi chúng ta nên tự phân tích, đánh giá, đúc kết, thực hành, và điều chỉnh (cá nhân admin cũng đã/cần thẩm định thêm tính hợp lý của một vài bí quyết) nếu mưu cầu sống lâu sống khỏe, bao hàm không ít nhân tố cần sự nhận thức của con người về sống bền vững, như: bớt tham – sân – si để tránh phiền não; năng đi bộ và giảm đi xe, đặc biệt là phương tiện sử dụng xăng gây hiệu ứng nhà kính (Greenhouse Gas) khiến băng tan ở 2 cực và nóng lên toàn cầu [2];…

Sau đây là đúc kết, với 10 bài học (bí quyết) sống lâu của “Vương quốc tuổi thọ” [3]:

1. Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau củ.

2. Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua.

3. Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả.

4. Bớt ăn chất bột, uống nhiều sữa.

5. Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần.

6. Bớt đi xe, năng đi bộ.

7. Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn.

8. Bớt nóng giận, cười nhiều hơn.

9. Bớt nói, làm nhiều hơn.

10. Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn.

Bạn nghĩ sao về 10 bí quyết trên? Bạn đã thực hành những bí quyết nào để mang lại sự thăng hoa trong cuộc sống với nhiều sự nhiễu loạn ngoại cảnh và nội tâm này? Đâu là điều còn bất cập từ 10 chia sẻ này? Và đâu là bí quyết của chính bạn?
__________________________
Biên tập: Admin [T]
Hình ảnh: Admin [3D]

Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.

Tài liệu tham khảo:

[1] List of countries by Life Expectancy: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_life_expectancy
[2] Hiệu ứng nhà kính: http://www.youtube.com/watch?v=IAp59Rkjimc
[3] Học người Nhật sống khoẻ: http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/56629/Duong-sinh-Hoc-nguoi-Nhat-song-khoe.html

ĐÁNH NHAU BẰNG GẬY


ĐÁNH NHAU BẰNG GẬY
[Personal Development - #WEGREEN]

Trong một tiết học của các sinh viên trường mỹ thuật, vị giáo sư đưa cả lớp xem bức tranh mô tả thân phận con người của Goya, họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha. 

Bức tranh mang tên “Đánh nhau bằng gậy”.

Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân đang xô xát nhau. Mỗi người cầm trên tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ dùi cui để bảo vệ mặt mình.

Nền trời trong xanh không để lộ một nét gì nguy hiểm sắp xảy đến. Người ta không đoán được trời sắp dông bão hay sáng rực nữa.

Cả lớp nhốn nháo. Ai nấy đều lao nhao muốn phát biểu trước. Có sinh viên nói đây là bức tranh diễn tả định luật bảo tồn của con người: “Đấu tranh bảo tồn sinh mạng”.

Sinh viên khác: bức tranh diễn tả mục đích của con người là muốn hạnh phúc vì hạnh phúc là đấu tranh. Sinh viên khác nữa lại phân tích: bức tranh muốn diễn tả chân lý con người là động vật có lý trí, vì chỉ có thú vật mới cắn nhau mà ở đây là thú vật có lý trí nên cắn nhau bằng gậy

Vị giáo sư ra hiệu cho cả lớp im lặng rồi bảo các sinh viên hãy quan sát thật kỹ một lần nữa.

Cả lớp im ăng ắng.

Mãi một lúc sau ông mới chậm rãi nói: "Thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây chỉ là bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: hai người nông dân đang hằm hằm sát khí để loại trừ nhau lại đang mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi đến, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối mà hai người không ai hay biết".

Vị giáo sư ngừng lại hồi lâu rồi nói tiếp: "Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng vào nhau mà do cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.

Thế nhưng thay vì giúp nhau để thoát khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào loài thú dữ: họ cắn xé nhau.

Bức tranh trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua. Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, đói khổ, động đất, khủng bố, chiến tranh… thì con người lại dành giật chém giết lẫn nhau.

Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở một nơi nào đó ngoài cuộc sống của các bạn, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của ta với người xung quanh.

Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm nơi từng con người.

Một trong những cách tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, ta hãy liên đới để bảo vệ nhau, bảo vệ sự sống, bảo vệ hành tinh này".
____________________________
Sưu tầm & Biên tập: Admin [Mizzou] (từ Internet, nhiều tác giả)
Hình ảnh: Admin [3D] & [Mizzou] (Ảnh nền: Fight with Cudgels – Họa sĩ Francisco Goya) @ Wegreen Vietnam

Nguồn: http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=84K3HUwbKHMf1kFbuqTxAmtHMzSBEp5C

Bằng cấp đã bao giờ luôn là sự đảm bảo cho nghề nghiệp ổn định?

Bằng cấp đã bao giờ luôn là sự đảm bảo cho nghề nghiệp ổn định?
[Personal Development - #WEGREEN]

- Todd Hirsch -

Thất nghiệp có lẽ đã trở thành vấn đề không ở riêng quốc gia nào. Mỗi năm có biết bao nhiêu sinh viên nhận bằng cử nhân trên khắp thế giới, nhưng được mấy phần trong số họ ngay lập tức tìm được việc làm ưng ý, và bao nhiêu trong số đó trăn trở với bài toán làm gì, ở đâu?

Sau đây là lá thư của nhà kinh tế học Todd Hirsch chuyển đến những ứng cử viên gửi hồ sơ xin việc đến ban kinh tế của ông. Hi vọng qua việc hiểu được tâm tư của một nhà tuyển dụng, các bạn trẻ sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc học đại học và ý nghĩa thực sự của tấm bằng cử nhân.
---------------------------------------

Gửi các bạn ứng cử viên: cám ơn các bạn đã gửi thư ứng tuyển vào các vị trí trong ban kinh tế của chúng tôi. Trong thời gian này, chúng tôi không tuyển những vị trí đó. Nhưng tôi sẽ lưu lại những lá thư này của các bạn cho những vị trí tuyển dụng phù hợp sau này.

Ít nhất, đó là những gì tôi được yêu cầu phải phải với các bạn. Nhưng đây mới thật sự là những gì tôi muốn nói với các bạn và cũng là nói với những anh chị cử nhân kinh tế vừa gửi cho tôi những lá thư này.

Thứ nhất, tôi hiểu rằng những sinh viên thuộc các ngành xã hội sẽ rất khó khăn khi tìm cho mình một công việc đúng chuyên môn. Hai mươi năm trước, tôi cũng gặp khó khăn như thế. Và nó luôn trong tình trạng tồi tệ như vậy. Nói theo cách nào đó, thì nó giống như là một điều được định sẵn – một nghi lễ nho nhỏ để chào đón người mới vào giới chuyên môn này.

Nhưng nếu có thể, tôi sẽ cho bạn vài lời khuyên.

Đừng quá ràng buộc với việc nhất định phải kiếm được một nghề đúng chuyên ngành. Sự thật là bạn chả có chuyên ngành nào cả. Ở trường, có thể bạn học chuyên về kinh tế, nhưng đó chưa chắc đã là thiên hướng cuối cùng cho công việc chuyên môn của bạn. Thế giới đầy những cơ hội, giới hạn khả năng tìm kiếm công việc cho mình trong khối kinh tế là sự gò bó ngu ngốc khi bạn bắt đầu khởi nghiệp.

Bạn chọn học kinh tế, điều đó không nhất thiết nghĩa là bạn sẽ là một nhà kinh tế. Mà thực ra, nó có nghĩa là bạn có thiên hướng về việc giải quyết các vấn đề. Bạn có thể giỏi xử lý số liệu. Bạn có thể dễ dàng thấy các khía cạnh khác nhau trong một tranh luận. Và tôi cá là bạn cũng phải rất ổn trong việc xử lý các vấn đề liên quan. Đó là những kĩ năng cần cho hàng trăm lãnh vực sinh lời của các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp.

Chuyên môn cuối cùng có bạn có thể lại là bán hàng cho một hãng công nghệ sinh học. Cũng có thể là phân tích dữ liệu tội phạm cho sở cảnh sát thành phố. Hay thậm chí trở thành ngôi sao nhạc Rock (có thể hỏi Mick Jagger). Thế giới này có rất nhiều “chuyên môn”.

Điều mà bạn đang đối mặt bây giờ là vấn đề chung: cầm tấm bằng cử nhân và lo lắng về lĩnh vực mình đã học, liệu nó có đúng chuyên ngành hay không. Thực ra nó không là vấn đề bởi sự khác biệt giữa tấm bằng cử nhân lịch sử, điện ảnh, xã hội học hay văn học vì nữ quyền.

Bạn đã vừa trải nghiệm thành công quãng thời gian 4 năm cho một tấm bằng. Chúc mừng bạn vì điều đó. Đấy nhất định là một nỗ lực không nhỏ. Nhưng giờ đây, bạn đã bước vào một khóa học mới, sẽ kéo dài đến suốt cuộc đời. Đó là khóa học để tìm ra câu trả lời “Tôi đến trái đất vì điều gì?”

Nghe có vẻ giống như những triết lý về hiện sinh và tinh thần, nhưng đừng quẳng nó đi. Nói đơn giản hơn, điều đó có nghĩa là, bạn cần phải vượt qua thử thách này trong đời để biết rằng mình thực sự giỏi về cái gì, và cố gắng phát triển mình theo hướng đó.

Cũng cần thay mặt xã hội này, xin lỗi bạn. Chúng tôi, những người tuyển dụng, xin lỗi vì đã dụ bạn tin rằng vào đại học sẽ đảm bảo có công việc ổn định. Thực ra điều đó không đúng. Những trường cao đẳng dạy nghề sẽ làm việc đó – và bạn sẽ có việc sau khi học nghề. Thế nên lựa chọn tuyệt vời cho bạn sau khi học xong đại học có thể là học nghề.

Nhưng ở giáo dục đại học, với tấm bằng cử nhân, bạn đừng hi vọng tìm được việc. Tấm bằng ấy chỉ khẳng định một điều, bạn có một đầu óc suy nghĩ tốt hơn người khác. Nó chỉ giúp bạn làm sao dễ dàng hấp thu những thông tin phức tạp và đưa ra những tranh luận hợp lý trong tương lai. Đơn giản, nó chỉ giúp bạn biết cách học. Và những kĩ năng ấy, bạn sẽ sử dụng được ở bất kì một lãnh vực nào.

Suy nghĩ cở mở hơn về các khả năng nghề nghiệp. Đừng quá xem trọng việc phải bắt đầu sự nghiệp của mình ở một văn phòng công ty nào đó hay là ở một nơi chân lấm tay bùn. Bạn nên nói chuyện về định hướng công việc tương lai với thật nhiều người. Nhưng đừng bao giờ cho phép mình nghĩ rằng, cử nhân kinh tế mà không là một nhà kinh tế học thì đã phí hoài 4 năm đại học.

Và, hãy luôn giữ thái độ lạc quan. Bởi vì, tôi vẫn luôn giữ những lá thư của các bạn ở đây. Nhưng tôi đoán là khi ban kinh tế của công ty tôi cần người, thì các bạn đều có công việc ổn định cả rồi.

-----------------------------------
Nguồn:
http://www.theglobeandmail.com/report-on-business/economy/economy-lab/new-graduates-have-skills-not-fields/article14558219/

Biên dịch và hình ảnh: Admin TKN
Bản quyền © Wegreen Vietnam

#personaldevelopment#phattriencanhan#bangcunhan#bachelorofarts#colledge#findajob#thatnghiep#timviec